Nỗi đau vẫn ngậm ngùi

Tháng 3-1978 tại Trại Tỵ nạn Songkhla, Thái Lan (hình của gia đình bạn tác giả tặng dùng cho bài viết này)

Thời gian tựa cánh chim bay, qua dần những tháng cùng ngày. Còn đâu mùa cũ êm vui...”. Mỗi khi nghe Sĩ Phú hát bài Hoài Cảm, lòng tôi lại nao nao niềm thương tiếc và nếu nghe nhằm vào tháng Tư thì nỗi buồn mất mát trong tôi càng dâng cao vì nhớ tới những ngày sau cùng của Tháng Tư Đen năm 1975 trước khi miền Nam Việt Nam tự do của chúng ta sụp đổ!

Tôi thấy gì những ngày Sài Gòn hấp hối?

Giờ đây, gần bốn mươi sáu năm đi qua, nhưng ký ức tôi vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian ly loạn ấy. Cũng chính ngày này, ngày 8-4 năm đó, trong khi tôi và các bạn học của mình đang thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt ở Trường Lasan Taberd thì bất ngờ nhiều tiếng nổ như bom phát ra làm rung chuyển kính cửa sổ xung quanh. Tiếng bom tuy không làm bể kính nhưng làm vỡ không gian thi cử đang yên ắng. Gương mặt thầy cô, các vị giám khảo đang trông coi thi, chợt trở nên căng thẳng, lo lắng. Còn bọn học trò chúng tôi thì la hét sợ hãi…

Không gian chợt đóng băng, thời gian như ngừng lại, mãi cho đến khi bóng dáng Frère Martial; Giám Học Khối Lớp 8 và 9, xuất hiện ngoài hành lang. Ông đi tất tả chứ không khoan thai nhẹ nhàng như mọi ngày. Những thầy cô từ các lớp bước ra, sau một hồi thầm thì, họ trở vào và cho hay buổi thi tạm ngừng và chúng tôi được lệnh vào thính đường ẩn nấp. Bấy giờ thì chúng tôi biết Dinh Độc Lập; cách trường tôi hai con đường, vừa bị đánh bom. Sau này chúng tôi mới biết kẻ dội bom ngày đó là Nguyễn Thành Trung; trung úy không quân phản bội của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)!

Taberd là ngôi trường do Linh Mục Kerlan thuộc Hội Truyền Giáo Công Giáo của Pháp lập nên năm 1873 tại Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc, được gọi theo tên của Giám Mục địa phận Nam Kỳ từ 1830 tới 1840 là Jean Louis Taberd. Sau này có thêm các sư huynh Dòng Lasan từ Marseille qua giúp đỡ giáo dục cho nên trường được xây dựng rất kiên cố và vững chắc theo lối kiến trúc tu viện cổ điển Châu Âu “ngoài kín trong rỗng”, với nhiều dãy phòng học nối liền nhau bằng các hành lang. Riêng thính đường Taberd được xây sau này nằm gần cổng sau của trường trên đường Gia Long nên còn được gọi là Cổng Gia Long, để phân biệt với Cổng Nguyễn Du là cổng chính phía trước, tọa lạc tại số 53 Nguyễn Du, theo lối kiến trúc tân tiến hơn. Đó là một thính đường rất lớn, kiên cố, có hai lầu, với nhiều cửa sổ to, cao, chạy từ trên xuống dưới để lấy ánh sáng từ bên ngoài vào, cùng hàng trăm ghế ngồi thoai thoải từ cao tới thấp trước khi đến một cái sân khấu thật rộng.

Chẳng bao lâu sau, tất cả bọn học trò được các sư huynh đưa vào nơi ấy và chờ đợi lệnh Bề trên! Đến trưa thì được phép ra về. Cả đám ùa ra như ong vỡ tổ, mừng rỡ la hét. Có những đứa nhảy cẫng lên, hò reo vui vẻ vì “được khỏi thi,” nhưng chúng tôi có ngờ đâu rằng đó là thời khắc êm đềm hạnh phúc sau cùng của đời học sinh mà chúng  tôi mãi sẽ không bao giờ còn tìm lại được dưới mái trường thân yêu này! Bên ngoài xe hơi, xe gắn máy xếp hàng dày đặc, lẫn lộn trong đó người ta thấy có cả những chiếc xe Jeep quân đội với các chú tài xế trong quân phục thẳng tắp đứng lố nhố, vì Taberd có rất nhiều con tướng tá theo học, chẳng hạn như lớp tôi có ba bạn là con của những vị tướng PXC, LNK, ĐVQ… Trong khi ấy thì phụ huynh lại chen chúc, nhốn nháo tìm kiếm. Tiếng người la hét, réo gọi inh ỏi khắp nơi!

Trên đường về, ngồi sau lưng ba tôi trên chiếc Honda 67 màu đen, tôi nhìn phố phường. Quang cảnh có vẻ khác ngày thường. Mọi người chạy ngược chạy xuôi đến độ tôi có thể đọc được nỗi sợ hãi trong ánh mắt của họ trước tình hình sôi động của thời cuộc. Khi chúng tôi đến Lăng Ông Lê Văn Duyệt, ba tôi lật đật tắp xe vào lề, nhường chỗ cho chiếc quân xa GMC chở đầy lính gầm rú phía sau, chạy nhanh về hướng Gò Vấp. Nhìn những người lính mặt còn non nớt như tân binh mới ra trường đầy căng thẳng với súng ống trên vai, tôi linh cảm nhiều sự chẳng lành.

Thời gian sau đó, không còn tới trường nên ngày tối tôi chỉ ở loanh quanh trong nhà và rất vui khi mỗi sáng được má tôi sai ra Ngã Năm Bình Hòa mua báo về cho bà xem tin hình chiến sự. Đó là cơ hội cho tôi “sổ lồng”. Tại sạp báo, nhìn hình ảnh chiến tranh ngoài Trung, tin tức chiến trường dồn dập đưa về, với những cuộc tháo chạy, mất tỉnh này, rút lui vô trật tự ở tỉnh kia của binh sĩ VNCH, cảnh đồng bào mặt mày phờ phạc, đàn đúm di tản, dắt díu người già cả hay bị thương đầu băng tay bó, gồng gánh trẻ thơ lủng lẳng trong những chiếc thúng, lỉnh kỉnh mang vác đủ thứ như xe đạp, xe gắn máy hết xăng, chó mèo, gà vịt tới cả trâu bò lếch thếch trên các quốc lộ trong hỗn loạn… Tất cả bày trên trang nhất mấy tờ Tin Sáng, Chính Luận, Tiền Tuyến…, làm tôi hoang mang, hoa cả mắt chẳng biết phải mua báo nào?

Đứng ở đây tôi cũng thấy nhiều lô cốt với hàng rào kẽm gai khắp nơi. Người lính với đôi giày lấm bụi đường trận mạc, súng trường lưỡi lê lăm lăm, đang tra xét xe đò, xe lam chở đồ hàng bông từ Hóc Môn, Gò Vấp đổ vô Sài Gòn, nhằm ngăn chặn đặc công Việt Cộng trà trộn về thành phá hoại. Và lúc tôi mang báo về, mỗi khi đọc xong là má tôi lại lắc đầu, thở ngắn than dài, miệng lâm râm cầu nguyện Trời Phật! Đôi khi bà kêu tôi chạy ra tiệm tạp hóa của Bà Sáu Nhân ngoài Chợ Ngã Năm mua thêm đường, muối và cả bao gạo chỉ xanh năm mươi ký để phòng hờ đói kém. Mặc dù tình hình ngày càng bi đát, Việt Cộng tấn công khắp nơi nhưng vẫn còn một số người không tin Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Họ nghĩ Mỹ sẽ trở lại, lập cầu không vận. Việt Nam là tiền đồn chống cộng của thế giới tự do, là nơi Mỹ đã đổ vô số tiền của vào, là nơi hàng mấy mươi ngàn binh lính Mỹ đã thiệt mạng. Người ta tin Mỹ sẽ dội bom miền Bắc để giải cứu VNCH, gìn giữ uy thế một cường quốc. Cho đến đêm 21 Tháng Tư, 1975 lúc ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên tivi trách móc dữ dội, chửi bới Mỹ phản bội, bỏ rơi đồng minh…, trước khi tuyên bố từ chức, thì dân chúng bắt đầu hốt hoảng…

Mấy ngày sau, cộng quân áp sát thủ đô. Tiếng súng đạn thỉnh thoảng nổ lẻ tẻ vang. Đêm đêm đại bác đì đùng dội về thành phố hoặc một tiếng nổ nhỏ chợt phát ra và một trái hỏa châu vụt sáng tại một góc trời…, khiến dân chúng càng nháo nhào loạn xạ. Đang khi ấy tại Sài Gòn, trong một chiều mưa tầm tã, che mờ cả Vương Cung Thánh Đường thì ở Dinh Độc Lập, ông Tổng thống “một tuần” Trần Văn Hương bị Quốc hội áp lực trao quyền tổng thống lại cho đại tướng Dương Văn Minh. Tân Sơn Nhất bị quân cộng sản pháo kích nhằm gia tăng áp lực lên Chính quyền Sài Gòn. Không khí chết chóc tràn ngập mọi ngã đường.

Tôi nghe tiếng trực thăng xành xạch trên trời, nhìn lên thấy những chiếc HU-1 liên tục từ ngoài biển bay vào bốc người Mỹ và nhân viên bản xứ làm việc cho họ ngay tại Tòa Đại Sứ Mỹ và một số địa điểm bí mật quanh thành phố, trông như đám chuồn chuồn bị động ổ bay đầy đồng. Dưới đất, dân chúng ùn ùn chạy ra bến Bạch Đằng hay Tân Cảng để tìm đường ra biển, như kiến túa khỏi hang. Có chứng kiến cảnh người ta bỏ cả gia tài, sản nghiệp, mồ mả ông bà tổ tiên để lánh nạn trước khúc quanh lịch sử mà chẳng cần biết tương lai ra sao – như chú Bảy của tôi, nhân viên DAO (Defense Attache Office), người đã vội vàng bỏ căn nhà mặt tiền đường vừa mua gần Chợ Thị Nghè và hối hả dẫn vợ dại con thơ vào Phi trường Tân Sơn Nhất – mới hiểu sự sợ hãi hiểm họa cộng sản là như thế nào!

Tuy vậy, bên cạnh Sài Gòn trong cơn hấp hối, vẫn có những cấp chỉ huy anh hùng, các chiến sĩ dũng cảm chiến đấu đến giờ phút sau cùng. Họ là những người đền nợ nước một cách oanh liệt chớ không ươn hèn bỏ chạy mà tôi đã có dịp chứng kiến và viết lại trong câu chuyện Những người chết sau cùng trong cuộc chiến vào dịp 30 Tháng Tư hơn mười năm trước. Rồi khoảng trưa ngày 30 tháng Tư oan nghiệt, khi tiếng ông Minh ra lệnh “đầu hàng vô điều kiện” vang lên trên Đài Truyền Thanh, tôi có cảm giác như đất trời sụp đổ.

Những tháng ngày sau đó mới thật là ghê rợn. Những sĩ quan VNCH bị gọi là “ngụy”; viên chức cảnh sát cũ bị “Cách mạng” xem là “thành phần ác ôn, có nợ máu với nhân dân”. Họ sống trong phập phồng lo sợ. Họ sợ Việt Cộng nằm vùng, sợ đám “Ba Mươi” là những thanh niên, thiếu nữ còn rất trẻ hăng hái “xung phong” với băng đỏ trên tay hầu chứng tỏ là người nhiệt tâm với chế độ mới, sợ những nam nữ du kích trong “bưng” về thành với khăn rằn quanh cổ, đồ bà ba đen, nón tai bèo, chân đi dép râu, súng AK47 lạnh lùng trên tay, đêm đêm luồn vào từng con hẻm như thợ săn rình mồi. Tiếng chó sủa trong đêm như tiếng hú của sói rừng, của tử thần réo gọi! Và theo lệnh “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời”, các sĩ quan cấp úy, cấp tá, viên chức cao cấp VNCH phải trình diện để đi “học tập”. Kẻ thì dăm ba năm, người thì chục năm hơn và có những người vĩnh viễn không bao giờ trở về. Rồi những màn “bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy”, rồi đánh “tư sản mại bản”, ép buộc người ta đi “kinh tế mới”…

Quả lựu đạn trong trường Taberd sau ngày “giải phóng”

Trong bầu không khí đầy sợ hãi ấy, bọn tôi nhập học trở lại muộn hơn mọi năm. Ngày đầu tiên, tôi nôn nóng đến trường, phần nhớ lớp, phần khác muốn tìm xem bạn bè ai còn ai mất. Đa số bạn có cha mẹ là sĩ quan cao cấp hay ông to bà lớn đều đã di tản nước ngoài. Niên học đầu tiên dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa thật khác lạ. Các “frères” không còn mặc áo dòng và uy nghiêm như ngày xưa. Các cô giáo điệu đà, má phấn môi son, xinh xắn trong những chiếc áo đầm hoặc dịu dàng trong tà áo dài thướt tha hôm nào thì nay chỉ mặc chiếc quần tây sậm với sơ mi hoặc áo kiểu đơn sơ. Mấy thầy cũng vậy, không còn veston với cravate cùng giày tây nữa, mà chỉ áo sơ mi đơn giản với quần tây cũ kỹ. Thậm chí có người mang cả dép râu! Và từ thầy cô đến học sinh, tất cả đều đi xe đạp. Hiệu trưởng lúc đó là một cán bộ miền Bắc bị cụt một tay.

Một hôm vào giờ ra chơi, trong lúc đứng dưới chân cầu thang gần lớp ở Sân Danh Dự, tôi bỗng thấy mọi người la hoảng và túa chạy. Khói xanh bốc lên ngùn ngụt ở dãy phòng ngang đối diện cổng chính, nơi có đặt văn phòng Ban Giám hiệu. Ít phút sau, nhiều thầy cô trong đó cũng lật đật đi ra. Tôi thấy ông hiệu trưởng xách chiếc cặp đen vừa che mũi vừa chạy. Ống tay áo dài bên kia phất phơ trong gió. Đám học sinh từ sân bóng rổ tò mò chạy lên xem thì bị ông hiệu trưởng quát tháo, dùng cặp múa vùn vụt đuổi xuống. Cả trường náo loạn! Sau cùng thì tất cả mới biết có một học sinh nào đó ném lựu đạn cay gần phòng Ban Giám Hiệu.

Buổi học chấm dứt nhưng mọi người vẫn phải ở yên trong trường. Không lâu sau, một số cán bộ và rất nhiều công an kéo tới. Một thanh niên đeo kính cận, mặc quần bộ đội với áo sơ mi dài tay màu xanh cứt ngựa, tay cầm xấp giấy cuộn tròn, tuổi độ ngoài hai mươi trông rất trí thức mà tôi đoán chừng là thành phần sinh viên biểu tình phản đối Chính quyền Sài Gòn hồi trước, đi vào lớp với một số công an. Thầy tôi, Frère Félicien Huỳnh Công Lương, cựu hiệu trưởng của trường, vội lùi lại nhường chỗ cho họ.

Anh ta kêu gọi chúng tôi chỉ ra ai là người ném lựu đạn nếu biết. Cả lớp im lặng. Không thấy ai trả lời, anh ta bắt đầu huyên thuyên về Cách mạng, về sự đấu tranh của phong trào học sinh-sinh viên, sự hy sinh của tuổi trẻ trong sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân”… Ban đầu giọng anh còn từ tốn nhưng càng nói anh càng hăng và cao giọng quát lớn:

“Đúng ra thì chúng tôi đã đuổi các anh ra khỏi trường này lâu rồi vì trường này là trường do bọn thực dân, đế quốc dựng nên, chuyên đào tạo ngụy quyền phản động, tướng tá ác ôn, tay sai nguy hiểm, mãi quốc cầu vinh. Nhưng người Cách mạng chúng tôi đã khoan hồng cho các anh, để các anh tiếp tục học ở đây thế mà các anh không biết ơn lại còn muốn làm loạn, âm mưu tạo phản… Chúng tôi đố các anh đấy. Có giỏi thì cứ lật đổ Cách mạng xem. Hơn một triệu lính “ngụy” với xe tăng, đại pháo, vũ khí hiện đại, tối tân nhất thế giới mà chúng tôi còn đánh cho chúng cút, bỏ chạy không kịp thì thứ đám con nít các anh “hỉ mũi chưa sạch, miệng còn hôi sữa” thì làm được cái quái gì mà cũng bày đặt”… Tất cả ngồi im. Lớp học lặng yên như tờ. Tôi liếc nhìn Frère Félicien, thấy mặt ông biến sắc, tái nhợt, môi hơi mím lại trước sự lên án nặng nề của tay cán bộ. Có lẽ Frère cũng cảm thấy nhục và đau lòng lắm.

Một buổi trưa khi đi học về, vừa đạp xe vô hẻm, tôi thấy bà con đứng lố nhố quanh giếng nước trước nhà chú Mười của tôi. Ông chú này là em trai thứ mười của ông ngoại tôi. Trong nhà ông, tôi thấy thằng Ánh; công an khu vực, Hai Bảnh; Ủy Viên Văn Hóa Thông Tin phường, cùng một số nhân viên khác, đang lui cui kéo chiếc xe Volkswagen ra khỏi nhà. Chiếc xe hơi này là của dì Hai tôi; nguyên giáo sư dạy Pháp Văn ở Trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Chồng dì là trung úy phi công tử trận. Mấy năm trước dì được Tổng thống Thiệu mời vô Dinh Độc Lập, khi trường nhận được một số học bổng của Thụy Sĩ và dì là người được giao trách nhiệm đưa số học sinh này sang đó. Theo lệnh Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn-Gia Định, Nhà nước sẽ tịch biên tất cả tài sản của những người bỏ nước ra đi. Để giữ lại chiếc xe, ông chú tôi đã gỡ vài bộ phận khiến máy không nổ được; và để chắc chắn hơn, ông tháo bốn bánh xe mang đi giấu. Hôm nay đến ngày hẹn, ông lánh mặt, để chiếc xe nằm chơ vơ ngoài sân. Thế là bọn chính quyền đi tìm bốn bánh xe cùng loại tới lắp vào và kéo đi!

Ký ức chưa phai

Đến hết niên học lớp mười, năm 1976, Taberd bị giải thể. Trường chúng tôi bị lấy và trở thành Trường Trần Đại Nghĩa cho tới ngày hôm nay. Dòng đời lặng lẽ trôi dưới chính sách khắc nghiệt và sự cai trị độc ác của chế độ. Dân chúng âm thầm tìm đường bỏ nước ra đi.  Sau gần sáu năm tù trong các trại cưỡng bức lao động vì vượt biên thất bại thì lần thứ hai mươi, tôi đến được trại tỵ nạn Palawan-Philippines. Tuy nhiên, vì tới sau ngày “đóng cửa đảo” nên tôi phải qua tiến trình “thanh lọc tỵ nạn”. Kết quả, tôi bị kẹt lại đó gần mười một năm do “rớt thanh lọc”. Sau cùng nhờ sự giúp đỡ của TS Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Tổ chức BPSOS (Boat People SOS), luật sư Trịnh Hội, hòa thượng Thích Giác Lượng cùng nhiều ân nhân khác, tôi đến được Hoa Kỳ vào tháng 7-1999.

Năm 2010, một nhóm bạn “niên khóa 78” của Taberd có tổ chức Hội Ngộ ở Nam Cali sau mấy mươi năm cách biệt. Nhân dịp này, bạn bè biết thêm là người học sinh liệng lựu đạn ngày xưa là bạn đồng khóa với chúng tôi. Bị một thằng bạn chỉ điểm cho Công An Sở TP.HCM, anh và người em trai kế bị bắt đi cải tạo. Lúc được thả về thì gia đình lo cho anh ta vượt biên. Hiện anh định cư tại Thụy Sĩ. Riêng người điềm chỉ cùng gia đình anh này lại được chính ông Võ Văn Kiệt khi còn là Bí Thư Thành Ủy TP.HCM đưa đi trong những đợt cho người Hoa kiều ra đi bán chính thức. Người này đang sống ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

***

Quá khứ đau thương của một dân tộc được đánh dấu bằng một trang sử thuyền nhân đẫm lệ, đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng kiêu hãnh như cuộn phim cũ được quay lại mà con cháu cũng nên biết cho cái giá phải trả cho tự do! Ngoài kia nắng xuân của buổi sớm mai lấp lánh, rơi nhẹ trên các tàng cây, tôi bùi ngùi cảm khái với hồi ức ngang đời, lòng thì thầm “OK, sau cơn mưa trời lại sáng (Après la pluie le beau temps!)”…

Ohio, ngày 8 tháng 4 năm 2021