Nguồn: Gregory Daddis, “Johnson, Westmoreland and the ‘Selling’ of Vietnam”, The New York Times, 09/05/2017.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tính đến đầu năm 1967, quân đội Mỹ và đồng minh vẫn kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan tại Việt Nam. Trước công luận, các tướng lĩnh tuyên bố cuộc chiến đang tiến triển tích cực; nhưng các quan chức Quân đội lại rỉ tai các phóng viên rằng cuộc chiến “còn lâu mới đi đến hồi kết”. Hơn nữa, truyền thông còn tăng cường nhấn mạnh vào sự bối rối của chính Lyndon B. Johnson. Một nhà báo thậm chí còn cho rằng ngài tổng thống đang cảm thấy “dằn vặt do sự trì trệ” trong việc huy động nguồn lực cho cuộc chiến.
Luôn chú ý đến các xu hướng chính trị trong nước, vào mùa xuân năm đó ngài tổng thống đã phản ứng bằng chiến dịch kéo dài một năm không chỉ nhằm “vận động” cho chính sách Đông Nam Á của mình, mà còn bác bỏ các cáo buộc rằng cuộc chiến đang bế tắc ở Việt Nam. Johnson bắt đầu chuyến đi tranh cử vào tháng Tư bằng việc đưa Tư lệnh Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự tại Việt Nam, Tướng William Westmoreland, đi cùng để báo cáo về tiến triển của cuộc chiến. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ một vị tổng thống phải triệu hồi một chỉ huy trên chiến trường trong thời chiến để thay mặt chính quyền giải trình.
Vào thời điểm đó, Westmoreland có vẻ là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của nước Mỹ thời hậu Thế chiến II. Bằng việc xướng tên Westmoreland là “Người đàn ông của năm” trong năm 1965, tạp chí Time đã gọi vị tướng bốn sao là “người đàn ông cao một thước tám có chiếc cằm nhô” (jut-jawed six-footer) và cũng là một “người thẳng thắn và kiên định”. Westmoreland, cựu binh từng tham gia hai cuộc chiến trước khi đến Việt Nam, từng chỉ huy Sư đoàn Không vận 101 trứ danh và Giám đốc Học viện Quân sự West Point. Bằng việc kế nhiệm nhiều vai trò của một bộ chỉ huy mang tính nhạy cảm chính trị như ở Việt Nam, tạp chí Time châm biếm rằng Westmoreland còn đội “nhiều mũ hơn cả Hedda Hopper” (nữ diễn viên nổi tiếng với nhiều kiểu mũ khác nhau – NBT).
Tuy nhiên trong năm 1965, Westmoreland chỉ có duy nhất một mục tiêu chiến lược – cứu vãn xu thế thất bại của Mỹ. Theo nhiều nguồn phân tích, chính quyền Nam Việt Nam đang bấp bênh bên bờ sụp đổ. Hà Nội đang gửi các trung đoàn bộ binh vào miền Nam Việt Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng. Các quan chức địa phương là mục tiêu của những hành động khủng bố. Quân đội Nam Việt Nam (được biết đến với tên gọi chính thức là Quân đội Việt Nam Cộng hoà, hay gọi tắt là A.R.V.N.) cho thấy sự bất lực trước tình trạng bạo lực leo thang.
Tuy nhiên, Westmoreland nhận ra rằng, việc giành lại thế chủ động chiến lược quan trọng hơn là chỉ giết chóc kẻ thù. Thay vào đó, các chiến dịch quân sự là phương tiện nhắm tới mục đích cuối cùng lớn hơn. Tóm gọn lại, các thắng lợi trên chiến trường đều có mục đích chính trị.
Vì vậy, từ năm 1966 đến đầu năm 1967, các lực lượng quân đội Mỹ đảm trách nhiệm vụ mở rộng phạm vi kiểm soát của chính quyền Sài Gòn lên người dân. Họ sát cánh chiến đấu cùng A.R.V.N. và các lực lượng dân quân địa phương nhằm chống lại các lực lượng chính của kẻ thù và các đơn vị nổi dậy. Họ tiến hành các kế hoạch hành động dân sự phi quân sự, chẳng hạn chăm sóc y tế ở vùng sâu, vùng xa và đào tạo quản lí hành chính cho các quan chức cấp quận huyện. Và họ tiến hành các chương trình với mục đích “thu phục lòng dân”.
Trái ngược với những gì được mô tả sau này trên truyền thông và sách lịch sử, cuộc chiến của Westmoreland cho thấy mục tiêu rộng lớn hơn chứ không chỉ đơn thuần là làm kẻ thù tiêu hao và đếm số lượng tử thi chỉ vì một “cảm giác tự hào quân sự sai lầm”.
Dĩ nhiên có hàng tá những khó khăn trong việc tiến hành một chiến dịch trên quy mô rộng khắp như vậy, cân bằng một cuộc chiến mà bản chất chính trị và quân sự của nó ngang ngửa nhau. Westmoreland phải vật lộn với tình hình chính trị đảng phái bất hoà tại Sài Gòn, đối mặt với một thông điệp dân tộc chủ nghĩa kết hợp với cộng sản chủ nghĩa vang khắp các miền quê Nam Việt Nam, và một kẻ địch đáng gờm luôn mong muốn thống nhất và giải phóng Việt Nam khỏi ảnh hưởng của phương Tây.
Nhưng điều phiền toái nhất có lẽ là đến năm 1967, các chỉ huy quân sự Mỹ phải đối mặt các chất vấn từ quê nhà về việc những hi sinh cho cuộc chiến chỉ mang lại những kết quả mơ hồ. Thời gian càng trôi qua thì những từ như “bế tắc” và “sa lầy” dần trở nên phổ biến khi đánh giá về chiến lược và cơ hội chiến thắng của Mỹ tại Đông Nam Á.
Việc bổ nhiệm Westmoreland vào vị trí tổng đại diện cho tổng thống vào mùa xuân năm 1967 dù vậy lại cho thấy chính bản thân Johnson và cả nước Mỹ tiếp tục duy trì cuộc chiến. Johnson dự định “chiến lược thuyết phục” của mình sẽ biện hộ cho nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam, đẩy lùi các chất vấn về tính khả thi trong các chính sách của ông. Vị tướng chỉ huy chiến trường cao cấp nhất sẽ bác bỏ những lời chỉ trích bằng việc thông báo những tiến triển tích cực.
Tại điểm dừng chân đầu tiên của Westmoreland – bữa tiệc trưa thường niên dành cho các biên tập viên của hãng A.P. vào ngày 25/04 – vị tướng khẳng định rằng số phận của Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới tương lai của tất cả “các quốc gia mới nổi”. Ông ca ngợi binh lính của mình khi đã giải cứu chính quyền Sài Gòn “khỏi bờ vực thất bại”, trong khi nhấn mạnh tính phức tạp của loại hình chiến tranh này – “một cuộc chiến vừa mang tính lật đổ vừa mang tính xâm lược, một cuộc chiến mà các nhân tố chính trị lẫn tâm lí đều có vai trò quan trọng”. Và trong khi Westmoreland tự tin phác hoạ một thế cục quân sự thuận lợi, ông hai lần nhấn mạnh quan điểm có lẽ khiến Johnson phải xấu hổ. “Tôi không nhìn thấy kết cục nào cho cuộc chiến.”
Ba ngày sau Westmoreland lại có một bài phát biểu còn quan trọng hơn bài phát biểu tại A.P. Trong một phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội, vị tướng, theo một báo cáo, khiến các nhà lập pháp “hò reo vui mừng” khi cam đoan rằng sự chỉ huy của ông sẽ “thắng thế trước những kẻ cộng sản xâm lăng tại Việt Nam”. (Loại ngôn từ này nhắc tới nguy cơ bên ngoài nhiều hơn bên trong.) Tuy nhiên, Westmoreland lưu ý rằng chỉ thắng lợi quân sự thôi sẽ không đủ để dẫn đến “một kết thúc nhanh chóng và quyết định cho cuộc xung đột”. Kẻ thù vẫn đang phát động một “cuộc chiến tranh toàn diện cả ngày – mọi ngày – và ở mọi nơi.” Westmoreland vẫn cho rằng chỉ có một chiến lược “tạo sức ép không khoan nhượng nhưng sáng suốt về cả quân sự, chính trị lẫn tâm lý” lên kẻ thù mới dẫn đến thắng lợi.
Westmoreland chưa hề nhắc đến vấn đề bế tắc. Dù kẻ thù “còn lâu mới từ bỏ”, lực lượng Mỹ nếu được quê nhà hỗ trợ “một cách quyết tâm, tự tin, kiên nhẫn, kiên định và liên tục” thì vẫn sẽ đi đến thắng lợi.
Các nhà phê bình dù ấn tượng với phát biểu của vị tướng, vẫn cho rằng Westmoreland không thể lay chuyển được niềm tin của ai. Tom Wicker của tờ Thời báo New York nhận thấy luận điệu này không khác gì đề nghị của Johnson nhằm “sử dụng danh tiếng quân sự của vị tướng để giúp chính quyền giải quyết vấn đề duy trì hỗ trợ chính trị tại quê nhà”. Bất chấp những lời tán dương, Westmoreland đã quay lại Việt Nam mà chỉ thuyết phục được một số ít ỏi đáng giá ở Washington.
Chiến dịch thuyết phục của Johnson thất bại ở hai cấp độ. Westmoreland đã không thuyết phục được các đối thủ của tổng thống rằng chính sách của Mỹ tại Việt Nam đang tiến triển tích cực một cách thực chất. Và quan trọng hơn, những bài phát biểu đó cũng không khiến công luận Mỹ hiểu được thực trạng phức tạp của cuộc chiến đang diễn ra ở Nam Việt Nam.
Sự thật là Westmoreland không thể làm rõ được bản chất rối rắm của một cuộc xung đột về bản sắc dân tộc của Việt Nam mà không chủ thể nước ngoài nào có thể giải quyết được. Cuộc chiến vẫn tiếp tục “không thể định nghĩa được” như xưa nay.
Năm 1967 khép lại sau khi Westmoreland quay lại tổng hành dinh của Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV), ngày càng có nhiều bắng chứng phô bày tình trạng có vẻ thật sự bế tắc của cuộc chiến. Các nhà phê bình chỉ trích chất lượng của các lực lượng chiến đấu của Nam Việt Nam. Chương trình bình định hoá đang “lung lay trên bờ sụp đổ”. Cuộc cải tổ chính trị ở Sài Gòn – đến năm 1967, một diễn biến bình thường làm các quan chức Mỹ kiệt sức – có vẻ phản ánh những bất ổn an ninh tại vùng nông thôn. Khi năm 1967 kết thúc, cuộc chiến xoay quanh việc đo lường mức độ “tiến triển” song hành với sự khốc liệt của chính bản thân cuộc chiến.
Đặt các cuộc tranh luận qua một bên, các tuyên bố công khai của Westmoreland vào tháng 04/1967 cho thấy một góc nhìn hữu ích về cách người Mỹ nói về chiến tranh, cụ thể là các chiến lược dùng để thắng trận. Trong suốt nhiệm kỳ tại Việt Nam, Westmoreland phải vật lộn để tìm ra cách tốt nhất để truyền đạt cho một số lượng thính giả đông đảo và đa dạng về những phức tạp của cuộc chiến vốn không giống như những chiến trường truyền thống của Thế Chiến II. Như một quan chức của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn từng thừa nhận, “Tôi không thể đưa ra được bất kỳ tuyên bố tích cực nào về Việt Nam mà lại thật sự không mâu thuẫn với các tuyên bố khác.”
Nhưng nếu cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam thật sự “là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt của đất nước chúng ta”, 50 năm sau, nó vẫn có thể nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải chấp nhận các sắc thái của chiến tranh.
Chiến tranh là hỗn loạn và rối loạn. Không có giải thích nào là dễ dàng. Thế nhưng chúng ta cứ sử dụng các ngôn ngữ sáo mòn một cách thường xuyên. Trên thực tế, với Việt Nam, những khái niệm lâu đời như “đếm số lượng tử thi” và “chiến tranh tiêu hao”, một xu hướng cơ bản trong các diễn giải lịch sử, chẳng giúp được bao nhiêu trong việc thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về một vấn đề quân sự-chính trị vốn vẫn luôn phức tạp.
Cách mà chúng ta – dù là các chính trị gia, nhà báo, nhà sử học, hay quần chúng – nói về chiến tranh, thời đó và thời nay, rất quan trọng. Giảm thiểu sự phức tạp của chiến tranh chỉ còn một cụm từ – chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến “tiêu hao” hay giả dụ thắng lợi tại Iraq là kết quả của một sự “trỗi dậy” – là đơn giản hoá một cách nguy hiểm. Ngôn ngữ thô sơ làm mất đi sự hỗn loạn sẵn có vốn là trọng tâm của một trong nỗ lực chết chóc nhất của loài người này. Những giải thích dễ dàng cho chiến thắng và thất bại càng khiến chúng ta khó mà hiểu được những gì đã thật sự xảy ra và càng khiến ta ít sẵn sàng để hiểu về cuộc xung đột tiếp theo hơn.
Và cuối cùng, đơn giản hoá chiến tranh lại khiến chúng ta trở nên dễ dàng gây chiến hơn.
Gregory Daddis là phó giáo sư sử học tại Đại học Chapman và là tác giả cuốn “Westmoreland’s War: Reassessing American Strategy in Vietnam.”