HỆ THỐNG TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM HẢI NGOẠI
Chương Trình Tác Giả &Tác Phẩm
ĐIỆP MỸ LINH
55 Năm Cầm Bút
Thưa quý vị thính giả,
Điệp Mỹ Linh là một tên tuổi không xa lạ gì với những người còn chút quan tâm đến nền văn chương chữ nghĩa trên bước đường lưu vong.
Bà viết rất nhiều thể loại, từ truyện ngắn, truyện dài, phê bình văn học, đến tài liệu lịch sử về người lính năm xưa.
Đặc biệt, bà dành rất nhiều tâm huyết cho những tác phẩm về quân chủng Hải Quân Q.L.V.N.C.H. Bởi lẽ đơn giản, bà là phu nhân của Cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh, xuất thân khóa 8 sĩ quan H.Q. Nha Trang.
Bây giờ chúng ta hãy cùng dành ít phút trò chuyện cùng người phụ nữ đa tài và cũng đầy tâm huyết này nhé:
Thưa chị! Trước hết thay mặt cho thính giả của H.T.T.T.V.N.H.N. nói chung và Chương Trình Tác Gỉa & Tác Phẩm nói riêng, chúng tôi xin được hân hoan chào mừng nhà văn Điệp Mỹ Linh và cũng chân thành cám ơn chị đã dành thì giờ quý báu để đến với chương trình hôm nay.
Kính chào anh Huy Tâm cùng toàn thể quý thính giả đang theo dõi Chương Trình Tác Giả &Tác Phẩm trên Hệ Thống Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại. Điệp Mỹ Linh cũng xin được kính lời cám ơn Ban Giám Đốc Hệ Thống Truyền Thông Hải Ngoại đã tạo cơ hội cho Điệp Mỹ Linh được giàn trải tâm tư của Điệp Mỹ Linh với quý thính giả qua làn sóng của đài Việt Nam Hải Ngoại.
“Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” chúng tôi đã có dịp thưởng lãm tác phẩm của chị từ khá lâu. Mãi đến hôm nay mới có cơ duyên trao đổi cùng chị trên làn sóng của đài Việt Nam Hải Ngoại, thật là một vinh dự lớn lao. Bây giờ xin chị tóm lược một chút về thân thế, để thính giả có thể làm quen với một nguời cầm bút đã có nhiều tác phẩm được ưa chuộng.
Thưa anh, tên thật của tôi là Nguyễn Thị Thanh Ðiệp, sinh quán tại Dalat, học trường Domain de Marie; trường nằm cạnh đường Hai Bà Trưng và cách chùa Tuệ Quang không xa lắm. Năm tôi hơn mười tuổi gia đình dời về quê Nội, Nha Trang; tại đây tôi theo học trường trung học Võ Tánh; đệ nhị cấp tôi theo ban B (ban toán). Thời gian này tôi đàn Accordéon và hát cho Ðài Phát Thanh Nha Trang, trong ban ca nhạc Bình Minh, do Ba tôi – cụ Ðiệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – làm trưởng ban. Sau đó tôi theo học Luật tại đại học Luật khoa Saigon. Hiện nay tôi định cư tại thành phố Houston, TX.
Thưa chị! Qua phần tiểu sử, chúng tôi được biết, chị bắt đầu cầm bút từ năm 1961. Tính đến nay là hơn nửa thế kỷ làm bạn với chữ nghĩa. Thế đã có một thống kê chính xác nào về số lượng tác phẩm chị ra mắt độc giả chưa ạ?
Kính thưa quý thính giả, kính thưa anh, những bài đã viết trước 1975, không thể nào tôi nhớ được. Từ khi Ba tôi bắt đầu dạy cho tôi viết, năm 1961, quan niệm của tôi cũng giống như quan niệm của Ba tôi: Viết để giải tỏa những suy tư, những cảm nhận của mình chứ không viết với mục đích để trở thành nhà văn.
Nhưng, đầu thập niên 80, nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi – hiện tại cũng cư ngụ tại Houston – khuyên tôi nên gom những bài viết để in thành sách. Tôi đáp rất thật lòng: “Thưa anh, em chỉ viết chơi thôi mà!” Nhưng lúc nào gặp tôi, anh Huy Lực cũng nhắc nhở và khuyến khích tôi. Nhờ sự khuyến khích của một ngòi bút đàn anh, tôi ấn hành tác phẩm đầu tiên: Một Đoạn Đường. Tôi rất biết ơn nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi.
Sau Một Ðoạn Ðường là Bước Chân Non, Sau Cuộc Chiến, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975, Cuồng Lưu, Tưởng Như Trở Về, Ðưa Tiễn, Tìm Vết Chân Xưa và Trăng Lạnh. Muốn biết thêm chi tiết, kính mời quý thính giả vào trang nhà www.diepmylinh.com để đọc những tác phẩm của Điệp Mỹ Linh.
Và trong tương lai gần, chị có dự định sẽ in thêm các tác phẩm nào nữa chăng, thưa chị?
Thưa anh, tôi đang dò lại chính tả để ấn hành tác phẩm thứ 10, mang tựa đề Chỉ Còn Là Kỷ Niệm.
Chị có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong suốt thời gian cầm bút để kể cho thính giả cùng nghe không ạ!
Thưa anh, kỷ niệm buồn nhất trong đời viết văn của tôi là năm 1972, chú em của ông nhà tôi – thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung – tử trận tại Bình Long, được quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm, gần cầu Công Lý. Chú ấy rất hiền nhưng lại là một sĩ quan trẻ đầy dũng cảm, đã từ Quân Báo xin chuyển sang Biệt Ðộng Quân. Trước cái chết mang tính chất hào hùng của chú, tôi xúc động mãnh liệt. Tôi viết một bài ngắn, ký tên thật, Thanh Ðiệp, đăng trên Tia Sáng hay Tin Sáng tôi không nhớ rõ. Vô tình bài báo ấy đến tay vợ chú mà tôi hoàn toàn không biết. (Tôi quên thưa với anh là tôi chỉ viết lén, vì ông nhà tôi không thích tôi cầm bút, do đó tôi mới lấy nhiều bút hiệu khác nhau). Vợ chú đọc xong, buồn quá, cầm bài báo, lén mọi người, chạy ra cầu Công Lý với ý định trầm mình chết theo chú. Gia đình hay được, vội chạy đến khuyên ngăn. Vợ chú ấy không nói một lời, chỉ khư khư cầm bài báo và lặng lẽ khóc. Sau khi gỡ được bài báo từ tay vợ chú, đọc xong – vì thấy tên thật của tôi – gia đình “dũa” tôi một trận nặng nề! Gia đình bảo vì bài báo của tôi mà suýt nữa gia đình mất thêm một người thân!
Kỷ niệm vui là năm 1976, tôi viết cho tờ Âu Cơ của nhóm sinh viên bên Tây Ðức, ký tên con gái tôi – Xuân Nguyệt. Sau đó nhiều anh sinh viên viết thư làm quen với Xuân Nguyệt mà lúc đó Xuân Nguyệt còn bé xíu.
Thưa chị! Năm mươi lăm năm là thời gian đủ dài cho một thế hệ trưởng thành. Và cũng đủ cho lớp bụi thời gian phủ mờ trên ký ức đau buồn, hay những kỷ niệm đẹp của một thời thanh xuân đã qua. Thế nhưng với chị, thời gian dường như bất lực. Bởi hình tượng người lính hào hùng của một quân lực đã bị bức tử năm xưa vẫn sừng sững trong các tác phẩm của chị! Hiện tượng này nói lên điều gì, thưa chị?
Thưa anh, ngày xưa tôi học ban B, trong lớp chỉ có 2 đứa con gái là Đỗ Thị Nghiên và Thanh Điệp; số nam sinh các lớp B tuần tự vào Lính. Nghĩa là từ tuổi mới lớn tôi đã có nhiều bạn hữu đi Lính. Khi lập gia đình, tôi cũng “chọn” một người Lính; rồi em tôi, em chồng tôi cũng vào Lính. Đó là lý do tôi dành rất nhiều thiện cảm cho mấy ông Lính.
Mối thiện cảm này trở nên sâu đậm hơn, lênh láng hơn và tha thiết hơn kể từ khi tôi tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp – do Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh chỉ huy. Chính tôi thấy tận mắt sự chiến đấu can cường, liều lĩnh đến độ phi thường của người Lính V.N.C.H. Ngoài tinh thần bất khuất và quả cảm, người Lính V.N.C.H. còn mang trái tim chĩu nặng tình người. Chính tôi đã thấy một ông Lính vai mang ba lô, tay phải cầm súng, tay trái ôm em bé bê bết máu, chân lội bì bỏm từ rừng dừa nước chạy ra, hướng về đoàn chiến đỉnh, trao đứa bé, cho biết là cả gia đình đứa bé bị Việt Cộng giết hết; vì Bố của đứa bé là xã Trưởng! Năm Mậu Thân đơn vị của ông nhà tôi chịu trách nhiệm an ninh vùng Bình Điền, Chợ Lớn, chính tôi thấy Việt Cộng bắt trẻ em và phụ nữ đi trước để Lính VNCH không dám bắn còn Việt Cộng khom khom phía sau. Khi đến gần đồn hoặc chiến đỉnh, Việt Cộng vẫn núp sau lưng đàn bà và trẻ em để bắn vào đồn hoặc chiến đỉnh. Trong bài phỏng vấn đăng trong cuốn tài liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, Trung Tướng Vĩnh Lộc – Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Q.L./V.N.C.H. – đã nói: “Người Lính V.N.C.H. chiến đấu mà không man rợ!”
Thưa chị! Danh tướng Douglas MacArthur có câu nói để đời: “Người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhòa đi thôi!”
41 năm đã trôi qua, kể từ khi vận nước điêu linh, dân tộc rơi vào cảnh lầm than tăm tối. Và chúng ta trở thành những kẻ lưu vong trôi dạt khắp bốn phương trời. Không thiếu những kẻ đã quên đi nỗi tủi nhục ấy, nhưng với riêng chị, qua ngòi bút vẫn nói lên nỗi trăn trở khôn nguôi. Nhất là cái tình cảm chị dành cho các chiến sĩ năm xưa thật vô cùng nồng ấm. Và hình bóng những người lính ấy hình như chẳng bao giờ nhòa đi trong trái tim chị. Bằng tâm tình của một người đã từng cầm súng, chúng tôi xin nghiêng mình trước mỹ ý của chị. Chính chị, phần nào đã góp sức để trả lại vị trí xứng đáng cho người lính V.N.C.H.
Xin cảm ơn anh Huy Tâm. Nhưng tôi không dám nhận lời cảm ơn của anh; bởi vì, tôi nghĩ, nếu không có sự hy sinh vô bờ của người Lính V.N.C.H. thì làm thế nào thế hệ của tôi được sống và lớn lên trong một xã hội an bình, có nền tảng giáo dục và đạo đức cao như vậy? Tôi chịu ơn người Lính V.N.C.H. Do đó, lúc nào tôi cũng muốn dùng ngòi bút để gửi đến độc giả những nét đẹp, nét hào hùng của người Lính V.N.C.H.
Tôi thoáng đọc đâu đó câu : “Hãy trả lại danh dự cho người Lính và Quân Lực V.N.C.H.” Tôi ngạc nhiên: Danh dự của người Lính và Quân Lực V.N.C.H. ai có thể cướp đi được mà đòi trả lại! Người Lính V.N.C.H. đã chu toàn trách nhiệm và bổn phận trước lịch sử. Ai hoài nghi thì mời xem lại hồ sơ những trận đánh “để đời” của người Lính V.N.C.H. trong các trận chiến đẩm máu tại An Lộc, Bình Long, Hạ Lào, Cổ Thành Quảng Trị, Pleime, Đồng Xoài, Vũng Rô, v.v…Với kỹ thuật tác chiến thần tốc của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh, v.v…Người Lính và Quân Lực V.N.C.H. chưa bao giờ thua Cộng Sản Bắc Việt tại chiến trường mà chính quyền miền Nam đã thua tại bàn hội nghị – vì sự tráo trở, gian manh, lật lộng của Cộng Sản Việt Nam!
Tháng Ba 1975, lệnh rút quân khỏi Cao Nguyên, rồi lệnh rút quân khỏi Vùng I, Vùng II…Sáng 30-04-1975, ông Dương Văn Minh đầu hàng và ra lệnh người Lính V.N.C.H. buông súng! Vào thời điểm nghiệt ngã như vậy, người Lính V.N.C.H. làm được gì khi vũ khí và đạn dược không được tiếp tế mà lệnh đầu hàng thì đến từ vị chỉ huy tối cao, Tổng Tư Lệnh Dương Văn Minh? Sự thật là như vậy – tài liệu và phim ảnh còn đó – thì làm thế nào người Lính và Q.L.V.N.C.H. có thể bị mất danh dự được?
Tôi nhận thấy, vị thế của người Lính V.N.C.H. vào năm 1975 không khác chi vị thế của quân đội Nhật vào thời điểm sau khi chính phủ Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri tại Tokyo Bay, vào mùa Hạ năm 1945.
Từ năm 1945 đến nay, tôi chưa được đọc hoặc nghe ai kết luận quân đội Nhật Bản mất danh dự cả! Thế thì tại sao lại “đòi” trả lại danh dự cho người Lính và Q.L.V.N.C.H.?
Anh nhắc lời của Tướng Douglas MacArthur tôi mới nhớ một câu trong bài Điệp Mỹ Linh tường thuật buổi đại hội của Hải Quân tại Houston. Câu ấy như thế này: “…Riêng những người Việt trốn chạy khỏi sự tận diệt của Cộng Sản Việt Nam thì nghĩ rằng: Người Lính V.N.C.H. sẽ chết – vì “chết” là định luật của thiên nhiên! Nhưng hình ảnh của Người Lính V.N.C.H. thì sẽ sống mãi trong lòng những người không chấp nhận chế độ Cộng Sản”.
Tôi tin tưởng rằng, với hệ thống Internet, người trẻ trong nước đã, đang hoặc sẽ đọc nhiều tài liệu quan trọng và họ sẽ hiểu rõ hơn về người Lính V.N.C.H.
Thưa chị Điệp Mỹ Linh, hôm nay đã là hạ tuần tháng 11 năm 2016 chúng ta thực hiện chương trình Tác giả & Tác phẩm này qua chủ đề “Nhà văn Điệp Mỹ Linh 55 năm cầm bút” thay cho một bông hoa nhỏ để chúc mừng sinh nhật của chị vào ngày 27 tháng 11 sắp tới, với lời cầu chúc chị luôn dồi dào sức khỏe hầu tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới, làm rạnh danh chính nghĩa nhân bản của V.N.C.H., tô điểm rõ nét hơn hình tượng người lính năm xưa và góp phần tạo sự phong phú thêm cho kho tàng văn hóa dân tộc.
Bây giờ mời quý thính giả cùng chúng tôi hát chúc mừng Happy Birthday chị Điệp Mỹ Linh nhé!
Happy Birthday Song…
Thưa chị ! Mặc dù còn rất nhiều vấn đề muốn được trao đổi cùng chị. Nhưng vì lý do thời lượng nên chúng ta đành tạm gác lại. Hy vọng một dịp nào đó, sẽ được hân hạnh mời chị trở lại với chương trình. Bây giờ xin chị gửi lời chào tạm biệt đến quý thính giả trước khi rời làn sóng!
Một lần nữa, Điệp Mỹ Linh xin chân thành cám ơn đài Việt Nam Hải Ngoại đã dành cho Điệp Mỹ Linh một món quà rất đặc biệt nhân sinh nhật năm nay.
Xin kính chúc đài Việt Nam Hải Ngoại luôn phát triển để tiếp tục gửi tiếng nói thân thương đến với đồng hương của chúng ta trên khắp thế giới
Kính chào tạm biệt quý thính giả, kính chào anh Huy Tâm, rất mong sẽ được cơ hội tái ngộ cùng quý vị.
Xin chào chị!