Phạm Quốc Nam (Quốc Hận lần thứ 49)/Trần Đỗ Cẩm: HQ 601 SOÁI HẠM NHỎ NHẤT

Những ngày cuối tháng Tư 1975 với nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Tuần Duyên hạm HQ-611 Trường Sa, tôi đã tham dự cũng như chứng kiến những sự kiện chưa được kể lại tại bến Bạch Đằng khi HQ-611 ở vị trí 1 sát bờ cầu A đối diện với cổng Bộ Tư lịnh Hải quân Saigon suốt tháng Tư:

.

  • Đầu tháng Tư 1975, chiều ngày 7/4 Trung tá An quận trưởng Quận 5 lái chiếc Toyota mới toanh đến bến Bạch Đằng đón chúng tôi, gồm HQ Trung tá Phan Ngọc Xuân (Khóa 10SQHQ/NT) Chỉ huy trưởng (CHT) Tổng Hành dinh BTL/HQ, HQ Đại úy Thu (K.17SQHQ/NT), CHT Tạm Trú Hạm 9051 và tôi vào nhà ông tận Chợ Lớn để có một buổi tiệc tiễn HQ Trung tá Đặng Diệm (K.11/SQHQ/NT) lên đường tu nghiệp tại Hoa Kỳ…Tôi trở về tầu vào giữa khuya.
    Sáng sớm hôm sau (ngày 8/4), Thượng sĩ TP Quản Nội trưởng Nguyễn Văn Chánh gõ cửa phòng đánh thức tôi dậy thật sớm khi tôi còn choáng váng vì tối hôm qua uống khá nhiều rượu mạnh. Tôi lên đài chỉ huy khi bên kia Thủ Thiêm mặt trời đã lên cao, ánh nắng chói rọi vào đài chỉ huy làm ấm cả phòng lái.
    Không đầy 10 phút sau, ông quản Chánh mang hai ly cà phê đen còn bốc khói lên đài chỉ huy. Quản Chánh và tôi ra lan can bên cánh hữu đài chỉ huy nhâm nhi cà phê và rít từng cụm khói thuốc Capstan thơm phức. Chúng tôi nói về việc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ Thành phố Huế ngày 25/3/1975…Câu chuyện vừa mở đầu một lúc, khoảng hơn 8 giờ sáng, hướng Dinh Độc Lập (DĐL) một phi cơ phản lực từ trên cao chúi xuống rồi bay lên cao, một cột khói đen bốc lên. Chúng tôi hướng mắt nhìn theo chiếc F5-E lên cao, rồi nó đánh một vòng lại chúi xuống, một cột khói đen thứ hai bốc lên; tức thì còi báo động của Biệt khu Thủ đô vang lên, tiếp theo còi báo động của Hải quân cũng vang lên inh ỏi…Tôi la lớn thúc giục: “Anh Chánh cho nhiệm sở tác chiến, chắc là đảo chánh!”. Ông quản Chánh chạy đi khi chiếc F5 đang hạ xuống thật thấp và lao thẳng về hướng HQ-611. Tôi hốt hoảng! Tiếng phản lực của chiếc F5 gầm thét đến đinh tai nhức óc khi nó bay ngang thật sát trần đài chỉ huy HQ-611 và biến mất bên kia Thủ Thiêm, diễn biến xảy ra trong chớp mắt…
    Ít phút sau, chiếc F5-E từ hướng Nhà Bè xuất hiện bay vút lên cao, còi báo động lại vang lên. HQ 611 cùng các chiến hạm nằm dọc sông Saigon đồng loạt tác xạ, bắn đuổi theo chiếc F5-E. Từng cụm khói đen của các viên đạn điều chỉnh bao vây chiếc F5 đang bay thật cao. Nhưng ngay lúc đó tiếng súng của các chiến hạm bổng ngưng hẳn, chỉ còn chiếc hạm của tôi tác xạ. Từng gấp đạn 40 ly bắn đi từ ổ súng trước mũi làm HQ-611 rung chuyển thân tàu…
    Tôi đang đứng cạnh ổ súng 40 ly hướng dẫn xạ thủ tác xạ, một nhân viên truyền tin đến báo cáo có Trung tá Xuân nào đó cần gặp thẩm quyền một. Tôi vào đài chỉ huy cầm lấy ống nghe, vừa nói “A lô!” thì bên kia đầu máy đã ngắt lời: “Mày hả Nam. Tao Trung tá Xuân, Tổng Hành dinh đây”- “Ồ! Chào commandant”, tôi nói….
    Bên kia đầu máy, Trung tá Xuân đang đứng tại cổng BTL/HQ nói tiếp: “Ê Nam, mày câm họng súng đi – Mày muốn đi tù hả”. Tôi cười nhẹ: ” OK! Đảo chánh hả niên trưởng”, và nói với thêm: “Tối nay commandant đãi một chầu nha – Nam nhớ giọng cười của commandant lắm đó”, bên kia đầu máy, Trung tá Xuân: “Ừ!”. Tôi rời đài chỉ huy và ra lệnh ngưng bắn.
    Khoảnh khắc ban đầu Dinh Độc Lập bị dội bom do chiếc F5-E của Không Lực VNCH làm cho mọi người nghỉ ngay đến ‘đảo chánh’ mà không hề ngờ đến việc phi công Việt cộng nằm vùng (Trung úy KQ Nguyễn Thành Trung) sử dụng phi cơ VNCH đánh bom DĐL. Có lẽ đây là lý do đã dẫn đến việc BTL/HQ ra lệnh ngưng bắn chiếc F5, tôi nghĩ vậy.
    Sau này tại hải ngoại có lần HQ Đại tá Đỗ Kiểm gọi phone cho tôi hỏi chuyện bác sĩ Nam nào đó tại Portland, nhân dịp tôi hỏi Đại tá Kiểm có biết ai ra lệnh ngưng bắn chiếc F5 lúc bấy giờ, ông trả lời không biết và nói có lẽ lệnh từ Lực lượng Đặc Nhiệm 99 /HQVNCH của HQ Đại tá Lê Hữu Dõng (K8/SQ/NT), đơn vị mới thành lập để bảo vệ BTL Hải Quân Saigon và giữ an ninh thủy trình sông Soài-Rạp và sông Lòng-Tào theo lệnh của Tư lịnh Hải quân Chung Tấn Cang. (Ghi chú 1)
  • HQ 611 có chuyến công tác cuối tháng Tư khi nhận một lô hàng ‘gia dụng’ từ chiếc GMC đưa xuống để chuyển vận ra Cơ Xưởng Hạm HQ-802 đang nằm phía Nam ngoài khơi Vũng Tàu. Xa xa có rất nhiều chiến hạm khác. Biển động mạnh, HQ-802 phải dùng cần cẩu bốc hàng. Xong công tác chuyển hàng, HQ-611 quay trở về Saigon. Xuôi thủy trình về bến, chúng tôi gặp những chiếc tàu buôn khổng lồ, bên trên đông nghẹt đồng bào đang ngược dòng ra biển. Có nhiều người vẩy tay chào chúng tôi.
    Về đến bến, HQ 611 theo lịnh [KÍN] của Bộ Tư lịnh Hạm đội chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, thực phẩm và lập danh sách thân nhân của thủy thủ đoàn được phép theo tàu ‘Di tản ra Côn Sơn tránh Saigon bị Việt cộng pháo kích” (nguyên văn đề tựa của đơn ghi danh của Bộ Tư lịnh Hạm Đội được phân phát đến thủy thủ đoàn – Ghi chú 2).
  • Việc ‘âm thầm’ chuẩn bị hạm đội di tản ra Côn Sơn của Tư lịnh Hạm đội, HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, dẫn đến chiều tối ngày 26/4/1975, các hạm trưởng được lệnh có mặt trong buổi lễ bàn giao Tư lịnh Hạm đội diễn ra tại tầng lầu hai, cạnh phòng Báo Chí của BTL Hải quân giữa Đại tá Sơn và Tân Tư lịnh Hạm đội HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê. Đến nay tôi vẫn không quên lời chia tay nghẹn ngào của Đại tá Sơn trong buổi bàn giao ấy: ” Việc làm của tôi, sau này anh em sẽ rõ.”…(Ghi chú 3)
  • Trưa ngày 28/4, tôi trên đài chỉ huy và nhiều thủy thủ đứng trước mũi HQ-611, chúng tôi nhìn chiếc xà lan đang khó khăn rời bến gần bến đò Thủ Thiêm khi bên trên xà lan đồng bào đang chen chúc đông nghẹt, chung quanh mạn xà lan có nhiều người đang bám lấy giây neo, phao độn cố trèo lên trên. Trên công viên có nhiều bà và các cô quăng cả gánh bán hàng rong lăn lóc trên bãi cỏ công viên rồi hối hả chạy xuống bờ sông cố trèo lên xà lan đang chồng chềnh rời bến. Ven bờ vẫn có người nhảy tùm xuống sông cố bơi ra xà lan đang chở khẳm người, nước sông mấp mé mạn tầu. Nhìn theo chiếc xà lan ra đi trong tình trạng trọng tải không an toàn, tôi cầu chúc cho họ ra đi bình an và may mắn. Họ là những người lao động, những người buôn thúng bán bưng, những người dân bình thường ấy, họ nhạy bén về tình hình đất nước và sớm thức tỉnh hiểm họa cộng sản, họ đã can đảm và dứt khoát vứt bỏ tất cả để ra đi trước giờ G…rất đông và rất đông.
  • Ngày 29/4, hải quân nâng cấp báo động Đỏ, cấm trại 100%. Cổng Mê Linh và Cường Để, hai cổng vào BTL/HQ đã giăng rào kẽm gai “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ sáng sớm – Giữa trưa 29/4 bến Bạch Đằng trở nên hỗn loạn, căng thẳng. Cổng Mê Linh đông nghẹt người và lính, họ chen lấn, xô đẩy, ồn ào muốn tràn qua rào cản thép gai để vào bến tầu làm cho quân cảnh HQ thỉnh thoảng phải nổ súng bắn chỉ thiên để ngăn họ lại bên ngoài. Thỉnh thoảnh từ hướng nhà hàng Mỹ Cảnh từng tràn súng M16 vang lên, trên bầu trời tiếng ồn ào của hàng hàng trực thăng bay đi và bay vào từ Hạm Đội 7 của Mỹ. Nhiều trực thăng của Không quân VNCH trên sàn lố nhố đàn bà trẻ em đang cố gắng hạ thấp xuống tìm bãi đáp, nhưng không tìm được sàn đáp trên các chiến hạm hay trên các bãi cỏ công viên, trực thăng lại cất lên cao, cánh quạt thổi tung từng cụm lớn cát bụi mù mịt rồi bay đi – Trưa 29/4, trên đài chỉ huy ồn ào tiếng gọi tìm hạm trưởng về dời tàu phát ra từ máy truyền tin…
    Khoảng 3 giờ chiều, tôi ký hai sự vụ lệnh để ra cổng, một cho tôi và một cho thủy thủ Tô Nhật Hà lái Honda đưa tôi về nhà tận Gia Định để mang gia đình xuống tầu. Chúng tôi rời tầu khi bầu trời xám xịt, mưa bắt đầu lất phất rơi, trên bầu trời tràn ngập trực thăng loại đổ bộ của US Marine, vần vũ ồn ào như đàn ong vỡ tổ chen lẫn với tiếng gầm gào thét của phản lực cơ hộ tống của US Navy. Đầu đường Hai Bà Trưng xe cộ và dòng người gồng gánh đồ đạt hớt hải lấn nhau chạy về hướng bến tàu.
    Hơn 6 giờ chiều tôi chưa trở về tầu vì kẹt chuyện gia đình, coi như tôi đã lỗi hẹn với người bạn cùng khóa, HQ Trung úy Võ Trường Xuân. Trước khi rời tầu về nhà đón gia đình, Xuân và tôi hẹn có mặt tại bến tầu lúc 5 giờ chiều để đưa thủy thủ đoàn Hải Vận Hạm LSM HQ-402 Lam Giang sang HQ-611 của tôi để cùng di tản vì 402 bất khiển dụng theo yêu cầu của Trung úy Xuân, sĩ quan trực HQ-402 hôm đó.
    Sau này tại hải ngoại, qua bài viết “Saigon Trong Những Ngày Cuối Cùng” của Người Thủy Thủ Già (HQ Trung tá Trần Hương, Khóa 9 SQHQ/NT, vị sĩ quan hộ tống Tư Lịnh Hải quân Chung Tấn Cang ra biển đêm 29/4) tôi được biết khoảng 7 giớ tối ngày 29, Trung tá Trần Hương cùng nhóm nhân viên an ninh hộ tống Tư lịnh Hải quân Chung Tấn Cang xuống HQ 611 của tôi để ra biển…(Ghi chú 4).
    Và những gì xẩy ra tiếp sau đó, xin trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây HQ 601: Soái Hạm Nhỏ Nhất” trong loạt bài “CHIẾN HẠM HQ/VNCH RA KHƠI – Những Chuyện Đáng Ghi” của tác giả HQ Thiếu tá Trần Đỗ Cẩm (Khóa 11SQHQ/NT); ông là nhà biên khảo nhiều tài liệu Quân Sử và Hải Sử VNCH có giá trị lịch sử. (Ghi chú 5)

Các Ghi chú 1,2,3,4 và 5 là những sự kiện không thấy có ghi lại trong bài viết của Cựu Tư lịnh Hạm đội Nguyễn Xuân Sơn, cũng như vị trí các chiến hạm tại bến Bạch Đằng và sự kiện Tư Lịnh HQ Chung Tấn Cang di tản không đúng như trong bài ‘Chuyến ra khơi cuối cùng’ của ĐML.

* * *

HQ 601: SOÁI HẠM NHỎ NHẤT

Theo dự trù, soái hạm HQ 1 Trần Hưng Đạo với cờ Tư Lệnh 3 sao trên kỳ đài sẽ đưa Tư Lệnh ra khơi. Nhưng tới giờ G, HQ 1 vẫn chưa sẵn sàng vì còn chờ Hạm Trưởng HQ Trung Tá Nguyễn Địch Hùng (khóa 4 Brest) đi đón gia đình chưa về kịp. Trên tàu lúc đó đã có mặt Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh, cựu TL/HQ và Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu. Chờ mãi không thấy hạm trưởng Hùng về tầu, cuối cùng PĐĐ Châu ra lệnh HQ 1 tách bến, không đón được Đô Đốc Cang. Vì hạm trưởng vắng mặt nên HQ Trung Tá Nguyễn Duy Long tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị Đà Lạt và khóa 13 SQHQ/NT được chỉ định tạm thời giữ quyền chỉ huy. Trung Tá Long là một hạm trưởng nhiều khả năng và kinh nghiệm đã chỉ huy nhiều chiến hạm chủ lực.
Về phần ĐĐ Chung Tấn Cang, ông rời văn phòng Tư Lệnh xuống cầu tầu tại bến Bạch Đằng hồi 7 giờ tối. Lúc đó trên bến đã rất đông người gồm cả binh sĩ lẫn thường dân nên tình trạng hỗn độn mất an ninh và phần lớn các chiến hạm đã tách bến. Tư Lịnh Cang và đoàn tùy tùng do HQ Trung Tá CK Trần Hương (Khóa 9 SQHQ/NT) cùng 5 cận vệ hướng dẫn tới cầu A, nơi còn hai Tuần Duyên Hạm HQ 611 Trường Sa cập vị trí 1 sát bờ và HQ 601 Tiên Mới ở vị trí 2 bên ngoài. Hai chiến hạm này mũi hướng hạ giòng trong tư thế sẵn ra khơi nhưng chưa vào nhiệm sở vận chuyển.
Tuần Duyên Hạm HQ 611 do HQ Đại Úy Phạm Quốc Nam thuộc tài nguyên Khóa 21 SQHQ, tốt nghiệp Khóa 2 Đặc Biệt SQHQ/NT và Khóa 4 Thuyền trưởng Hải đội Duyên Phòng được hạm đội chỉ định chỉ huy chiến hạm HQ 611 Trường Sa thay thế hạm trưởng TQĐ (Khóa 11SQHQ/NT) bỏ nhiệm sở. Đại Úy Nam khi nhận được lệnh di tản đã về nhà đón gia đình nhưng gặp trở ngại chưa về tầu kịp. Do đó, khi Tư Lịnh HQ xuống tầu không có hạm trưởng, ông và đoàn tùy tùng chuyển sang HQ 601 cập kế bên ngoài. Sau này được biết khi Đại Úy Nam chưa trở về tầu, HQ 611 bị một số quân nhân binh chủng khác dùng vũ khí uy hiếp thủy thủ đoàn buộc phải tháo giây tách bến trong đêm, nhưng mới qua khỏi Khánh Hội thì chiến hạm bị vô nước ngập hầm máy và bị chìm. Sáng 30/4, một số thủy thủ đến nhà Đại úy Nam báo cáo HQ-611 đã chìm. Sau 7 năm tù Việt Cộng, ra tù Đại Úy Nam đã lái một ghe nhỏ đưa gia đình và 89 thuyền nhân vượt Biển Đông đến bến bờ tự do bình an sau 2 ngày đêm trên biển, không kể 1 đêm bỏ neo dưỡng máy ghe tại hải phận quốc tế. Sáng sớm hôm sau nhổ neo xuôi về Nam, đến giữa trưa ghe được tàu chở gas LNG Aquarius của Hoa Kỳ cứu vớt tại Vĩ tuyến 7.33 N – Kinh tuyến 108.37SE cách Côn Sơn 150 hải lý về phía SE và định cư tại Hoa Kỳ.
Tuần Duyên Hạm HQ 601 Tiên Mới do HQ Đại Úy Trần Minh Chánh, con trai lớn của Đô Đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân, làm hạm trưởng. Đại Úy Chánh xuất thân khóa 24 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, được chuyển sang Hải Quân, tốt nghiệp Á khoa khóa 1 Đặc Biệt SQHQ/NT. Hạm phó là HQ Trung Úy Hà Tham khóa 25 VBQG Đà Lạt. Trong tháng 3 và tháng 4-1975, HQ 601 liên tục đảm nhiệm công tác tuần tiễu, yểm trợ và di tản tại các vùng duyên hải. Chiến hạm về Sài Gòn khoảng gần cuối tháng 4-1975 giữa lúc tình hình sôi động.
Ngày 29-4, dân chúng và binh sĩ đủ mọi quân binh chủng đã tràn ngập bến Bạch Đằng. Mặc dù quân cảnh Hải Quân đã lập rào ngăn cản, nhưng tình hình vẫn rất hỗn độn. Khoảng 1 giờ chiều, hạm trưởng Chánh cùng HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tư Lịnh Hạm đội đến tư dinh Đề Đốc hồi hưu Trần Văn Chơn tại đường Cường Để với mục đích mời di tản nhưng ông từ chối. Biết không thể thuyết phục, Đại Tá Sơn ra về trước; còn Đại Úy Chánh sau phút giây bịn rịn từ giã gia đình, cũng xuống tầu vào lúc 2 giờ chiều để chu toàn trách nhiệm hạm trưởng nặng nề trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Bến Bạch Đằng vào lúc này rất hỗn độn mất an ninh, hạm trưởng Chánh ra lện HQ 601 vào nhiệm sở tác chiến.
Một lúc sau, khoảng 3-4 giờ chiều, Đại Tá Sơn và Đại Tá Châu Văn Tiên, Tỉnh Trưởng Gia Định đi trên một chiếc xuồng có Cảnh Sát Dã Chiến hộ tống, cập vào HQ 601 và được đưa lên tầu.
Khoảng 5 giờ chiều, HQ Đại Tá Đỗ Kiểm, Tham Mưu Phó Hành Quân đích thân ra lệnh cho chiến hạm tức tốc vận chuyển chuyển qua cập cầu Tư Lệnh kế cận. Nhưng khi đó, một số nhân viên còn bị kẹt tại các nút chặn chưa về kịp, chiến hạm chỉ còn có 10 người kể cả 3 sĩ quan, nhất là cơ khí viên chưa có mặt nên không thể rời cầu ngay được.
Khoảng 7 giờ chiều, đoàn tùy tùng của PĐĐ Tư Lệnh HQ Chung Tấn Cang xuống cầu A. Trước khi mời phái đoàn Tư Lệnh lên tầu, hạm trưởng Chánh đã khẩn cấp tập họp thủy thủ đoàn để giải thích ”Chúng ta có nhiệm vụ phải đưa Tư Lệnh đến nơi an toàn. Xin các anh em giúp tôi làm tròn bổn phận của người quân nhân đối với thượng cấp. Tôi hứa chắc với các anh em rằng chúng ta sẽ trở về rước gia đình tôi và gia đình các anh em”. Khi TL lên tầu, đã một số sĩ quan cao cấp Hải Quân và quân binh chủng khác trên đó. Vào thời điểm này, phần lớn những chiến hạm lớn đã rời cầu.
Khoảng 7 giờ tối, Sau khi Tư Lệnh đã lên tầu an toàn, hạm trưởng Chánh ra lệnh tách bến. Vì dân chúng và binh sĩ đang hỗn độn chen lấn mất an ninh trên cầu tầu nên chiến hạm phải chặt giây tách bến khẩn cấp, rời quân cảng Sài Gòn trực chỉ Vũng Tàu. Trong sông Sài Gòn, HQ 601 đã phải vất vả tránh nhiều tàu, ghe thuyền nhỏ trôi lềnh bềnh trên sông vì người đã bỏ đi. Hạm trưởng Chánh vận chuyển chiến hạm, TL ngồi trên ghế hạm trưởng. Trên đường ra khơi, có lúc TL hỏi hạm trưởng Chánh có phải là con của ĐĐ Chơn không và tại sao ĐĐ Chơn không đi. Hạm trưởng Chánh trình bày có gặp thân phụ, nhưng gia đình buồn bã, không nỡ rời bỏ quê hương. Ông cũng thưa rõ ý định sau khi đưa TL ra khơi lên tầu lớn an toàn, chiến hạm sẽ trở về để cố thuyết phục gia đình và đón thân nhân thủy thủ đoàn di tản.
Trong lúc giang hành trên sông Lòng Tào, chiến hạm nghe trên máy truyền tin lệnh của HQ Đại Tá Chiến Binh Nguyễn Văn Tấn, lấy danh nghĩa Quyền Tư Lệnh mới tại Sài Gòn chỉ thị hạm đôi không được di tản nhưng chẳng có tầu nào quay về. HQ 601 ra tới Vũng Tàu an toàn vào hồi 2 giờ sáng ngày 30-4. TL chỉ thị tìm tầu lớn để chuyển qua, nhưng không chiếc nào cho cập. Cuối cùng, Đ/Đ Thủy phải yêu cầu bằng bạch văn mới được HQ 3 đồng ý.
Hạm trưởng Chánh đã hoàn tất lời hứa, đưa Tư Lệnh ra khơi rồi chuyển sang Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật HQ 3 an toàn. HQ 3 do hạm trưởng HQ Trung Tá Nguyễn Kim Triệu chỉ huy. HQ 3 rời Sài Gòn lúc 7 giờ tối 29-4, trên chiến hạm có các Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng và Hoàng Cơ Minh. Với sự hiện diện của TL/HQ, Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật trở thành soái hạm trong suốt chuyến hải hành qua Subic Bay.
Trong số nhân viên cơ hữu của HQ 601 chỉ có duy nhất Hạ Sĩ vô tuyến Rớt và gia đình đi theo cùng lên HQ 3. Cho tới lúc này, hạm trưởng Chánh vẫn đinh ninh hạm đội chỉ di chuyển tới nơi an toàn như Côn Sơn hay Phú Quốc để tránh pháo kích. Đêm 29-4, HQ-601 thả trôi ngoài khơi Vũng Tàu chờ sáng để quay về.
Rạng sáng ngày 30-4, khi đa số các chiến hạm rời Vũng Tàu tới điểm tập trung Côn Sơn, hạm trưởng Chánh cố tìm cách liên lạc với em ruột là HQ Thiếu Úy Trần Minh Trực, tốt nghiệp Học Viện HQ Hoa Kỳ Annapolis khóa 1974, đang phục vụ trên Tuần Dương Hạm HQ 5 Trần Bình Trọng do HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh là hạm trưởng, nhưng không thành công. Tuy nhiên, trong cái rủi còn có cái may, rất có thể nếu liên lạc được, Thiếu Úy Trực cũng sẽ theo HQ 601 quay về, rồi cùng vào tù với anh! Thiếu Úy Trực là người duy nhất trong gia đình Đô Đốc Chơn ra đi vào tháng 4-1975.
Hoàn tất công tác, khoảng 10 giờ sáng 30-4, hạm trưởng Chánh cùng với hạm phó Hà Tham và Thiếu Úy Thanh (Khóa 24 SQHQ/NT) đưa HQ 601 ngược giòng Lòng Tào quay lại Sài Gòn với ý định thuyết phục thân nhân và đón gia đình nhân viên ra Côn Sơn, chưa hề có ý niệm di tản sang Hoa Kỳ. Lúc đó ngoài khơi Vũng Tàu vắng lặng, đa số các chiến hạm đã lên đường tới điểm tập trung Côn Sơn.
Trên đường về, có thêm một chuyện đáng nói. Trong khi tầu bè đủ loại đổ xô ra biển, chỉ có HQ 601 ngược giòng, một số quân nhân bộ binh trên chiếc xuồng nhỏ xin quá giang về Sài Gòn và được chấp thuận. Chỉ mấy tháng sau, hạm trưởng Chánh gặp lại ông trưởng toán bộ binh là Đại Úy Trương Văn Quang trong trại tù Hóc Môn. Ông Đại Úy trách móc hạm trưởng Chánh nặng nề:“nếu không gặp anh thì tôi đâu đến nỗi này?”
Trong lúc giang hành, HQ 601 nghe được lệnh buông súng của Tổng Thống Dương Văn Minh. Mọi người bàng hoàng sửng sốt, nước mắt đầm đìa, tâm thần giao động, phân vân với quyết định đi hay ở. Tình hình rất căng thẳng, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Hạm trưởng Chánh với sự trợ giúp đắc lực của hạm phó Hà Tham trong giờ phút gay cấn nhất, đã tập họp nhân viên kể cả nhóm bộ binh trên tầu để lấy quyết định chung, muốn về Sài Gòn để đón thân nhân hay di tản? Mọi người đồng ý trở về. Hạm trưởng Chánh lấy tiền quĩ chia cho nhân viên để họ có phương tiện tìm gặp gia đình khi về tới Sài Gòn và hẹn giờ trở lại chiến hạm, tiếp tục di tản.
Nhưng mong ước đón gia đình thân nhân không thành. Khi HQ 601 vào tới Nhà Bè đã thấy vài chiến xa Việt Cộng trên bờ chĩa súng ra mặt sông. Chiến hạm từ từ vào tới thương cảng Sài Gòn thấy nhiều chiến xa địch hơn. Một chiến xa địch còn bắn vào HQ 601 nhưng không trúng. Khi vào tới quân cảng, hạm trưởng Chánh bước ra khỏi đài chỉ huy thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ trên kỳ đài không còn nữa. Sài Gòn đã hoàn toàn vị Việt Cộng chiếm cứ!
HQ 601 vào cập cầu C mũi thượng giòng, cạnh Tạm Trú Hạm 9051. Hạm trưởng Chánh ra lệnh tháo “lỗ lù” (valve de coque) để nước ngập làm chìm tầu. Ông vẫn mặc quân phục xanh, không lon, không mũ đi bộ về nhà cách đó không xa trên đường Cường Để. Mấy tên Việt Cộng mang dép râu đội nón cối trắng, quần xanh, áo trắng xọc xanh, từ trên bờ ào xuống tầu vơ vét hôi của. Gia đình vui mừng đoàn tụ chưa được bao lâu, đã lại vương sầu chia ly vì Đô Đốc Chơn và hạm trưởng Chánh đều vào tù Việt Cộng, cha 12 năm, con 7 năm.
Sau này tại ngoại quốc. khi được hỏi về những quyết định của hạm trưởng Chánh, ĐĐ Chơn hãnh diện cho biết: ”Thời gian đó, Đại-Úy Chánh là Hạm-Trưởng HQ 601. Hôm 29 tháng 4 Chánh đưa Đô Đốc Chung Tấn Cang, Đô Đốc Diệp Quang Thủy cùng gia đình của hai vị này từ Bộ-Tư Lệnh Hải Quân ra chiến hạm lớn đang hoạt động ngoài khơi Vũng Tàu. Hôm sau, Chánh đưa chiến hạm xuyên qua vùng bị địch chiếm, trở về Saigon, với ý định rước tôi và gia đình ra khơi… Lòng trung hiếu của Chánh làm tôi hãnh diện vô cùng. Và hành động của thủy thủ đoàn HQ 601 đã chứng tỏ Hải-Quân V.N.C.H. đã rèn luyện được tinh thần Vô Úy mãnh liệt trong hàng ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ” (Trích Hải Quân VNCH Ra Khơi của Điệp Mỹ Linh).
Nhìn chung, trong ngày hạm đội rời Sài Gòn vào cuối tháng tư đen, nhiều chiến hạm ra khơi an toàn rất đáng ca ngợi. Riêng đặc biệt HQ 601 nhỏ nhất nhưng lại đảm nhiệm công tác “soái hạm” quan trọng và nặng nề nhất, đưa TL/HQ ra khơi. Trong hoàn cảnh vô cùng tế nhị và khó khăn, hạm trưởng HQ 601 đã hoàn tất chu đáo nhiệm vụ, rồi sau đó mới quay tầu trở về, ở lại với cha già, đúng là “trung hiếu vẹn toàn”. Ông đã thể hiện tinh tinh thần Kỷ Luật, Danh Dự và Trách Nhiệm ở mức độ cao nhất.
HQ 601 “Tiên Mới” tuy nhỏ, nhưng HQ Đại Úy Trần Minh Chánh xứng đáng được coi như vị hạm trưởng có tầm vóc “lớn” trong đêm hạm đội ra khơi.
Bài được trích từ “CHIẾN HẠM HQ/VNCH RA KHƠI – Những Chuyện Đáng Ghi” của Trần Đỗ Cẩm (K.11SQHQ/NT).