HQ. Phạm Quốc Nam
Trời vừa hừng sáng, toán xung kích đã trang bị gọn gàn, đầy đủ súng đạn và tụ tập dưới bến tàu của Duyên đoàn 44 Hà Tiên. Đằng kia, chiếc PCF của Trung úy Các (K.19) đã nổ hai máy sẳn sàng. Sau khi trung úy Các điều động xong nhân viên PCF cột 3 chiếc xuồng nhỏ kéo theo sau lái. Thuyền trưởng Các gọi tôi:
– Ê! xong chưa Nam?
Tôi ra dấu cho Trung úy Các, nói lớn:
– Chờ mấy thằng Seal xuống là go.
Không đầy 5 phút sau, Đãi úy Smith và một US Navy Seal khác mang máy PRC-25 từ phía trên cầu tàu chạy lụp xụp xuống bến. Hai thằng Seal mặc bà ba đen, mang dép râu, mặt mũi bôi lọ vằn vện màu xanh đỏ, dây đạn M.16 quấn trên vai với hai khẩu M.16. Trông thấy cả hai Navy Seal thật xom tụ như các tài tử đóng phim Rambo. Lần nào đi công tác, mấy thằng Seal cứ màu mè như thế. Nhưng đến vùng, họ ở dưới tàu và chỉ có bọn chúng tôi lần vào ‘victor tango’.
Tôi ra dấu cho cả toán, vừa nhảy xuống sàn lái PCF và nói to với thuyền trưởng Các:
– OK! Let’s go.
Trung úy Các thò đầu ra cửa phòng lái:
– Đủ chưa Nam?
Tôi gật gật đầu:
– OK! Đủ rồi.
Chiếc PCF tách bến hướng mũi vào sông Giang Thành. Tôi vào phòng lái gặp thuyền trưởng, Trung úy Các:
– Niên trưởng Các. Mình ghé Trà Phô ăn sáng.
Trung uý Các:
– OK! Được Nam.
Một lát sau, tàu đến Trà Phô. Chúng tôi lên chợ và tấp vào cái quán bán hủ tiếu quen thuôc, nằm cạnh bờ sông. Sáng sớm, con sông còn đang bốc hơi mùi tanh tanh, càng làm cho mùi hủ tiếu dậy mùi hấp dẫn. Mùi thơm quen thuộc mỗi lần ghé lên Trà Phô trên bờ sông Giang Thành. Mặc dù đó là quán hủ tiếu bình dân của nhà quê như Trà Phô này, nhưng mấy mươi năm ở Mỹ, tôi chưa tìm lại được mùi thơm của hủ tiếu quyến rũ như thế, ở bất cứ nhà hàng nào. Nói chi đến hương vị của nó. Tôi thắc mắc ở Mỹ đầy đủ nguyên vật liệu để nấu hủ tiếu, nhưng không thể nào và không có quán tiệm nào nấu được một tô hủ tiếu có hương vị đặc sắc của tô hủ tiếu như ở Việt Nam, dù là hủ tiếu bình dân rẻ tiền như nơi nhà quê. Tô hủ tiếu chỉ có vài lát thịt heo mỏng, ít tép mở, một nhúm nhỏ cải bấp thảo khô và vài cọng hẹ tươi với hành lá. Thế mà ngon tuyệt!
Đớp sạch tô hủ tiếu và uống cạn ly cà phê sửa nóng. Chúng tôi no bụng, tươi tỉnh ra và kéo nhau trở về tàu. Hai thằng seal cũng no ké. Chiếc PCF tách bến chạy ra giửa dòng sông và hai máy tiến full vào vùng công tác. Hơn nữa giờ sau, tôi dò theo bản đồ và nói Trung uý Các cho PCF ủi vào lùm cây gần cửa một con rạch nhỏ, không xa lắm với con kinh Vĩnh Tế. Toán của tôi chỉ có 7 người. Tôi đã cho hai nhân viên đi phép. Chúng tôi chia nhau xuống ba chiếc xuồng nhỏ được PCF kéo theo.
Trước khi trèo xuống chiếc xuồng của Hạ sĩ Tám rổ, nhân viên mang máy truyền tin PRC-25. Tôi hỏi hai thằng navy
seal:
– Tụi mầy vào không?
Thằng Smith, rất thích đi công tác và nhậu ruợu đế ở quán cô Lệ góc cây me với tôi. Hắn lắc đầu, ra dấu ngón tay cái ‘Number one’ và đẩy ra phía chúng tôi:
– Tụi mày vào đi. Tụi tao ở ngoài. Nếu tụi mày bên trong có đụng, tao gọi yểm trợ hay trực thăng nhanh hơn.
Tôi cố ý hỏi để chọc họ chơi vậy thôi. Chứ đi nhiều chuyến công tác rồi, có khi nào mấy thàng seal này theo chúng tôi vào điểm kích.
Các chiếc xuồng bằng vật liệu thật mỏng nhẹ, rất hẹp và ngắn, chỉ ngồi được hai hoặc ba người. Chúng tôi bơi vào rạch. Chiếc xuồng di chuyển bằng cách níu các chòm cỏ dại hoặc cành cây nằm ven bờ rạch hay chống tay vào bờ đẩy xuồng tiến về phía trước. Các xuồng tiến vào sâu trong rạch. Đến vị trí kích, tôi cho xuồng trải ra xa và im lặng ngồi kích trên xuồng. Cảnh vật chung quanh thật tĩnh mịch. Thỉnh thoảng có bầy bù mắt kéo bay qua. Tiếng con cá nhỏ đớp mồi dưới mé rạch, chúng tôi cũng nghe thấy được.
Chờ đợi, rồi chờ đợi….Mặt trời đứng bóng….rồi ngã từ từ về tây….Xế trưa, mọi cảnh vật vẫn im lìm, không động tịnh. Tiếng rè rè của chiếc máy truyền tin vào xế trưa càng nghe như rỏ hơn…..Tôi nhìn đồng hồ tay thấy vừa đúng ba giờ chiều. Chúng tôi ngồi yên dưới xuồng kích đã hơn 5 tiếng đồng hồ. Không thấy bóng ma thằng kinh tài VC nào đi qua đây như tình báo đã đưa tin. Tôi báo cáo tình hình về phòng hành quân và xin lệnh rút ra tàu.
Bên kia đầu máy, Trung uý Nguyễn Văn Tràng (K.19):
– Ráng một chút nữa Nam. Đến 4 giờ không có gì thì rút.
Tôi nói ‘Ok’. Thời gian trôi qua chầm chậm như đi theo cây kim gió của chiếc đồng hồ đeo tay. Tôi nghe rỏ cả tiếng kêu tích tắc ở giửa cái không gian trầm lặng như tờ giửa rừng đước. Đúng 3:45 chiều, tôi ra dấu tập trung xuồng lại, chuẩn bị rút….
‘Xoạt’…..tiếng kêu xoạt trên bờ cách con rạch khoảng 10 mét làm chúng tôi giật mình. Cả bọn chúng tôi cùng hướng mắt vào nơi phát ra tiếng động. Với phản ứng tức thì, chúng tôi cùng đưa nòng súng vào tầm bắn. Một thằng nhỏ khoảng 10 tuổi vừa vạch bụi cây, chui lẹ ra ngoài và đâm đầu bỏ chạy vào trong rừng đước; Trung sĩ Nhàn định bóp cò nhưng tôi nhanh hơn:
– Đừng bắn! Đừng bắn! Nó là thằng con nít.
Trong nháy mắt, thằng VC con chạy biến mất trong khu rừng đước. Trung sĩ Nhàn ngạc nhiên:
– Ủa! Sao không bắn nó…Chuẩn úy?
Tôi lắc đầu:
– Mình có bắn thằng nhỏ thì bên trong mấy thằng VC nghe tiếng súng cũng đã bỏ chạy mất mẹ nó rồi. Có bắn chết hay bắt sống thằng VC con thì cũng không bắt được mấy thằng VC bên trong. Vã lại mình lại không được lệnh rời điểm kích đi sâu vào trong bờ.
Tôi tặc lưỡi:
– Cha nó. Bọn VC độc ác đến thế là cùng. Dùng thằng con nít làm bia báo động….Thôi rút về tàu anh em.
Trước khi rời điểm kích, tôi kêu Hạ sĩ nhất Châu văn Năm thẩy vào trong sâu vài trái M.79 và báo cho PCF và hai thằng seal bên ngoài biết chúng tôi đang trở ra tàu.
PCF đưa chúng tôi về đến bến tàu dưới ánh nắng buổi chiều buông.
Đó là chuyến công tác lần thứ mười một khi tôi làm trưởng toán xung kích. Đúng ra công tác của chúng tôi là đi thám sát, đổ bộ lên nơi sensor của khu vực nào có tín hiệu báo động để quan sát hay thu thập nguyên nhân làm cho sensor phát tín hiệu. Dãy sensor được cày đặt dọc biên giới Việt – Miên. Công tác bất kể ngày đêm, cứ sensor có báo động là chúng tôi được đưa đến. Tuy nhiên thỉnh thoảng phải đi công tác cho tình báo như phục kích bắt kinh tài hay cán bộ VC được kể bên trên. Không biết do tình báo của Hải quân Việt Nam hay của Hoa Kỳ yêu cầu.
Tôi và hai thằng bạn khác trong số 15 thằng mới ra trường về Vùng 4 Duyên Hải, bắt thăm về Duyên đoàn 41. Tôi không may mắn như Tuyên và Ninh được thay phiên nhau đi công tác hành quân ở Năm Căn (Vùng 5 Duyên Hải), tôi bị đơn vị trưởng là một đại úy gốc bộ binh chuyển sang hải quân đì hết sức. Nhiều lúc đối diện đấu võ mồm với ông ta làm cho tôi muốn điên lên. Tôi gần như bị ông ta giam lỏng tại hậu cứ của Duyên đoàn 41 trên hải đảo Giáng Tiên (Hòn Khoai – Poulo Obi). Ngày xưa tôi nghĩ đơn giản là tôi không họp ‘gu’ với ông ấy nên bị ‘đì’. Nhưng sau 30/4/1975 tôi được biết những vụ bất ổn xảy ra trong đơn vị chính do tên VC nằm vùng đội lớp sĩ quan hải quân của duyên đoàn gây nên mà bấy giờ tôi chỉ nghĩ hắn chỉ là tên antenna cho đơn vị trưởng mà thôi. Câu chuyện của tôi và đơn vị trưởng đã đến tay Tư lịnh vùng. Nhân chuyến thị sát bờ biển phía Nam của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và HQ Đại Tá Đỗ Kiểm, Tư Lịnh Vùng 4 Duyên Hải ghé Duyên đoàn 41, qua tin tức của Chuẩn úy Trần Công Nhuận thay thế Thiếu úy Nguyễn Phúc Kha, tùy viên Tư Lịnh Đỗ Kiểm được tháp tùng theo chuyến bay, cho tôi biết tôi đã có công điện gọi về Bộ Tư Lịnh Vùng. Biết được tin này và được TL. Đỗ Kiểm đồng ý, tôi cuốn gói lẹ theo trực thăng của Tướng Ngô Quang Trưởng, gĩa từ hải đảo Giáng Tiên trở về Bộ tư Lịnh vùng. Ngày hôm sau, tôi trình diện TL. Đổ Kiễm để lảnh 8 ngày trọng cấm. Một tháng sau, tôi được biệt phái cho đơn vị Tác Chiến Điện Tử của Hoa Kỳ tại Hà Tiên.
Chuyến công tác đầu tiên của tôi khi được biệt phái đến đây là dẫn toán xung kích thám sát một khu vực sensor báo động nằm sâu trong bờ, gần biên giới Việt – Miên vào giửa đêm khuya. Chúng tôi đến nơi và ghi nhận có một đơn vị của VC đang di chuyển. Chúng tôi được lệnh theo dõi đoàn quân của VC đang di chuyển này. Khi đoàn quân của địch biến mất vào sâu trong lãnh thổ của Miên, chúng tôi được lệnh rút về tàu. Mặt tôi vài nơi sưng vù vì bù mắt cắn, mặc dù tôi có mang theo thuốc thoa da và lưới trùm kín mặt.
Sáng hôm sau, chúng tôi lại được đưa trở lại điểm kích khuya hôm qua để thám sát và ước tính quân số của địch quân di chuyển. Nhân dịp này, chúng tôi đi sâu vào lãnh thổ của Miên. Dọc biên giới, xa xa mới có một căn nhà lá. Bấy giờ trời nắng gắt, cả bọn khát nước nên chúng tôi ghé tạt vào một ngôi nhà gần nhất, có vách bằng đất và mái nhà lợp bằng lá dừa. Sân nhà thật rộng, có hàng cây dừa cao thẳng tắp và nhiều cây xoài đang độ xum xuê, đầy trái chín (xoài mọi nhỏ trái nhưng rất ngọt). Vừa vào đến giửa sân, có một ông gìa người Miên trong nhà lom khom đi ra chào đón. Ông ta không nói được tiếng Việt. Chúng tôi ra dấu bằng tay, ông ta hiểu ý chúng tôi muốn xin vài trái dừa tươi để uống và ít trái xoài mọi ăn giải khát. Ông già vui vẻ chỉ trỏ như muốn nói tự nhiên hái lấy mà ăn. Tuy nhiên, chúng tôi biết xâm nhập qua đất Miên là trái phép, nên tôi bày kế cho Hạ sĩ Lưu Ban, nhân viên người Việt lai Miên trong toán xung kích biết nghe và nói được tiếng Miên sành sỏi:
– Lưu Ban. Anh nói tụi mình là lính Pôn Pốt nha. Đừng cho ông ta biết tụi mình là hải quân dưới tàu.
Không biết Lưu Ban nói gì với ông gìa. Chúng tôi thấy ông ta nhe hàm răng rụng gần hết, cười và quơ bàn tay như không tin lời Lưu Ban, miệng cứ nói: “Marine…Marine…”. Tay kia ông ta chỉ về hướng tàu đang ủi bên dưới bờ sông ngoài kia.
Tôi hiểu ra mấy tiếng ‘Marine…Marine” của ông cụ:
– Thôi Lưu Ban. Ông gìa biết mình là hải quân rồi. Không gạt được ổng đâu.
Lưu Ban không gạt ông lão nữa và cả hai quay ra nói chuyện chi đó. Một hồi ông gìa chỉ bầy gà đang kiếm mồi trước cửa nhà. Chúng tôi hiểu ông gìa cho Lưu Ban con gà. Lưu Ban chạy lẹ khom người xuống chụp một con gà trong bầy. Nhưng Lưu Ban chụp hụt làm bầy gà bỏ chạy tứ tán. Có một con gà mái chạy thẳng vào bên trong nhà. Lưu Ban rượt theo. Ông gìa như hốt hoảng chạy theo sau. Thấy phản ứng lạ lùng của ông gìa, tôi đi nhanh theo vào nhà. Vừa vào đến phòng bên trong, ông gìa thấy tôi xuất hiện, ông ta quỳ sụp xuống và lạy lia lịa làm tôi càng sanh nghi, nhìn quanh:
– Lưu Ban đừng bắt gà nữa. Khám xét mấy cái khạp lớn coi bên trong có cái gì không?
Ông gìa hình như hiểu lời tôi nói. Ông ta càng lạy và miệng nói lấp bắp như van xin điều chi đó. Sát vách nhà có mấy cái khạp to đậy nấp ván. Các khạp đựng nước uống và có cái đựng thóc, lúa. Lưu Ban đến giở nấp cái khạp cuối …một cô gái trẻ trong khạp đứng thẳng lên làm tôi và Lưu Ban giực nẩy người. Cô gái Miên độ chừng 16 hay 17 tuổi đứng thẳng, hai tay che trước ngực run lẩy bẩy. Mặt cô bé tái xanh không còn chút máu, như muốn khóc, trong khi ông gìa cứ hướng về phía tôi sụp lạy như tế sao.
Bấy giờ tôi và Lưu Ban hiểu ra cử chỉ van xin của ông gìa Miên. Tôi nói:
– Lưu Ban nói với ông gìa tụi mình không có làm bậy bạ gì cô gái kia đâu. Đừng sợ!
Lưu Ban thông dịch lại. Ông gìa mừng qúa. Ông ta hướng về tôi xá thêm vài xá và kéo tay Lưu Ban ra phía sau nhà. Tôi nhìn theo. Sau nhà là cái chuồng heo. Tôi trở ra ngoài ngồi với mấy anh em ngoài sân. Chúng tôi đợi Lưu Ban. Chưa đốt xong nữa điếu thuốc captain, Lưu Ban từ cửa nhà bước ra với một con heo mọi nhỏ xíu (heo con) kẹp bên hông. Ông gìa vui vẽ và trở nên thân thiện hơn, đi theo phía sau Lưu Ban nói liên tu, mà chúng tôi chẳng hiểu gì cả.
Lưu Ban hí hửng:
– Chuẩn úy ơi! Ông gìa cho con heo sữa.
Vài anh em khoái chí:
– Thiệt hả Lưu Ban?
Lưu Ban ra dấu chắc ăn và chỉ ông già đi sau đang cười toe toét, gật gật đầu:
– Thiệt mà.
Nắng trưa cũng đã đứng bóng. Chúng tôi cám ơn ông gìa Miên và kéo nhau trở về tàu. PCF về đến bến. Chúng tôi rời bến tàu và trở về bản doanh. Chiều tối hôm đó, chúng tôi có một chầu nhậu đã đời với thịt heo quay, da mỏng dòn rụm và lòng heo luộc chấm nước mấm cay, dầm me. Tuyệt cú mèo!
Đơn vị Tác chiến Điện Tử của Hoa Kỳ tại Hà Tiên được đặt trong căn cứ của Duyên đoàn 44. Toán xung kích của chúng tôi không trực thuộc Duyên đoàn. Lúc ấy CHT Duyên đoàn 44 là HQ Thiếu Tá Nguyễn Khoa Lô (K.13), CHP là HQ. Trung úy Phạm Xuân Kha (K.14) và Trung úy Tình báo Nguyễn Văn Lang (Lang say – K.16). Giửa cố HQ Thiếu tá Nguyễn Dinh K.13, Cựu Liên đoàn Trưởng LĐ/SVSQ/HQ/NT, niên trưởng Lang và tôi có nhiều gắn bó ở trại tỵ nạn Bataan – Philippines vào đầu năm 1986. Nhất là niên trưởng Lang và tôi có một thời với lắm kỷ niệm vui. Tại Duyên đoàn 44, tôi còn gặp số bạn cùng khóa.
Toán xung kích của chúng tôi biệt lập với Duyên đoàn 44 nên Thiếu tá Nguyễn Khoa Lô, Chỉ huy trưởng Duyên đoàn không có ý kiến gì khi chúng tôi muốn ở bên ngoài căn cứ. Chúng tôi thuê nhà riêng cách chợ Hà Tiên một con đường và gần bến ghe đánh cá. Đương nhiên lính tráng được ở ngoài căn cứ thì được tự do, thoải mái qúa đi chứ. Chúng tôi còn thuê một căn nhà cho nhân viên ở chung và dùng nơi đó làm bản doanh để tập họp, cất vũ khí và máy truyền tin. Dân Hà Tiên cũng như các thứ lính khác như Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Cảnh Sát v.v…, có thể họ biết chúng tôi là hải quân nhưng không biết chúng tôi thuộc đơn vị nào. Chúng tôi thích gì mặc nấy khi đi công tác. Phần lớn anh em thích mặc đồ rằn ri nylon vì có nhiều chuyến công tác phải lội qua những con rạch lớn hay ngâm mình dưới đầm lầy nhiều giờ. Với vải nylon khi lên bờ chỉ một chút có gió và nắng là áo quần khô ngay. Súng ống thì đủ loại như M16, phóng lựu M.79, trung liên M.60, lựu đạn K3, lựu đạn mãng cầu (miểng), trái khói v.v…Anh em vác vũ khí đi lờ ngờ giửa đường, giửa chợ khi chuẩn đi công tác hay lúc trở về từ vùng hành quân. Hình ảnh ‘kiêu binh’ đó không có gì lạ, vì Hà Tiên gần như là một thành phố của nhiều sắc lính tác chiến. Có lúc tôi phải nổ súng giửa chợ để ra mật hiệu tập họp nhân viên đi công tác bất thường. Cơm nước thì khỏe re. Tôi ăn cơm tháng tại nơi mướn nhà trọ. Vài nhân viên của tôi quen biết ngư dân có ghe đi biển nên chúng tôi tha hồ có đồ biển ăn hàng ngày. Tôi thích nhất món cá sống làm gỏi với nước chấm đặc biệt có nước cốt dừa và lẩu chua cá nháp hay cá đuối. Nhậu hết biết, do đầu bếp Tám rổ ra tay.
Thời gian công tác tại Hà Tiên, toán xung kích chúng tôi rất gắn bó và có thật nhiều kỷ niệm khó quên với nếp sống tự do, bụi đời và ngang tàng của những người lính trẻ. Sau hai tháng, tôi được thuyên chuyển về Duyên Đoàn 42 An Thới – Phú Quốc. HQ. Chuẩn úy Nguyễn Tấn Phát thay tôi làm trưởng toán xung kích. Sau đó không lâu tôi được tin trong một chuyến công tác, Chuẩn úy Phát bị thương nơi đùi trái và Thủy thủ Thạch, xạ thủ M.60 bị VC bắn sẻ, viên đạn Ak47 oái oăm trúng đầu làm Thạch tử trận ngay tại chổ, trên kinh Vĩnh Tế. Tội nghiệp một thằng em dễ thương! Xin đốt một nén hương lòng tưởng niệm một Thủy thủ xung kích đã vĩnh viễn nằm xuống.
Kỷ niệm Ngày Quân Lực 19/6 năm 2016
HQ. Phạm Quốc Nam
…………………………………………………………………………..
-
Khoảnh khắc của người lính biển …….Phạm quốc Nam