Cây bút vẽ

Hồi ký của Quốc Nam PDX đăng trên Báo Xuân  Bính Thân 2016  của Oregon Thời Báo 

Nói đến Tết, tôi nhớ thời còn bé khi cận Tết, ba mẹ thường mua màu và giấy để tôi vẽ những bức họa trang trí Tết nơi phòng khách. Ba thì thích hình Phước Lộc Thọ, Mẹ thì ưng Hoa Mai Cúc Trúc. Vẽ tranh Tết coi như cái lệ hàng năm mà ba mẹ tôi ưa thích và cũng để ông bà có dịp khoe thằng con nhà có khiếu vẽ với bà con chòm xóm. Màu và giấy còn dư lại, tôi làm bích báo (báo tường) cho lớp học để tranh giải trong mỗi dịp Tết đến. Thời trung học, năm nào bích báo của lớp đều đoạt giải nhất hay nhì về giải mỹ thuật do tôi trình bày. Tôi còn thích vẽ thiệp chúc Tết cho cho bạn bè, người thân. Tôi cũng không quên gởi tặng đến người yêu cánh thiệp đầu xuân bằng những cánh hoa con buớm khoe sắc kế bên bài thơ tình lãng mạn. Thời xưa cử chỉ tình yêu của tuổi học trò chúng tôi mộc mạc và dễ thương như thế.

Có lẽ tôi có chút năng khiếu hội họa từ thuở bé. Nhưng tôi đã sớm bẻ gãy cây bút vẽ khi nghiệm được những người tôi thích vẽ chân dung cho họ hay những người thân của tôi lần lượt qua đời sau ít tháng từ khi bức chân dung được hoàn thành. Người đầu tiên là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi tôi muốn vẽ chân dung của một Tổng Thống. Sau khi bức chân dung màu đen trắng của Tổng Thống Diệm được hoàn tất thì biến cố đão chánh xảy ra và ông bị giết hại năm 1963. Kế đó là người cậu út của tôi, một sinh viên sĩ quan Không Quân, tên Tạ Đăng Gấm (cùng khóa với cựu Trung Tá KQ Huỳnh Liên, ở Portland) qua đời tại Texas khi cùng huấn luyện viên lâm nạn trong một chuyến bay. Bức chân dung cậu tôi được ông bà ngoại lấy để trên bàn thờ. Người thứ ba là em ruột của tôi và người thứ tư cũng là người cuối cùng mà từ đó tôi thề không vẽ chân dung nữa, chính là bức chân dung của cha tôi trong quân phục sĩ quan cảnh sát đang ngậm ống điếu thật oai.

Tôi cảm nhận ra được cái huông xui xẻo qua bút vẽ của mình và đủ bị cái huông đó đeo đuổi và ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ.

Sau 30 tháng 4 đen, tôi đi tù mà Việt cộng gọi là tập trung ‘cải tạo’. Ngay khi vào trại Long Giao (*), tôi tìm nhặt những tờ báo có ảnh của các tên lãnh đạo CSVN đương thời như Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng v.v…để vẽ chân dung của chúng. Tôi muốn cái huông ‘giết người’ ứng nghiệm (trù ếm) qua bút vẽ…. Một bạn tù nằm kế bên tôi, tên Tùng, phi công L19 thấy tôi vẽ chân dung các ‘bác’, những đầu sỏ CSVN thời đó giống qúa, Tùng năn nĩ tôi vẽ cho hắn một bức chân dung. Tôi nhất định từ chối. Tùng tỏ vẽ giận nên tôi buộc lòng kể cái huông xui xẻo qua ngòi bút vẽ của tôi: “mày muốn chết à!”. Chừng đó, Tùng mới thôi ép tôi và có lẽ hắn hiểu tại sao tôi cố tình vẽ chân dung của mấy tên lãnh đạo CSVN.

Long Giao là trại tù đầu tiên mà chúng tôi bị lùa vào. Cũng là thời điểm tù nhân chúng tôi khốn đốn, chịu đưng đau đớn thể xác nhất do dịch ghẻ quái ác hoành hành. Không tù nhân nào tránh khỏi, không nhiều thì ít, không thuốc men trị liệu. Nhiều đêm tôi bị đánh thức bởi tiếng rên la đau đớn của những anh bạn tù cùng phòng hay của bác Đường, bác sĩ Hiền bên kia phòng kế. Tôi may mắn chỉ bị chút ít không đáng kể. Phòng của tôi có trung uý Hảo (Công binh) và phi công trực thăng Bùi văn Thanh bị nặng nhất, hai anh chỉ ngũ ngồi vì toàn thân đều bị ghẻ, không cách gì nằm ngữa hay nằm úp được. Chúng tôi, những người bạn chung phòng không có phương tiện gì giúp được hai anh, ngoài mỗi buổi sáng sớm thức dậy để an ủi hai anh bằng câu thăm hòi: Tối qua anh ngũ được khộng?

Tù nhân chúng tôi rời trại tù Long Giao về trại Hốc Môn (*) sau khi kho đạn Long Khánh phát nổ. Tại Hốc Môn, một buổi trưa nắng cháy, đội chúng tôi đi làm cỏ dọc bờ vòng đai của tiểu đoàn. Lúc nghỉ giải lao, bên kia vòng đai của tiểu đoàn kế bên, một tên cán bộ có mấy ngôi sao trên cổ áo mà chúng tôi chẳng cần biết hắn cấp bậc gì đang đi đến sát hàng rào kẽm gai về hướng chúng tôi bên này. Hắn dừng lại, tự xưng là chính trị viên của tiểu đoàn và muốn nói chuyện với chúng tôi. Qua câu chuyện, hắn như tiết lộ hoặc nói lên cái suy nghỉ riêng của hắn: “Cách mạng biết là không thể nào cải tạo được các anh. Vì xã hôi miền Bắc của chúng tôi thua xa xã hôi miền Nam của các anh. Đó là sự thật. Cách mạng tập trung các anh vào đây để ổn định an ninh bên ngoài”…. Chúng tôi ngạc nhiên trước lời lẽ ‘cực kỳ phản động’ của tên cán bộ. Và thật sự, ngày qua ngày chúng tôi cảm nhận được thân phận của mình: bị khống chế và chịu sự trả thù của phe thắng cuộc. Ngày về!  Ánh sáng cuối đường hầm đã tắt ngúm!

Sau buổi nói chuyện với tên chính trị viên ấy, bác Hùng, người tù cùng tổ và nằm kế bên tôi đã rủ tôi trốn trại. Chúng tôi gọi bác là Hùng Gấu vì bác to con, đen đúa, tay chân lông lá khỏe mạnh tuy lớn tuổi hơn tôi khá nhiều. Hùng Gấu là một đại úy bộ binh của Tiểu khu Gia Định. Bác cho biết kế hoạch và địa điểm sẽ trốn trại mà bác đã nghiên cứu tự hồi nào. Sau vài đêm thao thức suy tính và cuối cùng tôi quyết định từ chối. Bác Hùng có người vợ bé, người Việt gốc Hoa đang ở Chợ Lớn, là người thăm nuôi, khuyến khích bác trốn trại và lo cho bác vượt biên. Bác Hùng Gấu có nơi dung thân. Còn tôi? Mặc dù lý lịch tôi đã khai man về cấp bậc, chức vụ, nhưng địa chỉ vợ con đang sinh sống ở Saigon không thể khai dối được. Tôi trốn ra ngoài sẽ đi và ở nơi đâu?. Bám theo bác là điều khó và không thể!

Vài ngày sau đó Hùng Gấu biến mất khỏi trại trong lúc tiểu đoàn tù nhân đang ‘học tập’ (lên lớp) tại hội trường. Lúc bác Hùng ra đi, bác ra dấu cho tôi biết và để lại cho tôi cái điếu cày hút thuốc lào bằng nhôm chạm trổ rất công phu đã theo bác từ lâu và tôi đã giử nó cho đến khi ra trại sau này. Không biết bây giờ bác đang ở đâu? Bác vượt biên suôn sẻ hay không? Hai chữ ‘vượt biên’ mà lần đầu tôi được nghe từ bác. Sau này ra khỏi tù (1983), tôi mới nghe lại được hai chữ ‘vượt biên’. Là sĩ quan hải quân đi biển và từng là thuyền trưởng hải đội duyên phòng nhiều năm như thiên định (xin đọc bài viết ‘Những mắc xích của định mệnh) đã ban cho tôi ít nhiều kinh nghiệm đi biển. Cám ơn binh chủng mẹ, binh chủng Hải Quân đã cho tôi cái vốn liếng đi biển này vừa đủ để  nhiều tổ chức vượt biên săn đón, mời gọi. Do đó, trong thời hạn bị quản chế tức tù treo tại địa phương, tôi âm thầm hoạt động và đi lại trong giới tổ chức vượt biên. Cuối cùng tháng 7 năm 1983 tôi đưa được gia đình, bạn bè và 89 thuyền nhân thoát khỏi Việt Nam trên một chiếc ghe nhỏ ra khơi bình an. Sau hai ngày trên biển hướng về Indonesia, chúng tôi được tàu Hoa Kỳ vớt.

Tôi cũng từ hối tiếc nhưng thông cảm cho gia đình khi nghe vợ tôi kể lại lúc tôi đang ở trại tù Hốc Môn có thủy thủ tên TN Hà, người Việt gốc Hoa là nhân viên dưới chiến hạm của tôi trước 30/4/1975 đã đến nhà xin địa chỉ trại tù nhằm tìm cách đưa tôi ra khỏi tù để lái (làm tài công) chiếc tàu vượt biên thời bán chính thức, nhưng gia đình tôi từ chối vì lo sợ bị công an VC gài. Sợ hãi và nghi ngờ lẫn nhau là tâm trạng chung của người dân miền Nam lúc đó bị Việt cộng ‘khủng bố’ bằng bạo lực và thủ đoạn. Sự khủng bố đó bao trùm cả hai miền Nam Bắc đến ngày nay. Ngưng khủng bố thì chế độ của chúng sẽ xụp đổ lập tức. Có thể nói cộng sản là thầy ’khủng bố’ và di họa hơn cả khủng bố IS ở chổ chúng vừa dùng bạo lực vừa tẩy nảo và trồng người vô tri. Chúng ta không thua VC nhưng chúng ta thua những kẻ vô tri.

Cuối năm 1977, chúng tôi chuyển trại vào tận rừng Kà Tum (*). Rời Hốc Môn, chúng tôi coi như chấm dứt đường dây do tôi và người bạn hải quân, trung uý  Huỳnh Ngọc Sơn lén lút tiếp tế thuốc men, quần áo củ, sách báo, thực phẩm đến các chị em tù nhân nữ cảnh sát nằm trong khu của bộ chi huy tiểu đoàn. Chúng tôi tiếp tế cho các chị qua các nữ tù cảnh sát ở tổ nuôi heo mỗi khi chúng tôi có công tác lên tiểu đoàn nhồi bột làm bánh mì vào sáng sớm.

Chúng tôi lên đường đi Kà Tum đang lúc nữ trung úy cảnh sát tên Xuân kêu la đau đớn bởi các vết  thương ruớm máu, bầm tím do các tên cai tù đánh đập. Cô Xuân nhiều lần gỉa điên hoặc có thể điên thật đã la hét, chửi bới từ tên Hồ chí Minh xuống đến tên cai tù không còn biết. Chúng đánh đập cô chết ngất mấy lần. Chúng tôi rời trại không biết ống thuốc Aspirine, vài viên trụ sinh, thuốc đỏ, băng cứu thương do chúng tôi tiếp tế cho cô có còn hay không? Hay còn đủ những mảnh áo tơi, quần rách để các chị em đồng đội băng bó vết thương cho cô. Không biết cô đã chết hay giờ đang ở đâu? Một nữ cảnh sát VNCH can trường!

***

Các bộ mặt cán ngố của bộ chỉ huy tiểu đoàn theo chúng tôi đến Kà Tum. Đại úy Hưng (Công Binh) ở chung phòng với tôi ở Hốc Môn, người Bắc to con nhưng anh mắc bệnh đau bao tử. Anh  không ăn uống được, suốt ngày anh  ôm bụng kêu rên và thường ói ra máu. Đến Kà Tum được hơn một tuần anh Hưng biến mất giửa đêm. Có lẽ sức khoẻ bệnh hoạn của anh không chịu nổi lao động khổ sai như vào rừng vác cây, vác nứa, kéo mây rừng, cắt cỏ tranh. Chúng tôi lo ngại cho sức khoẻ của anh phải đối diện với rừng sâu, nước độc để đào thoát. Cầu xin cho anh trốn trại bình an. Anh Hưng trốn đi chưa được một tuần, đến bác Hoàng, một tù nhân gìa nua và ốm yếu sau buổi trưa hì hục cố vác bao củ mì to tổ bố theo ‘chỉ tiêu’ trèo lên dốc về trại. Bác về được đến sân trại thì ngất xỉu, lên cơn sốt và hộc máu tươi, qua đời. Sáng hôm sau chúng tôi cuộn xác bác Hoàng trong tấm chiếu của bác và đào lổ chôn bác bên lề con đường lên trung đoàn và dùng một cành cây lớn cấm xuống để đánh dấu.

Đi lao động khổ sai, bệnh tật, tai nạn đi rừng, đói khát đối với tù nhân của cộng sản là chuyện thường của nhà tù bất quy chế. Chúng tôi kiên cường chịu đựng, không than van, không phản bội đồng đội. Nhưng có một sự kiện xảy ra tại Kà Tum phải kể ra để thấy bọn cai tù VC thật đê hèn và độc ác đến thế nào khi có một số anh em tù đi rừng bắt được một con trăng lớn, xẻ thịt rồi mang về trại dấu chia nhau. It ngày sau bọn quản giáo biết được và chúng lên lớp (kết tội): “con trăng là tài sản của nhà nước….”. Chúng ra lệnh phạt bằng cách ước tính số cân ký của thịt trăng để khấu trừ vào phần gạo mốc hay khoai mì lát khô cấp phát hàng ngày. Thế là cả đội chúng tôi đói meo hết mấy ngày: Sự trả thù của cộng sản!

Đi rừng lao động là cơ hôi tốt để trốn trại. Nguyễn văn Thuấn, Trung úy Biệt kích 81 dù của Nha Kỹ Thuật (Beverton), Trung úy Huỳnh Ngọc Sơn (hải quân) và tôi cũng chuẩn bị tích trử lương khô để trốn trại sau khi chúng tôi có được trong tay bản đồ vùng rừng Kà Tum. Chuyến vượt tù của chúng tôi chưa thực hiện được thì toán bảy người của đại úy Lễ (Công Binh) đã trốn trại trước làm cho kế hoạch chúng tôi phải hủy bỏ và tẩu tán lương khô. Ít lâu sau chúng tôi được tin nhóm 7 người trốn trại của đại úy Lễ đi đến Nha Trang và vượt biên thành công.

Rời Kà Tum chuyển đến rừng Phước Long (*). Cả tiểu đoàn cán ngố của Bảy Dũng, tên tiểu đoàn trưởng cũng đi theo. Trong số bọn này có tên trung úy Tư Lung, người bắc có hàm răng vẫu, mặt xương, ốm lều khều, tướng đi như con vượn và cực kỳ hung ác đối với tù nhân. Một buổi trưa cuối tuần, ngoài sân trại vắng tanh, chỉ có tôi ngồi sủi cây lược nhôm chải tóc theo hình tôi vẽ một phụ nữ nằm nghiêng, xỏa tóc ôm lấy bờ vai no tròn để lộ cánh tay thon thả nằm dọc theo bờ hông và cố tình phơi bàn tay nằm trên bắp đùi để khoe năm ngón tay thon dài búp măn xinh xắn (Mẩu lược này, có một thời anh em tù nhân ưa thích tại trại tù Phước Long, năm 1979). Tôi say mê sủi hình, đến nổi tên vẹm Tư Lung đi đến nơi và đứng sau lưng lúc nào mà tôi không hay biết.

–  Anh lầy! * (nầy)

Giọng quát quen thuộc của tên Tư Lung làm tôi giật bắn người, đứng phắt dậy, buông rơi cây thép sủi trên bàn theo khe nhỏ lọt xuống đất. Tôi đứng dạt một bên chới với đưa mắt nhìn hắn, trong bụng đánh lô tô: “thôi chết rồi!”. Tên Tư Lung vừa quát vừa vối tay chụp lấy cây lược. Hắn cầm cây lược đang sủi dở dang lật qua lật lại xem, mồm buông lời mắng chửi:

– Anh cải tạo bao nhiêu lăm* (năm) rồi mà bây giờ còn vẽ mụ đàn bà trần truồng thế lầy* (nầy) à!…Anh chắc khỏi được về”.

Mồm hắn ngưng lại đưa mắt nhìn chầm chập vào đâu đó trên cây lược rồi mắng tiếp:

– Tư tưởng còn ngụy, không chịu nao* (lao) động…đàn bà còn để móng tay dài như thế lầy* (này)?

Mặt hắn lúc nào cũng đanh lạnh như đồng. Vài người bạn trong lán nghe tiếng quát tháo của Tư Lung, họ thập thò nhìn ra sân lo lắng cho tôi. Tên Tư Lung ra lệnh:

– Anh đưa hết đồ nghề cho tôi.

Tôi gom đồ nghề làm lược bỏ lại vào hộp thiết nhỏ trao cho hắn. Cầm lấy hộp đồ nghề và cây lược hắn quay lưng lững thững trở về bộ chỉ huy tiểu đoàn.

Tối hôm đó khi những dãy lán dài của tù nhân đã chìm hẳn trong màn đêm giửa khu rừng trở nên tĩnh mịch. Thỉnh thoảng chỉ còn nghe tiếng kêu của loài chim ăn đêm hay đâu đó tiếng kêu của những con tắc kè. Còn đang trăn trở xoay mình qua lại trên tấm phản của chiếc giường tre cọt kẹt để tìm giấc ngủ, bổng tôi chợt thấy bên ngoài sân qua song cửa sổ tre loé lên những vệt ánh sáng từ chiếc đèn pin quẹt qua lại đang soi đường đi về hướng lán của chúng tôi. Ánh đèn pin dừng lại phía trước cửa ra vào lán. Tiếng gỏ mạnh vào cây cột cái cùng với vệt sáng của đèn pin rọi thẳng vào lán. Tôi nằm im, lắng nghe. Tiếp theo có tiếng gỏ mạnh hơn vào thành cột cửa, vệt sáng đèn pin quệt quẹt nhanh hơn làm cho vài người bạn tù thức giấc ngồi dậy ngơ ngác nhìn ra cửa. Rồi tôi nghe âm thanh của ai đó ở đầu lán bước xuống khỏi giường. Tiếp theo là giọng bắc kỳ đặc sệt của Tư Lung:

– Kêu anh Lam* (Nam, tên của tôi) ra tôi bảo.

”Vâng”, tôi nhận ra tiếng của đội trưởng  Ẩn. Không đợi cho đội trưởng Ẩn đến nơi, tôi ngồi dậy, vén mùng, xỏ chân vào đôi guốc cây lọc cọc đi ra cửa. Không chờ tôi lên tiếng, gã Tư Lung chìa cái hộp đồ nghề làm lược mà hắn tịch thu hồi trưa về phía tôi:

– Trả nại* (lại) anh này….và nàm*(làm) cho tớ 5 cái giống như thế lầy* (này)…để tớ gởi về Bắc nhá.

Hắn vừa nói vừa trả lại tôi cây lược có hình cô gái lõa thân chưa sủi xong. Hắn bỏ đi. Không một tiếng cám ơn. Hắn dùng chữ ‘tớ’, lối xưng hô khi cần nhờ vả. Trong bóng đêm, tôi cố nhìn tận vào mặt hắn để xem gương mặt đanh ác ấy có nét gì hân hoan khi nhờ tôi để có được món qùa (qúy đối với hắn) từ miền Nam gởi về gia đình nơi miền Bắc? Thú thật, đám vẹm của bộ chỉ huy tiểu đoàn từ tên Bảy Dũng, tiểu đoàn trưởng đến các tên vẹm quản giáo của các đội theo chân chúng tôi từ trại tù Hốc Môn đến Kà Tum, rồi đến Phước Long đã mấy năm liền mà chúng tôi chưa hề thấy chúng cười ra làm sao? Chẳng lẽ đảng CSVN nặn các tên vẹm nầy ra từ khúc gổ hay từ đất sét bùn nào đó như là một thứ công cụ vô tri.

Chúng vô tri về nhân tính nhưng giỏi về che dấu cảm xúc, một thứ tình cảm, ham muốn cá nhân hết sức bình thường xuất phát từ bản năng tự nhiên của con người và dù sự ham muốn đó rất nhỏ, nhỏ như câu chuyện cây lược nhôm và tên Tư Lung. Họ không sống thật đến đổi trở thành gỉa dối và gỉa dối ngay với chính mình. Bản chất của con người cộng sản và cả chế độ cộng sản là như thế: Gỉa dối và gỉa dối! Thời sự nóng bỏng diễn ra trước Đại hội Đảng lần thứ 12 đang xuất hiện những hiện tượng công khai chống Trung cộng quyết liệt của một số chóp bu CSVN trên các phương tiện truyền thông trong, ngoài nước và ngay cả tại các hội nghị quốc tế chỉ là thủ đoạn của tập đoàn CSVN để mị dân, mị thuộc hạ (công an bộ đội), mị các tổ chức thế lực đối lập và gạt cả quốc tế, các nước láng giềng để bảo vệ an ninh cho đại hôi và tranh dành quyền lực. Chúng nói dối không ngượng miệng: Đại hội Đảng lần thứ 12 này được bầu cừ tuyệt đối dân chủ, ‘Dân chủ’ hay Đảng chủ’? Tên nào thắng cử (cụi) cũng thế thôi. Sau đại hội, chúng sẽ trở lại nguyên dạng của những thái thú Tàu cộng. Chúng càng ra sức cướp tài sản quốc gia và giết hại dân lành tàn bạo hơn. Cộng sản còn cai trị thì những đòi hỏi Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền vẫn là kẻ thù số một của chúng. Chỉ khi nào người dân không còn ‘VÔ TRI’, nghĩa là ‘DÂN TRÍ’ của người dân được khai phóng thì khi ấy mới là ngày tàn của cộng sản. Thới gian qua, tôi làm báo và đưa tin hàng ngày nhưng không màng đưa tin tức hay bình bàn gì về bầu bán đại hôi 12 của chúng. Nếu có chỉ đón nhận những bình luận lật tẩy sự bịp bợm của chúng hay vạch mặt những tên cộng sản chạy ra nước ngoài hay bọn việt gian đánh phá tên ứng viên này hay ủng hộ tên CS ứng viên kia thắng cử . Cộng sản không cướp, không ác thì không phải là đảng viên cộng sản. Đưa thông tin về đại hội 12 của chúng chẳng khác gì tô sơn trét phấn cho sự ‘Dối Trá, Mị Dân’. Ông Dennis Prager, Viện trưởng trường đại học Prager hiện có một chương trình Talk Show hàng ngày trên đài KRLA, tần số 870AM  vừa đi quan sát Việt Nam và trở về Hoa Kỳ tuần qua, ông tức giận nói trên talk show rằng: ‘ Tất cả những kẻ độc tài Cộng Sản trên thế giới đều là những kẻ côn đồ ngông cuồng, thần thánh hóa cá nhân, tham quyền, khát máu. Hồ Chí Minh cũng thế……. Tôi hy vọng tôi còn sống để thấy ngày người dân Việt Nam, được giải phóng khỏi những lời dối trá của Cộng Sản hiện vẫn lan tràn trong đời sống hàng ngày của họ.( Nguyên bản tiếng Anh: Trip to Vietnam Revives Hatred of Communism  by Dennis Prager)

* * *

Câu chuyện ‘Cây bút vẽ’ của tôi chưa dứt nơi đây. Nó được tiếp tục khi biên giới Việt Miên có biến động, chúng tôi rời trại Phước Long, chấm dứt qui chế bộ đội làm cai tù. Chúng chuyển chúng tôi cho cai tù công an áo vàng tại trại tù Z30A (chợ Ông Đồn). Trưởng trại tên Lâm và tên cán bộ quản giáo của đội chúng tôi tên Công. Những ai từng ở Z30A vào đầu năm 1981 đều biết câu chuyện của tôi bị bọn trật tự và cai tù đánh hội đồng. Trại Z30A, lúc ấy có tên Nguyễn văn Muôn (Trinh sát ở Biên Hòa) và Lành (không nhớ họ) là hai tên trật tự viên của trại. Trật tự là vai trò của những tù nhân trở mặt làm tay sai cho các cai tù VC. Chúng được hưởng đặc ân của trại tù như ăn ở nhà riêng, tự do đi lại, không đi lao động và không bị khóa cửa ban đêm. Chúng chuyên rình mò, bắt nạt và báo cáo những sinh hoạt của tù nhân lên ban chỉ huy trại.

Chiều 30 Tết năm 1981, tên Muôn và  Lành rình bắt qủa tang tôi mua nửa ký đường tán (nấu chè ăn Tết) từ các tù nhân đi xe be tại trạm xá. Hai tên trật tự

Tên bộ đội mang cái 'hòm' sau lưng.
Tên bộ đội mang cái ‘hòm’ (của quý) sau lưng.

chờ tôi rời khỏi trạm xá, chúng gọi chận tôi lại. Sợ bị bắt qủa tang nửa ký đường trên tay, tôi bỏ chạy vòng quanh, băng qua các đội khác và quăng túi đường trên đường để tẩu tán tang chứng. Cuối cùng hai tên trật tự Muôn và Lành bắt được tôi gần đội nhà. Chúng khóa hai tay và lôi tôi về phòng riêng của chúng. Hai tên thay phiên đánh đá tôi túi bụi. Nhất là tên Muôn. Đuôi chân mày mắt bên trái của tôi bị rách đường dài và phun máu tươi bởi cạnh chiếc cà rá sắt bén của tên Muôn để lại vết sẹo còn  đến ngày nay. Tôi co quắp toàn thân và áp sát vào vách nhà, chịu trận. Tôi biết chúng trả thù cá nhân. Vì trước đó hai tên này muốn chúng tôi mời chúng ăn uống và có qùa cáp cho chúng mỗi khi trong bọn chúng tôi có người được thăm nuôi. Dĩ nhiên chúng tôi từ chối mọi liên hệ, tiếp xúc với hai gã chó săn ấy. Từ đó chúng ra sức rình rập và không lâu, chúng bắt được tôi.

Sau một hồi đánh đập tôi đã tay giản chân, chúng áp giải tôi lên văn phòng trại. Mắt trái của tôi sưng vù và che lấp bởi máu từ vết thương còn đang chảy xuống, chỉ còn mắt phải trông thấy trong phòng đang có tên Lâm, trưởng trại, mấy tên quản giáo và vệ binh vác súng. Tên trật tự Muôn đến nhỏ to gì đó với tên Lâm trưởng trại và đám cai tù. Tên Lâm ra dấu, một tên vệ binh vạt ra khỏi bọn dùng bán súng AK.47 thúc mạnh vào bụng tôi. Hắn tiếp tục giơ bán súng định thúc vào mặt tôi, tôi co tay lên đầu che mặt và kịp thấy vài tên áo vàng khác bu lại can ngăn tên vệ binh hung hang làm hắn dừng lại. Tôi nhận ra tên quản giáo Công và hai tên vệ binh ra tay can thiệp. Chúng là những cai tù đã từng nhờ tôi vẽ hình bên cạnh những bài thơ con cóc và dùng sơn màu, cọ vẽ để tô những vệt vân gổ bên ngoài chiếc rương đựng áo quần (VC gọi là chiếc hòm) để biến những chiếc rương từ gổ thường trở thành những chiếc rương nhìn vào tưởng là chiếc hòm được đóng bằng gổ qúy như cẩm lai hay gỏ đỏ có vân nâu. Những chiếc rương được bôi màu gổ qúy gỉa tạo đó đã từng làm chúng mê mệt, coi như là của qúy sau khi ‘giải phóng’ miền Nam mới có được. Thế mới biết thế giới cộng sản bần cùng hóa con người và ngu dân đến mức nào…………… Sau biến cố 30/4/1975 dân chúng hai miền Nam Bắc thật sự đã nhìn ra: Ai giải phóng Ai???

Nhờ mấy tên cai tù can thiệp. Tôi được trả về lán với những vết thương do hai tên trật tự hành hung và bẹ sườn nhói đau do bán súng của tên vệ binh. Đúng hơn tôi nhờ cây bút và cọ vẽ đã thoát được kiếp nạn.

***

Đầu tháng mười một vừa qua, chiến hữu Nguyễn Thế Thăng (Trung Tá Vệ Binh Quốc Gia, Hoa Kỳ) cho tôi hay Trần Đức Thịnh (Khóa 4/OCS, người bạn cùng tôi gia nhập vào Khóa 21 Sĩ quan Hải quân giửa năm 1969) từ Houston, TX đến Portland thăm gia đình người cháu gái là phu nhân của chiến hữu Nguyễn Thế Thăng. Tôi và vợ chồng anh Thăng ra phi trường đón Thịnh. Chúng tôi mừng vui nói đủ chuyện sau mấy mươi năm gặp lại. Thịnh kể lại chuyện bị Trung Cộng bắt làm tù binh trong trận Hải Chiến Hoàng Sa (19/1/1974, khi đó Thịnh đang phục vụ trên HQ.5). Thịnh cũng từng ở trại tù Z30A với tôi. Thịnh kể cho Nguyễn Thế Thăng nghe câu chuyện tôi bị hai tên trật tự viên đánh trong trại tù. Nhắc lại chuyện tù Z30A, tôi cho Thịnh biết có người thấy tên trật tự Muôn từng xuất hiện tại Seattle nhiều năm trước và sau đó hắn đã biến mất. Thịnh chửi thề:

– Gặp nó có mặt tại Texas, tao đập bỏ mẹ nó.

Nguyễn thế Thăng và tôi trố mắt nhìn Thịnh……

Ra trại tù Z30A đến nay đã hơn 32 năm, tôi chưa lần nào cầm lại bút hay cọ vẽ. Cho đến mùa Giáng Sinh năm nay, tự dưng nổi hứng tôi cầm lại cọ vẽ và vẽ những hình ảnh đón mừng Giáng Sinh 2015 trên những mặt kiến cửa sổ trước nhà (vẽ ngược). Mấy ngày sau có bà Mỹ gìa đi ngang ghé vào gỏ cửa, chỉ vào các hình vẽ trên cửa kíến và hỏi vợ tôi ai đã vẽ và mướn vẽ bao nhiêu tiền. Vợ tôi cười:

– Chồng tôi vẽ.

Hồi ký ‘Cây Bút Vẽ” được chấm hết nơi đây.

Kính chúc quý Đồng Hương và quý Chiến Hữu một Năm Mới Thắng Lợi, An Khang và Hạnh Phúc.

Portland, Tết Bính Thân 2016

Quốc Nam PDX

…………………………………………

(*) Lâu qúa không nhớ thời gian và địa điểm

* (…) Phát âm của người miền Bắc

Mời đọc bài:  “Thật sai lầm khi giải phóng miền Nam !”