QYHQVNCH NGƯỜI SAIGON… XƯA !!

Dù bạn sinh quán ỏ đâu, trước 1975 đã sống lâu tại Sài Gòn, bạn vẫn là: NGƯỜI SÀI GÒN.

Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học.

Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y.
Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi. Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.

Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm, cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám, vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ. Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thỉnh thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.

Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.

Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.

Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn rán vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: “Xích lô !”. Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi: “Anh chị đi đâu ?”.

– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu ?

Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi: “Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho”.

Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: “Mười lăm đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường”.

Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người. Xuống giọng: “Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm”.

Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: “Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà !”. Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.

Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy !

Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu. Già trẻ, lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: “Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá !”.

Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.

Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà, kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí.

Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn. Sẽ có nhiều người bảo cái ly nhiều người uống, bẩn chết đi được, nhưng không biết họ có cách nào hay hơn ? (mua ly giấy, uống xong vứt…. mời các người ấy về Sài Gòn mua ly giấy cho khách thập phương dùng).

Có người đã phát giác, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống, hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn !.

Bi giờ còn vậy nữa không ? Cũng còn, nhưng mà nếu bạn không gặp người như vậy ở Sài Gòn là vì những người mà bạn gặp đó không phải là người SàiGòn !

Tui hỏi anh cyclo “Đạp từ rạp Rex về cầu Chông (nhà tui) giá bao nhiêu ?”. Anh nói “20 ngàn”. Tui nói “30 ngàn thì tui mới đi”. Anh cyclo lập lại “20 ngàn”. Tui cũng nói như cũ. Anh cyclo tưởng tui là thằng này khùng và nói “Thôi lên xe đi”. Đến nhà, tui đưa anh 30 ngàn và cám ơn. Năm 1978 khi ra tù tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh cyclo đến hỏi  tui “Về đâu ?”, nhưng khi nhì n thấy bộ đồ tù tui mặc nên anh nói câu mà tui nhớ đời “Lên đi thằng ông nội, tui chở về…Không có tính tiền đâu“. Làm sao tui quên được câu nói đó.

Người Sài Gòn là như vậy bạn ơi !

*** Đó là “Người Sài Gòn Xưa”, còn “Người Sài Gòn Nay” thì chẳng biết

……………………………………………………

Sài Gòn Ngày Tháng Cũ

Hồi ký của Hà Nguyên Phổ ( Bs Hà Xuân Du  RIP)

Tặng Văn Quang, Ngự Thuyết,Lại Đình Cẩn, Nguyễn Vũ Trường-Sơn…
Xin gửi đến các anh Phan, Nguyển Mạnh Trinh, những người mà tôi chưa hề quen biết…
Xin chân thành cám ơn các anh Nguyển Thượng Vũ, Nguyễn Gia Tường đã cung cấp rất nhiều tài liệu và dữ kiện cho bài viết này.

Tôi sinh ra ở Huế, “người miền giữa,” vì lêu lổng ham chơi nên  bị “lưu đày” vào nội trú ở trường trung-học Yersin, Đà lạt từ năm 12 đến năm 18 tuổi.Tôi chỉ được sống ở Saigon vỏn vẹn 8 năm khi theo học “trường thuốc” ở đây(sinh-viên Y khoa chỉ cần bảy năm là tốt nghiệp thành  đốc- tờ rồi, nhưng vì tôi muốn học cho kỹ nên mới phải tốn đến tám năm). Tám năm trôi qua nhanh, thấm thoắt như thoi đưa. Và cùng với tôi, Saigon trãi qua bao nhiêu biến động, từ những vụ biểu tình xuống đường của sinh viên-học sinh,những lần đảo chánh thành công hay thất bại, những vụ tự thiêu,những đêm giới nghiêm thiết quân luật. Saigon bị bóp mũi, bịt miệng, chỉ ú ớ tiêng xe tuần của cảnh sát và quân đội,chỉ nghe trong không gian uất nghẹn ấy tiêng đại bác vọng về từ ngoại ô, đại bác đêm đêm dội về thành phố…

Chiến tranh thì càng ngày càng khốc liệt, vây quanh chúng tôi đến ngẹt thở.Vậy mà Saigon vẫn “phây phây”, vẫn “vô tư”, vẫn mini jupe trên đường Tự do, vẫn “lá đỗ để đưa đường cho người tình Trưng Vương”, vẫn “cây dài bóng mát con đường Duy Tân”, vẫn chợt mưa chợt nắng bất thường như tâm tình người con gái Saigon, vẫn chen chúc ồn ào chợ Vườn chuối, vẫn tâp nập “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” quanh bồn binh chợ Bến Thành, vẫn cyclo đạp tà tà, vẫn cyclo máy khói bay mù mịt phụ họa với tiếng máy ồn ào, vẫn xe ba bánh đi vào tận trung tâm thành phố,vẫn những bà mệnh phụ, những cô tiểu thư con nhà giàu bận áo bà ba , quần lảnh Mya, bước xuống từ những xe hơi Peugeot 404, DS 19 bóng loáng có “chauffeur” đàng hoàng, sà vào một gánh bò bía,một xe khô bò, hay uống một ly nứơc mía Viễn đông, ”vô tư và hồn nhiên”…

Còn bao nhiêu nét đặc trưng, đặc thù, đăc biệt của Saigon, kể sao cho hết, nói sao cho vừa. Cứ mỗi lần tôi về thăm lại Saigon, hình như tôi nhận thấy và cảm thấy Saigon lại mất đi một mảnh hồn, thay đổi một phần cơ-thể. Tôi hoang mang lo sợ một ngày nào đó, khi tôi về, tôi sẽ nghẹn ngào hát thầm: ”Saigon ơi, tôi đã mất Người trong cuộc đời, Saigon ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời”, và Saigon không còn là Saigon ngày tháng cũ của tôi. Tôi sẽ đứng giữa Saigon mà cảm thấy xa lạ, cô đơn và hụt hẵng, như đang đứng giữa lòng Paris, London, New York, hay San Francisco, và xót xa nghĩ rằng “một nửa hồn tôi bỗng dại khờ,” dại khờ vì những mất mác, thay đổi đó. Trong niềm suy tư đó, tôi phải vội vã ghi lại  tất cã những gì tôi nhớ về Saigon ngày tháng cũ, như một lời tạ tội với Saigon,như một níu kéo quá khứ cho tôi, cho ban bè tôi, để hoài niệm, để hồi tưởng, để thương  nhớ. Nhà văn Văn Quang, cũng có cùng một tâm sự như tôi, khi viết “Saigon, 25 năm nhìn lại,” nhưng với một cái “nhìn” và cái “cảm nhận” của một người đang “được” sống giữa lòng Saigon, của một người “lưu lạc” trong chính đất nước của mình, viết chuyện hiện tại mà nghe vương vất những chập chờn của quá khứ (chữ nghĩa của Nguyễn Mạnh Trinh).

Xin được trích một đoạn trong bài Lẫm cẫm Saigon thiên hạ sự, của Văn Quang, số 233,ngày 5 tháng 11 năm 2007:

“…trên những con đường Hồ xuân Hương, Tú Xương, Mạc đỉnh Chi mà “hồi xưa” chúng tôi gọi là “phố tây,” vắng ngắt chỉ còn hai hàng cây lim dim ngủ, bỗng cảm khái lạ lùng. Nhớ nhung ở đâu tràn về mà chẳng thể xác định được mình nhớ cái gì. Nhớ “Saigòn muôn năm cũ,” nhớ lung tung, nhớ ban bè, nhớ người tình,khung cảnh bác xích lô cô đơn trong bóng đêm, cô gái ăn sương đứng dưới bóng đêm, thằng bé đánh giày ngủ trong mái hiên…Tất cả đều thắm thiết từ trong đáy lòng nhưng lại nhạt nhòa lẫn lộn. Không gian và thời gian này là “Saigòn của chúng tôi.” Nó chỉ là thật sự của chúng tôi vào khoảnh khắc bất chợt đêm đó và nó chỉ sống lại trong những giây phút hiếm hoi như thế này. Ai còn, ai mất, ai ở đâu, lãng đãng rất xa, rất lưu lạc, mà lại rất gần. Dường như anh em còn ở quanh đây, hồn họ vẫn còn ở đây. Tôi cố đánh lừa cảm giác mình, nhưng không thoát được tiếng thở dài. Đấy là tâm tình của một người Saigon hôm nay “lẩm cẩm” nhớ về Saigòn xưa,nhớ cả tình, cả cảnh, nhớ tất cả, chẳng thiếu thứ gì…”

Những con đường xưa.

Saigon có trên mười đại lộ, trên trăm con đường lớn,trên ngàn con đường nhỏ, và cả vạn con hẻm và ngỏ ngách của những khu Bàn cờ, Phú nhuận, những xóm Trương Minh Giảng,Tân định…Nghe “Xóm đêm” của Phạm đình Chương : ”Qua phên vênh có bao mái đầu,hắt hiu vàng ánh điện khâu “ mà nảo nùng hình dung những khu phố chật chội,nghèo nàn đó. Địa chỉ nhà của em mà có đến 3 hay 4 cái “sur”-phụ đề Việt ngữ là “trên” (sau gần nửa thế kỹ,tôi nhớ hình như là 192 sur 74 sur 2B,khu chợ Vườn chuối) thì anh “biết mô mà tìm,thì mần răng mà anh đến nhà của em để ra mắt Ba Mạ được.”

Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, tôi chỉ có thể nhớ về và nhắc lại một vài con đường mà tôi có nhiều kỷ niệm, những dấu ấn của một thời niên thiếu. Tôi biết rằng những con đường không được nêu tên trong bài này sẽ ghét tôi,sẽ giận tôi,và biết đâu sẽ tìm cách “trả thù vặt” khi tôi trở lại Saigon.

Đường Catinat.

Đường Catinat, hay đường Tự do (từ năm 1954), và bây giờ tên là Đồng Khởi (từ năm 1975). Sự thay tên đổi họ này đã đươc dân gian đặt câu vè: Đồng khởi ra đời mất Tự do. Catinat là một con đường rất ngắn nối một đầu từ bờ sông Thủ Thiêm Saigon, khách sạn Majestic đến cuối đường là nhà thờ lớn Saigon tức Vương Cung Thánh Đường và khu Bưu điện. Sau lưng nhà thờ, bên kia đường Thống Nhất là đường Duy Tân.Đối với tôi, Catinat của Saigon tuy ngắn hơn nhưng đẹp hơn Champ Elysees của Paris, tuy nhỏ hơn nhưng  xinh hơn Ramblas của Barcelona,tuy không náo nhiệt nhưng có tình hơn Nanjing của Thượng hải…

Bây giờ, tôi xin mời các bạn cùng tôi đi “tham quan” con đường Catinat, bắt đầu từ phía nhà thờ. Đi đươc trên 100 mét,bên phía tay mặt,ở góc đường Lê thánh Tôn, là quán café La Pagode, nơi hò hẹn của giới văn nghệ sĩ. Ở đó,ngày ngày ta bắt gặp nhừng Mai Thảo, Thanh Nam, Nguyễn đình Toàn, TháiTthủy, những Hoài Bắc, Cung Tiến…Một nhân vật đặc biệt cần đươc nhắc đến là thi sĩ Đinh Hùng của ”Đường vào tình sử.” Theo anh Văn Quang thì trong những năm 55-67, thi sĩ Đinh Hùng hàng ngày thường có mặt tại La Pagode để gặp bạn bè “trong làng” và tại nhà hàng Givral (cách đó chừng 50 mét) để “hẹn hò” với các độc giả, thính giả, nhất là “nữ độc giả và nữ sinh” hâm mộ yêu mến thơ của ông. Ở đó (La Pagode), chỉ cần gọi một ly cà phê là ta có thể ngồi từ sáng đến chiều mà không ai thèm để ý và làm phiền đến mình (nếu ta không có việc gì làm ngoài chuyện ngồi tán phét và ngắm nhìn thiên hạ dạo phố). Quán La Pagode đăc biệt không có cửa, không có kính, không có màn, nên nếu ngồi ở những bàn gần đường, hay ở những bàn còn kê dài dài ở ngoài hè phố, ta có thể thoáng cảm nhận phất phơ tà áo đi ngang qua, hay thoáng ngửi mùi nưóc hoa sang trọng Chanel Number 5 từ những cô gái con nhà giàu  hay mùi nước hoa quyến rủ Tabou từ những em cave. Tuy đươc gọi là nhà hàng, nhưng hình như La Pagode không có món ăn nào, hoăc “thực khách” chỉ là những “ẩm khách,” chỉ biết order một ly cà phê hay một chai bia 33, bia Larue con cọp, rồi thơ thới hân hoan mà nhìn đời, mà ngắm người (theo “thổ ngữ “ người Huế là “ nghễ” đàn bà con gái).

Bên kia đường,nhìn chênh chếch về phía trái là một công viên, không thấy bóng dáng những “homeless” hay những cặp tình nhân ôm nhau mùi mẫn, không có “lá đổ, không chờ mong em chin đỏ trái sầu.” Cũng ở bên kia đường,hơi xa về phía tay phải là Café Terrasse của Hotel Continental, nơi đó là chỗ đóng đô của mấy ông tây bà đầm, và của giới truyền thông ký giã ngoại quốc trú ngụ tại hotel Continental. Sáng sáng, họ ngồi đó để ăn “petit dejeuner,” đọc báo, viết bài, săn lùng tin tức .

Rời La Pagode, ta gặp nhà sách Xuân Thu,tức Albert  Portail. Có hai cửa vào,một từ dường Tự do, một từ hông passage Eden. Đây là một nhà sách không lớn nhất Saigon, nhưng có đầy đủ sách báo,từ báo Le Figaro, Equipe đến Paris Match, Le Monde, Cinemonde, Ciné Revue, từ Time, Newsweek, Reader’s Digest đến Washington Post,,Times of London, Daily telegraph; từ những sách về văn học nghệ thuật, đền những cuốn sách truyện trinh thám mới ra lò. Sinh viên đói rách như chúng tôi tha hồ đên dấy mà đoc “cọp,” đọc “ké”, nhân viên bán hàng biết tình cảnh “kinh tế  tài chánh” của chúng tôi nên cũng “tha tào,” để chúng tôi “cứ vô tư” mà trau dồi kiến thức.

Bên hông nhà sách Xuân Thu là passage Eden, có hình chử Y, ăn thông từ dường Tự do sang đường Lê Lợi và đường Nguyển Huệ. Trong đó chiếm một diên tích lớn là rạp cine’ Eden của gia đính họ Huỳnh Phú.

Tiếp đó là nhà hang Givral, nằm ở góc đừơng Lê lợi. Nhà hàng có cửa kính, có máy lạnh,và cũng có cà phê, sữa tươi, bánh ngọt, pâté chaud, oeuf sur plat đàng hoàng. Givral là quán café đựơc giới trẻ “con nhà giàu,” “tây con và đầm non” như dân học sinh Marie Curie, Chasseloup Laubat  ưa thích. Và nhất là giới nhà báo, tình báo điệp viên (tôi chĩ đoán mò thôi vì làm sao mà nhận diện được họ) vì địa điểm quan sát rất thuận lợi.Từ Givral, ta có thể nhìn trước mặt là Hạ viện (nhà Hát lớn ngày xưa), phía đương Lê lợi là một công viên nhỏ, ở đó thường xảy ra những vụ xuống đường của sinh viên, và những cuộc họp báo “đột xuất” của những chính khách  đối lập…Hai “nhân vật” nổi tiếng thường trực ở Givral là ông một ông tướng, có tài, có đức, nhưng “cứng đầu” nên không được trọng dụng, rồi bất mản, coi trời bằng vung, say sưa chửi thề suốt ngày- hay suốt đời. Ông tướng này đặt bản doanh tại hai nhà hàng Givral (phụ) và Brodard (chính), chỉ cách nhau chừng 50 mét. Và một ông nhà báo-tình báo có tên Phạm xuân Ẩn, trước làm cho hảng Reuters và từ năm 1965, làm cho tờ báo Time. Ông đeo lon đại tá “ngầm” trước 75 và thiếu tướng sau 75. Bỏ qua một bên chính trị, chính kiến, giới tuyến, quốc gia-cộng sãn, con người Phạm Xuân Ẩn là một con người bôc trưc, có lòng và có tình với bạn bè, hết mình với đồng nghiệp, không hại “anh em khác giới tuyến” vào những ngày cuối tháng tư,1975, có lẽ vì lòng nhân hậu (cha mẹ sanh ra) và  sự tôn trọng tự do cá nhân(hấp thụ từ Mỹ). Ông Ẩn đã qua đời vào tháng 9,2006 sau 31 năm ngồi chơi xơi nước.

Từ trong quán Givral, ta tha hồ ngắm nhìn những mini jupe, những áo Montagu kiểu mới nhất từ Paris, những” tà áo lụa Hà đông em đi mà chợt mát.” Và những anh thợ chụp hình dạo,thường hành nghề trước Nhà Hát Lớn, sau khi “dụ dỗ” được một du khách rồi mới cười ruồi xin “chụp lại một pô nữa cho chắc ăn” vì “pô” trước chỉ là chụp vờ.

Nhà hát lớn Saigon, hay nhà Quốc hội, là một kiến trúc nguy nga, đồ sộ, được xây lên từ thời pháp- thuộc, có một hê thống âm thanh không thua kém những rạp hát trứ danh ở Paris hay London, nằm giữa hai khách sạn lớn nhất Saigon thời xưa là Continental và Caravelle. Một bên Caravelle là trụ sỡ của hảng Air France, ở đó những cô nhân viên nói tiếng tây hay hơn đầm. Trong khuôn viên của Hotel Caravelle, có phòng trà ca nhạc Caravelle, do ca sĩ Jo Marcel bao sân thời gian đầu. Kế đó là tiệm bán máy hình và chụp ảnh Long Biên, có công tữ Dz. Long Biên hào hoa phong nhã.

Qua khỏi đường Lê lợi, đi dăm ba bước là ta gặp nhà hàng Brodard. Brodard cũng tương tợ như Givral, nhưng có vẻ kín đáo hơn, và thức ăn có thể ngon hơn, và ít ồn ào xô bồ hơn Givral.Brodard có hai tầng, ngồi ở tầng trên thì tha hồ mà “gỡ gạc,” tha hồ bàn chuyên “áp phe” và chuyện chính trị. Trước khi đến Brodard là rạp cinéma Catinat, nơi đóng dô của mấy anh tây “pê đê,” rạp vừa nhỏ, vừa hôi,v ừa bẩn.

Bên kia đường, xế về phía tay phải, môt góc là tiêm Alimentation generale Thái thạch, bán đủ loai thưc phẩm của Pháp như beurre Bretel, pâté foie d’Alsace, rượu chát Bordeaux, fromage Camembert,Roquefort…Đối diện với Thái thạch, bên kia góc đường là dancing La Croix du Sud-sau này là vũ trường Tự do của ông chủ tên Cường, có ban nhạc Phi-luật tân do nhac trưởng tên Taning, người Phi luật tân, có những ca sĩ như Lệ Thu, Bích Chiêu, Bạch Yến… và nhất là có những em cave nổi tiếng một thời như Tâm Điệu, Tuyết Điệu, Cúc, Mỹ, Thơm, Dung 45,Thanh Thúy “tàu” (nổi tiếng nhờ một sắc đẹp sang trọng diễm kiều, lại có cái tên trùng hợp với một ca sĩ  thời đó). Dancing này có một thời phãi đổi thành phòng trà ca nhạc Tự do, vì thời đó “nhẩy đầm là phạm thuần phong mỹ tục.”

Gần đó là tiệm may nổi tiếng Aux Ciseaux d’or-sau này là nhà may Tân Tân. Và hình như ở gần đâu đó là tiêm cà rem bánh ngọt Aux Delices của cụ Đốc T… Kế bên là tiệm La Mode, bán đồ gốm, đồ cổ của bà cụ Phán N., trong gia đình có cậu “ấm” tên L., tự L. Ph, hào hoa phong nhã, lè phè đúng tác phong của một người con nhà giàu, học không giỏi, không đẹp trai nhưng lại có tội “đông bạc”, và chịu chơi hết mình.

Tiếp tục đi về phía bờ sông, sát một bên hotel Majestic, những năm đầu thập niên 70 mọc lên một tiêm rất đặc biệt: đó là tiệm  Pole Nord , tiệm chỉ có hai bàn đánh “tilt”-máy chơi bi điện-của một anh tây rất “vắng” tiếng tây là anh Francois, mê mắm tôm hơn mê fromage. Để chờ đến phiên của mình thì có thể nhâm nha ly nước “Orangeade au Rhum” rất “parisien.” Dân đến tiêm “tilt” này là dân ăn chơi thời thượng, sang trọng đúng mốt, đi giày Santiago đóng ở tiệm Gia (dành cho sinh viên học sinh “vắng tiền”), hay giày kiểu Bally của tiệm Trinh (dành cho dân “đông bạc”) cả hai tiệm đều ở tận bên Khánh hội; măc áo quần của nhà may Văn Quân hay Tân Tân,hay Ích Tân; hớt tóc ở tiệm Đàm đường Hiền Vương (tay thợ tên Đàm dân Bắc kỳ chính hiệu, chỉ hớt tóc bằng kéo, vừa hớt vừa đấu láo về đủ mọi đề tài, từ chính trị, thể thao, văn học nghệ thuật…).

Và cuối đường Catinat là khách sạn Majestic, không sang trọng bằng Continental và Caravelle, nhưng được lợi thế nằm gần bờ sông Saigon nên có gió mát và phong cảnh hửu tình. Bên cạnh khách sạn là phòng trà ca nhạc Maxim’s do Nhạc sĩ Hoàng thi Thơ và vũ sư Trịnh Toàn điều khiển, đêm đêm có vũ dân tộc và vũ trống. Nơi đây là chổ hò hẹn của dân làm áp phe, và những ông chủ già hay những ông quan lớn đi du hí với đào nhí.

Bên kia dường Bạch đằng là bờ sông Saigon, ở đây không còn cái “không khí, bộ mặt” của Catinat nữa. Tôi không nhớ gì ở đây ngoài hình ảnh những cặp tình nhân muốn tránh cái “nóng nung người của Saigon” ra đây để tình tự và hóng gió mát từ sông Saigon; và những người bán hang rong, bán đủ thứ từ mía ghim, hột vịt lộn dến bắp nướng…Hằng đêm, vô tình ngắm nhìn những hình ảnh quen thuộc này là bức tượng đức Thánh Trần Hưng Đạo. Xa xa về phía tay mặt là nhà hàng nổi Mỹ cảnh, có “gió mát” và có “sóng nước,“ đi vào thì nặng mà đi ra thì nhẹ, “túi tiền nhẹ tênh”. Và cách đó chừng 100 mét là nhà hàng Tây “Pointe des blagueurs,” mà ông Vương Hồng Sển dịch là “mủi đất của  những tay nói phét,” trước là cột cờ thủ phủ, sau đổi thành một nhà hàng “tây,” mấy anh tây bà đầm, mấy anh “marine marchande” thường đến đó để “boire un coup” và lẽ dĩ nhiên là để “blaguer” -đấu láo tán dóc-. Tôi nhớ một hôm,bàn bên cạnh chúng tôi có ba bốn anh tây, có lẽ là dân “tàu buôn-marine marchande,” sau khi “dô” dăm bảy ly Cognac, Hennessy, cũng đã gần “ngoắc cần câu” rồi, một anh bỗng lè nhè phát ngôn:”Je sens un mal de mer” -tao cảm thấy say song biển- cứ như là đang lênh đênh trên biển cả. Say rượu mà nói là say sóng, tán phét như vậy là số một rồi.

Con đường Catinat có rất nhiều tiệm vàng và hột xoàn, nhưng nổi tiếng và sang trong nhất là tiêm hột xoàn Đức Âm, có mặt ở Saigon từ năm 1954, sau khi di cư từ phố Tràng Thi ở Hà nội vào. Có nhiều tiệm vải, những tiệm tơ lụa Tô châu có nhiều mặt hàng nhập cảng từ Tô châu bên Tàu và lụa tơ tằm từ miền Bắc. Và ta cũng không quên  tiệm bán tranh sơn mài Thành Lễ, với những sản phẩm sơn mài và đồ gốm rất có giá trị về mỹ thuật và thủ công nghệ, tuy hơi đắt tiền nhưng lại được du khách ưa chuộng. Và sau 1965, mọc lên rất nhiều quán bar quán rựou. Và từ đó, đêm đêm không còn vắng vẽ như trong bài hát của Trần văn Trach: ”Đêm đêm một mình lang thang trên đường Catinat.”

Hà Nguyên Phố   ( RIP )

tức Hà Xuân Du QYHD-Khóa 10