(Trích trong phần sưu tầm trong trang mạng của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn)
Những nhà nghiên cứu hải sử có mặt tại khúc quanh lịch sử Việt Nam, ngày 30 Tháng Tư năm 1975, đều thừa nhận mặc dù đột ngột tan hàng, song Hải Quân VNCH đã thực hiện trọn vẹn sứ mạng của Tổ Quốc Việt Nam giao phó bảo vệ tự do cho dân tộc trong suốt quá trình ngăn chận làn sóng đỏ do Đảng cộng sản VN phát động thành một cuộc chiến nghiệt ngã huynh đệ tương tàn. Suốt quá trình 23 năm bảo vệ nước, căn cứ vào những mốc thời gian quan trọng thì thành quả đạt được của quân chủng có thể chia làm 3 giai đoạn; đặc biệt chú trọng đến sự lớn mạnh của Giang Lực và Duyên Lực:
- Giai đoạn khó khăn hình thành
- Giai đoạn chậm chạp phát triển
- Giai đoạn nhanh chóng bành trướng
1. Giai đoạn khó khăn hình thành (1952-1957)
Ngày lịch sử đau buồn mùng 1 Tháng Chín năm 1858 cũng là ngày đánh dấu khởi điểm suy tàn của triều đại Nhà Nguyễn, khi Ðề Đốc (Hải Quân Thiếu tướng) Charles Rigault de Genouilly (1) chỉ huy 2,500 lính viễn chinh Pháp và 1,000 lính thuộc địa Tây Ban Nha với 14 chiến hạm vào cửa Đà Nẵng bắn chìm các chiến thuyền Việt Nam, chiếm các pháo đài bán đảo Sơn Trà rồi giao cho Hải Quân Ðại Tá Toyon trấn giữ. Ðến ngày 11 Tháng Hai năm 1859, De Genouilly lại dẫn các chiến hạm trên vô cửa Cần Giờ đánh tan các chiến thuyền và đồn bót do Ðề Ðốc Trần Trí đang tổ chức phòng thủ tại vịnh Gành Rái. Thừa thắng tiến lên thượng nguồn, ngày 18 tháng 2 năm 1859, quân Pháp lại tấn công đổ bộ qui mô từ bờ sông vào thành Gia Ðịnh. Thành vỡ, Án Sát Lê Tứ và Hộ Ðốc Vũ Duy Ninh đều tuẫn tiết. Còn lại Ðề Ðốc Trần Trí, Bố Chánh Vũ Trực cùng Lãnh Binh Tôn Thất Năng rút tàn quân về cố thủ huyện Bình Long.
Vào giữa thế kỷ thứ 19, hạm đội Pháp được các sử gia Tây phương đánh giá là hạm đội tối tân nhất trong các cường quốc Hải Quân Châu Âu đang săn tìm thuộc địa. Các chiến thuyền lỗi thời của thủy quân Triều Nguyễn hành thủy từ những năm vua Gia Long phục quốc thống nhất sơn hà 1802, nên không đủ khả năng đương cự lại.
Qua hai trận thủy chiến mà tương quan kỹ thuật tác chiến quá chênh lệch như vậy thành ra quân ta thất trận hoàn toàn và thủy quân triều Nguyễn coi như thật sự bị xóa sổ từ đây, dù rằng dưới triều vua Tự Ðức việc huấn luyện thủy quân rất được chú trọng đến.
Giở lại những trang quân sử thành lập Quân Lực VNCH (2), nếu gác bỏ ra ngoài những tai tiếng không tốt mà đối phương đã tuyên truyền về nếp sống xa hoa của cựu hoàng Bảo Ðại lưu vong, người đọc sẽ thông cảm được quyết tâm cao tạo dựng một quốc gia Việt Nam (QGVN) độc lập, qua quyển CON RỒNG VIỆT NAM, của vị vua cuối cùng triều đại nhà Nguyễn.
Trải qua nhiều giai đoạn thương thuyết rất cam go với chính quyền thực dân Pháp, cựu hoàng Bảo Ðại hết sức kiên nhẫn với tập đoàn thống trị để họ chấp nhận một nước Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp được hình thành.
Ngày mùng 5 Tháng Sáu năm 1948, hiệp định sơ bộ Vịnh Hạ Long (dẫn đến hiệp định Elysée sau này) ký kết giữa Toàn Quyền Ðông Dương Emile Bollaert và Thủ Tướng lâm thời Nguyễn Văn Xuân có cựu hoàng phó thư (countersign) trên chiến hạm Duguay Trouin thừa nhận nguyên tắc độc lập và thống nhất của nước Việt Nam với Quốc kỳ: Cờ màu vàng 3 sọc đỏ và Quốc ca: Thanh Niên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước. (3).
Nhưng rồi Quốc Hội Pháp cứ làm ngơ, viện cớ chưa tìm được qui chế thích hợp cho Nam Kỳ, mãi đến ngày 8 Tháng Ba năm 1949 mới thuận cho Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Ðại chính thức ký hiệp định Elysée chấp nhận nước Việt Nam độc lập trong khối Liên hiệp Pháp có tổ chức hành chánh riêng, tài chánh riêng, tư pháp riêng, quân đội riêng và Pháp sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc (4).
Như vậy, cực chẳng đã chính phủ Pháp đành phải trao trả nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho vị nguyên thủ của nước Việt Nam là Quốc trưởng Bảo Ðại. Dĩ nhiên hiệp định này đi ngược lại quyền lợi của nước Pháp, vì thực dân Pháp chỉ muốn cai trị nước ta như trước kia mà thôi.
Thực thi Hiệp Định Elysée, thỏa ước quân sự Pháp-Việt ngày 30 Tháng Mười Hai năm 1949 về Hải Quân lại bị trì trệ kéo dài đến giữa năm 1951, Ðô Ðốc Ortoli, tư lệnh Hải Quân Pháp ở Viễn Ðông mới được lệnh lập kế hoạch huấn luyện quân sự để chuyển giao đầu tiên 2 Hải Ðoàn Xung Phong cho Hải Quân Việt Nam. Chương trình chuyển giao các Trục lôi hạm (YMS), Giang pháo hạm (LSIL). Trợ chiến hạm (LSSL)… sẽ tiến hành vào những năm kế tiếp. Nhưng khi nắm quyền tổng chỉ huy hành chánh lẫn quân sự tại Ðông Dương, Thống Tướng Jean de Lattre de Tassigny (5) muốn Hải Quân Việt Nam hoàn toàn thống thuộc mọi mặt vào lục quân Pháp, chứ không phải là một quân chủng riêng như Ðô Ðốc Ortoli đã đề nghị. Viên tướng 5 sao này cho rằng một quân chủng kỹ thuật như Hải Quân không thể nào đứng vững được vì thiếu cán bộ và chiến cụ.
Ngày 15 Tháng Tám năm 1951, Pháp đồng ý cho tuyển mộ khóa 1 Sĩ quan Hải Quân gồm 9 sinh viên – 6 theo ngành chỉ huy và 3 theo ngành cơ khí – phần đông là cựu sinh viên trường Thủy Văn Sài Gòn (Saigon Hydrography School); khóa hạ sĩ quan có 50 và đoàn viên là 300.
Còn về phía Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam, dù bị chèn ép mọi mặt, Quốc Trưởng Bảo Ðại vẫn kiên trì tranh thủ xây dựng nền tảng bắt đầu từ con số không cho Quân Ðội Quốc Gia.
Kể từ sau ngày 24 Tháng Tám năm 1945 bị Hồ Chí Minh ép buộc thoái vị phải trao kiếm vàng cùng ấn ngọc cho đại diện Việt Minh Cộng Sản là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tại Ngọ Môn Huế, cựu hoàng hết sức thấm thía về việc hoàng triều không có một quân đội đủ mạnh để dẹp bỏ Việt Minh Cộng Sản trước rồi sau đó đẩy lui Phú-Lang-Sa và bảo vệ chủ quyền quốc gia trường tồn. Cho nên trong thông điệp ngày 15 Tháng Năm năm 1948 gửi cho Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, cựu hoàng tán thành đề nghị thành lập Chính Phủ Trung Ương Lâm Thời và giao cho Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng trấn Trung phần (sau này đổi tên là Thủ hiến Trung Việt) Phan Văn Giáo (6) trọng trách xây dựng một Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam gồm đủ cả Hải, Lục và Không Quân. Cho đến năm 1949, Tổng Trấn Trung Phần Phan Văn Giáo đã thành công trong công tác tuyển mộ và huấn luyện cho tổ chức Việt Binh Ðoàn tại Huế. Sau Hiệp Định Elysée, lần lượt Vệ Binh Nam Phần và Bảo Chính Ðoàn Bắc Phần cũng được thành lập vào giữa năm 1950. Chính những đơn vị này là hạt nhân cơ bản cho tổ chức quân đội chính qui QGVN (The Vietnamese National Army) ra đời ngày 30 Tháng Giêng năm 1951 (Dụ số 1 0D/VOP/DQT/TS) kèm theo 2 sắc lệnh cùng ngày (7).
Sinh sau đẻ muộn hơn 2 quân chủng Lục và Không Quân vì nghị định thành lập Hải Quân bị đình hoãn nhiều lần. Nhưng rồi do nhu cầu chiến cuộc, dụ số 2 đã cho phép Hải Quân ra đời ngày 6 Tháng Ba năm 1952, hồi tố đến ngày 1 Tháng Giêng năm 1952. Vào thời điểm này, muốn thành lập một quân chủng kỹ thuật như Hải Quân mà không có một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp giỏi, không có các phương tiện huấn luyện nhân sự quả là một điều không tưởng. Không còn cách nào tốt hơn để đốt giai đoạn, ngoại trừ chính phủ QGVN dựa vào những cơ sở huấn luyện có sẵn của Hải Quân Pháp để đào tạo nhân viên tân tuyển của mình.
Cho nên trong khoảng thời gian từ năm 1951 đến năm 1953, hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên tiên khởi của Hải Quân Việt Nam phải theo thực tập (On the job training) trên các chiến hạm, chiến đỉnh của Hải Quân Pháp đang hoạt động ngoài biển cũng như trong sông.
Có thể nói những người tình nguyện gia nhập vào hàng ngũ Hải Quân Việt Nam trong hoàn cảnh quá khó khăn như vậy là những thanh niên quyết tâm bảo vệ quốc gia và ôm ấp mộng hải hồ. Với tinh thần yêu nước cao độ, nhẫn nhịn chịu đựng tập luyện vượt qua nhiều giai đoạn cực khổ, cuối cùng họ đã chứng tỏ được khả năng hoàn hảo về kỹ thuật, hành thủy và tác chiến để xứng đáng nhận lãnh đầu tiên 2 Hải Ðoàn Xung Phong Cần Thơ và Vĩnh Long vào giữa năm 1953 (8). Thái độ đối xử hòa nhã cùng nhiệt tình làm việc của tân thủy thủ đoàn Việt Nam khiến cho một số sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp quên đi nỗi bất bình về lá cờ màu vàng 3 sọc đỏ đang phất phới bay trên các chiến đỉnh của họ mà họ còn nán lại phục vụ trong những ngày chót trước khi lên đường về nước.
Giờ đây, Hải Quân Việt Nam là một thực thể trong ước mơ của những chàng trai trẻ ham ra khơi, thíchlướt sóng; nhất là viễn dương xuất ngoại du học. Họ đã tạo được niềm tin vững mạnh cho Thủ tướng Ngô Ðình Diệm ban nghị định ngày 20 Tháng Tám năm 1955 thành lập Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) và chính thức bổ nhiệm HQ/Thiếu Tá Lê Quang Mỹ vào chức vụ tư lệnh Hải Quân kiêm chỉ huy trưởng đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Riêng Hải Ðoàn 2 Xung Phong (Dinassault N0 2) được Tướng De Lattre ra lệnh thành lập từ đầu Tháng Hai năm 1951 theo nhu cầu cuộc chiến tại miền Trung châu Bắc việt vẫn trực thuộc Bộ Chỉ Huy Giang Lực của Pháp (COFFLUSIC) và sát nhập vào Hải Ðoàn 21 Xung Phong đầu năm 1955 khi vào Nam (9).
Ngày 16 Tháng Sáu năm 1954, chí sĩ Ngô Ðình Diệm về nước thành lập Chính Phủ do sự ủy nhiệm của Quốc Trưởng Bảo Ðại bằng sắc lệnh số 38/QT. Bởi những thế lực riêng biệt do quân đội Pháp cố tình tạo ra trước khi rút về nước theo hiệp định Genève ngày 21 Tháng Bảy năm 1954, quân đội QGVN bị chia rẽ thật trầm trọng. Theo Ðoàn Thêm trong tài liệu đã dẫn, ngày 21 Tháng Ba năm 1955, trên hệ thống đài phát thanh Pháp-Á cũng như đài phát thanh Quốc Gia Sài Gòn, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm đã phải cương quyết tuyên bố:
“Phải thống nhất quân đội, không có lực lượng riêng biệt; phải thống nhất hành chánh, không có địa phương tự trị; phải thống nhất tài chánh, không thể thâu những sắc thuế do địa phương tự động đặt ra.”
Ngoại trừ quân đội Cao Ðài thực tâm qui thuận Chính phủ, ngày 28 Tháng Ba năm 1955, Thủ Tướng Diệm ra lệnh cho quân đội QGVN tấn công loại bỏ quân đội Bình Xuyên và ngày 5 Tháng Sáu năm 1955 loại trừ luôn quân đội Hòa Hảo.
Báo chí trong nước, ngoài nước thời đó đều ca ngợi tài lãnh đạo anh minh của Thủ Tướng Diệm; vì chỉ trong vòng một năm thôi mà ông đã gom được quân đội về một mối, chấm dứt nạn “Sứ quân thời thượng.” Thắng lợi này cũng dọn đường cho cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 Tháng Mười năm 1955 truất phế Bảo Ðại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm lên chức vụ Quốc Trưởng. Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ Lyndon Baines Johnson cũng cổ vũ Tổng Thống Diệm là Churchill của thập niên… người lãnh đạo tiền phong cho nền tự do ở Ðông Nam Á…(10).
Dụ số 2 ấn định ngày 26 Tháng Mười năm 1955 là ngày Quốc Khánh của nền Ðệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa và Quốc trưởng lấy danh hiệu là Tổng Thống VNCH. Quân Ðội QGVN trở thành Quân lực VNCH (The Republic of Vietnam Armed Forces = RVNAF).
Ðến cuối năm 1955, Hải Quân thuần túy Việt Nam có 3,858 người kể cả 1,291 Thủy Quân Lục Chiến với Tiểu đoàn 1 Quái Ðiểu và Tiểu đoàn 2 Trâu Ðiên.
Ðầu năm 1956, tổng thống VNCH chấp thuận dự án Giang Lực dự trù thành lập 5 Hải Đoàn Xung Phong, mỗi hải đoàn sẽ được trang bị:
- 05 Trung vận đỉnh LCM6 (Landing craft Mechanized)
- 04 Tiểu vận đỉnh LCVP (Landing craft vehicle and personnel)
- 05 Hô-bo vận tốc nhanh (Hors bord)
- 02 Quân vận hạm LCU (Landing craft utility)
- 02 Tàu kéo quân cảng YTL (harbor craft)
- 01 Giang pháo hạm LSIL (Landing ship infantry large) tăng phái.
Ðó là các Hải Ðoàn 21 Xung Phong (hậu cứ tại Mỹ Tho), Hải Ðoàn 23 Xung Phong (hậu cứ tại Vĩnh Long), Hải Ðoàn 24 Xung Phong (hậu cứ tại Cát Lái), Hải Ðoàn 25 Xung Phong (hậu cứ tại Cần Thơ) và Hải Ðoàn 26 Xung Phong (hậu cứ tại Long Xuyên).
Riêng về Hải Lực, đến cuối năm 1957, số chiến hạm được Pháp chuyển giao lên 21 chiếc gồm:
- 05 Hộ tống hạm PC (Patrol Craft or submarine chaser) là:
HQ01 – Chi Lăng
HQ02 – Vạn Kiếp
HQ03 – Ðống Ða
HQ04 – Tuy Ðộng
HQ05 – Tây Kết
- 03 Trục lôi hạm YMS (Yard MineSweeper) là:
HQ111 – Hàm Tử
HQ112 – Chương Dương
HQ113 – Bạch Ðằng.
- 02 Trợ chiến hạm LSSL (Landing Ship Support Large) là:
HQ225 – Nỏ Thần (Nguyễn Văn Trụ)
HQ226 – Linh Kiếm (Lê Trọng Ðàm).
- 05 Giang Pháo Hạm LSIL (Landing Ship Infantry Large) là:
HQ327 – Long Ðao
HQ328 – Thần Tiễn
HQ329 – Thiên Kích
HQ330 – Lôi Công
HQ331 – Tấm Sét.
- 04 Hải Vận Hạm LSM (Landing Ship Medium) là:
HQ400 – Hát Giang
HQ401 – Hàn Giang
HQ402 – Lam Giang
HQ403 – Ninh Giang
- 01 Hỏa vận hạm YOG (Oiler) là:
HQ470.
- 01 Huấn luyện hạm AKL (Loại tàu vận chuyển) là:
HQ451 – Quá Giang
2. Giai đoạn chậm phát triển (1958-1967)
Năm 1958 được chọn làm mốc thời gian vì những sự kiện quan trọng sau đây:
Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang được Pháp chuyển giao toàn bộ lại cho Hải Quân Việt Nam.
Hải Quân Việt Nam tăng lên 5,000 người
Khóa 8 Sĩ qian Nha Trang (Ðệ I Hổ Cáp) có 50 sinh viên nhập học với giáo sư, giảng viên và huấn luyện viên hoàn toàn là người Việt Nam.
Quân số Giang Lực gia tăng 50% cho 5 Hải Ðoàn Xung Phong trang bị 96 chiến đĩnh đủ loại.
Ðầu năm 1960, Bộ Tư Lệnh Hải Quân phúc trình đặc biệt lên Bộ Tổng Tham Mưu về Tiểu đoàn 603 Việt Cộng tức Tập Ðoàn Ðánh Cá Sông Gianh đã lén lút xâm nhập vào Duyên khu Đà Nẵng. Tổng Thống Diệm chấp thuận thành lập ngay 4 Ðội Hải Thuyền đầu tiên: Ðội 11 Cửa Việt, Ðội 12 Cửa Thuận An, Ðội 13 Cửa Tư Hiền, Ðội 14 Cửa Hội An. HQ/Ðại Úy Nguyễn Văn Thông (khóa 3 Sĩ Quan Nha Trang) chỉ huy huấn luyện 400 tuần viên sơ khởi cho 80 ghe đủ loại.
Năm 1962, Hải Ðoàn 22 Xung Phong được thành lập, HQ/Ðại Úy Huỳnh Duy Thiệp (khóa 7 Sĩ quan Nha Trang) là chỉ huy trưởng đầu tiên.
Ðến cuối năm này, lực lượng Hải Thuyền tăng lên 28 đội đóng dọc theo duyên hải với 800 tuần viên, rồi được cải danh thành Duyên Ðoàn khi quân số tăng lên đến 4,000 người.
Ðến đầu năm 1963, HQ/Ðại Tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải Quân mở cuộc hành quân thủy bộ bình định Năm Căn: Chiến dịch Sóng Tình Thương
Bước ngoặt chính trị năm 1963:
Ðược sự ủng hộ của Ðại Sứ Mỹ Henry Cabot Lodge (vua tổ chức đảo chánh), các tướng lãnh Việt Nam đã làm cuộc đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963 giết chết Tổng Thống Diệm và chấm dứt nền Ðệ I VNCH (11). Trong cuộc chính biến này, HQ/Ðại Tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải Quân cũng bị một sĩ quan đàn em chối bỏ truyền thống quân chủng ám sát chết (12).
Vì không còn lãnh tụ nào sáng giá hơn ông Diệm, nên tình hình chính trị miền Nam trở nên bất ổn. Quân đội phân hóa, đảo chánh liên miên, sinh viên học sinh biểu tình hàng ngày. Lợi dụng tình trạng rối ren tại thành phố và hoang phế 7,000 ấp chiến lươc tại nông thôn, Việt Cộng gia tăng cường độ ám sát khủng bố và bắt đầu tổ chức đánh lớn cấp trung đoàn. Cuối năm này, Hải Quân mất luôn quyền chỉ huy Liên Đoàn Thủy Quân Lục Chiến khi binh chủng thống thuộc này trở thành lữ đoàn tổng trừ bị do Trung Tá Lê Nguyên Khang làm tư lệnh và bị áp đặt trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu về mọi mặt giống như binh chủng Nhảy Dù của Không Quân.
Ðến hết năm 1964, Hải Quân cũng chưa thoát khỏi quỹ đạo lục đục trên đây, các sĩ quan khóa 2 Nha Trang gồm HQ/Trung Tá Nghiêm Văn Phú, chỉ huy trưởng Hải lực; HQ/Trung Tá Ðỗ Quý Hợp, chỉ huy trưởng Giang Lực; HQ/Trung Tá Khương Hữu Bá, chỉ huy trưởng Duyên Lực; HQ/Trung Tá Ðặng Cao Thăng, (khóa 1 Brest), giám đốc Hải Quân Công Xưởng đồng lòng lật đổ Phó Ðề Ðốc Chung Tấn Cang, tư lệnh Hải Quân về vụ thủy cước.
Sau ngày 8 Tháng Ba năm 1965, quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên hải cảng Đà Nẵng, Hải Quân có 7 Hải Ðoàn Xung Phong. Với bảng cấp số (SOP) mới 1965, Hải Ðoàn Xung Phong được cải danh là Giang Ðoàn Xung Phong (River Assault Group = RAG) có quân số 150 người. Sáu trong bảy Giang đoàn loại này được trang bị:
- 01 Giang đỉnh chỉ huy (Commandement Monitor)
- 01 Chiến đấu đỉnh (Combat Monitor)
- 05 Trung vận đỉnh LCM6
- 06 Tiểu vận đỉnh LCVP
- 06 Xung kích đỉnh STCAN or FOM.
Riêng Giang đoàn 27 Xung Phong trang bị hơi khác biệt với 6 Giang đoàn kia: 01 Giang đỉnh chỉ huy + 01 Chiến đấu đỉnh + 06 Quân vận đỉnh LCM8 và 10 Tiểu đỉnh RPC (River Patrol Craft) (13). Quân số Giang lực lúc bấy giờ tăng thành 1,150 người kể cả Bộ Chỉ huy Giang lực và 3 Ban Chỉ Huy hành chánh Liên Giang Đoàn (type).
Ngày 19 Tháng Sáu năm 1965 được gọi là Ngày Quân Lực do sắc lệnh của Chủ tịch Ủy ban Hành Pháp Trung ương (tương đương với thủ tướng chính phủ) Nguyễn Cao Kỳ ban hành để chấm dứt thời kỳ khủng hoảng chính trị kéo dài. (14).
Gần cuối năm, lực lượng Hải Thuyền 4,000 người được sáp nhập vào Hải Quân. Tuần viên cải danh thành đoàn viên kèm theo cấp số chính thức cho mỗi duyên đoàn là 03 ghe chủ lực, 03 ghe di cư và 16 ghe chèo.
Trong 7 năm đầu, Hải Quân tiến triển chậm chạp nhưng trong 3 năm sau, Hải Lực đã nhận thêm một số chiến hạm đáng kể:
- 03 Trục lôi hạm MSC (Mine Sweeper Craft) là:
HQ114 – Hàm Tử II
HQ115 – Chương Dương II
HQ116 – Bạch Ðằng II.
- 01 Hộ tống hạm PC là:
HQ06 – Vân Ðồn.
- 02 Hộ tống hạm PCE (Patrol Craft Escort) là:
HQ07 – Ðống Ða
HQ12 – Ngọc Hồi
- 04 Hộ tống hạm MSF (Mine Sweeper Fleet) là:
HQ08 – Chi Lăng II
HQ09 – Kỳ Hòa
HQ10 – Nhựt Tảo
HQ11 – Chí Linh.
- 03 Hải vận hạm LSM (Landing Ship Medium) là:
HQ404 – Hương Giang
HQ405 – Tiền Giang
HQ406 – Hậu Giang.
- 03 Dương vận hạm LST (Landing Ship Tank) là:
HQ500 – Cam Ranh
HQ501 – Đà Nẵng
HQ502 – Thị Nại.
- 20 Tuần duyên hạm PGM (Patrol Gunboat) là:
HQ600 – Phú Dự
HQ601 – Tiên Mới
HQ602 – Minh Hòa
HQ603 – Kiến Vàng
HQ604 – Keo Ngựa
HQ605 – Kim Quy
HQ606 – May Rút
HQ607 – Nam Du
HQ608 – Hoa Lư
HQ609 – Tổ Yến
HQ610 – Ðịnh Hải
HQ611 – Trường Sa
HQ612 – Thái Bình
HQ613 – Thị Tứ
HQ614 – Song Tử
HQ615 – Tây Sa
HQ616 – Hoàng Sa
HQ617 – Phú Quý
HQ618 – Hòn Trọc
HQ619 – Thổ Châu.
- 02 Hỏa Vận Hạm YOG là:
HQ471
HQ472.
- 05 Trợ chiến hạm LSSL là:
HQ227 – Lê Văn Bình
HQ228 – Ðoàn Ngọc Tảng
HQ229 – Lưu Phú Thọ
HQ230 – Nguyễn Ngọc Long
HQ231 – Nguyễn Ðức Bổng
Như vậy, vào cuối năm 1967, Hải Lực có tổng số chiến hạm là 64 chiếc.
3. Giai đoạn nhanh chóng bành trướng (1968-1975)
Ðầu năm 1968, Việt Cộng mở cuộc Tổng Nổi Dậy, công kích trên toàn lãnh thổ VNCH; Hải Quân với quân số 30,000, kể cả 7,500 sĩ quan, không những bảo toàn được lực lượng đông đảo như vậy mà còn yểm trợ hữu hiệu cho các đơn vị bạn tái chiếm nhiều vị trí bị lọt vào tay địch trong những ngày Tết Mậu Thân.
Cũng trong năm này, 3 trung tâm huấn luyện được phân nhiệm rõ rệt: Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang đào tạo sĩ quan, Trung Tâm Huấn Luyện Cam Ranh dành cho hạ sĩ quan và đoàn viên, Trung Tâm Huấn Luyện Bổ Túc Sài Gòn trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cho các cấp.
Ðến năm 1969, để theo kịp chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” (Accelerated turnover to the Vietnamese = ACTOV), Bộ Tư Lệnh Hải Quân tổ chức Hành Quân Lưu Ðộng Biển và Hành Quân Lưu Ðộng Sông. Trong tổ chức Hành Quân Lưu Ðộng Sông, 3 Lực lượng tác chiến trong sông được thành lập:
- Lực lượng Thủy Bộ, tổ chức hành chánh (type) đóng tại Bình Thủy, khi trở thành Ðặc Nhiệm (Task) gọi là Lực Lượng Ðặc Nhiệm 211.
- Lực Lượng Tuần Thám, tổ chức hành chánh đóng tại Mỹ Tho, khi trở thành Ðặc Nhiệm gọi là Lực Lượng Ðặc Nhiệm 212.
- Lực Lượng Trung Ương, tổ chức hành chánh đóng tại Ðồng Tâm, khi trở thành Ðặc Nhiệm gọi là Lực Lượng Ðặc Nhiệm 214.
Tư lệnh Hải Quân vùng IV Sông Ngòi kiêm tư lệnh Hạm Ðội Ðặc Nhiệm 21 khi chỉ huy cả 3 lực lượng trên cùng 7 Giang Ðoàn Xung Phong và các cơ sở tiếp vận trong vùng châu thổ [Sông] Cửu Long, quân số lên đến 10,500 người. Tư lệnh vùng III Sông Ngòi có 5 Giang đoàn Xung Phong cơ hữu, cũng được sự tăng phái của các lực lượng đặc nhiệm 211, 212 và 214. (15)
Hoàn tất chương trình ACTOV năm 1972, Hành Quân Lưu Động Biển đã nhận thêm 20 chiến hạm:
- 04 Dương Vận Hạm LST là:
HQ503 – Vũng Tàu
HQ504 – Qui Nhơn
HQ505 – Nha Trang
HQ800 – Mỹ Tho
- 02 Cơ Xưởng Hạm LST là:
HQ801 – Cần Thơ
HQ802 – Vĩnh Long
- 01 Hộ Tống Hạm MSF là:
HQ13 – Hà Hồi
- 01 Hộ tống hạm PCE là:
HQ14 – Vạn Kiếp.
- 03 Hỏa Vận Hạm YOG là:
HQ472
HQ473
HQ475.
- 02 Khu trục hạm tiền thám DER (Destroyer Radar Picket Escort) là:
HQ1 – Trần Hưng Ðạo
HQ4 – Trần Khánh Dư
- 07 Tuần dương hạm WHEC (White High Endurance Cutter) là:
HQ2 – Trần Quang Khải
HQ3 – Trần Nhật Duật
HQ5 – Trần Bình Trọng
HQ6 – Trần Quốc Toản
HQ15 – Phạm Ngũ Lão
HQ16 – Lý Thường Kiệt
HQ17 – Ngô Quyền
- 05 Hải đội Duyên Phòng được chuyển giao 26 Tuần duyên đỉnh WPB (Coastal Patrol Boat) đánh số từ HQ700 đến HQ725 và HQ107 Duyên tốc đỉnh PCF (Patrol Craft Fast).
Cuối năm 1972, quân số Hải Quân VNCH tăng thành 41,000 người. Theo Jane’s Fighting Ships 1972-1973, HQ/Ðại tá John More xếp sự lớn mạnh của lực lượng Hải Quân VNCH vào hàng thứ 9 trong các cường quốc Hải Quân trên thế giới.
Ðầu năm 1975, lực lượng Hải Quân VNCH gồm:
- 05 vùng Duyên hải với 133 chiến đỉnh và 500 ghe đủ loại
- 02 vùng Sông ngòi và 03 lực lượng tác chiến trong sông với trên 950 chiến đỉnh đủ loại
- Hạm đội Biển với 84 chiến hạm
- Quân số: 43,000 người.
Giữa Tháng Tư năm 1975, ngay sau khi trở lại nhậm chức tư lệnh Hải Quân lần thứ hai, Phó Ðô Đốc Chung Tấn Cang chỉ định HQ/Ðại Tá Lê Hữu Dõng thành lập cấp tốc Lực Lượng Ðặc Nhiệm 99 với sự phối hợp của các Giang đoàn 22 Xung Phong, Giang đoàn 42 Ngăn Chặn và Giang Ðoàn 59 Tuần Thám gồm khoảng 50 chiến đỉnh để giải tỏa áp lực địch trong phạm vi trách nhiệm của Hải Quân.
Chú thích:
(1) Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Sài Gòn thư xã 1962. Chương 7: Nước Pháp lấy đất Nam Kỳ (từ trang 480 đến trang 492).
Nguyễn Hợp Minh. Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Melbourne 2000. Tập 6, trang 285 288.
Ðúc kết tóm lược: Sau khi ký hiệp ước Thiên Tân ngày 27 Tháng Sáu năm 1858 với Trung Hoa, Chính Phủ thực dân Pháp chỉ định Ðề đốc Rigault de Genouilly điều động 13 chiến hạm Pháp và 01 chiến hạm Tây Ban Nha do HQ/Ðại tá Lanzarote làm Hạm trưởng, kéo sang xâm lược Việt Nam. De Genouilly được phong chức Phó Thủy sư Ðô đốc, Tổng chỉ huy Lực lượng Thực dân Viễn chinh tại nước ta từ ngày 1 Tháng Chín năm 1858 đến ngày 1 Tháng Mười Một năm 1859.
(2) Bộ Tổng tham mưu phòng 5. Quân sử tập 4: Quân lực hình thành 1946-1955. Sài Gòn 1972.
(3) Ðoàn Thêm. Hai mươi năm qua, việc từng ngày. Sài Gòn 1966, trang 44-45.
(4) Ðoàn Thêm. Tài liệu đã dẫn, trang 52.
(5) Ðoàn Thêm ghi nhận trang 82, tài liệu đã dẫn: Từ nay, quân đội VN thuộc hẳn quyền Quốc Trưởng Bảo Ðại, nhưng có cơ quan liên lạc với quân đội Liên Hiệp Pháp.
Cũng ngày hôm đó, Thống Tướng 5 sao Jean de Lattre de Tassigny, được Chính Phủ Pháp cử sang làm Tổng Tư Lệnh Quân Ðội kiêm Cao Ủy Pháp tại Ðông Dương.
(6) Trung Tướng Tôn Thất Ðính. Hồi ký 20 năm binh nghiệp. CA Chánh đạo 1988, trang 29-30.
Ðoàn Thêm. Tài liệu đã dẫn, trang 44, 57, 69 và 112.
Ðúc kết tóm lược: Ông Phan Văn Giáo, một nhân vật thân tín của Cựu Hoàng Bảo Ðại, tuy không tốt nghiệp một trường võ bị nào nhưng có khả năng rất cao về tổ chức quân đội, giúp Quân Ðội VNCH sớm hình thành. Qua nhiều chính phủ từ Nguyễn Văn Xuân đến Nguyễn Văn Tâm, ông đã được giao phó nhiều chức vụ thật quan trọng:
Ngày 2 Tháng Sáu năm 1948: Quốc vụ khanh, tổng trưởng kiêm tổng trấn Trung Phần, đặc trách thành lập Việt Binh Ðoàn.
Ngày 3 Tháng Bảy năm 1949: Thủ hiến Trung Việt bành trướng Việt Binh Ðoàn thành Quân Ðội QGVN.
Ngày 4 Tháng Tư năm 1950: Tổng thanh tra Quân Đội QGVN với cấp bậc trung tướng giả định (être assimilé au grade de Général), trực thuộc quốc trưởng (Sắc lệnh số 31/QT).
Ngày 25 Tháng Sáu năm 1952: Phó thủ tướng kiêm tổng trưởng thông tin.
(7) Ðoàn Thêm. Tài liệu đã dẫn, trang 86.
(8) Hải Đoàn Xung Phong, Hải Quân Pháp gọi là DINASSAUT (Division Naval d’assault), xin xem phần quan niệm về tổ chức Dinassault trong tập này, trang… Lúc Pháp chuyển giao, các Hải đoàn chưa có số nên tạm thời lấy tên địa phương đồn trú. Hải Đoàn Xung Phong Cần Thơ và Vĩnh Long, mỗi đơn vị nhận:
01 Giang đỉnh chỉ huy (Commandement Monitor LCM6)
02 Trung vận đỉnh LCM6 (Landing craft Mechanized)
02 Tiểu vận đỉnh LCVP (Landingcraft Vehicle and Personnel).
(9) HQ/Trung Tá Vũ Hữu San. Lược sử tổ chức Hải Quân VNCH. Tài liệu chuyển cho Hội Ðồng Hải Sử 2000, trang 4-6.
(10) Karnow, Stanley. Viuetnam a story. Viking London 1991, trang 222 ghi lại nhận định của Lyndon B. Johnson như sau: “President Diem is the Churchill of the decade… in the vanguard of those leaders who stand for freedom…”
(11) Karnow, Stanley. Tài liệu đã dẫn, nhận xét về Tổng Thống Diệm: “… into South Vietnam’s military and Police machinery, leaving only small fraction for economie development; and he was less interested in building an army to fight Viet Cong guerrillas than in forming conventional units that would protect him against his rival in Saigon…” Karnow cựu thông tín viên cho các tờ Times, Life và The Washington Post kiêm chủ nhiệm The New Republic về vấn đề Ðông Nam Á, nổi tiếng qua quyển “Mao and China” năm 1972 vì những sự thật được phơi bày trong đó. Nhưng đến quyển Vietnam a story xuất bản năm 1983, ông vấp phải nhiều sai sót nghiêm trọng, có lẽ vì không được ở Việt Nam lâu bằng ở Trung Cộng. Ðiển hình là ông không biết Liên Binh Phòng Vệ dinh Tổng Thống có mấy Tiểu đoàn và Lực lượng Ðặc biệt của Trung tá Lê Quang Tung có bao nhiêu đại đội thuộc Cần Lao? Ông cũng không biết đến quốc sách 7 ngàn ấp chiến lược với 8 triệu dân quân đang ngày đêm trực diện chiến đấu với cộng sản tại nông thôn hẻo lánh. Thành thử ông nhận định hàm hồ như vậy cũng phải!
(12) Nghi phạm ám sát HQ/Ðại Tá Hồ Tấn Quyền (khóa 1 Sĩ quan Nha Trang) là HQ/Thiếu Tá Trương Ngọc Lực (khóa 2 Sĩ quan Nha Trang). Các Tướng lãnh tổ chức cuộc đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963 đã sai lầm trong quyết định dùng một sĩ quan đàn em sát hại sĩ quan đàn anh mà không đếm xỉa gì đến truyền thống quân chủng Hải Quân. Ngay khi nhận thấy hậu quả nghiêm trọng về cái chết của tư lệnh Hải Quân. Hội Đồng Tướng Lãnh vội vã thăng cấp trung tá Bộ Binh cho Lực rồi đẩy ra nước ngoài để tránh búa rìu nguyền rủa của cả Hải Quân vào thời đó.
(13) Tham chiếu quyết định của Hội Ðồng Tu Chính Hải Qui do Phó Ðề Đốc Lâm Nguơn Tánh làm chủ tịch, BTL/HQ/P5 ban hành một tài liệu căn bản về việc định danh (đặt tên) cho các chiến hạm và chiến đỉnh vào Tháng Sáu năm 1971. Tên các chiến đỉnh trong tập này được viết theo đúng tinh thần sự vụ văn thư đã phổ biến. Xin xem chương trình ACTOV trong tập này, trang…
(14) Trên thế giới, các quốc gia văn hiến chọn ngày truyền thống Quân Đội (Ngày Quân Lực) là ngày đề cao giá trị tinh thần bất khuất, anh dũng hy sinh và tình đoàn kết chiến đấu vì mục tiêu cao cả của người chiến binh mình. Úc Ðại Lợi (Australia) chẳng hạn, Lưỡng Viện Quốc Hội Úc đã chọn ngày 25 Tháng Tư hằng năm làm ngày ANZAC. Cái độc đáo của ngày Quân Lực Úc là ngày bại trận tổn thất đến 5,000 chiến binh nhưng lại nói lên tinh thần keo sơn đoàn kết, hào hùng chiến đấu của Liên Quân Úc và Tân Tây Lan trên chiến trường quá bất lợi Gallipoli (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 25 Tháng Tư năm 1915. Còn ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu năm 1965 của nền Ðệ II VNCH chỉ là ngày mà Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Chủ tịch Ủy ban hành pháp Trung ương Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đồng ý với nhau mà thôi, không làm đảo chánh nữa vì đã loại bỏ chính quyền dân sự Phan Khắc Sửu (Tổng thống) và Phan Huy Quát (thủ tướng) rồi. Ngày truyền thống của Quân Lực VNCH mà chỉ có hai người quyết định giống như trong thời kỳ quân chủ chuyên chế. Thật hiếm thấy thay!
(15) Vùng III Sông Ngòi có 5 Giang Ðoàn Xung phong trực thuộc:
Giang Ðoàn 22 Xung Phong và Giang Ðoàn 28 Xung Phong hợp thành Liên Giang Ðoàn trú đóng tại Nhà Bè.
Giang Ðoàn 24 Xung Phong và Giang Ðoàn 30 Xung Phong hợp thành Liên Giang Ðoàn trú đóng tại Long Bình.
Giang Ðoàn 27 Xung Phong, tăng phái thường trực cho Ðặc khu Rừng Sát. Trú đóng tại Nhà Bè.
Vùng IV Sông Ngòi có 7 Giang Ðoàn Xung phong trực thuộc:
Giang Ðoàn 21 Xung Phong và Giang Ðoàn 33 Xung Phong hợp thành Liên Giang Ðoàn đồn trú tại Mỹ Tho.
Giang Ðoàn 23 Xung Phong và Giang Ðoàn 31 Xung Phong hợp thành Liên Giang Ðoàn đồn trú tại Vĩnh Long.
Giang Ðoàn 25 Xung Phong và Giang Ðoàn 29 Xung Phong hợp thành Liên Giang Ðoàn đồn trú tại Cần Thơ.
………………………………………………………………………………………….
TÀI LIỆU CHỌN LỌC THAM KHẢO
Tập này không có phần phụ đính danh mục (Index) để đồng nhất và dễ dàng tra cứu, tên các tác giả nước ngoài sẽ được ghi HỌ trước rồi mới đến TÊN giống như tên các tác giả Việt Nam, trong phần ghi chú.
- Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim. Sài Gòn Thư xã 1962.
- Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam – Nguyễn Hợp Minh. Melbourne 2000, tập 6.
- Quân sử – Bộ TTM/Phòng 5 1972, tập 4 quân lực hình thành Sài Gòn 1972.
- Hai Mươi Năm Qua, việc Từng Ngày 1945-1964 – Ðoàn Thêm. Sài Gòn 1966.
- Tôn Ngô binh pháp – Ngô Văn Triệu. Sài Gòn 1973.
- Trấn Hưng Ðạo binh thư yếu lược – Nguyễn Ngọc Tỉnh. Paris 1988.
- Hoạt động trong sông của Hải Quân VNCH. Phó Ðề đốc Ðặng Cao Thăng, bài viết cho Hải sử 2000 (HS 2000)
- Giang Ðoàn Xung Phong 22, 25 và 29. HQ/Ðại Tá Lê Hữu Dõng, bài viết cho HS 2000
- Lược sử tổ chức Hải Quân VNCH. HQ/Trung Tá Vũ Hữu San, bài viết cho HS 2000
- Giang Ðoàn 26 Xung Phong. HQ/Trung Tá Trần Ðỗ Cẩm, bài viết cho HS 2000.
- Trận Ba Rài. HQ/Trung Tá Phan Lạc Tiếp, bài viết cho HS 2000.
- Trung Ðoàn U Minh Hạ. Ðộc Hành. Việt Luận số 297 Sydney 5/1988.
- Hồi ký 20 năm binh nghiệp. Trung tướng Tôn Thất Ðính. CA Chánh đạo 1988.
- Cuộc chiến dang dở. Tướng Trần Văn Nhựt. CA 2003.
- Việt Nam Máu Lửa. Nghiêm Kế Tổ. Mai Lĩnh Sài Gòn 1954.
- Kinh nghiệm chiến trường chống đặc công thủy. Ban Hải sử. BTL/HQ/P5 Sài Gòn 1970.
- 1945 Lạc đường vào lịch sử. Nguyễn Manh Côn. Giao điểm Sài Gòn 1965.
- Ðường mòn trên biển. Nguyễn Tư Ðương. Hà Nội 2002.
- The Ford Foundation Fellowship USA and France – Cao Thế Dung 1976.
- Reassessing the ARVN – Lewis Sorley. VN Magazine April 2003.
- Nation in arms – Greg Lockhart. Australia 1989.
- The Vietnam war for dummies – Ronald B. Frankum, Jr and Stephen F. Maxner. Wiley Publishing Newyork 2003.
- Vietnam war almanac – Harrys Summer Jr. USA 1982.
- Vietnam a history – Stanley Karnow. Viking Newyork 1983.
- Encyclopedia of the Vietnam war – Spencer C. Tucker. London 1999.
- Vietnam: A visual encyclopedia – Philip Gutzman. London 2002.
- The brown water navy – Victor Croizat. Blandford Press UK 1984.
- The naval war in Vietnam – Anthony Preston. USA 1985.
- Brown water, Black berets – Thomas J. Cutler. USA 1988.
- Dictionary of the Vietnam war by Marc Leepson with Hanaford. USA 1996.
- Victory at any cost – Cecil B. Currey. Great Britain 1997
…………………………………………………………………………….