Người dân trong nước với Hải Chiến Hoàng Sa 1974: “42 năm – Xin Lỗi và Ghi Ơn”


Lễ đón 4 chiến sĩ hải quân VNCH & 1 người Mỹ bị TQ bắt làm tù binh trong hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974

42 năm – Xin Lỗi và Ghi Ơn

.

Paulus Lê Sơn – Posted by admin on January 19th, 2016

19-1-2016
Ngày này cách đây 42 năm đã xảy ra một trận chiến đẹp nhất trong những trận chiến từ sau 45 đến 75. Trận chiến đúng nghĩa của những anh hùng dân tộc đánh đuổi và bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc. Ngày 19.01.1974, 74 tử sĩ đã hiên ngang, oanh liệt mà chiến đấu với quân thù Trung Quốc, và chính ngày hôm ấy các anh đã phơi mình nơi xa trận để non nước vẹn toàn.
Chúng tôi là những người trai trẻ của thế hệ sau các anh. Một lời xin lỗi tới vong linh các anh và gia đình các anh tự đáy lòng vì một nỗi; chúng tôi đã không biết gì về sự hy sinh lớn lao của các anh dành cho dân tộc và tổ quốc Việt Nam.
Chúng tôi không muốn đưa ra lý do để biện minh cho sự ‘’không biết’’ này về các anh. Nhưng phải nói, phải nói cho cụ thể. Thế hệ 8X như chúng tôi đây, học dưới mái trường XHCN. Họ nhồi nhét cho chúng tôi về những “trận chiến oanh liệt, hào hùng và vẻ vang của người cộng sản Bắc Việt chiến thắng ‘ngụy quân, ngụy quyền’”. Họ nói về VNCH như là một sản phẩm của Hoa Kỳ, rất man rợ và tàn ác đối với nhân dân và dân tộc?
Trong lịch sử chế độ XHCN đã ghim vào đầu chúng tôi được biết đến các anh như là bán nước, phản động, theo Mỹ. Họ ca ngợi Trung Quốc, Liên Xô, những người anh em XHCN đã trợ giúp cho họ đầy đủ quân lực nhu yếu phẩm trong cuộc chiến Bắc-Nam.
Họ đã nhồi sọ chúng tôi về tư tưởng Mác-Lê, đạo đức Hồ Chí Minh trong suốt phân nửa thời gian chúng tôi cắp sách tới trường từ mẫu giáo cho tới đại học. Thử hỏi, chúng tôi sẽ biết gì về các anh, về VNCH là một chính thể, một quốc gia và thế giới bên ngoài?
Họ không hề nói gì đến các cuộc chiến chống quân Trung Quốc mà điển hình như trận hải chiến năm 1974 các anh đã tưới máu cho đất Mẹ thêm nồng nàn tình yêu. Chúng tôi không biết về các anh đơn giản vì các anh là sĩ quan trong quân lực VNCH, và vì Trung Quốc là đồng chí tốt với thể chế cộng sản.
Anh linh các anh khôn thiêng chắc hiểu thấy chúng tôi tội nghiệp lắm? Chúng tôi giống như những sinh vật sống trong khung cửi của chủ nhân mà không biết gì về bên ngoài.
May mắn thay, nhờ Internet, nhờ Facebook, mạng xã hội. Chúng tôi biết có 74 anh hùng của dân tộc đã chết cho tổ quốc.
Trong suốt hơn 40 năm qua, các anh không được cái xã hội này, đất nước này dưới sự cai trị của cộng sản quan tâm. Một phần lỗi lớn do chính chúng tôi. Vì chúng tôi đang làm chủ đất nước này nhưng lại quá hèn nhát, quá sợ hãi, quá nhu nhược không dám lên tiếng để tri ân và ghi ơn các anh cùng thân nhân các anh.
Giờ đây, hiện tại những ngày tháng này, chúng tôi nhận thấy các anh trong dòng máu người Việt yêu nước, nhưng than ôi! để tỏ bày lòng thành kính, lời xin lỗi muộn màng cùng sự ghi ơn vội vã của những con người có thiện chí từ Bắc vào Nam mà họ đã chịu biết bao nguy hiểm.
Một đoàn người từ Sài Gòn còn sống về biển với một đoàn người đã chết nhưng đã bị chặn, bị cấm. Lẵng hoa gởi nơi xa các anh đang nằm đó nhưng lại bị nhà Quan phá nát. Nhà Quan nói với đoàn người còn sống đến tưởng niệm các anh hùng dân tộc bằng một câu ráo hoảnh, quyền lực mà thất đức với người chết cũng như kẻ còn sống. “Đây là chỉ thị của cấp trên xuống cho chúng tôi cấm các anh không được lên đây”. Vũng Tàu, hoa nát hương tàn, xót xa và tủi nhục cho kẻ còn sống cũng như người đã chết.
Không vì thế mà chúng tôi chùn bước, dù giặc thù mưu mô chước quỉ, chúng tôi vẫn tiến lên và ghi ơn các anh hùng nghĩa sĩ, chúng tôi trọn một lòng cho đất nước dân tộc như khi xưa các anh đã từng sống và từng chết cho quê hương.
Hồn thiêng sông núi tựa như nén hương lòng, nén hương lòng của tình yêu đất nước được khơi gợi từ cái chết anh dũng của các anh đã, đang âm ỉ và bùng cháy trong mỗi người thanh niên Việt Nam. Và họ đang biến nó thành hành động. Chống Trung Quốc diễn ra khắp nơi, từ Bắc chí Nam từ đông sang tây, từ già đến trẻ, nam thanh nữ tú. Hy vọng những điều chúng tôi đang làm là để ghi ơn sự hy sinh của các anh.
Trước vong linh của các anh, chúng tôi, những người dân Việt Nam nguyện từ bỏ cả tính mạng như các anh để gìn giữ từng tấc đất mà mà cha ông để lại nếu quân thù hoặc tay sai của quân thù muốn xâm phạm.
Một phút Tưởng niệm 74 anh hùng Tử sĩ Hoàng Sa 19.01.1974 để xin lỗi và ghi ơn, để lịch sử đất nước tạc trong tâm khảm những người dân Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo, để chạm đến tình cảm thiêng liêng nhất của người Việt Nam.
……………………………………………………………..

Sự thật có phép chữa lành

Năm thứ 41, kể từ khi những người cộng sản toàn trị ở Việt Nam, ngày tưởng niệm Trung Quốc tấn công và cưỡng chiếm Hoàng Sa mới được công nhận chính thức bằng một tấm bia dựng lên ở đảo Lý Sơn. Nhiều năm nay, người dân miền Nam Việt Nam thường chỉ nhắc nhau trong im lặng, vì bởi chuyện Hoàng Sa mất như thế nào, ra sao… vẫn nằm trong vùng cấm kỵ của mối quan hệ anh em giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Năm thứ 41, sự thật mới được làm rõ và mạnh dạn trên mọi kênh thông tin của nhà nước quản lý. Trước đây, nếu như có đưa tin hay có dịp nói rõ về sự xâm lược của Trung Quốc, đó cũng chỉ là sự vượt rào của giới báo chí khi được lệnh để đối phó ngoại giao, hoặc là những cú dấn đầy tính thăm dò trong một nền chính trị hiện tại, mà những người cầm quyền luôn cân nhắc xem việc nhìn nhận thể chế Cộng hòa phía Nam như thế nào cho “đúng tầm” của mình.
41 năm, sự thật vẫn nguyên vẹn đó. Sự thật vẫn thì thầm trên môi của từng người Việt yêu nước mình. Sự thật vẫn trao lại cho nhau bởi những người Việt không chấp nhận cúi đầu trước kẻ xâm lược, và gọi đó là bạn. Sự thật như chân lý – chỉ khuất chứ không bao giờ tắt.
Sự thật đẩy lùi chữ “ngụy” trên báo chí và truyền thông nhà nước, trên câu nói của các quan chức, và thay vào đó bằng những chữ khác, chút đàng hoàng hơn. Bởi một chính thể “ngụy” thì sẽ không bao giờ dám đương đầu với một quốc gia hùng mạnh hơn mình, không dám liều chết với kẻ xâm lược quê hương mình. 74 anh linh người Việt trong quân phục Việt Nam Cộng Hòa đã ghi tên mình vào sử sách Việt, trong việc chống lại Trung Quốc năm 1974, hy sinh đời mình. Sự thật về họ là bằng chứng duy nhất và mạnh mẽ nhất để nhà nước Việt Nam hôm nay có thể nói không ngại miệng rằng Hoàng Sa đã bị xâm lược, Hoàng Sa là của Việt Nam.
74 người lính đó không phải là nghĩa sĩ. Tấm bia giả dối chỉ ghi một nửa sự thật đó, rồi một ngày sẽ phải thay đổi. Nghĩa sĩ chỉ là những người có tấm lòng, và hành động trong một bối cảnh bị dồn ép. Nhưng 74 anh linh đó là những quân nhân nhận được mệnh lệnh trực tiếp từ chỉ huy của họ, của tổ quốc mình, rằng phải sống mái với giặc thù để giành lại đảo, giành lại biển, và họ trở thành tử sĩ. Rõ ràng, quyết tâm và hành động của thiếu tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của mình hoàn toàn khác hẳn với 64 binh sĩ của quân đội Nhân Dân Việt Nam trên đảo Gạc Ma, bị thảm sát năm 1988: đó là những người bộ đội bị giết chết uất ức vì theo lệnh của chỉ huy trên đất liền là không được đánh trả. Thậm chí xác của họ không được trục vớt, thông tin bị ém nhẹm suốt nhiều năm, họ từng bị bỏ quên trong trong nhiều năm một cách đau xót. Chính những người đó đã hy sinh trong vai trò của nghĩa sĩ. Ngày 19/1/1974 không có nghĩa sĩ, mà chỉ có những người hy sinh vì đất nước, những tử sĩ của quốc gia.
Sự thật sẽ trả lại sức mạnh cho nhân dân Việt, khi chính thức được nói rằng kẻ thù đang ở ngay bên cạnh, và được không ít kẻ trong nước ôm ấp, mơn trớn cho tư lợi. Sự thật sẽ mang lại đoàn kết cho dân tộc Việt, vốn đã rã rời bởi sự lừa dối có chủ đích của những kẻ có quyền, muốn bẻ cong lịch sử. Victor Hugo (1802-1885) có nói rằng “Nhân dân không bao giờ thiếu sức mạnh, nhân dân chỉ thiếu ý chí”. Sự thật trả lại ý chí và sức mạnh cho dân tộc này – ngoại trừ việc loại lãnh đạo nào đó căm ghét sức mạnh và ý chí của người Việt Nam trước kẻ xâm lược.
“Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất”, Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) có nói vậy. Và một chính quyền, chỉ có thể chính danh khi đi cùng sự thật. 41 năm, sự kiện hải chiến Hoàng Sa của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa có thể được sử dụng như một đòn phép chính trị trong hay ngoài nước, được xuất hiện rõ ràng và công khai, nhưng phải là sự thật. Trong tin tức và video những ngày mà người dân được nhìn thấy, những vòng hoa cho ngày 19/1 bị những tên tay sai giằng xé, không cho đem ra lễ tưởng niệm. Những giờ thiêng mặc niệm cho anh linh của liệt sĩ bị bọn bán nước nói tiếng Việt đến quấy nhiễu. Thật nhục nhã và đồi bại. Tuồng trò chính trị có vô vàn biến thể – nhưng lòng yêu nước chỉ có một thể tồn tại duy nhất. Sự thật sẽ ghi lại và phỉ nhổ!
Nếu được tôn trọng, sự thật có phép chữa lành. Sự thật sẽ chữa lành cho các thế hệ cảm thấy mình vô can trước tổ quốc đang khốn khó. Sự thật gột rửa và cứu chuộc cho những kẻ tay sai truyền thông bị nhồi sọ, và cả những thế hệ trẻ bị tẩy não, chỉ còn biết thù ghét đồng bào của mình nhưng giỏi quỳ gối khom lưng trước quyền thế của bọn giặc phương Bắc. Sự thật cũng vén sương mờ và chọn người lãnh đạo cho quê hương này: một người biết yêu tổ quốc và quyết không nô lệ cho bất kỳ một lý tưởng nào.
Và sự thật, cũng sẽ cứu chuộc chính chúng ta.
.
FB Nguyễn Tuấn Khanh
19/1/2016
……………………………………………………………………….

Lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”.

Tại VN, sáng 17-1, đồng loạt các tờ báo ở trong nước như Tuổi Trẻ, Lao Động… cũng đã đang tin Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức buổi lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”.

Cát từ Hoàng Sa do ngư dân đưa về được đổ vào nơi đặt viên đá đầu tiên xây khu tưởng niệm Hoàng Sa – Ảnh: T.Vũ
Nguyên văn như sau:
“Báo Tuổi Trẻ cho biết, buổi lễ đặt viên đá khởi công có sự tham dự của thân nhân các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa.
Nhiều đôi mắt đỏ hoe khi nghe bà Đỗ Thị Hảo (70 tuổi, thôn Tây, An Vĩnh) ngân lên khúc hát truyền đời hàng trăm năm nay ở Lý Sơn“Chiều chiều ra ngóng biển xa, Ngóng người đi lính Hoàng Sa chưa về, Hoàng Sa trời nước mênh mông, Người đi thì có mà không thấy về…”.
.
Bà Ngô Thị Kim Thanh, vợ của cố Thiếu Tá HQ Nguyễn Thành Trí (Hạm Phó HQ10) mang bình cát trắng đổ vào nơi đặt viên đá xây tượng đài.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo – con gái đầu của cố sĩ quan Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thành Trí – chia sẻ: “Buổi lễ này không chỉ riêng gia đình tôi hạnh phúc mà 74 gia đình của tử sĩ Hoàng Sa hi sinh năm đó đều hạnh phúc”. (Tuổi Trẻ)
Bà Ngô Thị Kim Thanh mang bình cát trắng đổ vào nơi đặt viên đá xây tượng đài.
 “Trong buổi lễ, có phần chia sẻ của ông Trần Hòa – cựu binh sĩ quân y từng đồn trú ở Hoàng Sa trước năm 1974. Trong câu chuyện ông kể về Hoàng Sa, người nghe ám ảnh về tiếng cuốc kêu. Đảo đón ông bằng tiếng cuốc kêu lên từng hồi trong rừng cây bàng, rồi khi hết nhiệm vụ quay trở về với đất liền, cũng lại là tiếng cuốc nỉ non từ biệt. Bất kỳ ai nghe đoạn chia sẻ ấy cũng sẽ buộc phải liên tưởng tiếng cuốc đến cái cảm thức của Bà Huyện Thanh Quan 3 thế kỷ trước. “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”.
Những ngư dân bám biển, những người lính đã ngã xuống nơi tiếng cuốc kêu, những nhân vật lịch sử giờ chỉ còn trong điệu hò, dù ở phe nào, tư cách gì, đều là những “nghĩa sĩ”, và khu tưởng niệm ấy dành cho họ.” (Lao Động)
 
Phạm Bằng Tường (Tổng hợp)