Trước 75, Khai Trí là nhà sách nổi tiếng nhất Sài Gòn, không ai không biết. Câu chuyện về nhà sách này cũng gắn liền với cuộc đời thăng trầm của ông Nguyễn Hùng Trương mà người thời bấy giờ thường gọi là “ông Khai Trí”.
Cậu học trò mê sách
Ông Nguyễn Hùng Trương sinh năm 1926 ở Thủ Đức, thuở nhỏ đam mê đọc sách nên thường nhịn ăn sáng để có tiền mua.
Lên trung học, ông vào học ngôi trường nổi tiếng Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong) ở quận 5. Bấy giờ nhà ông ở Thủ Đức, cách xa trường, nên ông phải ở lại trường, cuối tuần đạp xe về nhà, thứ 2 đầu tuần lại đạp xe đến trường.
Dù tiền sinh hoạt không nhiều, nhưng vì nhịn ăn nên cứ chiều thứ 2 là ông mua sách. Sách mà ông mua chủ yếu là sách nước ngoài. Đến năm 1940, số sách ông sở hữu đã đủ để lập thành một tủ sách rất có giá trị.
Sau khi ra trường, ông Nguyễn Hùng Trương lấy vợ là người bạn từ thuở hàn vi, bà Phùng Thị Bông. Hàng ngày vợ chồng ông bán sách trên xe đẩy trước trường Chassesloup Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn).
Thấy ông Nguyễn Hùng Trương có nhiều sách nước ngoài, mấy người bạn của ông đã nhờ ông mua giúp 5 cuốn về văn học Pháp, bản thân ông cũng muốn mua 1 cuốn là 6 cuốn. Ông liền gửi thư cho nhà xuất bản đặt mua 6 cuốn và nhận được phản hồi là nếu mua 10 cuốn sẽ được giảm giá. Vậy là ông quyết định mua luôn 10 cuốn.
Khi nhận được sách, ông đem ra nhà sách bán ký gửi, nhưng bất ngờ là chỉ vài ngày 4 cuốn sách đã bán hết. Từ đó ông Nguyễn Hùng Trương thường đăng ký mua các sách quý hiếm ở nước ngoài rồi đem bán ký gửi.
Tất cả số tiền lãi bán sách, tiền làm thuê và tiền dạy học, ông tiết kiện đến 4, 5 năm thì có được số vốn. Năm 1952, ông mở nhà sách Khai Trí ở căn nhà 2 mặt tiền trên đường Bonard (sau năm 1955 đổi tên thành đường Lê Lợi). Việc này cũng có công lao rất lớn của vợ ông, bà Phùng Thị Bông.
Nhà sách tự chọn đầu tiên ở Việt Nam
Là người mê đọc sách, lại có kinh nghiệm bán sách nên ông Nguyễn Hùng Trương hiểu được nhu cầu của khách hàng, có khả năng đánh giá và phân loại sách.
Thời điểm nhà sách Khai Trí ra đời, ở Sài Gòn có 10 nhà sách lớn, nổi tiếng nhất là nhà sách Xuân Thu dành cho giới nhà giàu trên đường Tự Do.
Các nhà sách lúc đó còn ít đầu sách và chủ yếu là sách ngoại văn. Nguyễn Hùng Trương bán đa dạng các loại sách cả ngoại văn lẫn tiếng Việt, đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp như giới trí thức, sinh viên, học sinh, cho đến cả trẻ em. Đặc biệt nhà sách của ông là tự chọn, khách hàng có thể vào tự chọn sách xem thoải mái, sau đó mua hay không mua cũng được. Nhà sách Khai Trí là nhà sách tự chọn đầu tiên ở Việt Nam.
Vì đa dạng đầu sách phục vụ, khách lại được tự chọn sách, nên nhà sách Khai Trí khi nào cũng đầy ắp người. Dần dần ngay cả ông Nguyễn Hùng Trương cũng được gọi là “ông Khai Trí”.
Có bài báo đăng về nhà sách Khai Trí như sau:
“Hai căn nhà rộng thênh thang trên đại lộ Bonard của nhà sách Khai Trí luôn mở toang các cửa, sách được phân chia từng loại trưng bày rộng rãi trên các kệ sắt. Người mua tha hồ lấy xem, lựa chọn và dù khách mua hay không mua, khi ra về đều nhận được cái nghiêng đầu nhẹ nhàng và cụ cười cảm ơn rất thân tình, lịch sự của những cô nhân viên trẻ đẹp, mặc áo dài màu xanh dương thanh lịch. Sách mua được nhân viên bao gói bằng loại giấy đặc biệt có in tên nhà sách và sách được đóng dấu tên của tiệm…”
Nhà sách Khai Trí mau chóng nổi tiếng trong giới sinh viên học sinh, giới nhân sĩ trí thức. Những người thích đọc sách ở các tỉnh phía Nam hầu như ai cũng từng nghe danh nhà sách Khai Trí.
Đóng ghóp lớn cho việc xuất bản sách và giáo dục
Không chỉ rất thành công về mặt kinh doanh sách, ông Nguyễn Hùng Trương còn hoạt động rất mạnh và cũng rất nổi tiếng với công việc xuất bản sách.
Ông có một nhà in riêng, sách ông xuất bản là những loại sách giá trị, với hàng ngàn tựa sách, đủ thể loại, từ sách học làm người, học nấu ăn đến sách nghiên cứu văn hoá, khoa học, sách giáo khoa, dịch thuật.
Đặc biệt ông Nguyễn Hùng Trương rất nặng lòng với thế hệ thiếu niên, nhi đồng, nên từ năm 1971 đến 1975, ông đã chọn lọc và cho xuất bản 300 đầu sách của bộ Tuổi Thơ dành riêng cho lứa tuổi măng non.
Đồng thời ông cũng cho xuất bản tuần báo Thiếu Nhi, dùng kỹ thuật in offset rất tiên tiến, thiết kế công phu đẹp mắt. Tuần báo có sự cộng tác của hầu hết các nhà văn, nhà báo, nhà giáo tên tuổi và có tâm huyết với thế hệ con cháu. Đây là tuần báo duy nhất của thời đó và được các học sinh, các bậc phụ huynh đánh giá cao vì tính giáo dục, lành mạnh của báo. Hơn nữa, giá của báo lại được ưu đãi đặc biệt với các đối tượng nhỏ tuổi.
Ông Nguyễn Hùng Trương còn dành một gian sách riêng trong nhà sách Khai Trí cho thiếu nhi, phục vụ sẵn cả băng ghế cho trẻ được vào ngồi xem thỏa thích. Những trẻ nghèo không có tiền mua sách có thể gặp ông để nhận những tấm thiệp mua sách miễn phí
Suốt hơn 20 năm, người Sài Gòn hầu hết đều biết đến nhà sách Khai Trí là điểm sáng trong hoạt động văn hóa của Sài Gòn.
Nhà sách Khai Trí bị đóng cửa và những cố gắng bất thành
Năm 1975, nhà sách Khai Trí bị buộc phải đóng cửa, toàn bộ số sách bị tiêu hủy vì bị xem là văn hóa phẩm đồi trụy, ông Nguyễn Hùng Trương cũng bị đi tù cải tạo.
Năm 1991, ông Nguyễn Hùng Trương được con cái bảo lãnh sang Mỹ. Tại Mỹ ông muốn xây dựng nhà sách Khai Trí nhưng thất vọng khi thấy 90% sách bản quyền của Khai Trí bị bán lậu tràn lan và công khai.
Sau này, nghe nói nhà nước Việt Nam trả lại nhà đã tịch thu năm 1975, nên năm 1996 ông Nguyễn Hùng Trương quyết định về nước. Lúc về, ông mang theo khoảng 2.000 đầu sách, chủ yếu là sách học làm người với hy vọng nhận lại được nhà sách Khai Trí xưa, thế nhưng số sách lại bị tịch thu.
Ông đã cố gắng xin lại một phần nhà sách, các cơ sở và nhà cửa nhưng không thành. Ông chỉ nhận lại được căn nhà cũ xây từ năm 1930 ở đường Điện Biên Phủ.
Vào khoảng cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000, có một số người Sài Gòn nhận ra “ông Khai Trí” đứng trước nhà sách khi xưa (lúc đó được đổi tên thành nhà sách FAHASA, 60-62 đường Lê Lợi) như tưởng nhớ một thời, rồi lặng lẽ trở về.
Ông sống tại căn nhà ở đường Điện Biên Phủ cho đến khi mất vào năm 2005, thọ 80 tuổi.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
Nguyễn Tấn Đời: Doanh nhân hạng nhất thời Việt Nam Cộng Hòa (P1)