Nguồn: Robert K. Brigham, “A Lost Chance for Peace in Vietnam,” The New York Times, 16/06/2017.
Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Có lẽ không có câu hỏi nào ám ảnh một cách đáng ngại trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam trong năm 1967 hơn câu: Nếu Mỹ và các đối thủ ở Việt Nam có thể đạt được một thoả thuận hoà bình chấp nhận được trước cuộc leo thang lớn Tết Mậu Thân 1968 thì có thể mạng sống của hàng trăm nghìn người đã được cứu. Liệu một hòa ước như vậy có khả thi hay không?
Trong nhiều năm, các học giả và các nhà hoạch định chính sách đã nghiên cứu khả năng này. Nhiều người cho rằng chiến tranh leo thang là không thể đảo ngược, rằng số phận chung của các đối thủ của Mỹ ở Việt Nam là định mệnh, như thực tế đã cho thấy. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một hướng mới. Viễn cảnh hoà bình có thể đã sáng sủa hơn những gì người ta nghĩ. Như trêu ngươi, một cách tiếp cận đã suýt thành công: đó là các cuộc hội đàm bí mật giữa Washington và Hà Nội bắt đầu từ tháng 6 năm 1967, dưới mật danh “Pennsylvania.”
Kế hoạch Pennsylvania bắt đầu khi hai nhà khoa học người Pháp, Herbert Marcovitch và Raymond Aubrac, tiếp cận Henry Kissinger, khi đó là giáo sư ở Harvard, để đề nghị làm trung gian thúc đẩy đàm phán giữa Mỹ và Bắc Việt. Kissinger là cố vấn chiến tranh cho chính quyền Johnson và háo hức làm mọi chuyện có thể để lấy lòng tổng thống. Aubrac là bạn lâu năm của Hồ Chí Minh và hứa sẽ chuyển tin đến nhà lãnh đạo lớn tuổi này nếu Lyndon Johnson có thông điệp mới. Kissinger chuyển đề xuất này tới Ngoại trưởng Dean Rusk, cùng một bản sao gửi Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara.
McNamara dẫn đầu các động thái ngoại giao trong kế hoạch Pennsylvania. Vốn cam kết tìm một con đường đàm phán để rút khỏi Việt Nam, ông đẩy mạnh kế hoạch này trong một bữa trưa thứ Ba cùng với Tổng thống Johnson và các cố vấn chủ chốt. Tuy nhiên Johnson lại hoài nghi về mọi cuộc đàm phán với phía Cộng sản, bác bỏ đề xuất của Pháp “lại là một con đường mù mịt không dẫn đến đâu.” Nhưng McNamara vẫn kiên trì, và cuối cùng Tổng thống đã nhượng bộ, cho phép Bộ trưởng Quốc phòng McNamara thiết lập liên lạc thông qua Marcovitch và Aubrac, hướng đến mục tiêu đàm phán hoà bình – miễn là ông không làm gì để Mỹ phải xấu hổ.
Đầu tháng 7, Marcovitch và Aubrac đến Hà Nội và trình cái gọi là đề xuất Pha A/Pha B của chính quyền Johnson đến giới lãnh đạo Hà Nội. Mỹ sẽ ngừng ném bom, đổi lại Hà Nội phải đảm bảo ngừng thâm nhập vào các vùng chủ chốt ở Nam Việt. Khi Bắc Việt đã hành động, Mỹ sẽ cho đóng băng lực lượng chiến đấu ở mức hiện có và đàm phán hoà bình có thể bắt đầu. Đây là một bước tiến đáng kể so với việc trước đây Johnson nhất định muốn hai bên cùng xuống thang. Tổng thống đã chấp nhận đánh cược, hy vọng sẽ xoa dịu được phe tự do trong Quốc hội và những người biểu tình chống chiến tranh, vốn đã lập kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Washington vào tháng 10. Johnson luôn có thể tiếp tục ném bom nếu không có gì trong mối liên lạc này được thực chất hóa.
Những kết quả ban đầu của kế hoạch Pennsylvania có vẻ hứa hẹn. Aubrac và Marcovitch đến Hà Nội ngày 24 tháng 7 năm 1967, sau đó gặp Hồ Chí Minh và thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cuộc gặp với Hồ Chí Minh nhìn chung chỉ mang tính thủ tục, nhưng cuộc gặp với Phạm Văn Đồng thì thực chất và hiệu quả. Ông Đồng nhấn mạnh rằng Bắc Việt sẽ không thể đàm phán trong khi còn bị ném bom, nhưng bất ngờ tỏ ý Hà Nội sẽ không yêu cầu Mỹ phải thông báo công khai việc ngừng ném bom, cứu vớt Johnson khỏi một vấn đề chính trị tiềm tàng. Nếu Mỹ ngừng ném bom, ông Đồng đảm bảo với các vị khách của mình, đàm phán có thể bắt đầu ngay lập tức.
Johnson, mặc dù thận trọng, đã quyết định tiến hành ngừng ném bom mà không tham vấn các đồng minh Nam Việt hay chỉ huy quân đội của mình để bắt đầu đàm phán. Johnson uỷ quyền cho Kissinger đề nghị Aubrac và Marcovitch thông báo với lãnh đạo Bắc Việt rằng Mỹ sẽ ngừng ném bom quanh Hà Nội thêm 10 ngày bắt đầu từ ngày 24 tháng 8, đúng dịp chuyến thăm dự định tiếp theo của hai nhà khoa học Pháp. Hà Nội đồng ý rằng đây là một thay đổi hiệu quả trong lập trường của Mỹ và là kết quả tích cực của kênh liên lạc Pennsylvania.
Lần đầu tiên trong nhiều năm, có vẻ như hai bên đều nghiêm túc về việc đàm phán. Chet Cooper, trợ lý cho W. Averell Harriman, “đại sứ hoà bình” của Johnson, đã gọi Pennsylvania là cơ hội cuối tốt nhất cho hoà bình, biết rằng nếu không thì chiến tranh sẽ rất có thể leo thang.
Ngày Aubrac và Marcovitch chuẩn bị rời Paris đến Hà Nội, máy bay Mỹ đã tấn công hơn 200 lần vào Bắc Việt, nhiều hơn mọi ngày trước đó. Lý giải chính thức cho thời điểm tệ hại này là các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ đầu tháng nhưng bị hoãn lại do thời tiết xấu. Khi trời trở đẹp hôm 20 tháng 8, các cuộc ném bom được tiếp tục theo quy trình và kéo dài bốn ngày.
Hà Nội đã công khai các cuộc tấn công mới, cáo buộc Johnson dùng đề xuất ngừng ném bom để đánh lạc hướng trong khi đẩy chiến tranh leo thang. Johnson phủ nhận cáo buộc này nhưng không thể che giấu sự thật là ông đã phê duyệt leo thang cuộc ném bom chỉ hai ngày trước khi nó bắt đầu, hôm 18 tháng 8, và dùng thời tiết làm vỏ bọc tiện lợi cho hành động của mình.
Có lẽ ông tin rằng Mỹ phải tấn công mọi mục tiêu có thể trước khi ngừng ném bom phòng khi Mỹ không có cơ hội khác. Johnson thậm chí còn phê duyệt một mục tiêu với lý do là nếu đàm phán với Hà Nội có kết quả thì ông sẽ không thể phê duyệt mục tiêu đó sau này. Ngay từ đầu, Johnson đã luôn hoài nghi về mối liên lạc Pennsylvania. Sau này ông nói rằng Mỹ không bao giờ nên ngừng ném bom chỉ vì “hai vị giáo sư đang gặp gỡ.” Johnson tuyệt đối tin chắc rằng cuộc ném bom đang gây thiệt hại cho Bắc Việt và muốn tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa.”
Nhưng Johnson chưa bao giờ xem xét các cuộc ném bom tăng cường sẽ có vai trò như thế nào ở Hà Nội, và điều đó nói lên nhiều điều về việc các nhà lãnh đạo Mỹ đã đâm đầu vào chiến tranh ở Việt Nam như thế nào. Thậm chí sau hàng chục cuộc liên lạc hoà bình bí mật thất bại trước Pennsylvania, chính quyền Johnson cũng không thể thấy rằng công khai leo thang ném bom ngay trước một sứ mệnh hoà bình khả dĩ sẽ không thể mang lại thành công ngoại giao.
Các cuộc ném bom không chỉ giết chết các cuộc hoà đàm bí mật mà còn trực tiếp đem lại cái cớ cho phe cứng rắn trong Quân ủy Trung ương ở Hà Nội, những người luôn chống lại đàm phán dưới bất kỳ dạng thức nào. Bác bỏ ý kiến của một vài người trong Bộ Ngoại giao, phe chủ chiến ở Hà Nội nay có mọi bằng chứng họ cần rằng Mỹ không nghiêm túc về việc đàm phán. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam kết luận rằng Bắc Việt không còn lựa chọn nào khác ngoài chịu đựng các cuộc ném bom trong lúc đồng thời làm xói mòn khả năng Mỹ ở lại Nam Việt.
Bắc Việt đã tăng cường thâm nhập vào Nam Việt để chuẩn bị cho một cuộc leo thang chiến tranh lớn vào đầu năm 1968. Tướng William Westmoreland đã cảm nhận được sự chuẩn bị này và đề nghị Johnson tăng cường lực lượng quân đội Mỹ ở Việt Nam. Số lượng lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam tăng lên hơn 500.000 người chỉ trong vài tháng sau khi Pennsylvania thất bại.
Các cuộc đàm phán đã thất bại bởi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ở Washington và Hà Nội đã không dám nắm lấy một cơ hội hoà bình. Phe cứng rắn trong giới lãnh đạo Việt Nam đã thắng thế vào cái ngày liên lạc Pennsylvania sụp đổ. Họ đã thúc đẩy leo thang quân sự nhanh chóng ở miền Nam Việt Nam, tin tưởng một cách sai lầm rằng cuộc tấn công Tết Mậu Thân dự kiến sẽ dẫn đến một cuộc tổng nổi dậy, từ đó lật đổ chính phủ Sài Gòn và buộc Mỹ phải rút quân hoàn toàn. Ngược lại, Johnson đã tuyệt vọng cố gắng để ngỏ các lựa chọn của mình bằng cách đẩy mạnh ném bom ngay trước khi ngừng ném, nhưng cuối cùng lại thu hẹp chính các lựa chọn của mình.
Cố gắng xoa dịu cả các thành viên phản chiến của Quốc hội lẫn các tướng lĩnh muốn một cuộc chiến sâu rộng hơn, Johnson cố gắng tìm kiếm một giải pháp trung dung khi không có giải pháp nào như vậy. Ông chưa bao giờ hoàn toàn hứng thú với các cuộc đàm phán, và tin rằng chiến tranh phải diễn ra bất chấp chi phí và rủi ro, do đó không thể cân bằng các lợi ích và ý tưởng đối lập nhau. Tất nhiên, Johnson cũng chưa bao giờ tham vấn các đồng minh ở Sài Gòn về các cuộc hoà đàm bí mật, điều có thể đã đem lại thêm một khía cạnh rắc rối cho bất cứ thoả thuận nào.
Trớ trêu là trong vòng chín tháng sau khi Pennsylvania thất bại, Mỹ lại tham gia đàm phán với Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng Dân tộc (Việt Cộng), cuối cùng dẫn đến việc Mỹ phải đơn phương rút quân và một lệnh ngừng bắn năm 1973, cho phép 10 đơn vị bộ binh Bắc Việt ở lại miền Nam. Thất bại của cơ hội cuối cùng tốt nhất cho hoà bình đã định hình cuộc chiến những năm sau đó.
Robert K. Brigham là giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế tại Vassar College.