Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn trong văn học Việt Nam vào những thập niên 50, 60, thuộc nhóm Sáng Tạo, nhưng tương đối ít được công chúng nhắc, hay biết đến, so với các nhà thơ, nhà văn quân đội khác, như Văn Quang, Thanh Tâm Tuyền, Phan Lạc Phúc, Thảo Trường v.v… –đều ở cùng trại Sơn La và Vĩnh Phú với tiện nhân. Sau khi ông mất, có khá nhiều bài viết về ông, mà tiện nhân được đọc trên Mạng, hay do bạn bè chuyển đến. Vợ ông, bà Huỳnh Diệu Bích, nói ông bị tù hai lần, lần đầu mười năm, lần sau, ba năm. Người khác thì kể rằng ông đã ở tù ba lần, tổng cộng mười hai, mười ba năm (nhưng trong bài thơ “Ta về” của chính ông, chúng ta đọc “mười năm”, được ông lặp lại đến mười hai lần) mà không thấy ai, hay ông, hay hiền thê, nói ở các trại tù nào, trong Nam hay ngoài Bắc.
Ra tù, và sang Mỹ, ông sống khép kín, âm thầm, cũng như Thanh Tâm Tuyền, một nhà thơ lớn khác, và tiện nhân không nghe ai nhắc về ông, và tên tuổi ông đi vào quên lãng. Chỉ khi ông qua đời, mới tuần rồi, người ta bèn thi nhau viết, và chuyển, những bài thương tiếc và ca tụng ông và thơ ông, nhất là “Ta về”, mà các bình luận gia xem như một tuyệt tác, chứa đựng nhiều thông điệp (message), kể cả quên hận thù, theo một nhà văn rât tai mắt mũi họng ở Bắc Cali.
Một chi tiết về sinh hoạt văn chương, mà tiện nhân không nghe ai nhắc đến, ngoại trừ anh Bùi Xuân Quang, một nhà hoạt động trong lãnh vực nhân quyền và văn hóa, hiện ở Paris. Theo anh Quang, nhà thơ Tô Thùy Yên, năm nào, đã được Viện Goethe (Goethe Institute, Đức quốc) mời đến thuyết trình về văn chương. Dịp này, hai người có gặp nhau tại Paris, trước khi nhà thơ trở về Mỹ.
Việc Tô Thùy Yên, lúc sống lưu vong, được mời nói chuyện tại một Học viện quốc tế danh giá, không người Việt nào biết, hay để ý đến, là điều đáng tiếc. Anh Quang chua chát viết tiếp: “Bây giờ đầy người khóc lóc. Lúc TTY còn sống, chẳng ai giúp in một cuốn sách. Nhưng thôi, đã là thi sĩ thì phải biết sống cô độc mới lên cao được. Tôi tiếc cho chúng ta chứ không tiếc cho TTY.”
Câu này làm tiện nhân nhớ đến nhà thơ chống Cộng đích thực và cô độc khác, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện –người đã bị một mợ chủ báo An Nam, tự phong là Đầm Giấy và thông thạo tiếng Phú Lang Sa, mấy năm trước đây, lôi ra đấu tố công khai, là chôm thơ của ai đó, và thách ông viết dictée, do mợ đọc, để xem trình độ Pháp ngữ có đúng như lá thư do ông viết bằng tiếng Pháp hay không.
Trường hợp hai thi sĩ lớn vào thời đại chúng ta, một bị thờ ơ, một bị tố khổ, cho thấy sự thâm thúy và chính xác trong câu nói của người xưa: “Bụt nhà không thiêng”. Là thế đấy. Tuy nhiên, dù sao, nhà thơ Tô Thùy Yên còn may mắn hơn nhà thơ Nguyễn Chí Thiện rất nhiều.
Portland, 28 tháng 5 năm 2019
Người Lính Già Oregon