Kính chuyển Qúi Niên Trưởng Qúi chiến hữu HQVNCH.. ngày này năm xưa tôi đã viết từ lâu.Nay tháng Tư lại về xin kính chuyển lại bài viết từ trong web khoá 20/SQHQ/NT Nxduc
Thế Chiến Quốc thế Xuân Thu,
Gặp thời thế thế thời thời phải thế.
(Ngô Thời Nhiệm)
Đầu năm 1975, tôi đang thụ huấn khoá tham mưu trung cấp tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn. Tình hình chiến sự sôi động và bi đát từng ngày và từng giờ! Vùng I bị bỏ rơi do di tản chiến thuật, và Vùng II bị sụp đổ cũng do di tản chiến thuật. Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang di tản về căn cứ HQ Cát Lái, trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và với một khóa sinh viên sĩ quan Hải Quân duy nhất còn lại là khóa 26 – Đệ Tam Dương Cưu – về tạm trú hạm HQ-9601 đậu tại cầu B, bến Bạch Đằng, trước cửa Bộ Tư Lệnh HQ. HQ Trung tá Hà Ngọc Lương đã cùng với gia đình tự sát tại thao diễn trường quân trường Hải Quân Nha Trang trong những giờ phút thành phố Nha Trang hấp hối . Ông đã từng là hiệu trưởng trường Sĩ Quan Hải Quân, cũng đồng thời là giáo sư môn lãnh đạo chỉ huy trong thời chúng ta còn là sinh viên sĩ quan tại Nha Trang.
Theo lệnh BTL/HQ các sĩ quan HQ đang tham dự khóa tham mưu trung cấp sẽ được đưa ra những nơi cần bổ sung sĩ quan để yểm trợ và ổn định những đơn vị từ miền Trung di tản về. Trong khóa tham mưu trung cấp này đa số sĩ quan là có cấp bậc trung úy, ngoại trừ niên trưởng Trọng (K-19), Triết và tôi (K-20) là mang cấp bậc đại úy. Ai sẽ người phải đi xa, ai sẽ được ở lại nơi gần Sài Gòn, và làm sao mà giải quyết chuyện này cho thoả đáng đây? Sau một cuộc rút thăm, hơn quá nửa khóa là phải đi ra Phú Quốc, số còn lại sẽ được phân phối đến những đơn vị di tản từ miền Trung về đang thiếu sĩ quan. Tôi làm trưởng toán năm người, được đưa qua điều hành tiểu đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân Khóa 26. Những sĩ quan cơ hữu quân trường Nha Trang, chỉ còn lại đại uý CB Nguyễn Bốn, ông đã từng là sĩ quan ẩm thực trong thời chúng ta mới ra Nha Trang, và HQ chuẩn úy TP Nguyễn Văn Tâm, ông đã từng là thượng sĩ thường vụ tiểu đoàn SVSQ khi chúng ta còn trong quân trường. Ông rất đứng đắn, tư cách, và là một người chúng ta rất cảm mến bên cạnh một “bố” Hải thân tình. Sau khi bàn giao trách nhiệm cho chúng tôi, đại úy Bốn đi phép ra Vũng Tàu để tìm kiếm gia đình bị thất lạc trong lúc di tản. Tiểu đoàn SVSQ được chia ra làm hai phân đội để chia nhau ứng chiến tại hai nơi: Cầu G bên sở Hàng Hà, và trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Các sinh viên sĩ quan được phép chia nhau đi bờ, thăm gia đình hàng ngày. Cùng ứng chiến tại Thảo Cầm Viên có thêm một tiểu đoàn tân lập nhẩy dù, có thiếu tá Khoang (K22A-Võ Bị QG/VN) là tiểu đoàn phó, và đồng thời cũng là bạn học cũ với tôi thời còn là học sinh trung học. Chúng tôi bàn với nhau là nếu có chuyện gì xảy ra thì các SVSQ/HQ sẽ cùng chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ nhẩy dù, và sẽ nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy từng tiểu đội nhẩy dù. HQ Trung uý Nguyễn Thiện Luỹ được phân định chỉ huy phân đội Hải Quân ở Thảo Cầm Viên. Trung úy Luỹ và phân đội sinh viên sĩ quan HQ khóa 26 đã mất liên lạc truyền tin với phòng hành quân BTL/HQ/BKTĐ, và vẫn còn tại hàng ở Thảo Cầm Viên cho đến tận ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trung úy Lủy bị đi tù cải tạo của Cộng Sản mất bảy năm, và hiện đang định cư tại thành phố Fresno, California. Xin ngưỡng mộ sự hiên ngang, tinh thần trách nhiệm của trung uý Luỹ và các sinh viên sĩ quan Khóa 26, Đệ Tam Dương Cưu.
Trong buổi họp khẩn tại BTL/HQ/BKTĐ vào ngày 26 tháng Tư năm 1975 dưới sự chủ toạ của HQ Đại tá Bùi Kim Nguyệt Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô Hải Quân, một chương trình di tản đã được phác họa là các đơn vị trực thuộc HQ/BKTĐ và tiểu đoàn SVSQ/HQ sẽ di tản về Long Xuyên nếu Cộng quân lấn chiếm Sài Gòn. Tôi đã yêu cầu BTL/HQ/ BKTĐ yểm trợ và trang bị vũ khí, đạn dược cho tiểu đoàn SVSQ/HQ, và xin được cho biết những đơn vị nào sẽ cần liên lạc để được yểm trợ nhu cầu và phương tiện. Điều yêu cầu này đã làm cho Đại tá Nguyệt và phòng 3/BTL/ HQ/BKTĐ rất bối rối và bực mình không ít! Yêu cầu của tôi được hứa là sẽ cho biết vào buổi họp ngày hôm sau, phần súng đạn sẽ do phòng Tư lo liệu. Vào buổi trưa cùng ngày một chiếc LST của Đại Hàn đã rời Tân Cảng và có chở theo một số rất đông những người dân sự, có lẽ là những nhân viên sở Mỹ và gia đình, họ đứng ngồi lố nhố đầy trên boong. Điều này đã làm cho sinh viên sĩ quan lo lắng, giao động, và bàn ra tán vào vì sợ sẽ bị bỏ rơi như khi còn ở Nha Trang! Tôi vội cho họp khẩn cấp riêng với các sinh viên sĩ quan, và khẳng định là không có chuyện đó đối với tôi, và trong cuộc họp này đã có người đề nghị là nếu có thể thì sẽ dùng M-72 để bắn chìm một chiếc tàu nào đó, để gây cản trở cho việc tháo chạy và mọi người cùng ở lại chiến đấu nếu có chuyện bị bỏ rơi. Có lẽ chuyện họp bàn này đã bị báo cáo lên ty an ninh, và kết quả là sau đó tôi đã nhận được bưu điệp phải bàn giao khẩn tiểu đoàn SVSQ/K26 lại cho một sĩ quan mới từ miền Trung về trong vòng 24 tiếng. Hồi 10 giờ 30 ngày 28 tháng tư năm 1975, tôi bàn giao trách nhiệm điều hành tiểu đoàn SVSQ/K26 cho một sĩ quan từ một đơn vị từ miền Trung về. Tôi có nhắc nhở vị này, các SVSQ khoá 26 đang mang lon alpha chuẩn uý, một cấp bậc sĩ quan và sẽ tốt nghiệp vào tháng 10 sắp tới, nên cần chia sẻ những tin tức cập nhật với họ, nhất là những tin tức về di tản… Nhưng sau đó ông lại nhận chỉ thị từ BTL/HQ/BKTĐ và tiếc thay đã điều động tiểu đoàn SVSQ/K26 ra ngoài sân vận động Hoa Lư, và điều này có lẽ đã khiến cho đa số các sinh viên sĩ quan khóa 26 đã bị kẹt lại khi các chiến hạm Việt Nam rời bến ra khơi. Trước khi trở về trình diện TTHL/HQ/Sài Gòn và không biết sẽ được biệt phái đi đâu , tôi bất ngờ gặp lại người bạn cùng khoá HC2 Nguyễn Văn Mười, và anh đã giới thiệu tôi với HQ Thiếu tá Nguyễn Đa Phúc đang cần thêm sĩ quan bổ sung. Tôi đã từng trình diện Thiếu tá Phúc một lần khi khóa 20 vừa mới ra trường từ Nha Trang về, khi ông từng là chỉ huy phó Liên Đoàn Người Nhái vào năm 1970. Ông rất mừng khi gặp lại tôi, và hỏi tôi là có muốn tình nguyện cùng ông tổ chức tiểu đoàn “án ngữ thủ đô” hay không? Tôi đồng ý liền, và bảo chờ bưu điệp để trình diện ông. Trong lúc chờ đợi, tôi phải trình diện Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn. Bạn Đỗ Duy Vy đã hướng dẫn tôi lên trình diện HQ Thiếu tá Lê Công Mừng, và ông bảo tôi hãy trở về trình diện đơn vị cũ, Hải Quân Công Xưởng, trước khi được kêu đi học khoá trung cấp. Trở lại phòng nhân viên HQCX, tôi gặp lại các bạn cùng khóa Lưu Ngọc Quang, Nguyễn Duy Hòa, Nguyễn Văn Chừng, Võ Văn Vân, Võ An Dân, Phan Xuân Sơn, Nguyễn Tấn Đực…, và tôi phải chờ để được trình diện HQ Đại tá Nguyễn Văn Lịch, giám đốc Hải Quân Công Xưởng để được phân bổ nhiệm sở. Chờ hoài, chờ mãi đến chiều mà cũng không thấy phòng nhân viên nói năng gì cả! Hỏi thì chỉ được trả lời là đại tá đang bận, nên tôi đề nghị là hãy trả lại tờ bưu điệp để tôi làm giấy tờ đi đường và ngày mai, 29 tháng 4, sẽ trở lại trình diện tiếp.
Thay bộ đồ dân sự, tôi lấy xe chạy về nhà; trên đường về nhà tôi gặp lại bạn HC2 Phan Xuân Sơn; thế là hai đứa kéo nhau vào một cái quán ven đường, làm một chai bia con cọp và nói chuyện “cà kê dê ngỗng” cho lòng bớt “đánh lô tô” trong lúc Sài Gòn hốt hoảng, Sài Gòn chạy lên Tân Sơn Nhất, Sài Gòn chạy xuống Tân Cảng, và Sài Gòn chạy lòng vòng để tìm đường thoát ra ngoài! Sài Gòn ban đêm giới nghiêm với tiếng súng ì ầm từ xa vọng về, và tôi ngủ lại nhà qua đêm. Sáng sớm ngày hôm sau, 29 tháng Tư, lệnh giới nghiêm 24/24 được ban hành; Ba mẹ tôi lo lắng, hối thúc tôi trở vào trại. Tôi đang chần chờ vì tất cả quân phục tôi đều để trong HQCX, tình cờ thấy bạn HC2 Phạm Công Hoàng chạy xe Honda phóng vội vã qua ngang nhà, tôi vội gọi với theo, nhưng bạn Hoàng vẫn phóng chạy thẳng! Điều này làm cho tôi càng thêm lo lắng, bồn chồn, và không biết là chuyện gì đã xảy ra trong đêm ở BTL/HQ? Tôi bảo nhà tôi là ráng tìm xem trong các tủ quần áo coi có thấy được bộ quân phục nào hay không? Sau cùng thì nhà tôi cũng lôi ra được cái nón đi biển, và một bộ quân phục với cặp lon trung úy cũ. Bộ đồ này có từ hồi tôi còn phục vụ trên chiến hạm, và mặc tuy hơi chật một tý nhưng có vẫn còn hơn không. Trước khi từ giã gia đình, bà xã nhét vội vào túi tôi bốn tờ giấy Trần Hưng Đạo để dằn túi. Khi vào đến HQCX, tôi thay quân phục chỉnh tề và rủ bạn HC2 Võ Văn Tâm đang tạm trú qua câu lạc bộ ăn sáng. Bạn Tâm quê ở Mỹ Tho, mới được thuyên chuyển về để thay thế HC2 Nguyễn Văn Xê trên phòng nhân viên, nên tạm trú tại phòng của tôi. Tâm cạn tiền túi nên làm “chú tiểu giữ chùa,” không về Mỹ Tho. Tôi giúi cho Tâm một tờ Trần Hưng Đạo để dằn túi. Sang đến bên CLB/HQCX, chúng tôi được biết đại tá giám đốc HQCX đã cho mở kho quân tiếp vụ để bán cho nhân viên, tôi mua một thùng mì gói và nói với Tâm mang về để trong phòng mà có cái ăn. Tâm rủ tôi qua bên BTL/HQ để chơi domino giết thì giờ; tôi từ chối vì phải qua phòng nhân viên để làm thủ tục trình diện nhận nhiệm sở.
Tại phòng nhân viên HQCX, tôi lại phải ngồi chờ nên mò sang văn phòng HC2 Lưu Ngọc Quang để tán dóc. Ngoài Quang ra, tại đây còn có các cô Mỹ – phu nhân bạn Võ Văn Vân, và cô Hoa – phu nhân bạn Lê Công Khai. Vẫn chưa được qua thủ tục trình diện, tôi lại thả bộ qua CLB/HQCX ngồi chầu rìa các bạn Nguyễn Duy Hoà và Nguyễn Văn Chừng đang đánh Bi-da lỗ.Chợt đài phát thanh Sài Gòn phát ra lời nói của thủ tướng chính phủ đương thời, ông Vũ Văn Mẫu, kêu gọi Hoa Kỳ phải rút lui khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tôi chợt nhớ lại lời của ông anh rể của bà xã tôi nói mấy ngày trước:”Một khi họ đuổi Mỹ rồi thì các chú phải tìm cách đi ngay, không chần chờ, vợ con tính sau…” Tôi bỏ ra trước cửa CLB, nhìn lên trời thấy từng đoàn, từng đoàn trực thăng loại lớn bay từ hướng biển vào. Trở vào trong tôi kêu mọi người ra xem, và đề nghị mọi người hãy về nhà và mang gia đình vào bến tàu.
Tôi rủ Phan Xuân Sơn ra về, nhưng ngoài cổng Bạch Đằng trước cửa BTL/HQ, quân cảnh HQ không cho ai rời trại theo lệnh cắm trại 100%. Đang loay hoay, thì thấy Phạm Công Hoàng, Tôi hỏi sáng nay chạy đi đâu mà vội vã thế? Hoàng cười và trả lời là chạy về thăm sấp nhỏ; Tôi và Sơn vội ngỏ ý muốn ra ngoài, nhưng Hoàng trả lời là không có nhiệm vụ ngoài cổng! Nhân lúc hai quân cảnh mới ra thay gác, tôi và Sơn vội phóng lẹ ra ngoài.Thả Phan Xuân Sơn xuống và hẹn sẽ gặp lại, nhưng Sơn cười nói còn cây colt để tự vệ, và cho biết sẽ không đi. Tôi chạy vội về nhà, bà xã tôi đã về thăm mẹ, mẹ tôi thì đang đi gửi thằng em đang học khóa 10 SVSQ/CSQG vì hy vọng sẽ đi được theo đường dây của phái đoàn CIA. Tôi vội bảo mọi người trong nhà phải chuẩn bị để đi di tản ngay rồi vội chạy nhanh qua bên ngoại đón bà xã về, không kịp trả lời những câu hỏi về sự ra đi khẩn cấp này của ông chú mới triệt thoái từ Long Khánh về. Tới nhà cụ thân sinh ra nhà tôi thì được biết là các ông anh vợ đã vào Tân Sơn Nhất, ông anh rể cũng vừa rời khỏi để về nhà! Tôi thu xếp mọi người còn lại lên ba chiếc xe gắn máy để chạy qua nhà tôi rồi cùng đi. Qua nhà thương Từ Dũ, bắt gặp Trần Đức Hợp, Trần Phước Vạn và một số người nữa thuộc K.19 đang đứng nói chuyện. Trần Đức Hợp trách móc: “Cả tháng nay sao không thấy mặt ông?” Trần Đức Hợp và tôi đã có mưu toan lấy một cái phà nằm trước nhà thương Chợ Quán để thoát ra biển một khi có biến; Chúng tôi đã tích trữ lương thực, súng đạn, và cả máy truyền tin nữa. Tôi vội cho biết là bận coi khóa 26 nên không gặp, và cho biết hãy về đưa gia đình ra bến tàu vì hạm đội sẽ tháo dây ra khơi khoảng bảy giờ tối.
Rời các bạn khóa 19, tôi chạy về khi qua cửa trường dạy lái xe của Liên, bà xã HC2 Phan Ngọc Long, bà cụ mẹ của Liên tóm lấy tôi hỏi thăm tin tức. Tôi cho biết là Long vẫn còn bị kẹt lại trong trại, không ra được vì lệnh cấm trại 100%, và cho biết là tôi sẽ đưa gia đình tôi vào bến tàu Hải Quân. Thế là bà cụ mẹ của Liên nắm chặt lấy bà cụ mẹ của bà xã tôi và hai đứa cháu con của bà chị vợ, và bảo ở lại đó chờ tôi quay lại để đi cùng vì trong nhà có nhiều phương tiện chuyên chở như xe hơi (để dạy lái xe); Tôi đồng ý và về đón thêm những người còn lại. Tôi dồn bà chị, ba cháu nhỏ, và em gái tôi bồng con gái tôi lên chiếc xe hơi của gia đình chạy qua nhà mẹ vợ bạn Phan Ngọc Long để cùng đi như đã hứa. Ra đến bến tàu, một cảnh tượng tôi chưa hề thấy lúc ban trưa khi tôi và bạn Sơn ra về, một rừng người đang bu quanh trước hàng rào vào BTL/HQ. Toán quân cảnh của trung úy Bích đang rút lui dần về tượng Trần Hưng Đạo. Tôi đổ toán một và gia đình bạn Phan Ngọc Long xuống, và vội gửi Trung úy Bích cho họ theo vào. Tôi dặn mọi người là ráng leo lên chiếc HQ-2, và tìm gặp Trung úy Nguyễn Văn Tề, K-19. Tôi thật sự hoảng sợ khi thấy người ta đang ùn ùn, chen chúc cố gắng chui vào trong bến tàu. Tôi quay xe về để đón toán thứ hai trong gia đình, và tôi mất bình tĩnh và không còn nhởn nhơ như hồi trưa nay nữa! Khi toán cuối cùng của gia đình tôi ra đến bến tàu thì thật là chật vật, người như nêm cối trước nút chặn tại cổng gác trước cửa BTL/HQ. Vì con gái tôi còn nhỏ, nên hai vợ chồng tôi và năm đứa em đã cố đem theo hai thùng sữa bột Etma và tay xách nách mang những vali quần áo. Không thể nào chen lọt vào được cả đoàn với đồ đạc lỉnh kỉnh như thế này, nên tôi đã cố đẩy nhà tôi và chú em thứ năm chen vào trước, và dặn là cố leo lên chiếc HQ-2 tìm con. Tôi và những đứa em còn lại leo lên chiếc xe gíp (jeep) của CHT/Tạm trú hạm HQ 9601 chờ chạy vào sau vậy. Tôi gặp bạn HC2 Đào Cơ Chí đang đứng lớ ngớ phía ngoài, hỏi: sao bạn không vào đi? Chí trả lời là còn chờ đón ông cụ thân sinh nãy giờ mà sao vẫn chưa thấy tới! Đoàn tàu bắt đầu cho tháo dây, và lần lượt từ từ rời bến làm cho tôi càng thêm nóng lòng! Tôi hối anh tài lái xe tiến tới, nhưng trưởng toán nút chặn không cho mở cổng. Chợt thấy HQ Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô Hải Quân đang đứng gần đấy, tôi vội lại chào ông vì có quen biết trong lúc chiến hạm tôi phục vụ hành quân bên NeakLuong. Ông hỏi tôi: sao chưa đi? Tôi trình bày lý do và xin ông cho lệnh mở cổng cho chúng tôi. Ông đã im lặng không nói, và quay lưng đi vào; Tôi nhanh tay kéo hàng rào kẽm gai và ra hiệu cho tài xế xe jeep chạy vào. Trung sĩ Mao, trưởng toán nút chặn giận dữ bắn một tràng M16 chỉ thiên và lớn tiếng:”Đại úy làm như vậy làm sao tôi làm việc được!” Tôi quay lại nói đại là đã xin phép trung tá Tòng rồi, và nhẩy lên xe hối anh tài lái xe trực chỉ cầu B. Xin có lời tạ lỗi với Trung Sĩ HQ Mao và các anh em HQ canh gác tại nút chặn; tôi đã nói dối với anh, và đã gây trở ngại cho anh chút đỉnh. Xin nhận nơi đây lời tạ lỗi này, và lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi đến tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh của các anh.
Người ta đứng lố nhố đầy trên cầu tàu, và may mắn cho chúng tôi làm sao khi chỉ còn một hạm kiều phía trước mũi của chiếc HQ-1 là chưa hạ xuống vì hạm trưởng – HQ Trung tá Nguyễn Địch Hùng – chưa lên tàu. Tôi dẫn mấy đứa em leo vội lên tàu. Vừa bước lên boong thì thấy HQ-2 vừa hoàn tất việc tháo dây, và đang từ từ tách ra rời khỏi chiếc HQ-3 nằm kế bên chiếc HQ-1. Tôi thấy nhà tôi và chú em thứ năm đang giơ tay làm hiệu. Tôi rất mừng tưởng là mọi chuyện êm xuôi, nhưng không ngờ đó lại là dấu hiệu cho biết là đã không tìm gặp được mẹ, chị, em, các cháu, và con gái đầu lòng yêu quý của chúng tôi! Họ bị bỏ rơi khi đi cùng với toán đầu tiên vào, và chỉ còn biết đứng chờ tôi trên cầu B! Mãi đến mười lăm năm sau tôi mới đón được mọi người qua đoàn tụ, ngoại trừ bà chị xấu số đã bị mất đi vào năm 1978.
Hạm đội Việt Nam Cộng Hòa được tụ tập tại vị trí điểm hẹn Côn Sơn ngày 30 tháng 4 năm 1975; Sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh yêu cầu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng, thì ai muốn quay về thì theo một hai chiếc chiến hạm quay trở lại bờ biển Việt Nam; còn ai không muốn trở về thì theo đoàn chiến hạm còn lại để ra khơi tìm con đường sống. Đoàn chiến hạm rời Côn Sơn có khoảng 32 (?) chiếc mang theo khoảng hơn hai chục ngàn người (20,000) kể cả hai chiếc ghe sơn màu vàng của những người Hoa Chợ Lớn, được chia ra làm hai toán hay hai phân đoàn tả, hữu chạy song song và nối đuôi nhau, và chiếc PCF của bạn HC2 Nguyễn Văn Nhất Lãng làm chiếc taxi đưa tay công điện, mật lệnh, hay tiếp tế giữa các chiến hạm. Dẫn đầu hai phân đoàn là hai chiếc Hộ Tống Hạm HQ- 11 và HQ-12; Chiếc HQ-11 phun khói đen mù mịt, theo sau là chiếc Trợ Chiến Hạm HQ-228 có hạm phó là bạn HC2 Nguyễn Ngọc Châu phít (xin quan Châu phít đính chính nếu có gì không đúng.)
Đoàn tàu chạy không có phương hướng trong mấy ngày đầu vì chưa biết sẽ đi đâu, mặc dù trên soái hạm (?) vẫn còn có sự hiện diện của viên cựu cố vấn Mỹ HQ thiếu tá Richard Armitage. Ông Armitage đã từng làm cố vấn cho HQ Việt Nam, tính tình rất xuề xòa bình dân, còn có tên Việt Nam là Trần Văn Phú, và nghe đâu ông ta còn là một nhân vật “cớm chìm” của cơ quan CIA. Từ trước năm 1975, ông ta là tùy viên quân sự tòa đại sứ Mỹ. Chính ông đã là những móc nối, động lực cho HQVN để tổ chức, và bảo đảm cho các chiến hạm Việt Nam ra khơi rời Việt Nam trong giờ thứ 25 của cuộc chiến. Mặc dù chính phủ Phi Luật Tân phản đối và không chấp nhận hạm đội Việt Nam, nhưng qua một cuộc “đạo diễn” của ông Artmitage này với hai chính phủ Hoa Kỳ và Phi Luật Tân, hạm đội Việt Nam cũng đã được phép vào Subic Bay chỉ sau khi đã đồng ý “hoàn trả lại” cho Hoa Kỳ.
Một buổi lễ hạ kỳ cùng giờ vào sáng ngày 7 tháng 5 năm 1975 trên tất cả các chiến hạm của hạm đội HQVN. Mọi người vừa hát quốc ca vừa khóc khi lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam được từ từ kéo xuống, rồi được thay thế bởi một lá cờ Hoa kỳ. Chúng tôi bàn giao quyền chỉ huy chiến hạm lại cho một vị sĩ quan Hoa Kỳ, tuy nhiên đây chỉ là tượng trưng vì điều hành con tàu vẫn do sĩ quan và thủy thủ đoàn Việt Nam. Chúng tôi lẳng lặng tháo lon, một số người vất xuống biển, còn một số người cất vào túi. Mọi số tàu, tên chiến hạm được sơn lấp mất dấu trước khi chiến hạm tiến vào hải phận Phi Luật Tân, và Subic Bay. Chúng tôi được chuyển qua tàu chở hàng, để được đưa qua trại tỵ nạn bên đảo Guam, hay bên đảo Wake.