Để tưởng niệm hai bạn: Ngô-Đắc-Phú, Lưu-Khương-Đức và những nam sinh trường trung học Võ-Tánh Nha Trang
đã hy sinh trong cuộc chiến tương tàn!
Thân tặng các bạn Tam B4 Võ-Tánh, 1960-1961

ĐIỆP MỸ LINH

Giọng của Lệ-Hằng nghèn nghẹn, không hiểu vì tuổi tác hay vì xúc động. Lệ-Hằng nhìn lên trần nhà, nhíu mày, ngâm tiếp:

…Chiến hào xưa vết thù còn đấy.
Đỉnh cao này áo trận, phơi thây.
Gần bốn mươi năm sao vẫn đợi?
Hỡi nấm mồ hoang giữa lưng trời!…

… Ta về, đồi Gió buồn như thế,
Chân xiêu vẹo trên chiến trường xưa
Ôi! Góc rừng tử khí còn vương
Đồi Gió hỡi! Hôm này gió chướng! (1)

Lệ-Hằng trở về chỗ ngồi trong khi cả nhóm bạn vẫn còn bàng hoàng, ngồi bất động! Khánh vừa tiến về “micro” vừa vỗ tay. Lúc này cả nhóm bạn mới choàng tĩnh, vỗ tay thật lớn. Khánh dõng dạc:

-Bài thơ đẹp và buồn quá! Tôi nghĩ linh hồn của những người bạn đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua có lẽ cũng cảm nhận được rằng chúng ta không bao giờ quên các anh ấy. Xin cảm ơn “bà xã của tui”.

Khánh quay sang lấy thùng giấy, mời một bạn bốc thăm. Cầm tờ thăm, Khánh cười lớn:

-Ha…Ha…Lần này chúng ta được nghe lại một giọng ca của ban ca nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha Trang năm xưa. Xin mời người bạn thân thiết của chúng tôi từ thời Tam “Bê-Bối” (B4). Mời Thanh-Hoa.

Thanh-Hoa rụt rè đứng lên, bước đến “micro”:

  • Xin cảm ơn anh Khánh đã giới thiệu tôi bằng những lời rất thân tình. Kính thưa quý anh chị, theo thuyết Vô-Thường, không vật thể nào và sự việc nào có thể tồn tại. Vậy thì thời gian 50 năm qua tôi có còn là tôi của thập niên 60 hay không? Chắc chắn là không. Do đó, tôi sẽ góp vui trong lần gặp gỡ hiếm hoi này, không phải bằng giọng hát của cô gái nhút nhát năm xưa, mà sẽ bằng giọng khàn khàn của một…bà cụ.

Mọi người cùng cười. Thanh-Hoa tiếp:

  • Trở lại quê nhà sau hơn 40 năm lưu lạc, tôi mang trong lòng nỗi niềm của Nhị-Hà khi ông sáng tác ca khúc “Trở Về Thôn Cũ”, và tâm trạng của Châu-Kỳ khi ông sáng tác tình khúc “Trở Về”. Nhưng khi gặp lại những người bạn xưa trong khung cảnh đầm ấm này thì lời ca của sầu khúc “Trở Về Mái Nhà Xưa” lại réo rắc trong lòng tôi những giai điệu chĩu nặng u hoài.

Vừa nghe Thanh-Hoa nhắc đến tình khúc tuyệt vời mà bất cứ người chơi đàn nào cũng không thể không đàn, mấy ngón tay của Nhân búng nhè nhẹ lên giây Guitar, dạo nho nhỏ cung Do Majeur, nhịp Andantino.

Vừa nghe tiếng Guiter Thanh-Hoa vừa nhìn Nhân như chờ đợi. Đàn đến cuối phân đoạn đầu, Nhân “rải” một tràng hợp âm và Thanh-Hoa “bắt” vào:

“Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.
Về đây với mầu gió ngày lang thang.
Về đây với xác hiu hắt lạnh lung.
Ôi! Lãng du quay về điêu tàn!…” (2)

Theo tiếng hát của Thanh-Hoa, Khánh tưởng như Khánh có thể thấy lại nhân dáng xinh đẹp, dịu dàng và thùy mị của Thanh-Hoa lúc nàng, Nhân, Tùy, Phê và Khánh cùng học lớp đệ Tam B4, niên khóa 1960-1961.

Thập niên 60 cũng là thời kỳ nhạc Pháp rất thịnh hành trong giới học sinh và sinh viên. Khánh nhớ thời gian mới sang Pháp du học, những lúc nhớ nhà, Khánh chỉ biết đem hình gia đình và bạn hữu ra nhìn. Khi nào thấy tấm ảnh của Thanh-Hoa – không nhớ “đứa nào” chụp – đang đứng hát, Khánh cũng nhớ lại phân đoạn trong bài Bambino mà Khánh rất thích:

“…Et gratte, gratte sur ta mandoline mon petit Bambino.
Ta musique est plus jolie que tout le ciel de L’Italie…”

Ngày xưa, khi Thanh-Hoa hát đến cuối phân đoạn thứ ba: “…Avec tes cheveux si blonds…” thì đám con trai cùng hô lên “Bambino! Bambino!…” Rồi Thanh-Hoa tiếp: “Tu as l’air d’un chérubin…” đám con trai lại: “Bambino! Bambino!” Kỷ niệm thời trung học của Khánh với Thanh-Hoa chỉ có vậy thôi.

Khi gặp lại Thanh-Hoa tại đại học Luật khoa Saigon Khánh mới biết Thanh-Hoa vừa lập gia đình. Khánh không biết, và cũng không muốn biết, chồng của Thanh-Hoa tên gì, làm gì; chỉ thỉnh thoảng Khánh thấy một chiếc xe, do tài xế lái, đưa hoặc đón nàng. Hôm nào xe đón trễ, Thanh-Hoa thường cùng Khánh đi chầm chậm về hướng hồ Con Rùa, nói những chuyện bâng quơ.

Một hôm, những chuyện bâng quơ được thay bằng một tin vui: Khánh được học bổng sang Pháp du học. Thanh-Hoa reo lên:

-Mừng cho ông đó. Ông mà không được du học thì ông sẽ bị động viên; rồi biết đâu, cũng sẽ … như ông Tuấn thôi!

Nghe nhắc đến người bạn vừa bị tử trận, Khánh thở dài và trong lòng Khánh lại gợn lên những thắc mắc mà không ai có thể giải thích được.

Không ai có thể giải thích nguyên nhân nào khiến Tuấn – một học sinh xuất sắc, hội đủ điều kiện để khỏi bị động viên – tình nguyện vào Trường Sĩ Quan Bộ-Binh Thủ-Đức sau khi đỗ tú tài I ban toán. Bạn hữu hỏi Tuấn:

-Nha Trang có Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân và Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, tại sao mày không thi vào? Cùng lắm thì vào Trường Võ-Bị Dalat để kéo dài thời gian ở quân trường chứ sao lại đi Thủ Đức làm chi cho nguy hiểm?

Tuấn cười:

-Nguy hiểm cái…con khỉ! Tao sẽ tình nguyện về Biệt-Động-Quân Biên Phòng. Tao muốn được huấn luyện nhanh, càng sớm càng tốt. Mấy Trung Tấm Huấn Luyện mà tụi mày nói đó phải huấn luyện hai năm hoặc bốn năm, tao không thể chờ được.

Bạn hữu nhìn nhau, không hiểu tại sao Tuấn lại “không thể chờ được”. Bạn hữu không hiểu, nhưng riêng Tuấn, Tuấn rất bằng lòng với quyết định của chàng.

Quyết định của Tuấn bắt nguồn từ cái chết rất bi thương của ông Thuận – Bố của Tuấn. Ông Thuận đã chết một cách quá thảm khốc sau khi bị công sảng Việt Nam (csVN) bắt trong trận đụng độ dữ dội tại biên giới Lào Việt.

Theo lời Thọ – một hồi chánh viên – kể với cơ quan công quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thì ông Thuận bị thương trước khi bị bắt. CsVN hành hạ, đánh đập và dùng lưỡi lê khơi động vết thương nơi bụng của ông Thuận mà cũng vẫn không thể khai thác được gì! CsVN bàn tính riêng rồi cho ông Thuận hay:

-Chúng tôi trả tự do cho đại úy đấy. Đi đi!

Biết có âm mưu gì đó chứ làm thế nào csVN có thể thả một đại úy Biệt Động Quân Biên Phòng một cách dễ dàng như vậy, ông Thuận lắc đầu:

-Các anh muốn hành xử với tôi như thế nào, cứ hành xử. Các anh muốn giết tôi, cứ giết. Tôi chấp nhận. Đừng bày ra bất cứ âm mưu gì khác.

Giọng một cấp chỉ huy:

-Mở trói, thả nó đi đi!

Ông Thuận nhìn cấp chỉ huy của csVN như không tin. Người ấy nhìn ông Thuận, hất hàm:

-Đấy, đi đi. Hãy ‘chở’ về để ‘niếm’ gót giầy bọn sen đầm quốc tế của mày đi!

Ông Thuận ôm bụng, gượng đứng lên, dáng ngần ngừ. Người chỉ huy tiếp:

-Địt mẹ! Đi nhanh kẻo ông nổi xùng ông bắn chết mẹ bây giờ!

Theo từng bước chân khập khểnh của ông Thuận, máu từ vết thương nhểu thành những đường kỹ hà.

Ông Thuận vừa xa toán csVN khoảng vài thước, người chỉ huy toán csVN đưa mắt nhìn thuộc cấp rồi nhè nhẹ gật đầu. Ngay tức thì, toán csVN ném về phía ông Thuận bất cứ vật gì mà họ có thể nhặt được. Ông Thuận càng cố khệnh khạng tránh né bao nhiêu thì số đồ vật ném về phía Ông càng nhiều và càng nhanh bấy nhiêu. Cuồi cùng ông Thuận gục xuống!

Không biết ông Thuận còn sống hay đã chết, người chỉ huy toán csVN bước đến, đá mạnh vào người ông Thuận. Ông Thuận lăn theo triền đồi trong những tràng cười hả hê của toán csVN!

Cười thỏa thuê một lúc, toán csVN kéo nhau đi sâu vào rừng; chỉ có Thọ – người đã không cười – lủi vào bụi rậm, trốn.

Suốt đường mòn Hồ-Chí-Minh, Thọ đã chứng kiến nhiều cảnh huống đau lòng khi bộ đội giết những “đồng chí” bị bệnh, bị thương hoặc vì bất cứ lý do nào đó, không thể đi theo đoàn quân “sinh Bắc tử Nam”. Thọ đã cố che giấu sự xúc động của chàng. Nay, thấy chính đơn vị trưởng của chàng hành động một cách man rợ, Thọ kinh tởm và chỉ muốn xa lánh toán người đầy thú tính. Thọ tìm cách ra hồi chánh.

Những chi tiết do Thọ kể chỉ có gia đình Tuấn biết, nhờ có người bà con tòng sự tại cơ quan Chiêu Hồi. Vì vậy, khi nghe Thanh-Hoa nói về Tuấn, Khánh đính chính theo sự hiểu biết của chàng:

-Tuấn tình nguyện vào Trường Sĩ Quan Thủ-Đức chứ không phải bị động viên.

-Vậy à?

-Bà nhớ hôm tiễn thằng Tuấn bà hát bài gì không?

Thanh-Hoa lắc đầu. Khánh tiếp:

-Tôi không nhớ tựa nhưng tôi nhớ khi bà hát đến câu: “… Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về…” thì cả lớp thật sự xúc động!

Thanh-Hoa dừng bước. Sau một thoáng suy nghĩ, nàng reo lên:

-Nhớ rồi! Nhớ rồi!

Trong khi Khánh chưa biết Thanh-Hoa nhớ gì thì nàng hát nho nhỏ, ánh mắt đăm chiêu như đang nghĩ đến người bạn vắn số:

“…Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó.
Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ,
đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ.
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về…” (3)

-“Tui” du học thì “tui” mong có ngày về…

Khánh chưa dứt câu Thanh-Hoa vội nói lên ý tưởng đã làm ray rức lòng nàng kể từ khi hay tin Tuấn tử trận:

-Ông biết không? Lúc ông Tuấn rời trường là lúc tụi mình còn nhỏ, đã biết gì đâu! Hát tiễn ông Tuấn đi lính, tôi chỉ nghĩ đến nỗi khổ nạn của người lính để tìm bài hát cho thích hợp với hoàn cảnh chứ tôi đâu có ý “trù ẻo” cho ông Tuấn “chẳng mong ngày về!”

-“Tui” chỉ đùa thôi. Bạn bè hồi đó không ai nghĩ như vậy đâu!

Thanh-Hoa chưa kịp đáp lời Khánh thì chiếc xe quen thuộc dừng sát lề đường, cạnh nàng và Khánh.

Nhìn theo chiếc xe, tự dưng Khánh cảm thấy buồn buồn và dường như có chút luyến tiếc vừa gợn lên trong lòng!

Hôm nay gặp lại Thanh-Hoa sau gần 50 năm xa cách, Khánh rất vui và cảm động. Khánh nhìn về hướng “micro”. Thanh-Hoa vẫn còn những nét cao sang, duyên dáng của một mệnh phụ. Nhưng thời gian đã phủ lên người nàng những vết cằn cỗi. Bất chợt Khánh đưa tay vuốt những sợi tóc lưa thưa của chàng.

Trong khi Khánh hơi buồn lòng vì mái tóc cứ thưa đi và trắng dần thì Phê lại nhớ đến những ngày sang Hoa-Kỳ tham dự Đại Hội Quốc Gia Hành Chánh.

Sau những ngày vui vì được gặp lại bạn cũ thời đại học, Phê đã dành thì giờ tìm gặp cô bạn thời trung học – Thanh Hoa. Phê điện thoại rủ Tùy. Để đo lường trí nhớ của Tùy, Phê dặn mọi người trong hai bàn tiệc đừng cho Tùy biết ai là Thanh-Hoa.

Khi Tùy bước vào nhà hàng, mọi người chỉ cười, gật đầu chào. Tùy nhìn quanh, giọng buồn buồn:

-Ủa, Thanh-Hoa đâu?

Im lặng. Phê đứng lên, bắt tay Tùy. Tùy lại hỏi:

-Có lẽ Thanh-Hoa đợi tao hơi lâu nên Thanh-Hoa về rồi, phải không?

Phê chỉ cười, không đáp, ngồi xuống. Thanh-Hoa nghiêng sang, nói nhỏ, chỉ vừa đủ cho Phê nghe:

-Ôi, thời gian! Ta ghét mi!

Phê cười, chỉ vào Thanh-Hoa và nói với Tùy:

-Tùy, Thanh-Hoa nè, mày nhìn ra chưa?

Tùy ngạc nhiên, reo lên:

-Trời! Thanh-Hoa!

Trong cuộc hàn huyên đầy thú vị giữa “ba đứa” Tam “Bê Bối (B4)” Phê kể rõ tên từng người bạn còn ở Việt-Nam như Phạm-Khắc-Sinh, Phan-Thừa-Tấu, Phạm-Vũ-Động, Huỳnh-Tri-Chánh, v. v… Phê cũng kể về cái chết rất thương tâm của Lưu-Khương-Đức. Đức tốt nghiệp Kiến-Trúc, bị động viên và đã tử trận tại Pleiku năm 1972. Tùy kể về Ngô-Đắc-Phú với những lời đầy tiếc thương. Phú là phi công trực thăng, bị bắn hạ vào mùa Hè 1972 tại Vùng IV Chiến Thuật! Tùy cũng cho hai bạn biết Nguyễn-Văn-Cư hiện sống tại California. Thanh-Hoa cho biết Nguyễn-Đăng-Dự, trước 1975, là hiệu trưởng trường trung học Pleiku, nay đang sống tại Canada; Vũ-Mạnh-Hoàn du học Bỉ từ năm 1963 và Đỗ-Thị-Nghiễn nay là Thích Nữ Thường-Như. Nghe bạn đề cập đến một tu sĩ Phật Giáo, Phê chợt nhớ và cho các bạn biết Nguyễn-Ưng đã thọ giới Tỳ-Kheo được hơn 20 năm!

Sau khi tiệc tàn, Tùy bắt tay Thanh-Hoa rồi gian rộng đôi tay, tỏ ý muốn “hug” Thanh-Hoa. Hai người choàng vai nhau. Tùy nói, giọng tràn xúc động:

-Bây giờ “tui” mới giám “hug” bà chứ hồi đó “tụi tui” chỉ biết đứng xa xa nhìn bà thôi!

Phê bảo:

-Ê, Tùy! Mày với Thanh-Hoa về thăm tụi nó một chuyến, nha! Nửa thế kỷ rồi, còn gì! Tụi mình già hết rồi! Về đi, tụi nó và tao sẽ ra phi trường đón…

Dòng hoài niệm của Phê vừa đến đây, tiếng vỗ tay vang lên; vì Thanh Hoa vừa chấm dứt tình khúc “Trở Về Mái Nhà Xưa”.

Bất ngờ, nhiều tiếng động mạnh nơi của trước rồi giọng nam vang lên:

-Mở cửa! Mở cửa! Công an khu vực đây!

Khánh bước đến, mở cửa, hỏi:

-Các anh cần gì? Chúng tôi đang có khách.

-Ai là Nguyễn Cao Nhân?

Cuộc vui ngưng. Nhân lấy đàn ra khỏi vai, bước ra:

-Tôi. Các anh cần gì?

-Anh về phường “làm việc” với chúng tôi.

Theo suy nghĩ của một người sống ở nước tự do lâu năm, Tùy tách rời nhóm bạn, bước về nhóm công an, hỏi:

-Yêu cầu các anh cho xem trác tòa. Không có trác tòa các anh không thể bắt người trái phép như vậy.

Một anh công an hất hàm vế phía Tùy.

-Muốn xem trác tòa hả? Đi về phường với chúng tôi mà xem.

Im lặng. Nhân sờ túi áo và túi quần:

-Chờ chút. Tôi vào lấy giấy tờ tùy thân.

-Bảo người nhà lấy. Anh không được đi đâu cả.

Mọi người đến bên Nhân, thái độ lo âu. Nhân rất trầm tĩnh, nói nhỏ với Ngọc – vợ của Nhân – bằng tiếng Pháp để công an không thể hiểu:

-Em điện thoại cho các con biết ngay.

Khánh nói nhỏ với Nhân, cũng bằng tiếng tiếng Pháp:

-Mày đừng lo, có tụi tao đây!

-Tụi mày cũng biết rằng đây không phải là lần đầu tiên tụi nó bắt tao. Tao tin vào lẽ phải.

Nghe một ngôn ngữ lạ, một anh công an lên tiếng:

-Không được dùng tiếng “nước ngoài”.

Chiếc xe áp tải Nhân chạy trên những con đường còn in vết chân của Nhân và Tuấn từ ngày thơ dại cho đến thời gian Tuấn tử trận. Nhân thở dài, nhớ lại buổi sáng theo bạn hữu tiễn Tuấn về nghĩa trang, thấy bà Thuận và các em gái của Tuấn rũ liệt như những cái xác không hồn, Nhân thật lòng hối hận về sự nông nỗi của chàng; vì chàng đã hoạt động rất đắc lực cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong thời gian du học tại Pháp.

Lúc mới đến Paris, Nhân được nhiều sinh viên phản chiến đón tiếp rất niềm nở, lo và giúp đỡ mọi điều. Nhưng điều khiến Nhân vui nhất là Nhân gặp lại Khánh. Khánh và Nhân trở lại thân thiết như thời cùng học trung học.

Một thời gian sau Khánh ngạc nhiên khi thấy Nhân rất tích cực trong mọi hoạt động chống lại chính quyền VNCH. Mỗi lần Khánh khuyên ngăn Nhân lại đáp cùng một ý:

-Mày biết thằng Tuấn ở cùng xóm với tao. Trong lớp nó ngồi cạnh tao. Hồi đó tụi bay gọi thằng Tuấn và tao là hai thằng “cốt đột”. Ừ, hai thằng “cốt đột” thương nhau như anh em ruột, mày biết không? Tại sao những thằng như thằng Tuấn phải chết cho những tên vô tài, thiếu đức và không có học thức được sống phây phây?

Khánh im lặng, không biết phải biện luận như thế nào!

Ngày xưa Khánh không biết phải biện luận với Nhân như thế nào. Tối nay, Khánh cũng không biết phải giải thích với Thanh-Hoa như thế nào về những tấm ảnh – do báo chí đăng tải vào những lần Nhân bị bắt trước đây – mà Ngọc đang trao cho cả nhóm cùng xem!

Nhìn tấm ảnh Nhân bị mấy tên công an lôi xềnh xệch như lôi một bao cát, Thanh-Hoa nhíu mày:

-Ông Nhân làm gì mà bị đối xửa tàn tệ quá vậy?

Ngọc vừa quẹt nước mắt vừa đáp:

-Hình đó chụp lâu rồi, lúc anh Nhân mới từ Pháp về quê nghỉ hưu. Các con của chúng tôi khuyên ngăn thế nào anh Nhân cũng không nghe. Anh ấy bảo anh ấy còn nhiều việc phải làm. Mấy cháu cho tiền mua ngôi nhà này để chúng tôi hưởng hưu. Nhưng, ngôi nhà này lại là nơi làm việc của anh Nhân. Anh Nhân ra tuyên cáo, viết bài kêu gọi và xách động thanh niên đòi nhà cầm quyền csVN phải có đa nguyên, đa đảng; vì anh Nhân thấy rõ dưới chế độ tàn độc, khát máu và tham nhũng của csVN, đời sống của người dân còn cơ cực gấp trăm ngàn lần so với thời Pháp thuộc!

-Rồi sao?

-Tụi nó – csVN – cho anh Nhân vào tù!

-Trời! Chị có nhờ Tòa Lãnh Sự Pháp can thiệp hay không?

-Có. Nhưng ông Nhân ổng bướng lắm. Ổng không chịu vào quốc tịch Pháp. Ổng bảo ổng là người Việt Nam tại sao lại mang quốc tịch của một nước đã đô hộ dân tộc mình cả trăm năm?

Im lặng. Ngọc tiếp:

-Anh Nhân không phải là công dân Pháp. Nhưng nhờ anh ấy là một chuyên viên ngoại hạng do Pháp đào tạo, cho nên, Tòa Lãnh Sự Pháp can thiệp. Và lần đó anh Nhân chỉ bị tám tháng tù thôi.

Vì chưa biết gì về những hoạt động chính trị của Nhân, Thanh-Hoa tò mò tiếp tục xem những tấm ảnh của Nhân. Thấy tấm ảnh Nhân bị một tên công an đạp ngã trên đường, tấm ảnh kế tiếp Nhân bị tên công an khác đạp vào mặt, Thanh-Hoa run tay:

-Chị Ngọc ơi! Ông Nhân lớn tuổi rồi mà sao công an đánh ổng tàn nhẫn quá vậy?

-Ảnh đó chụp cách nay vài hôm, lúc anh Nhân dẫn đầu đoàn biểu tình chống Trung cộng cấm ngư dân Việt Nam đánh/bắt cá trong hải phận Hoàng Sa. Tôi đã quay video, nhưng tụi công an giật mất rồi.

Khánh lên tiếng:

-Các bạn nên bình tâm. Mình phải hoặch định phương thức cứu thằng Nhân.

Ngọc nhìn đồng hồ tay:

-Lúc nãy, khi vào phòng lấy hình của anh Nhân bị công an đánh, tôi đã điện thoại cho các con của tôi. Các cháu sẽ “tung” lên internet tin anh Nhân bị bắt. Giờ này khuya rồi, mình không thể làm gì được. Sáng mai tôi sẽ gặp những nhân vật trong tổ chức của anh Nhân và tôi sẽ liên lạc với Tòa Lãnh Sự Pháp. Thôi, rất tiếc cuộc vui bị gián đoạn bất ngờ, quý anh chị nên về nghỉ.

Lệ-Hằng lắc đầu:

-Chúng tôi không thể để chị một mình trong tình cảnh này được.

Cả nhóm đồng lòng:

-Đúng rồi!

Nhìn quanh, thấy ai cũng có vẻ lo âu, Khánh bảo:

-Tôi có một đề nghị, xin nói ra để quý anh chị xem như thế nào, nhé!

Im lặng. Khánh tiếp:

-Chúng ta không nên có thái độ bi quan. Chúng ta phải “hâm nóng” tinh thần tích cực và cao cả của những người đã và đang dấn thân chống lại sự xâm lăng của Tàu cộng.

Một ông hồi xưa học lớp lớn hơn đưa tay xin nói. Khánh chỉ ông ấy, mời:

-Dạ, xin mời anh cho ý kiến.

-Thưa anh, “hâm nóng” bằng cách nào?

Khánh xòe bàn tay về hướng người vừa phát biểu, tỏ ý xin chờ, rồi quay sang Thanh-Hoa:

-Thanh-Hoa! Bà còn nhớ những bản hùng ca xưa không?

-Cho trường hợp nào?

-Chống rợ Hồ, chống nhà Minh, chống quân Thanh, chống quân Tàu.

-Gò Đống Đa, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, được không?

-Tốt lắm. Bà nhớ lời ca không?

-Không, chỉ nhớ âm điệu thôi.

Vừa nói ngang đó Thanh-Hoa chợt nhớ, vội tiếp:

-Ông Khánh! Ông mượn computer của chị Ngọc, vào Google tìm xem. Tôi nghĩ Google có lời ca.

Cùng Khánh đến bên computer, Ngọc ngạc nhiên reo lên:

-Ủa! Sao lần này công an không tịch thu computer kìa? Mấy lần trước mấy “lão” không những tịch thu computer mà còn lục lọi, phần cứng, phần mềm gì cũng lấy hết…

Một ông mỉa mai:

-Anh chị từ Pháp về cho nên công an chỉ tịch thu computer thôi; còn chúng tôi là dân “Mít”, cho nên, đảng csVN “giải phóng” toàn bộ tài sản của chúng tôi. Dân miền Nam đã chứng kiến nhiều đoàn xe vận tải chở “đầy nhóc” TV, tủ lạnh, máy hát, radio, bàn ghế, v. v. . . của dân miền Nam chạy “rần rần” ra Bắc. Ngày trước csVN phải lén lút vượt Trường-Sơn vào Nam để bắn giết anh em. Sau khi chiếm được miền Nam và nhốt tù tất cả quân nhân, công chức, csVN hiên ngang và “hồ hởi” chở về Bắc tất cả những gì của người miền Nam mà csVN thích. Vì đảng csVN ăn cướp trắng trợn cho nên người miền Nam có câu: “Tự nhiên như người Hà-Lội”.

Ông bạn vừa dứt câu, Khánh reo vui:

-À há!

Sau khi in và phát mỗi người ba bản, Khánh xoay về Thanh-Hoa:

-Thanh-Hoa! Bà hát một mình trước để mọi người nghe cho quen rồi chúng ta sẽ đồng ca. Được không?

Sau khi tập hát theo Thanh-Hoa vài lần, mọi người đồng ca:

“Từng đoàn dân chúng trên đế đô tưng bừng đi
Nhịp nhàng theo tiếng non nước thiêng trang hùng ghi…
… Dòng máu ái quốc lưu truyền trong bao đấng hùng.
Ngàn ngàn quân Thanh chết dưới toán quân Việt-Nam…” (4)

Khánh không ngờ lời ca làm cho không khí lo buồn lúc nãy trở nên sôi động hẳn lên. Dứt bài Gò Đống Đa, Thanh-Hoa bắt sang ca khúc Ải Chi-Lăng: “Chi Lăng! Chi Lăng!” Khánh hát đáp: “Tiếng ai hò reo vang trời!” Thanh-Hoa tiếp: “Chi Lăng! Chi Lăng!” Khánh hát đáp: “Bóng ai tranh hùng muôn đời”. Cả nhóm cùng nhập vào:

“Trời âm u, gió tung, rú lên, rít lên ào ào
đồi non thung lũng đều long lỡ dưới trời bão…” (5)

Hát đến phân đoạn thứ ba, cả nhóm cảm thấy niềm xúc động và tình yêu Quê Hương dâng lên chất ngất trong lòng. Có người vừa hát vừa đưa tay quẹt nước mắt:

“…Hồi chiêng khua thúc quân,
tiếng loa thét lên long trời,
hùng binh say máu,
gầm như sóng, cố tràn tới…

Ngờ đâu tiếng loa vừa báo,
Lê tướng chước thâm tài cao.
Đồng ứng phá tan giặc Minh.
Hùng anh múa tít gươm linh…” (6)

Khi cả nhóm hát trở lại đoạn điệp khúc, Khánh xúc động quá, phải lẻn ra ngoài. Khánh ngồi lên phiến đá nhỏ cạnh gốc bán dạ hương, lòng thầm thương cho sự nhẹ dạ của Nhân trước kia và cũng thương cho hoàn cảnh của Nhân hiện tại. Khánh tự hứa, trong những ngày còn lại của chuyến về thăm quê nhà kỳ này, bằng mọi cách, Khánh sẽ vận động để Nhân được trả tự do.

Vừa tạm bằng lòng với quyết định của mình, Khánh chợt nhận ra các bạn đã chuyển sang ca khúc Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước:

“Đây Bạch-Đằng giang
sông hùng dũng của nòi giống
Tiên Rồng, giống Lạc-Hồng,
giống anh hùng Nam Bắc Trung…”

Tiếng đồng ca của các bạn gợi lại trong lòng Khánh hình ảnh hùng vĩ của buổi diễn hành năm xưa – do Hải Quân VNCH thực hiện – trên sông Saigon, ngang Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH, mà chàng đã thấy trong lần về thăm nhà, năm 1974.

Năm 1974, từ cửa sổ của chiếc phi cơ Air France, Khánh thấy nhiều và rất nhiều chiến hạm cùng chiến đỉnh được giăng cờ rực rỡ. Trên mỗi chiến hạm, quân nhân trong quân phục tiểu lễ trắng đứng quanh vòng đai chiến hạm, xoay mặt ra ngoài. Chiến hạm và chiến đỉnh theo đội hình, giang hành chầm chậm ngang bến Bạch-Đằng.

Thấy Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo nơi bến Bạch-Đằng, Khánh chợt nghĩ đến bảng tin Hải-Quân VNCH nghênh chiến chống Tàu cộng tại Hoàng-Sa.

Khánh cảm thấy cay đắng trong lòng! CsVN đã vi phạm Hiệp-Định Ba-Lê và đã tận dụng khí giới của Nga/Tàu để vượt Trường-Sơn vào Nam giết hại anh em trong khi Quân Lực VNCH vừa bị Mỹ cắt đứt mọi viện trợ, vừa chống trả sự xâm lăng của csVN, vừa anh dũng chiến đấu với Tàu cộng để bảo vệ Hoàng-Sa và Trường-Sa!

Vừa nghĩ đến đây, niềm cay đắng trong lòng của Khánh vụt tan đi; thay vào đó là niềm tự hào về những thanh niên miền Nam cùng thế hệ với chàng. Hải-Quân V.N.C.H. đã mất 74 chiến sĩ dũng cảm và hộ tống hạm Nhật-Tảo; nhưng Hải-Quân V.N.C.H. đã/sẽ lưu lại những nét sáng ngời trong thiên hùng sử Việt-Nam.

Dòng ý tưởng của Khánh dừng lại khi tiếng đồng ca vang lên:

“Việt Nam! Việt Nam! Nghe từ vào đời…
Việt Nam không đòi xương máu.
Việt Nam kêu gọi thương nhau…” (7).

Theo tiếng đồng ca của các bạn, Khánh tưởng như chàng có thể thấy lại những đoàn quân của các quân binh chủng thuộc Quân Lực V.N.C.H. đang diễn hành. Thấp thoáng trong hình ảnh oai hùng của đoàn quân là Quyền, Phú, Tuấn, Huy, Thiệp, Trí, Thuận, Ninh, Đức, v. v… Khánh cũng không thể không nghĩ đến những người con ưu tú khác của ngôi trường Võ-Tánh đã chết trẻ trong cuộc chiến do csVN chủ xướng! Mủi lòng quá, Khánh gục đầu vào lòng bàn tay.

Từ nãy giờ Lệ-Hằng đứng xa xa, âm thầm quan sát chồng. Khi thấy Khánh trong trạng thái não lòng, Lệ-Hằng bước đến, nhẹ nhàng đặt tay lên vai Khánh.

Khánh cầm tay Lệ-Hằng – mà tưởng như chàng đang cầm tay một trong những người bạn đã nằm xuống trong cuộc chiến do ông Hồ Chí Minh và đảng csVN khởi xướng – lòng thầm khấn: “Tụi bay tha thứ cho thằng Nhân, nha! Nó biết nó đã nhầm! Nó chỉ muốn làm những điều tốt đẹp cho Quê Hương thôi. Nó rất đáng thương!”

ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/

1.- Trên Đồi Gió của Nguyễn Thanh Khiết.
2.- Come Back To Sorento của Ernesto De Curtis; lời Việt, Phạm Duy.
3.- Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy.
4.- Gò Đống Đa, Văn Cao.
5/6.- Ải Chi Lăng, Lưu Hữu Phước.
7.- Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy.