Chiến tranh Việt Nam: Cuộc chiến đầu tiên được truyền hình

Nguồn: Ronald Steinman, “The First Televised War”, The New York Times, 07/04/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Giữa tháng 04/1966, tôi đến Sài Gòn với tư cách là giám đốc văn phòng mới của đài NBC. Công việc của tôi, nóimột cách đơn giản, là cung cấp cho NBC News một câu chuyện dài bất tận về cuộc chiến. Tôi hiểu rằng sẽ chẳng tài nào được thảnh thơi, chẳng thể có ngày nào được xả hơi khi những câu chuyện cứ ào ào đổ về văn phòng.

Việt Nam là nơi đầu tiên mà chiến tranh được truyền hình thực sự; không thể tách rời cuộc chiến với những phương tiện giúp hàng triệu người Mỹ trải nghiệm nó. Để hiểu chiến tranh, người ta cần hiểu cách mà NBC – cũng như các đồng nghiệp của chúng tôi tại CBS và ABC – đã định hình câu chuyện mà họ kể.

Dân trong ngành truyền hình hiểu rõ vai trò của mình. Chúng tôi có mặt ở khắp mọi nơi. NBC News đặt văn phòng trên khắp thế giới, nhưng về quy mô và phạm vi, không đâu giống như ở Sài Gòn.

Thông thường, chỉ cần một phóng viên cùng một đội hỗ trợ hai người, và một vài nhân viên văn phòng  là đủ để vận hành một văn phòng tin tức ở nước ngoài. Sài Gòn thì khác. Chúng tôi có năm phóng viên, năm đội quay phim, mỗi đội gồm một nhân viên camera quay hình và một người khác phụ trách âm thanh, ngoài ra còn có một phóng viên đài phát thanh làm việc toàn thời gian, và một kỹ sư giúp đảm bảo rằng thiết bị luôn hoạt động. Nhân viên tại văn phòng của tôi bao gồm người Nhật, người Đức, người Hàn Quốc vừa chạy trốn khỏi Chiến tranh Triều Tiên, người Pháp, người Anh, người Ireland, người Israel – và thậm chí một vài người Mỹ. Tôi có năm tài xế người Việt Nam, họ sở hữu xe riêng, và thường tự tay lái ra mặt trận để đưa tin, đặc biệt là ở khu vực Sài Gòn. Tôi cũng sử dụng nhiều nhà quay phim tự do, thường là người Hàn, để phụ trách tin tức ở những vùng miền khác của Việt Nam, nơi NBC News hiếm khi đi tới. Với khoảng 500.000 lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, thật khó mà tự tay thu thập được toàn bộ tin tức.

Trên cương vị giám đốc văn phòng, tôi còn thuê thêm một quản lý văn phòng toàn thời gian, một cô gái trẻ người Việt chịu trách nhiệm khâu giấy tờ xuất – nhập cảnh vào Sài Gòn, mua các nhu yếu phẩm, chi trả các hóa đơn và đôi khi còn tham gia đàm phán và phiên dịch nếu cần. Tôi cũng có hai phóng viên Việt Nam giàu kinh nghiệm trong đội ngũ của mình, những người rong ruổi khắp mọi ngõ ngách trên đường phố và trong các cơ quan của chính phủ Việt Nam, báo cáo lại những gì họ nghe được. Phần lớn những gì tôi nghe được từ họ đã giúp tôi hiểu về Việt Nam, nhưng rất ít trong số chúng được đề cập trong các bản tin. Dù vậy, những hiểu biết ấy vẫn là vô giá.

NBC sử dụng các thiết bị với công nghệ tiên tiến nhất trong thập niên 1960. Chúng tôi sở hữu camera có ghi âm Auricon, với cuộn film dài 400 feet (122 m) có khả năng ghi lại 12 phút phim, và một dải băng từ mỏng giúp ghi lại âm thanh. Tại hiện trường, các thành viên của đoàn luôn mang thêm các cuộn phim bổ sung và pin dự phòng được sạc đầy đặt trong túi màu đen để nhanh chóng thay những cuộn phim đã dùng hết. (Việc đổi cuộn phim trên chiến trường, dù nghe nhẹ nhàng, cũng là việc đặc biệt khó khăn và nguy hiểm.) Tính cả khung đeo trên vai, toàn bộ dàn đạo cụ có thể nặng tới 36 pounds (16,3 kg) – nặng ghê gớm, đặc biệt là khi ở trong rừng rậm hoặc trên sườn núi giữa một trận đánh. Mỗi người quay phim còn mang theo một máy quay Bell & Howell 16 mm loại nhỏ hơn, khó bị phá hủy hơn, có thể quay được ba phút phim câm. Đôi khi người phụ trách âm thanh còn mang theo một bộ ghi âm khá nặng, thường đi kèm băng cối và đèn chạy pin cầm tay.

Nhân viên người Việt của tôi thường tập khiêng chiếc camera Auricon nặng trĩu trên vai đi quanh văn phòng hàng giờ với hy vọng một ngày nào đó họ có thể trở thành người quay phim, một công việc mang lại nhiều tiền bạc và danh tiếng, nhưng đồng thời cũng nguy hiểm hơn – và mang về những câu chuyện dài bất tận để kể trên bàn cà phê. Một số đã đạt được ý muốn. Số khác thì không. Bản thân tôi thấy may mắn vì chẳng bao giờ phải mang theo máy quay phim và thiết bị. Tôi thực sự ngạc nhiên trước cách các đồng nghiệp người Việt đã làm được điều đó, đặc biệt là với những người có vóc dáng nhỏ thó.

Tuy nhiên, so với các văn phòng tin tức ở nơi khác, cơ sở vật chất của chúng tôi vẫn còn kém xa. Hệ thống điện thoại của quân đội Mỹ ở Sài Gòn cực kỳ ít. Hệ thống điện thoại của Sài Gòn cũng chẳng khá hơn. Phần lớn thông tin của tôi đến từ liên hệ trực tiếp, với các nguồn tin quân sự hoặc ngoại giao đang làm việc tại trụ sở, đôi khi tôi gặp họ trong bữa trưa, hoặc bữa tối, hoặc cùng nhau đi uống, hoặc thưởng thức cà phê và bánh ngọt tại địa điểm yêu thích của tôi, quán Givral.

Hầu hết mọi ngày đều bắt đầu từ lúc 4 hoặc 5 giờ sáng. Tôi gặp một vài nhân viên tại văn phòng khi họ chuẩn bị ghi lại những tin tức mới nhất về chiến dịch của người Mỹ. Không có giới hạn về địa điểm. Nếu chúng tôi đượcphép đến nơi đang triển khai một chiến dịch quân sự, chúng tôi sẽ đưa tin về nó. Trong phần lớn thời gian, quân đội Mỹ rất hợp tác. Các tài xế sẽ đưa đoàn phóng viên đến bãi trực thăng tại sân bay Tân Sơn Nhất, nơi các phóng viên sẽ lên một chiếc trực thăng quân sự để ra chiến trường. Đôi khi họ đi bằng máy bay và sau đó đi bằng xe jeep. Các đội sẽ trở về Sài Gòn khi họ có trong tay một câu chuyện. Thông thường phóng viên viết và ghi lại bản tin ngay khi còn đang ở trên chiến trường.

Khi có thông tin chi tiết về một câu chuyện, tôi liền cẩn trọng soạn một tin nhắn Teletype gửi về trụ sở ở New York. Bởi vì chúng tôi không thể tự xử lý hoặc biên tập phim ở Sài Gòn, tôi đã phác thảo câu chuyện và ý nghĩa của nó, liệt kê đội ngũ và mô tả những gì có trên mỗi cuộn phim. Tôi trình bày cho các biên tập viên cách xử lý cuộn phim và gửi kèm một bản sao của lời dẫn nếu có. Cạnh tranh là sống còn, vì vậy tôi sẽ thông báo nếu một đài truyền hình khác cũng có mặt ở hiện trường.

Người quay phim sẽ đặt bộ phim, bản hướng dẫn cách xử lý, nội dung bản tin đã ghi sẵn, cùng bất kỳ đoạn ghi âm hay các ghi chú nào khác vào một chiếc túi NBC màu đỏ đặc biệt. Nếu có thể, đội sẽ tự tay giao chúng, hoặc những người ở văn phòng sẽ làm thay, cho một hãng hàng không thương mại ở Tân Sơn Nhất để vận chuyển. Nó thường được một thành viên của đoàn mang đến Tokyo, Bangkok, London hoặc một nơi khác, để các nhà sản xuất biên tập và phát sóng.

Chúng tôi quay các cuộc biểu tình trên đường phố và các cuộc tấn công khủng bố, chúng tôi tạo ra những câu chuyện về tình hình chính trị và xã hội. Nhưng công việc quan trọng nhất của chúng tôi ở văn phòng này là cập nhật liên tục cho nước Mỹ về những gì chúng ta gọi là tình hình chiến trường, nghĩa là thể hiện càng nhiều càng tốt hình ảnh các quân nhân Mỹ khi tác chiến, các vấn đề của họ và sự nguy hiểm của chiến tranh.

Chúng tôi hiếm khi được chứng kiến các biên tập viên và nhà sản xuất biên tập câu chuyện của mình ra sao. Chất lượng và độ chính xác trong các sản phẩm của chúng tôi rất cao, vì vậy điều đó không hẳn là vấn đề đối với các nhân viên. Chúng tôi biết chương trình nào của NBC sử dụng câu chuyện của mình, bởi vì tôi luôn nhận được báo cáo mỗi ngày, thường đi kèm những lời phê bình đôi khi hữu ích, đôi khi không. Nhưng những báo cáo đó quan trọng là về mặt tinh thần, bởi đây là cách nhân viên biết rằng nhà sản xuất chương trình đánh giá cao công việc của họ.

Sự thật là phần lớn những gì bản tin của chúng tôi đề cập trong năm 1967 là cùng một chủ đề, ngày qua ngày. Đến thời điểm đó, việc xây dựng một đội quân Mỹ lên tới nửa triệu người đã hoàn tất. Chúng tôi đã ghi lại hầu hết mọi chuyển động, đặc biệt là những gì liên quan đến các chiến dịch lớn của Mỹ. Thời tiết hầu như không thay đổi, ngoại trừ vào mùa mưa. Ghi hình chiến trường quả là công việc không bao giờ dứt khi chúng tôi sống và làm việc cùng với các binh sĩ.

Chẳng có sự kiện nào khiến tôi phải gọi là trận đánh lớn hoặc đáng nhớ năm đó. Trong giai đoạn đầu, có những trận đánh gần Khe Sanh để giành quyền kiểm soát những con đường mòn vào Lào, vốn trở thành tiền đề của những sự kiện sau đó. Cũng có những trận đánh dữ dội ở Tây Nguyên, chủ yếu là xung quanh thành phố Pleiku và Đăk Tô. Ngoài ra, có Chiến dịch Buffalo đẫm máu với sự tham gia của dàn Thủy quân Lục chiến trên những chiến hào dọc theo khu phi quân sự, đặc biệt là tại Cồn Tiên. Cũng có những chiến dịch được triển khai gần Campuchia như Junction City, với hàng ngàn binh sĩ và một đơn vị nhảy dù cố gắng nhưng đã thất bại trong việc tìm kiếm cáccăn cứ địa của Việt Cộng.

Dẫu vậy, chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được điều gì đó đang xoay chuyển – mặc dù không phải theo cách mà các vị tướng hy vọng. Thay vì tình thế cuộc chiến thay đổi và cho thấy sự tiến bộ, con số thương vong của Mỹ lại bất ngờ nhảy vọt lên 5.373 người vào năm 1967, cao hơn tận 2.000 người so với cùng kỳ năm trước. Chiến tranh tiếp tục không suy giảm, như thể có một sự bế tắc kỳ lạ đã xuất hiện mà không ai có thể nhận ra bao giờ nó sẽ kết thúc.

Đó là một năm khó khăn, và khốc liệt theo cách chỉ có thể gặp ở một cuộc chiến không có điểm dừng. Không có vinh quang. Chiến tranh làm mọi người suy sụp với những cuộc tranh giành lãnh thổ đầy gian khổ, chuyển từ taybên này sang bên kia, và không có kết quả rõ ràng nào, nhưng tôi tin rằng đó là điều đã chuẩn bị mọi người cho trận Tết Mậu Thân cuối tháng 01/1968. Là một nhà báo, làm việc cho lực lượng Mỹ, mọi thứ trong năm 1967 đềuchứng minh giá trị của nó trong việc ghi lại một cuộc chiến rất cơ động, ngày càng xấu xí và khó có thể chiến thắng.

Ronald Steinman là tác giả của cuốn hồi ký “Inside Television’s First War: A Saigon Journal.”