thầy gồng
Viết để tặng các Chiến Hữu Giang Đoàn, và đặc biệt cho các anh Huỳnh Duy Thiệp, Đỗ Quang Khanh, Lê Hữu Dõng để nhớ lại những bữa ‘khề khà’ tại các quán nhậu bên sông.
Cái danh từ quá mới lạ!
Các Cụ cứ nghe lời tôi, nhắm mắt lại và phiên âm ra tiếng Mẽo thì các Cụ sẽ vỗ đùi đánh đét một cái, cười lên hô hố mà rằng:
– A! Ta đã tìm ra chân lý.
Các Cụ nghĩ rất đúng, đó là phiên âm tiếng Việt của danh từ ‘yard sale’. Một danh từ mới quen của dân tị nạn đợt đầu và bỡ ngỡ đối với những người mới đến.
Danh từ Da-Xeo rất thông dụng, để quảng cáo việc bày bán trước sân nhà các món hàng cũ, mới, kể cả các món hàng sức càng, gãy gọng mà gia chủ, muốn vớt vát lại một tí tiền còm sau là đỡ ‘chật chội’ nhà cửa.
Ngoài danh từ da-xeo còn có nhiều danh từ khác như : gờ-rai-xeo (garage sale), pót-xeo (porch sale), bây-sơ-mân xeo (basement sale). Đại loại thì những món hàng được bày bán cũng như da-xeo nhưng những danh từ trên chỉ có mục đích ám chỉ vị trí bày bán mà thôi.
Ngoài các danh từ trên còn có danh từ “phi-mạc-kết” (flea market) hay “râm-mét-xeo” (rummage sale). Những nơi này thì các món hàng được bày bán nhiều hơn và được bán tại các Nhà Thờ hay cơ quan Từ Thiện. Tiền thu được sẽ bỏ vào quỹ sanh hoạt cho các cơ sở nầy.
Ở những nơi bày bán da-xeo cho tới phi-mạc-kết, các Cụ có thể tìm mua được từ cái muỗng cho tới dàn máy HiFi, từ bàn ghế cho tới vật liệu trang trí trong nhà. Về giá trị món hàng thì các Cụ có thể tìm thấy từ món hàng “mới tinh” chưa cắt chỉ với giá rẻ mạt (give away price) cho đến chiếc ‘bát mẻ’ của mấy mụ già Mẻo keo kiệt. Nhưng tổng quát mà nói thì tìm mua vật dụng tại các ‘chợ trời’ này là một tiết kiệm đáng kể và đặc biệt là cho những người mới định cư trên đất nước này (fresh off the boat), trong khi tiền bạc chưa được thoải mái.
Khách hàng da-xeo gồm nhiều thành phần, từ những người cố tình tiết kiệm tìm mua những vật dụng cần thiết với giá rẻ, cho đến nhà sưu tầm ‘đồ cổ’, mà những nơi này họ có thể tìm được những cái mà họ thích, có thể là những bức tranh quí giá cho đến cái ’bi đông’ rỉ sét của thời kỳ Nam Bắc phân tranh Yankee/Confederate. Cũng có người mua đi bán lại, tìm mua những hàng thật rẻ để bày bán ở một nơi khác với giá cao hơn. Còn một loại khách hàng cuối cùng rất đặc biệt, đi da-xeo không phải vì tiết kiệm, không tìm mua đồ cổ mà đi da-xeo là một ‘cái thú’ đấy các Cụ ạ.
Tôi có người bạn được xếp vào loại người sau cùng, đi da-xeo là một cái thú của ngày nghỉ cuối tuần.
Vào những buổi chiều Thứ Năm, Thứ Sáu, trên đường về từ sở, các bảng da-xeo màu xanh, màu đỏ với những mũi tên đỏ chói như mời gọi, rủ rê. Anh định hướng bản đồ, lấy ‘tọa độ’, một bảng da-xeo là một ‘chốt điểm’ mà anh cần phải thanh toán, giống như ngày nào trên sông rạch Miền Nam mà anh là một thủy thủ Giang Đoàn, anh tháo cản, khóa chốt bảo vệ cho các đoàn công voa gạo, than xuôi ngược an toàn.
Ngày Thứ Bảy đã đến, sau phần điểm tâm, anh đem bảng đồ ra nghiên cứu địa thế lần cuối. Không cần phải có Bản Ước Tính của Ban 2 (tình báo), anh vẫn nắm vững tình hình. Trục Tiến Quân đã được vạch ra trong trí. Một Đường Lối Hành Động hữu lý đã được chọn lựa và Chiến Thuật ‘diều hâu’ sẽ được áp dụng cho cuộc hành quân…..Big Bargain Operation.
Đúng 9:00 giờ sáng, anh ra xe, chị vợ chạy theo nói với:
– Anh nhớ về sớm, trưa nay có anh chị T. mời đi ăn đầy tháng cho con.
Anh chồng vẫn bước đều, tay phải cầm tấm bảng đồ phe phẩy, mắt ngời sáng nhìn về phía trước như sắp ra hiệu cho các các đứa con, Monitor, Zippo, sẵn sàng vào tuyến xung phong.
Anh rồ mày, sang số, chiếc xe hăm hở chồm lên với một sự náo nức giống như tâm trạng của chủ nó.
Sáng nay là một buổi sáng đẹp trời vào đầu mùa Hè, khí hậu mát mẻ, anh cảm thấy thoải mái vô cùng. Chị vợ nhìn theo, lắc đầu nhè nhẹ, khép cửa quay vào nhà, thở dài lẩm bẩm:
– Xong!
Chị vợ hiểu chồng mình hơn ai hết, ra khỏi nhà là là quên mất thời gian, may mà không quên đường về, hú vía!
Qua nhiều quãng đường lên đồi, xuống dốc, xa xa một tấm bảng màu mè xuất hiện, kinh nghiệm cho anh biết là sắp đến mục tiêu.
Anh khẩn trương hơn ở vị trí sẵn sàng ra lệnh cho toán Tiền-Sát-Đỉnh dồn hỏa lực đồng loạt tác xạ phủ lên đầu địch đang núp sau rừng ‘dừa nước’ ở hai bên bờ sông. Tấm bảng da-xeo rỏ dần có mũi tên chỉ vào bên trái, mắt vẫn không rời mũi tên, anh ôm tay lái quẹo liền bên trái. Mũi tên dường như có một sức hút kỳ quái, như thôi miên, điều khiển anh quẹo trái rồi quẹo phải và cứ thế tiếp diễn trên con đường ngoằn ngoèo, như đưa Giang Đoàn tiến sâu vào mật khu U-Minh, thể theo dấu chỉ điểm của các anh hùng Biệt Hải.
Mục tiêu đã bày ra trước mắt, người ra vào tấp nập, xe đậu chật cả hai bên đường. Anh tìm một chỗ trống, đậu xe và bước nhanh như sợ người đến trước ‘chớp’ mất món hàng mà có thể được anh ưa thích.
Đáp lễ lời chào mời khách của chủ nhà một cách cho qua chuyện để anh còn thì giờ táy máy mấy món hàng bày bán. Kìa, chiếc xe đạp tập thể dục còn tương đối mới (elliptical bike), xem rất ‘bắt mắt’. Anh nghĩ mình đã ở tuổi Thất Tuần, thỉnh thoảng nên múa may một chút cho máu huyết lưu thông, cho đầu gối thật ‘nhuyển’. Anh trèo lên đạp thử, tay bóp thắng, gật cần sang số, đạp nhanh như lấy trớn lên dốc Tour de France. Xe còn tốt nhưng giá tới 50 bucks, mắt quá. Rời xe đạp anh bước qua chiếc bàn bên cạnh, chất đầy vật liệu linh tinh, anh với tay cầm chiếc máy quay phim loại nhỏ đưa lên ‘bấm’ thử, tiếng máy xè xè làm anh thích thú, anh nghĩ? Mua về cho thằng con trai chắc nó thích lắm. Nhìn tiền ghi trên máy, giá 5 đô. Giá phải chăng nhưng anh vẫn kỳ kèo với bà chủ để chỉ trả cho món hàng với giá 2.50 tì, 50% off.
Rồi chiến trường đầu tiên với món ‘chiến lợi phẩm’ trên tay, anh qua mục tiêu kế tiếp.
Cảnh cũ lại tái diễn, anh đậu xe, bước vào. Một giọng chào hỏi lơ lớ (broken English) nổi lên; anh chào trả và làm bẩm trong bụng:
– Chém chết mấy cha nội Ngoại Quốc nầy bán đồ để kiếm vốn về xứ đây.
Đúng y như rằng, hàng bày bán với giá quá mắc vì ‘không phải của đổ mà là của hốt’. Anh rảo nhanh một vòng rồi đi ra xe nhưng không quên chào bà chủ một câu:
-Ô Voa! (au revoir)
Anh ra xe nối tiếp con đường còn lại để thỏa mãn trọn vẹn cái thú vui cuối tuần.
Thì giờ chậm chạp trôi qua, mười một giờ, mười hai giờ, rồi cây kim ngắn chỉ vào số 1. Chị vợ ở nhà nóng ruột ra vào không yên. Chuông điện thoại reo tới tấp. Chị vợ quýnh quáng chụp lấy ống nghe, một giọng quen thuộc nổi lên:
– Chị… đó hả? Đi chưa, anh chị H. đã đến rồi đó, đầy đủ cả rồi chỉ còn chờ hai ông bà thôi.
– Chị vợ mếu máo, ảnh chưa dìa! Cứ ăn trước đi, ảnh dìa tui lại ngay hà.
Gác ống nói, chị vợ bực mình đi tôi đi lui. Phải nói rằng, chị vợ của bạn tôi rất vui tánh, cởi mở nhưng có một yếu điểm là để bị chi phối vì ngoại cảnh, chị rất dễ bị ‘lính quýnh’ nếu một ai hối thúc hay làm áp lực.
Ba giờ chiều, tiếng xe quen thuộc rẽ vào ngõ, tiếng cửa xe đóng đánh sầm, tiếp theo là những âm thanh kỳ lạ, lỏn cỏn, lảng cảng, thỉnh thoảng lại có tiếng loong coong như có vật gì rớt trên nền xi măng .
Chị vợ nhìn ra, thấy ông chồng mặt tưoi rói, khệ nệ khiêng chiến lợi phẩm vào nhà, thôi thì đủ thứ lỉnh ca, lỉnh kỉnh. Chị vợ hối thúc chồng thu dọn chiến lợi phẩm vào một góc nhà để còn đi ăn đầy tháng cho con anh chị T.
Thời gian tuần tự trôi qua, đống chiến lợi phẩm cứ lớn dần và lớn dần. Anh cứ mua nhưng chẳng biết để làm gì, cho đến một ngày không còn lối di, chị vợ lẳng lặng cho ‘di tản chiến thuật’ vào thùng rác, cho đỡ chật nhà.
Trên đời này có nhiều cái thú, nhưng anh bạn tôi không tìm thú vui qua hình thức rượu chè để đánh vợ, chưởi con, anh không tìm vui qua canh bạc để vợ con đói rách. Thì cái thú da-xeo cũng là một hình thức tiêu khiển để tô điểm cho kỹ nghệ ‘chợ trời’ ngày một thêm phồn thịnh, phải không các Cụ?
Virginia trong mùa Bão Tuyết
thầy gồng (Đệ Nhất Nhân Mã)