Tôi sinh ra và lớn lên trong thời binh lửa.
Rời mái trường trong lứa tuổi đôi mươi. Đà Lạt lúc nầy sương mù bao phủ. Tôi từ gỉa mái trường Đại Học trong mùa đông gía buốt vì quyết định vào quân chủng Hải Quân.
Tôi vào lính thủy vì yêu quê hương và yêu màu áo trắng. Tôi và người bạn chung lớp Chính Trị Kinh Doanh tại Viện Đại Học Đà Lạt là Lê Kiếm Hiệp, quê tại Thủ Đức cùng tình nguyện vào khóa 21 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Khi nhập trại Bạch Đằng II năm 1969, tụi tôi đã thấy các bạn đồng khóa đã đông đảo, quân số có thể lên đến hơn 500 khóa sinh. Trong thời gian tại đây, chúng tôi sinh hoạt theo quân cách như sắp xếp từng tiểu đội, trung đội, đại đội và tập họp thao dợt căn bản thao diễn mỗi ngày. Đó cũng là vạn sự khởi đầu nan.

Chúng tôi ở đây để chờ nhập khóa. Tôi còn nhớ trước khi nhập trại, chúng tôi được khám sức khoẻ. Sắp hàng dài, đứa nào đứa đó đều trần truồng như nhộng. Có một bác sĩ Hải quân và vài cô y tá theo ông đi đến khám từng người một, coi từ đầu đến chân và coi kỷ nhất là bộ phận sinh dục. Đứa nào đứa đó mặt mày non choẹt, chân ướt chân ráo mới vào lính, mặt mày đỏ ké vì mắc cở. Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ nhất tại đây. Thời gian ở Bạch Đằng II thật là vui, nào là Lý Tỷ làm đại đội trưởng la hét, nào là Pho làm đại đội phó v.v…..Nhưng vì nhu cầu chiến trường lúc ấy rất cần thiết và quân trường Nha trang đã có khóa 19 và 20, nên Bộ tư Lịnh Hải Quân đã quyết định lấy từ 1 đến 270 để nhập học khóa 21 SQHQ/ Nha Trang. Tụi tôi được đưa đi huấn luyện tại trung tâm huấn luyện Quan Trung 3 tháng. Đại Đội của tôi là 19D, còn 18C và 20E nữa. Đại đội 20E là những SVSQ/HQ vào trước nên được đưa đi học hải nghiệp Nha Trang, thuộc khóa 21SVSQ/HQ, còn lại là 18C và 19D được đưa thẳng vào trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức.

Tại trường Bộ Binh Thủ Đức, tụi tôi đã được huấn luyện để trờ thành một Sĩ quan Bộ Binh tác chiến trên bộ như rừng núi, thành phố, sình lầy, đội hình qủa trám, hàng ngang, hàng dọc, xung phong, địa thế, xác định điểm đứng trên la bàn, dùng tọa độ UTM v.v…Qua một thời gian dài được huấn luyện tại Thủ Đức, tôi đã được tốt nghiệp và trở thành một Sĩ Quan Bộ Binh thật sự. Trước ngày mãn khóa Thủ Đức tụi tôi được BTL/HQ đưa xe GMC đón về BTL/HQ trong lúc còn nguyên vẹn với bộ quân phục Thủ Đức và cồ áo với chiếc ALPHA vàng. Cấp bậc tự đổi lấy. Thay đổi từ Chuẩn Úy Bộ Binh thành Chuẩn Úy/ HQ Chiến Binh.

Các Sĩ Quan Hải Quân được huấn luyện tại SQHQ/ Nha Trang gọi tụi tôi là Sĩ Quan /CB. Gia nhập khóa 21 SQHQ mà lại huấn luyện tại quân trường SQ/ Bộ Binh nên mới gọi nhau là Hải Quân Lưu Đày. Bây giờ danh xưng này đã trở thành chánh danh. Tôi cũng đã thật sự hảnh diện với danh xưng này. Chúng tôi đã qua cả hai quân trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức và quân trường SQHQ/ Nha Trang. Chúng tôi đã thật sự phục vụ tốt đẹp và đã đáp ứng được với nhu cầu chiến trường lúc bấy giờ. Từ những giang đoàn thủy bộ, ngăn chận, xung phong đến trục lôi, tuần thám, căn cứ, duyên đoàn. Chiến trường bấy giờ thật cam go và cần thiết cũng như để bành trướng quân chủng, Bộ Tư Lệnh đã quyết định đưa tụi tôi ra phục vụ tại các đơn vị như đã nói trên.
Ra trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được chọn về Qui Nhơn và phục vụ tại căn cứ Hải Quân Qui Nhơn mà Hoa Kỳ gọi là Qui Nhơn Naval Base and Habor Defence. Trong thời gian phục vụ tại đây, tôi được giao phó như một sĩ quan trực hành quân, rồi đến một sĩ quan tuần tiểu hải cảng như đi Skimmer hay PBL. Một năm sau tôi được đưa lên làm trưởng đội VIBA Hải Minh ở Qui Nhơn thay thế cho Thiếu Úy Phạm Lương Nẫm thuyên chuyển. Thời gian làm trưởng đội VIBA vào đầu năm 1972, ngay khi mùa Hè đỏ lửa, cộng quân thường quấy phá mọi nơi, nên tình hình hết sức căng thẳng. Đồi này được phân chia thành nhiều vọng gác, được giao phó từ quân đội Hoa Kỳ. Nên tôi đã cho thi hành canh gác rất cẩn thận. Tất cả các vọng gác đều sẳn sàng nhiệm sở tác chiến phòng bị địch tấn công. Ban đêm đều có một toán đi tuần tra do tôi chỉ huy và một Thượng sĩ Hải Quân. Có một hôm chúng tôi đụng độ với một toán du kích của Cộng quân. Sau một hồi giao tranh dữ dội, toán kích của tôi đã đánh bật toán du kích cộng sản. Địch bỏ chạy vào làng Hải Minh. Tôi liền cho toán kích khoảng 15 người rượt theo và kết qủa đã bắt được một tên Việt cộng vì tên này trốn vào nhà dân, núp dưới gầm bàn thờ, súng AK47 dấu ở trên giường và dùng chiếu che lại. Khi đó tôi ra lệnh cho toán kích bao vây căn nhà, kêu dân ra hết bên ngoài và cho hai người lính hải quân núp hai bên cửa chờ tấn công vào. Chúng tôi dùng khẩu hiệu chiêu địch: “hàng sống, chống chết” và hô to “xung phong”. Chúng tôi tấn công vào bắt được tên núp dưới bàn thờ và tịch thu được một khẩu AK 47 dấu trên giường. Các tên khác bỏ chạy vào núi. Tôi liền gọi trên đồi bắn súng cối 81 ly vào địch quân và bấy giờ quân tăng cường từ căn cứ do HQ Trung Tá Nguyễn Ngọc Tính chỉ huy trưởng căn cứ Qui Nhơn đến nơi cùng phối họp toán kích lùng xét quân địch. Nhưng địch đã tẩu thoát.

“Trong thời gian phục vụ với chức vụ thuyền trưởng ở Hải Đội 5 Duyên Phòng, tàu tôi thường đi công tác liên tục luân phiên ra vào cửa Bồ Đề rồi mới ra đến biển để nhập vùng công tác tuần tiểu, thay thế cho các PCF khác về về nghỉ bến. Thường thì công tác cứ mỗi 7 ngày thì được trở về bến để chuẩn bị dầu, nước, đạn dược, thực phẩm rồi đi tiếp, cứ như thế hết tuần này đến tuần khác và hết tháng này đến tháng khác. Ở Năm Căn không phải là đơn giản. Đơn vị của tôi là một đơn vị tác chiến, cửa Bồ Đề là cửa biển nguy hiểm nhất của HĐ5ZP nói riêng và của Hải Quân Việt Nam nói chung. Tàu bè đi ra vào cửa này thường xuyên bị địch quân phục kích. Cửa Bồ Đề đã có những đơn vị như Giang Đoàn 62 Tuần Thám, Giang Đoàn 74 Thủy Bộ v.v…thường xuyên tuần tiểu trên sông và những giang đoàn này cũng thường xuyên đụng độ với địch quân mỗi tuần có đến vài lần.

Còn PCF của tụi tôi trước khi vào cửa Bồ Đề để về bến thì thường có những chiếc Tango hay Alfa của giang đoàn thủy bộ mở đường hoạc PBR hay trực thăng của phi đoàn Cần Thơ bay yểm trợ. Nhiều khi không có giang đoàn hoặc khi giang đoàn phải nằm tại những khúc sông xa xôi và cũng như không có trực thăng yểm trợ thì khi vào cửa tụi tôi cũng bị bắn tơi bời. Có một hôm tụi tôi vào cửa thì đã đụng độ với địch quân. Mặc dù các thủy thủ đã sẳn sàng nhiệm sở tác chiến, nhưng địch quân đã phục kích rất đông trên bờ và có sẳn hầm hố. Đụng địch, tôi đã ra lịnh bắn xối xã vào bờ, từ đại liên M 50, M 60, súng phóng lựu M 79 và súng cối 81 ly. Kết qủa tàu tôi trúng 2 qủa B40 cùng thượng liên AK47. Tàu tôi thủng rất nhiều lổ và nhiều vết đạn cày nát bàn hải đồ, máy PRC/25, máy PRC/46 và ghế thuyền trưởng bị nát bét, nhưng tôi đã may mắn thoát chết. Trên tàu có thuyền phó HQ Trung Úy Nguyễn Xuân Anh kém may mắn bị gảy giò bởi thượng liên của Việt cộng và hạ sĩ Nguyễn Văn Tròn xạ thủ đại liên M/60 phía trước mũi bị tử thương. Trong lúc này tôi điều động ba chiếc PCF khác quay đầu lại để yểm trợ vì tôi là một sĩ quan thâm niên hiện diện trong đoàn PCF tuần tiểu nên có quyền điều khiển các thuyền trường khác nếu cần giúp đỡ hoặc nhập trận tác chiến v.v…Sau một hồi khoảng 10 phút thì các đơn vị PCF đã đến nơi hổ trợ và tiếp cứu.

Trong lúc này tàu tôi đã thủng một lổ lớn và trên tàu đã có một chết và một bị thương, nên tôi đã tiến mạnh hai máy ủi vào bờ phía bên kia vùng địch phục kích và lên máy báo cáo về trung tâm hành quân. Đồng thời, tôi ra lịnh phân tán các chiến đĩnh khác tiếp tục tác xạ bảo vệ và canh giử chiến đĩnh của tôi. Sau đó trung tâm hành quân Năm Căn đã liên lạc được với phi đội trực thăng từ Cần Thơ bay đến tiếp cứu và tải thương HQ trung Úy Nguyễn Xuân Anh và Hạ sĩ Nguyễn Văn Tròn về Cần Thơ. Tàu tôi HQ.3932 được kéo về cập tại cầu tàu Hải Đội.

Khi tàu về đến bến, trên cầu tàu đã có chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, sĩ quan và các thủy thủ cũng như hải quân của các đơn vị căn cứ hay tiền doanh yểm trợ tràn xuống cầu tàu để quan sát. Tất cả các thủy thủ đều thấy rõ là tàu tôi đã lảnh qúa nhiều đạn như trung liên, thượng liên, B40 và AK47, ngồi ở đâu cũng chết. Họ hỏi nhau tại sao ông Trung Úy Bốn không sao cả, chắc chả có bùa chăng. Đó là những sự chứng kiến và lời đồn đãi của các thủy thủ tại Hải Đội 5 Duyên Phòng thuở đó. Qua đó, các bạn đã biết tôi là một sĩ quan thuyền trưởng có mạng qúa lớn phải không? Nhiều lần tôi bị địch phục kích, tàu rách nát mà tôi chỉ bị vướn vài mãnh đạn rất nhỏ tại đùi và ống quyển mà thôi. Hỏi Thuyền Trưởng HQ 3909, Phạm quốc Nam (hạm trưởng Dã cào HQ 611 sau này) hay Phan Văn Bắc, tự Bắc Tà (khóa 21/CK rớt, về học khóa 22/CK/ SQHQ) là hai thằng bạn  thân ngũ cùng phòng bên Tiền Phương Yểm Trợ Năm Căn, đơn vị của Bắc tà sẽ rỏ. Sở dĩ chiếc PCF 3932 của tôi đã bị phục kích nặng nề là tại vì chiếc HQ 3932 là chiếc chỉ huy tổng quát nên tôi đi sau cùng. Những chiếc đi đầu hoàn toàn không bị gì. Địch quân dồn tất cả qủa lực tấn công chiếc sau cùng mà thôi. Cho nên PCF của tôi mới bị nặng nề như vậy. Thế nên mới có câu: “Cửa BỒ Đề là mồ chôn thủy thủ” .

Sau khi HQ 3932 bị địch bắn nát thì tôi được lịnh chỉ huy trưởng sang làm thuyền trưởng HQ 3925, thuyền phó là HQ Trung Úy Nghuyễn Văn Khiêm, khóa 24 Võ Bị Đà Lạt. Sang nắm thuyền trưởng PCF HQ 3925 thì tàu cũng bị địch quân bắn tiếp tục. Nhưng lần đó không bị nặng như chiếc 3932 lần đầu tiên. Cứ như thế tôi miệt mài đi công tác năm này đến năm khác. Lần cuối cùng tôi được đổi sang duyên tốc đĩnh khác là HQ 3919 và cũng bị đụng độ trên sông Ông Đốc và hòn Đá Bạc. Tàu HQ 3919 bị thủng bởi nhiều vết đạn thượng liên cũng như AK 47. Tôi là một sĩ quan hải quân lưu đày, thuyền trưởng của nhiều duyên tốc đĩnh PCF và đã nhiều lần đụng địch, nhưng tôi có nhiều may mắn nên không bị thương tích nào. Mặc dù sự chết chóc trước mắt như thế đó, nhưng tôi chẳng màn vì tôi yêu Quê Hương và yêu Tổ Quốc. Tôi rất tự hào cùng hãnh diện đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người làm trai đi bảo vệ quê hương và bảo vệ tự do cho miền Nam nước Việt.

HQ. Phạm Cao Bốn (21/LuuDay)