50 NĂM MẤT HOÀNG SA – MỘT ĐỜI THƯƠNG TIẾC

Nguyễn Đức Thu Khóa 16

Trận chiến kinh hoàng Điện Biên Phủ giữa Quân Đội Pháp và Việt Minh trong suốt 2 tháng đã chấm dứt ngày 7 tháng 4 năm 1954.

Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp ước Genève được ký kết. Theo đó, Việt Nam bị chia làm hai , ranh giới là vĩ tuyến 17, thường được gọi là sông Bến Hải. Bắc Vĩ tuyến 17 thuộc Miền Bắc, Nam vĩ tuyến 17 thuộc Miền Nam. Một khu phi quân sự, rộng khoảng 5 cây số dài theo hai bờ sông Bến Hải, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14 tháng 8 năm 1954.
 
Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 

Vào ngày 20 tháng 8 năm 1955 bằng một nghị định chính thức, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Hải quân Thiếu Tá Lê Quang Mỹ ( khóa 2 Trường Võ Bị & khóa 1 Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang ) vào chức vụ Phụ Tá Hải Quân cạnh Tổng Tham Mưu Trưởng QĐQGVN (thay Tướng Đôn) để chỉ huy Hải quân và đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
 
Đầu tháng 4 năm 1956, khi Hải quân VNCH ra bàn giao quần đảo Hoàng Sa thì phát hiện một vài đảo phía đông trong đó lớn nhất là đảo Phú Lâm (Woody) đã bị quân lính Trung Quốc bí mật chiếm đóng. Chính quyền VNCH trên thực tế chỉ kiểm soát được các đảo phía Tây.Tuy nhiên, về mặt pháp lý, VNCH vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các đảo mà Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng bất hợp pháp phía đông quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, trên đảo Hoàng Sa đã có nhà cửa, căn cứ quân sự, đài khí tượng, hải đăng trong hệ thống quốc tế, miếu Bà, và bia chủ quyền của Việt Nam. Cùng thời gian này, quân lính Đài Loan đã chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu Aba) trong quần đảo.

 
Cũng cùng trong thời gian này, HQ Thiếu tá Lê Quang Mỹ được Tổng Thống Ngô Đình Diệm thăng cấp HQ Trung tá để lãnh nhiệm chức vụ Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (HQVNCH) .
 

Trong khi hai Chính phủ Việt Nam và Pháp đang đối đầu về chính trị, HQVNCH ý thức ngay trách vụ bảo vệ các hải đảo ngoài khơi Biển Đông. Với tư cách Tư lệnh Hải quân của một Quốc gia độc lập, HQ Trung tá Lê Quang Mỹ thừa lệnh TT Ngô Đình Diệm ký lệnh bổ nhiệm các Sĩ Quan HQVN nắm lấy hết quyền chỉ huy của Sĩ quan Pháp trên chiến hạm cũng như tại tất cả đơn vị khác, kể cả Thủy Quân Lục Chiến (TQLC).
 
Giữa năm 1956, sau khi quân Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam, quân đội của chính quyền miền Nam Việt Nam (sau này là Việt Nam Cộng Hòa ) dưới quyền Tổng tư lệnh của Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, một lần nữa khẳng định pháp lý và chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chính quyền VNCH . Ông đã truyền lệnh gởi thêm một đơn vị TQLC và các chuyên viên khí tượng ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để trấn thủ, xây dựng lại các cột mốc, để chứng tỏ cho Thế giới, một lần nữa chủ quyền  trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam và do Nước Việt Nam Cộng Hòa làm chủ.
 
Ngay khi có quyền điều động Chiến hạm, Tư lệnh Lê Quang Mỹ đã chỉ thị Hộ tống hạm Tụy Động HQ 04, trên đường hồi hương (sau chuyến sửa chửa đại kỳ ở Subic Bay về), tuần tiễu quần đảo Trường Sa để chứng minh chủ quyền lãnh hải của VNCH. Một số hải đảo quan trọng khác trên Biển Đông cũng đã được thủy thủ đoàn HQVNCH cắm bia để xác nhận chủ quyền.
 
Mặt khác, HQVNCH đồng thời vừa trợ giúp phát triển kế hoạch kinh tế vừa cung cấp phương tiện chuyển vận khai thác phân chim trên quần đảo. Một kế hoạch tương tự cũng đã được dự trù cho quần đảo Trường Sa.
 
Để tuần dương hữu hiệu, HQVNCH đã trang bị 3 Hộ tống hạm, chiến hạm Chi Lăng HQ 01, Vạn Kiếp HQ 02, Đống Đa HQ 03. Không lâu sau đó, Hải quân Pháp cũng đã bàn giao thêm hai chiếc hạm, chiến hạm Tụy Động HQ 04 và Tây Kết HQ 05. 
 
Những ngày đầu của Hải lực đã thực sự xảy ra nhiều biến cố dồn dập, nhận lãnh tàu bè vội vàng trong khi HQVN còn thiếu kinh nghiệm, không đủ nhân lực và dụng cụ, lại thiếu thốn yểm trợ, sửa chữa. Các thủy thủ đoàn thì chưa quen đơn vị, đã phải hoạt động hành quân, thăm viếng, thao diễn, tác chiến liên tục… 
 
Tuy vậy, khi nghe tin có một vài chiến hạm của Hải quân Trung cộng đang lảng vảng ở vùng biển Hoàng Sa, Tư Lệnh Hải Quân đã đích thân chỉ huy một Hải đội gồm các hộ tống hạm và vài loại chiến hạm khác nhau ra quần đảo Hoàng Sa để biểu dương lực lượng. Đó cũng là dịp để các Thủ thủ đoàn HQVNCH thám sát quần đảo này lần đầu tiên.
 
Để đánh dấu những diễn biến trưởng thành quan trọng của Quân chủng Hải quân, HQVNCH cũng đã tổ chức một cuộc diễn hành trên sông Sài Gòn để  trong ngày Quốc Khánh 26/10/1956. Chủ tọa bởi Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hải-Quân Hoa Kỳ (HQHK) cũng đã gởi Tuần Dương Hạm USS Los Angeles (CA-135), có gắn Hoả tiễn Talos đến thăm viếng thiện chí và tham dự Ngày Quốc Khánh đầu tiên của VNCH.
 
Hơn 2 năm sau, sáng ngày 21-2-1959, Hải quân VNCH phát hiện nhiều ngư dân Trung cộng tập hợp lên một số đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Tất cả đều bị  bắt giữ sau đó và được hoàn trả lại cho Trung quốc. Đây như là một tín hiệu cho thấy Trung quốc đang có kế hoạch lần chiếm Hoàng Sa.
 

Trong kế hoạch hiện đại hóa Quân Lực VNCH, tháng 7 năm 1959, Tổng thống ký nghị định cải tổ Trường Võ Bị Liên quân Đà Lạt thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) song song với sự trưởng thành của QLVNCH trong một Quốc Gia độc lập.
 
Ngày 23 tháng 11 năm 1959, khóa 16 nhập học với chương trình 4 năm , đào tạo các Sĩ quan Hải lục Không quân hiện dịch cho QLVNCH.
 
Ngày 22 tháng 12 năm 1962, khóa 16 là khóa đầu tiên được mãn khóa tại Vũ Đình Trường Lê Lợi trên đồi 1515 của Quân trường mới, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. 226 Tân Sĩ quan Hải Lục Không quân đã hạ sơn, quyết tâm bảo vệ giang sơn, không gian và đại dương.
 

Ngày 23 tháng 12 năm 1962, trong quân phục tiểu lễ trắng truyền thống của Thiếu úy Hải quân, tôi đứng nghiêm chào Quốc kỳ trên Trường Võ Bị một lần chót trước khi ra phi trường Liên Khương bay về trình diện Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tôi đã khóc thật sự khi phi cơ cất cánh và khi thành phố ngàn thông bắt đầu xa dần xa dần trong tầm mắt. Tôi thật sự đã giã từ Trường Mẹ, ngôi trường cao qúy sau bao năm nuôi dưỡng, huấn luyện tôi thành người. Thật sự đã giã từ Đà lạt và đồi 1515 thân yêu sau trên 3 năm tu luyện.
 
Ngày 2 tháng 1 năm 1963, nhận được sứ vụ lệnh phải trình diện Hộ tống hạm HQ 07 để tiếp tục chương trình huấn luyện Sĩ quan hải quân hiện dịch gồm 6 tháng thực tập hải nghiệp trên các chiến hạm trước khi nhập học Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, tôi lên chiến hạm ngày 3 tháng 1 năm 1963.
 
Ngay ngày hôm sau, Hộ tống hạm Đống Đa II trực chỉ Hoàng Sa có nhiệm vụ tuần dương, bảo vệ quần đảo vì có tin vài chiến hạm Trung quốc lại đang lai vãng trong vùng. Hạm trưởng là một Trung uý thâm niên. Ông không có vẻ bảo thủ như tin đồn về các vị hạm trưởng HQ, đặc biệt là các hạm trưởng có gốc Hải quân Pháp . Ngược lại, ông lại xem tôi như là một Sĩ quan vãng lai và được thủy thủ đoàn chào đón rất thân thiện. Nhưng chỉ vài giờ sau, tôi đã trực diện một cuộc hải hành đầy sóng gió dữ dội đầu đời hải nghiệp khi chiến hạm vừa ra khỏi Vũng Tàu trên hải trình đến Hoàng Sa.
                                 
Một cơn bão cuối mùa từ biển Đông kéo đến. Khi chiến hạm càng ra xa Vũng Tàu, trực chỉ về Đông Bắc thì càng thấy mây mù bao phủ, biển động càng dâng cao, càng nghe tiếng gào thét của sức gió cực mạnh. Với vận tốc của chiến hạm trong trường hợp này, ít nhất phải mất 15 giờ mới đến được vùng Hoàng Sa. Chiến hạm phải vượt sóng ngang trong suốt khoảng thời gian trên. Nhiều lúc, con tàu chông chênh, ngất ngư trèo lên những ngọn sóng cao như núi, rồi chúc xuống như thác đổ. Cứ từng đợt, từng đợt, toàn thân chiến hạm nhiều lúc rung chuyển tưởng như đang gãy đổ trên đại dương.
 
Tưởng cũng cần nói qua về quần đảo Hoàng Sa, vùng biển đảo cách miền Trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của Phi Luật Tân, cách Cù Lao Ré của Việt Nam khoảng 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý.
 
Nhờ nằm giữa biển Đông nên quần đảo Hoàng Sa có khí hậu điều hòa, không quá lạnh về mùa đông, không quá nóng về mùa hè nếu so với những vùng đất cùng vĩ độ trong lục địa. Mưa ngoài biển qua nhanh. Hoàng Sa không có mùa nào ảm đạm kéo dài, buổi sáng cũng ít khi có sương mù. Tháng 10 là tháng mưa nhiều nhất. Không khí biển Đông tương đối ẩm thấp hơn những vùng biển khác trên thế giới.

Bão biển Đông là bão nhiệt đới theo mùa, thường xảy ra những lúc giao mùa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Gió mạnh có lúc đến 90 dặm. Bão giảm đi từ tháng 9 nhưng cũng vẫn còn đến cuối tháng 1. Tuy vậy, vào giữa mùa gió Đông Bắc, bão làm biển trở nên động dữ dội hơn và kéo dài trong nhiều ngày. Chúng tôi đang ở vào đầu tháng giêng, tháng vẫn còn biển động.
 
Quần đảo Hoàng Sa được chia làm hai nhóm đảo là nhóm đảo An Vĩnh và nhóm đảo Lưỡi Liềm. 
Tên quốc tế của nhóm đảo An Vĩnh là Amphitrite. Tên này là đặt theo tên một chiếc tàu Pháp trên đường đưa các giáo sĩ châu Âu sang Viễn Đông, gặp nạn rồi đắm ở vùng Hoàng Sa vào cuối thế kỷ 17.
Nhóm đảo Lưỡi Liềm (Crescent Group) bao gồm các đảo nhỏ ở phía tây nam của quần đảo. Nhóm này còn được gọi là nhóm Trăng Khuyết hay nhóm Nguyệt Thiềm. Đảo Hoàng Sa là đảo lớn nhất nằm trong nhóm này.
 
Sau trên 15 giờ vượt qua cơn bão biển, Hoàng Sa ló dạng với những đàn hải âu bay đến, che kín cả một góc trời, như muốn chào đón, như mừng rỡ khi nhìn thấy chúng tôi đến. Biển bắt đầu dịu xuống, trời bắt đầu có màu xanh không còn mây đen bao phủ . Hoàng Sa của Việt Nam xuất hiện rõ như là một vùng san hô trắng xóa bao la nhiệm mầu.
                      

Bia chủ quyền của VNCH vẫn còn đó. Thật là vô cùng xúc động để nhìn thấy một vùng biển đảo rất thấp của Quốc Gia, xa đất liền trên 200 hải lý nhưng hàng trăm năm vẫn phơi mình trên Thái Bình Dương qua bao cơn bão táp phong ba. Điều này đã chứng tỏ cho thế giới biết Hoàng Sa là của chúng ta từ xa xưa.
 
Ở tất cả mọi góc cạnh, hang hốc, bãi đá nào trên đảo cũng đầy trứng hải âu. Chúng tôi đặt chân lên đảo thật rón rén, nhẹ nhàng như một đàn chim lạ đang hạ cánh vì nơi đâu cũng đầy trứng chim, sợ rằng sẽ dẫm nát chúng và làm kinh sợ những hải âu đang nằm ấp trứng hay đẻ trứng mới.

Đoàn thủy thủ vui mừng, tha hồ nhặt trứng cho vào bao. Những khoảng đất vừa được ‘ khai quang ‘, chỉ trong vài giây phút là trên trời hàng trăm con hải âu dành nhau đáp xuống, tranh nhau chỗ đẻ trứng và rồi cả một vùng san hô rộng lớn lại đầy trứng trắng và hải âu. Thật là một thiên đường hiểm thấy của loài chim đại dương.

Sau một tuần lễ tuần tiễu quanh quần đảo, chúng tôi chẳng nhìn thấy chiến hạm nào của Trung cộng, nên được lệnh về tuần dương ngoài hải phận Đà Nẵng . Giã từ Hoàng Sa mà mọi người đều cảm thấy hãnh diện đã được thấy biển đảo thân yêu của Miền Nam. Chúng tôi bùi ngùi lẫn cảm kích khi đưa tay chào các huynh đệ Địa phương quân, TQLC và các chuyên viên khí tượng phải ở lại để trấn thủ một quần đảo thật xa xôi ít có người biết đến trên Thái Bình Dương bao la. Biết đến bao giờ mới gặp lại .
Trong tận đáy lòng, chúng tôi nguyện cầu cho họ sẽ được an bình, sẽ không bị áp đảo bởi những con cọp biển TC  từ đảo Hải Nam đang rình mò ngày đêm để vồ lấy quân ta, nguyện cầu cho họ sẽ được sống còn qua những trận bão táp cuồng phong.
 

Thời gian 6 tháng thực tập hải hành trên Biển Đông của 15 tân Thiếu úy khóa 16/TVBQGVN thuộc Quân chủng Hải quân cũng qua nhanh. Chúng tôi trở về Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang để hoàn tất chương trình 2 năm Sĩ quan hải quân hiện dịch. Tại đây tôi đã gặp Ngụy Văn Thà đang học năm thứ hai.

Thà tướng trông rất thư sinh, luôn mỉm cười và ít nói. Lúc nào gặp nhau, anh cũng chào tôi trước, có lẽ anh tôn trọng chúng tôi là Thiếu úy sinh viên, còn anh là sinh viên chuẩn uý ( năm thứ hai ). Nào ai có ngờ sau này anh trở thành hạm trưởng Hộ tống hạm HQ 10 và đã chết rất anh dũng theo chiến hạm trong trận hải chiến kinh hoàng với Hải quân Trung cộng, ngày 19 tháng một năm 1974. Hạm phó của anh là HQ Đại Uý Nguyễn Thành Trí K17 Trường SQHQ. Năm 1967, tôi được BTL Hải quân chỉ định ra chỉ huy khóa 18 SVSQ/HQ và đã có cơ hội góp phần huấn luyện cho cả hai khóa SVSQHQ này. Nguyễn Thành Trí rất quắc thước, nhiệt tình khi học trong trường, nên tôi không ngạc nhiên khi anh làm hạm phó cho Thà, anh đã can đảm trực chiến chỉ huy dàn đại pháo, bắn cháy ngay một chiếc hạm Hải quân Trung cộng trong những phút đầu tiên. Sau đó Trí đã bị thương trầm trọng, đứt một chân. Anh tắt thở trên chiếc bè nhỏ trong đêm cùng ngày. Ngoài ra tôi cũng đã có cơ hội làm việc với nhiều HSQ và Đoàn viên tại TTHLHQ Nha Trang , sau này một số cũng đã tử trận trên Hộ tống hạm HQ 10, HQ 16, HQ 4 và HQ 5. 
 
Tất cả 74 các anh đã liều chết để bảo vệ lãnh hải, thân xác các anh đã chìm trong lòng biển mẹ. Thật vô cùng thương tiếc !


Nói đến trận hải chiến Hoàng Sa là bất cứ người nào cũng muốn nói đến chiến hạm HQ 10 .
Để tưởng niệm 50 năm mất Hoàng Sa sau cuộc hải chiến kinh hoàng này, giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung cộng, tưởng không có ký ức lịch sử nào trong trận hải chiến thực tế hơn bằng trích đoạn dưới đây. Thân mời qúy Huynh Đệ và thân hữu lắng nghe một phần chuyện kể đầy đau thương bởi một sĩ quan hải quân VNCH, HQ Thiếu úy Tất Ngưu, người về từ cõi chết hải chiến Hoàng Sa. Ông đã chứng kiến những giây phút sau cùng của Hộ tống hạm HQ 10 trước khi chiến hạm này chìm xuống đáy đại dương như sau:
                      
...” Tôi đã sống lại một kiếp sống thứ hai.  Phải, tôi đã thoát chết, đã kinh nghiệm một cái sống khi tôi không còn một tia hy vọng trong trí não.  Nhưng thật sự tôi đang còn đây, và tôi sẽ thuật lại một trận chiến hãi hùng đầy cam go, và những ngày sống lênh đênh trên mặt biển liên tục bốn ngày ba đêm trên một chiếc bè nhỏ trong vùng biển Hoàng Sa.”
 
Sài Gòn ngày 30 tháng 5 năm 1974…

“…Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hiên ngang đứng trên đài chỉ huy ra lệnh tháo giây. Một số anh em khấp khiểng chạy về chiến hạm. Họ vừa đi nhậu về, hôm nay mới lãnh lương mà. Nhân viên trên tầu chỉ có thế, lãnh lương ra thì lại đi uống rượu.
 
“Nhanh lên, tầu rời bến, nhanh lên !”
Anh HS1TP ( ha sĩ nhất trọng pháo ) Tám chếnh choáng rơi tùm xuống nước. Tôi thấy hạm kiều náo động, nghe tiếng hối thúc:
“Thả phao”,  “Vớt người”, …
 
 
Đó phải chăng là một điềm chẳng lành.
Chúng tôi, thủy thủ đoàn của chiến hạm HQ 10, sau một đêm lình bình tuần tiễu tại cửa Đà Nẵng, nhận lệnh theo HQ 5 trực chỉ quần đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ của chúng tôi là yêu cầu các thuyền đánh cá của Trung Cộng rời khỏi thềm lục địa của đảo Quang Hòa (Duncan).
 
Mắt nhắm mắt mở tôi nhìn đồng hồ.   Đã 2345H (11 giờ 45 đêm) rồi, nhanh nhỉ.  Thời tiết tháng Giêng còn hanh lạnh, tôi khoác thêm một chiếc áo choàng mầu navy blue.  Nhận ca, tôi được biết chiến hạm đang thả trôi tại quần đảo Hoàng Sa. Có sự hiện diện của cả khu trục hạm HQ 4, hai tuần dương hạm HQ 5, và HQ 16.
 
Trong suốt ca trực từ 2400H đến 0400H, tôi cùng HSTP Lợi nói chuyện vui với nhau. Anh này vừa mới tân đáo và đây là chuyến công tác đầu.Tôi nghe anh ta kể lại những ngày huy hoàng sống ở giang đoàn. Nào là bắt những con tôm càng, thịt cá ê hề, bánh mì gà sandwich thịt nguội, v.v… nghĩ mà thú nhỉ !
 
Vào khoảng 0100H, tôi nhận được chỉ thị – không đúng – một công điện khẩn thì đúng hơn:  “0600H GIỜ THI HÀNH”.Tôi trình công điện lên hạm trưởng. Đêm đó hạm trưởng ngủ tại phòng vô tuyến phụ, cạnh đài chỉ huy. Thời gian đi như chợp mắt, mới đó mà đã đến gần 0400H sáng rồi. Tôi gọi:
 
“Anh Lợi ơi, xuống mời Thiếu uý Mai lên đổi ca giùm đi!”( ca là phiên trực hải hành 4 giờ trên đải chi huy).
 
Thế rồi hạm trưởng thức giấc. Đứng trên đài chỉ huy, ông ngó nhìn xung quanh để quan sát vị thế, rồi ra lệnh kéo còi nhiệm sở tác chiến.   Một hồi còi rợn người nổi lên:   “ Tít … Tít … Tít … Tít … Tít … Tít…” Tiếng của hạm trưởng vang trên hệ thống nội thông :
 
“Đây là Hạm Trưởng”
“Nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở tác chiến”
“Tất cả vào nhiệm sở tác chiến”
“Nhiệm sở tác chiến”
“Tất cả vào nhiệm sở tác chiến”.     “Tít … Tít … Tít … Tít … ……”
 
Tất cả anh em thủy thủ đoàn vội vã thức giấc.  Ai nấy vào nhiệm sở của mình. Riêng tôi, vừa đi xong ca cách mạng (phiên trực hải hành từ nửa đêm đến tờ mờ sáng) lại vướng vào nhiệm sở tác chiến, cảm thấy mệt đừ.  Ngay sau đó:
 
“Nhiệm sở phòng không”… “Nhiệm sở phòng không”
 
Tôi thấy ngay lập tức những nòng súng rợp rợp hướng lên trời góc 45 độ,  nào là các đại bác 76 ly 2, bô-pho 40 ly, 20 ly, đại liên 30, súng cối 81 ly.
 
“Đài chỉ huy, đây sân mũi, 76 ly, 2 cò điện bất khiển dụng”
“Thôi được, cho dùng cò chân”
“Đài chỉ huy, đây 41, 42  tôi phát hiện một phi cơ bay từ ánh trăng hướng về phía ta, hướng 3 giờ.”
“Đài chỉ huy nghe rõ, tất cả các khẩu hướng về hướng 3 giờ”
 
“Đài chỉ huy, phi cơ bay vào mây và mất dạng”
 
Toàn thể nhân viên chiến hạm cứ luôn ở vào một tình trạng căng thẳng. Chắc hẳn mọi người, ai cũng đang linh cảm rằng một cuộc hải chiến sẽ xảy ra. Có lẽ cũng giống như các bạn đồng đội, đầu óc tôi đang nghĩ đến một chiến thắng huy hoàng, một ngày về với bộ tiểu lễ trắng tinh, hiên ngang đứng giữa hàng quân, trên ngực đầy những huy chương. Tất nhiên, không ai nghĩ đến hậu qủa của một cuộc chiến, đó là thương vong.
 
Khoảng thời gian từ 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng, chiến hạm vẫn tiến, và nhân viên vẫn cảnh giác trước phi cơ của địch. Trời lờ mờ, chưa tỏ hẳn ánh dương, hải đội của ta lập thành một đội hình.  Bên địch (Trung Cộng) cũng gồm hai chiến đỉnh 389, 396 và hai chiến hạm 271, và 274, vẫn chạy đan qua đan lại có vẻ như muốn khiêu khích. Lắm lúc như muốn đâm thẳng cả tầu vào chiến hạm của ta. Sau một thời gian kèm sát bên nhau, địch và ta dường như đang tìm những vị thế thích hợp để công kích nhau.
 
Sau một loạt đèn hiệu được choé sáng, từ một hòn đảo kế cận, bốn chiếc tầu đánh cá chạy nhanh về phía Bắc, theo sau là bốn chiến hạm và chiến đỉnh của họ vận  chuyển song song để bảo vệ. Anh em trên chiến hạm thoáng nét vui mừng.
 
” Ồ! họ đã chịu lui bước, trả lại các hải đảo cho chúng ta rồi “.  Nào ngờ sau khi bốn tầu đánh cá đi khá xa, bốn tàu địch quay đầu trở lại với lối vận chuyển đầy khiêu khích. Chiến hạm lại nhận được lệnh chuẩn bị tác chiến. Tất cả nòng súng hướng vào phiá đảo để tránh sự khiêu khích với tàu địch. Trên tầu anh em xôn xao căng thẳng, chỉ chờ một hiệu lệnh tác xạ ban ra là những viên đạn vô tri này có thể phá tan các tàu của Trung cộng.
 
Trông chờ mãi, khẩu lệnh vẫn chưa được ban hành,  thủy thủ đoàn có phần nản chí, không còn vẻ hăng say của thoạt đầu, anh em xem những cuộc quần thảo giữa địch và ta tưởng như một trò đùa. Anh em trở nên bình thản, quên hẳn sự căng thẳng giữa địch và ta, hầu như không cần việc sẵn sàng của nhiệm sở tác chiến.   Một số nhỏ hớ hênh còn để súng cá nhân xuống sàn tầu rồi cùng trò chuyện vui đùa với nhau. Thức dậy từ lúc tờ mờ sáng đến giờ không có gì lót dạ, anh em chúng tôi cảm thấy đói, riêng tôi như thấy kiến bò trong bụng, may quá chúng tôi được lệnh luân phiên nhau vào nhà ăn để dùng cháo.
 
“Th/úy Mai. Anh vào dùng trước, tôi sẽ ăn sau.”
 
Khi Th/úy Mai vừa dùng điểm tâm xong, chúng tôi được lệnh tác xạ ngay vào các chiến hạm địch. Bất kể nơi nào, thấy chiếc nào trong tầm thì cứ bắn, mục tiêu chính yếu là chiếc dương tốc đỉnh 396.
 
Và rồi những nòng súng nay đã được hướng vào chiến hạm địch. Rồi những chiến hạm của địch và ta lại tiếp tục quần thảo nhau.
 
Vào khoảng sau 0900H, một lệnh “BẮN” được ban hành mà tôi nghe được qua chiếc headphone.  Riêng tôi, trong nhiệm sở tác chiến là sĩ quan đảm trách 2 khẩu 20 ly và súng cối 81 ly ở sân sau. Tôi vội vã hô to:
 
“Bắn, bắn nhanh lên”.
 
Những tiếng súng ầm ầm vang dội, những tia sáng thi nhau bay về phía địch, những đóm lửa lần lượt bao chụp lên chiến hạm địch.
 
Thượng sĩ trọng pháo Xuân hiên ngang đưa khẩu 20 ly qua lại, bắn liên hồi.
 
“Tạch … Tạch … Tạch …”
“Ối ! sao khẩu 20 ly không bắn nữa ?”
“Thưa Ch/úy, súng trở ngại tác xạ”
Trở ngại thế nào ?”
“Kẹt đạn”
Bắn một nòng”
“Tạch … Tạch … Tạch …”
“Hết đạn”
“Nằm xuống, để tao”, Hạ sĩ nhất vận chuyển Tây thét lên, gạt Xuân ra, dựt lấy khẩu 20 ly.
“Tạch … Tạch …Tạch ..”
 
Trong khi đó Hạ sĩ vận chuyển Sáu lom khom chạy qua chạy lại lấy đạn 81 ly nạp vào khẩu súng cối.
 
“Ầm!”  “Ầm!”
 
Tầu địch bốc cháy.Tôi thấy những viên đạn trọng pháo lớn nhỏ đua nhau bám vào tầu địch.
 
“Rầm !!!”
 
Có giọng nói giữa đám anh em đang hỗn loạn:
 
“Tàu Trung Cộng đang đổ bộ qua chiến hạm của chúng ta, anh em cẩn thận”.
 
Một loạt đạn M16 túa bay ra từ đài chỉ huy. Nhìn phía trước, tôi thấy mũi tầu của ta đâm vào tầu địch. Thế rồi hai tàu từ từ dang ra. Tàu ta bất khiển dụng cả hai máy chánh, cứ vậy mà  trôi lênh đênh.
 
Sau khi hai chiếc tàu đụng nhau, tiếng súng lớn dường như im bặt, chỉ còn nghe những tiếng súng nhỏ. Giai đoạn hải chiến hình như chấm dứt. Anh em đồng đội chuẩn bị cứu thương lẫn nhau. Hầm máy đang cháy, nhân viên phòng tai lo cứu hỏa. Một số nhân viên cơ khí chết thui dưới hầm máy. Những anh còn tỉnh thì được kéo lên boong chánh. Trung úy Huỳnh Duy Thạch (cùng là đàn anh của tôi xuất thân từ trường Việt Nam Hàng Hải Thương Thuyền, cũng là Cơ Khí Trưởng của chiến hạm HQ10, chẳng may đã tử trận trong hầm máy. Ôi ! tiếng rên la áo não ngần nào. Đài chỉ huy hoàn toàn tê liệt, cả cầu thang từ trung tâm chiến báo (CIC) lên đài chỉ huy cũng bay mất một góc.
 
Phòng y tá hoàn toàn thiêu trụi. Trong phòng ăn sĩ quan (được sử dụng làm trung tâm phòng tai), sĩ quan phòng tai HQ Trung Úy Nguyễn Ngọc Bửu (Khóa 25/Võ Bị Đà Lạt) đang đau đớn với một chân trái bị bay mất, máu ướt đẫm người. Vừa được đưa ra đến sân sau, anh đã trút hơi thở cuối cùng.  Các anh em bị thương khác không có thuốc men cấp cứu gì hơn, chỉ dùng vạt áo để băng bó.
 
“Ồ ! HQ16 , anh Thương hãy đánh SOS cho họ đến tiếp cứu!”
 
Chúng tôi đánh hiệu bằng cờ, nhưng HQ16 như không nhìn thấy, chiến hạm chạy nghiêng nghiêng như bị trúng đạn trong sự thất vọng hoàn toàn của chúng tôi.  Những tiếng súng lại bắn vang, cùng với những tiếng nổ trên tàu.  Chính lúc này Thiếu Tá Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã anh dũng hy sinh trên đài chỉ huy.  Tôi còn nhớ là đài chỉ huy trước khi bị tê liệt hoàn toàn đã ra lệnh cho chúng tôi đào thoát.  Những giòng tư tưởng quay cuồng trong tôi.  Thế còn tàu của chúng ta ? và nếu có đào thoát, chắc hẳn có sống không? 
 
Những tiếng súng lại vang lên, tiếng nổ trên tàu lại tiếp diễn.  Nhìn  ra  phía  sau, hai  chiến  hạm  địch  lù lù tiến đến, hướng về phía mình.  HQ 16 khập khểnh càng ngày càng xa.  Trên boong HQ 10, thây xác ngổn ngang, chiến hạm trơ trơ mặc sóng gió đẩy đưa. Trên mặt biển, đồng đội lô nhô trên những bè cấp cứu.  Ôi thay! tôi tự hỏi mình có nên đào thoát hay không.
 
Hạ sĩ nhất cơ khí Nữ chạy đến với giọng rung rung:
 
“Ch/úy.  Ch/úy biết bơi có gì Ch/úy kéo hộ tôi nhé!”
 
“Rồi cứ nhẩy đi, tôi sẽ kéo ra bè cho.”
 
“Ch/úy, phao này cho hơi vào cách nào ?”
 
Tôi bèn kéo chốt cho hơi vào phao và nói anh ấy nhẩy đi.  Một chốc sau ngó xuống nước tôi lại không thấy anh ta đâu nữa.  Tôi đoán có lẽ vì sóng to quá nên anh ta dạt vào thành tàu.  Ngay lúc đó, anh trung sĩ vận chuyển Đa và Hạ sĩ có khí Hòa hấp tấp chạy đến:
 
“Ch/úy nhẩy nhanh lên, kho đạn 20 ly và 40 ly đang nổ, nhẩy nhanh lên!”
 
TSVC Đa, HSCK Hòa, và tôi cùng nhảy xuống.  Tôi hoảng khi thấy bè thì quá xa, sóng lại to, ngẩm không biết mình có thể bơi ra đến nơi không.
 
Xin mở ngoặc nơi đây là: Trước khi đào thoát, tôi có gọi luôn cả HS1VC Tây cùng nhẩy, nhưng anh ta trả lời rằng: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Ch/úy cứ nhẩy đi.”
 
Thật đúng y như câu nói của người xưa:  “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.  Chẳng biết HS1VC Tây có được đến trường để học và thấu hiểu câu nói thâm thúy này không?  Anh có nghe ai bàn về câu nói ấy không?  !! Thế mà anh đã thực hiện được sự việc đó mới là hay chứ.  Việc mà chỉ có những đại anh hùng, các bậc trượng phu không biết “tham sinh úy tử” là gì họa may mới làm được.  Thật là anh hùng.  Tôi xin ngã mũ.
 
Lớp ngớp trên mặt biển, bơi mãi vẫn không đến bè được, tôi mới tiếc rẻ: “Ối ! phải biết ở lại tàu còn hơn!”  Chất thuốc mầu vàng của bao thuốc trị cá mập trong phao cá nhân của tôi đã được bật ra,.  Thuốc hòa lẫn với nước biển biến thành một vũng mầu xanh lá cây.  Tôi cứ bơi, bơi mãi, bè cứ dạt xa. Mỗi lần sóng đánh đến, nước biển lại tràn vào miệng cùng với thuốc trị cá mập, có vị đắng đắng cay cay,  Ôi ! hơi sức nào để ý  đến nữa, mục đích là sự sống.  Chỉ làm cách nào bám vào được bè, mạng sống mới có thể vãn hồi.  Nhưng mệt nhừ rồi, còn sức đâu nữa mà bơi ra bè.  Không, ta phải sống, bản năng sinh tồn lúc đó không cho phép tôi ngừng, cứ bơi, bơi mãi, đến khi bám được bè, nhìn thấy mặt anh em, tôi ngất đi trong giây lát.  Phải chăng lực tiềm tàng trong cơ thể đã cạn, hay là ta đã tìm thấy sự sống nên lực đó không cần thiết nữa.  Khi được kéo lên bè, người tôi lã đi vì đói khát mệt mỏi.
 
Thật là “họa bất đơn hành”, sau khi ngồi yên trên bè, kéo chung những bè lại, nhìn về hướng tàu, trong khi hai chiếc khinh tốc đỉnh của Trung Cộng sân sân tiến tới, khẩu 20 ly trên HQ10 tiếp tục nổ vang.  Hai chiến hạm của TC cũng không vừa, cứ vừa tiến vừa tác xạ, thế rồi khẩu 20 ly đành im bặt.  Những tiếng súng sau cùng đó…  Hỡi ơi ! anh Tây, anh Sáu, các anh đã hy sinh đền nợ nước cùng một số đông các chiến sĩ bất tử của HQ10.  Các anh ngã mình một cách anh dũng, nhưng có ai biết đến, chỉ có những đồng đội cùng tàu với hai anh mới thấu hiểu. 
 
Hai chiến hạm của dòng khát máu Cộng Sản Trung Cộng vẫn không buông tha một chiến thuyền đã đang bốc cháy và bất khả vận chuyển.  Chúng cứ luân phiên nhau vây đánh chiếc HQ10, sau đó quay đầu tiến đến bè của chúng tôi.  Chúng tôi nghĩ là nếu họ tác xạ mình thì anh em lại đào thoát lần thứ hai.  Mắt Thượng Đế vẫn còn đây, bầu trời xanh lồng lộng còn đó, mọi sự đã an bài sẵn.  Tôi tự nhủ hãy phó thác mạng sống mình cho Trời Phật.  Số đã sống thì không thể chết, số chết thì không sao cứu vãn được. May thay chúng lại bỏ đi. Tôi nghĩ rằng không phải chúng vì nhân đạo. Cộng sản làm gì có nhân đạo. Lý do chính là chung quanh đây chỉ có những đảo mà chúng chiếm và cả một mặt biển rộng mênh mông.  Họ chẳng cần vớt người làm chi cho nhọc công, để chúng tôi chết dần mòn khỏi phải mang tiếng với quốc tế !
 
Qua mặt được Thần chết đầu tiên, tôi phải đương đầu với đại dương trùng sóng và đói khát. Người đã mệt lã đi, lại cứ nôn mửa suốt hơn cả tiếng đồng hồ. Tôi say sóng cũng thường rồi, nhưng lần này uống nhằm mấy ngụm nước có thuốc trị cá mập, tôi ói ra hết mật xanh, mật vàng. Vừa ói vừa rên, tôi cảm thấy người không còn chút sức lực nào.
 
Nhìn lại xung quanh, tôi thấy tất cả có năm chiếc bè, bốn lớn và một nhỏ, hầu hết đã bị bắn thủng. Chúng tôi cột chung các bè lại với nhau. Nhưng vì sóng to gió lớn, một cái bè bị tản mác. Mặc dù chúng tôi đã tìm mọi cách nhưng không thể lại gần nó được. Bè đông người và được cột chum nhau, chìm xuống mặt nước. Chúng tôi không có một dụng cụ nào khác để chèo ngoài những bàn tay hết sinh lực.Trôi đến chiều hôm ngày 19 tháng giêng, chúng tôi thấy một hoang đảo có nhiều cây cối. Mắt trông thật rõ nhưng lấy tay khoát nước mãi vẫn không sao lại gần đảo được,vì hôm đó sóng quả rất to.
 
Bầu trời đã tối mịt, sóng lại to hơn. Anh em mệt lã người phần vì đói khát, phần vì mệt nhọc. Chúng tôi cứ mặc cho bè trôi quanh đây với hy vọng sáng sẽ bơi vào đảo được. Đêm hôm đó Hạm Phó Trí đã trút hơi thở cuối cùng. Thân xác Hạm Phó Nguyễn Thành Trí cũng đành giao cho thủy thần định liệu.
 
Suốt đêm cơn lạnh đã hành hạ cơ thể của tôi, với bộ quân phục ướt như chuột lột. Anh em cứ ôm gồng lấy nhau mà rung rẩy chờ đêm qua. Đêm sao qua chậm thế!  Giờ này mới ba giờ đêm, bốn giờ, năm giờ, trời bắt đầu sáng. Thật là quái dị. Đêm vừa qua lại không trăng sao, sáng nay mặt trời lại không mọc. Phải chăng ông Trời cũng không dám diện kiến một cảnh tượng thê lương trên biển của thủy thủ đoàn HQ10 !
 
Thân mệt nhừ, tôi quay qua quay lại nhìn dáo dác, rồi lẩm bẩm:
 
“Ủa ! đảo hôm qua đâu ?! Thôi rồi anh em ơi, chúng ta không biết đã trôi về đâu ?!”
 
Ai nấy đều lộ vẻ thất vọng. Khi Thượng sĩ nhất giám lộ Thương mang ra được một la bàn cầm tay thì chúng tôi mới hỡi ơi là hiện tại luồng nước xoáy đang đưa bè theo hướng Đông Bắc, nếu muốn vào đảo anh em phải chèo ngược lại theo hướng Tây Nam.
 
Cơn đói khát lại hành hạ. Sau khi kiểm điểm thì thấy bè số 1 không có bao thực phẩm nào cả dù rằng dây buộc vẫn còn đó. Bè số 2, 3 mỗi bè gồm một bao thực phẩm chứa 20 lon nước (cỡ chai coca-cola) và 12 bao kẹo, mỗi bao gồm 8 miếng kẹo. Thế rồi phải lấy ra gom lại chia đều ra. Trong đó có 6 bao kẹo không thể sử dụng được, nhưng cũng để dành lại đó. Chúng tôi khui những lon nước, mỗi người hớp một ít, và ăn một miếng kẹo.
 
Những người bị thương nặng như TS1GL Thương, TSQK Tuấn, có lẽ bị mất quá nhiều máu nên họ cứ đòi nước mãi. Ngày đầu tiên trôi dạt trên biển chúng tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ lên được một đảo nào đó gần đây, hay có thể được chiến hạm của ta ra cứu vớt, nên vấn đề uống nước ngọt chưa bị hạn chế. Nhất là nghe các anh bị mất nhiều máu rên rỉ gọi khát chúng tôi chúng tôi không đành nên cho họ uống cả lon. Khoảng 9 giờ sáng ngày 20 tháng Giêng, TSQK Tuấn đã ra đi một cách âm thầm không một lời trối trăn,  mà cách đó ba bốn giờ đồng hồ miệng cứ kêu la khát, khát quá…. Ý thức được rằng sẽ còn nhiều ngày lênh đênh trên biển nữa, nước ngọt rất cấp thiết, chúng tôi tự hạn chế trong việc sử dụng nước ngọt và kẹo. Bè cứ mặc cho dòng nước đưa trôi. Sáng hôm nay lại nghe những tiếng súng nổ vang.  Chúng tôi thắc mắc phải chăng chiến hạm tăng phái của ta đã đến và một cuộc hải chiến lại tiếp diễn?
 
Anh em hãy gắng sức chèo về hướng Tây Nam, đúng hướng đó rồi, hướng của những hòn đảo hôm qua ta tranh giành.”…
“Cố lên anh em, chúng ta sẽ sống nếu gặp lại tầu bạn.”…
Khoát nước, chèo mãi vẫn không đi tới đâu.
“Thôi chúng ta tháo hai miếng ván của bè nhỏ để chèo đi, chèo mãi theo hướng Tây Nam sẽ đến đảo ngay.”
“Anh em cứ cố gắng lên, đừng nghỉ tay, nếu không công trình khoát chèo, bơi từ sáng đến gìờ coi như hoang phí. Đêm nay chúng ta luân phiên chèo nhé!”…
 
Khoảng sáu bảy giờ sáng ngày 21 tháng Giêng, thình lình tôi thấy hướng Tây Bắc có hỏa châu lóe lên rồi mất hẳn. Tôi mới hô to:“Có hỏa châu, một là chiến hạm tìm kiếm ta, hai là lính địa phương quân trên đảo. Anh em hãy chèo về hướng đó nhanh lên!”
 
Nhưng trời chưa tha bọn người đang chết từ từ như chúng tôi. Sáng hôm đó sóng quá to, hơn nữa lại phải chèo ngược sóng, cho nên cứ chèo mãi mà hình như bè vẫn ở tại chỗ.  Buồn thay, buổi sáng nay thêm một bạn đồng nghiệp nữa lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt, đó là Thượng sĩ nhất giám lộ Thương. Buổi chiều, thêm Trung sĩ điện tử Thọ từ giã anh em.  Xin được chua xót ghi là “Sáng, thủy thần gọi, chiều, thêm người theo hạm trưởng xuống đại dương”.
 
Có lẽ trước vài tiếng đồng hồ mà thủy thần gõ cửa kêu tên, mọi người đều nghe văng vẳng bên tai một cách yếu ớt “Khát quá … khát quá …” Tinh thần của anh em lúc này có vẻ giao động, nghĩ đến giây phút thần chết sắp gọi tên mình, nghĩ đến những bạn đồng đội đã đi “công tác trên tầu lặn với hạm trưởng.” Nếu không muốn nói là mọi người như sắp điên loạn. Thật vậy, đêm đó thêm Thượng Sĩ Châu đã mất trí !!
 
Ngày hôm sau, nhìn thấy chim hải âu bay qua lượn lại, chúng tôi cứ hy vọng gần đây sẽ có đảo. Nhưng nhìn dáo dác, biển cả vẫn hoàn toàn biển cả. Kẹo và nước ngọt đều dùng cạn. Anh em bắt buộc phải dùng những lon không đã hết nước, pha nước tiểu với nước biển để uống. Lúc bấy gìờ không ai để ý đến đói, nhưng cơn khát hoành hành cảm thấy thấm thía. Đêm đó ai nấy đều mệt nhừ, đến nỗi các giây cột các bè lại với nhau đứt hồi nào không hay.
 
Sáng hôm nay, ngày 22 tháng Giêng, tỉnh dậy tôi không còn thấy một bè nào cột bên cạnh bè mình. Nhìn về trước, một bè trôi khá xa. Ngó về phía phải cũng thấy một bè, nhưng cố gắng chèo mãi mà không sao tới nổi.  Dần dần những bè đó khuất dần ngoài tầm mắt của tôi  Trưa rồi lại chiều. Chân tôi giờ này sưng thủng, không sao cử động được, miệng cứ tự động thều thào hai tiếng “khát quá … khát quá”. Mắt, miệng đã sưng vù lên. Th/úy Mai đã nói lâm râm:
 
“Ch/úy Ngưu chắc không qua khỏi đêm nay.”
 
Tai tôi vẫn nghe thấy những tiếng đó, đầu óc tôi cũng biết rằng mình không thể nào thoát khỏi tử thần trong đêm nay . Có lẽ giờ này hạm trưởng Ngụy Văn Thà đang cứu xét liệu xem tôi có đủ điều kiện để đi theo ông chăng?
 
Chiều hôm đó, khoảng sáu giờ, anh em chuẩn bị ôm lấy nhau để qua đêm rét buốt. Thình lình Hạ sĩ cơ khí Hòa thét lên: “ Có tàu! ”
 
“ Đâu đâu ? tàu đâu, tàu đâu?”
 
Một cứu tinh hiện trước mặt. Lúc đó tự dưng tôi bật đứng lên trên bè , tay gỡ áo phao đỏ mà phất. Tôi hy vọng họ sẽ phát giác ra mình, dù rằng chiếc tàu cứu tinh còn cách bè mấy hải lý.
 
“Phải rồi ! Chúng ta đã sống lại rồi, tàu đang ngừng đó, thấy không ?”
 
“Có lẽ họ đã phát hiện chúng ta, anh em cố chèo về hướng tàu nhanh lên, nếu đêm tối họ sẽ không nhìn thấy để cứt vớt chúng ta đâu, la lớn lên anh em.”
 
“ Một hai ba… Ô!”  “ Một hai ba… Ô!”  “123…Ah!”  “123… Ah!”, một mặt lo chèo, mặt khác la to lên.
 
“Hình như bè không tiến tới chút nào cả, và tàu họ cũng không vận chuyển!
 
“Anh em ơi, nhẩy xuống bơi!”
 
Nhưng còn sức đâu mà bơi nữa.  nhất là vùng này đầy cá mập, mà thuốc chống cá mập lại không còn.
 
“Ô kìa! tàu quay đi đâu? thôi chết rồi, hết hy vọng rồi,  cố lên anh em!”
 
Hy vọng bây giờ là thất vọng.  Màn đêm đang dần dà bao phủ thì … bỗng xa xa kia, bất chợt như một phép lạ, đèn pha của con tàu cứu tinh sáng rực lên và con tàu cứu rỗi kia đang quay trở lại…”Phải rồi, đúng là họ đang quay trở lại…”
 


Tất Ngưu và một số rất ít được cứu thoát. 74 đã hy sinh trong đó có Hạm trưởng HQ 10, HQ Trung tá Ngụy Văn Thà, bạn tôi , có hạm phó HQ Đại úy Nguyễn Thành Trí, đàn em tôi, có HQ Trung Úy Nguyễn Ngọc Bữu, HQ Trung Úy Nguyễn Văn Đồng, cả hai đều là những hiền đệ của tôi thuộc khóa 25 TVBQGVN ( Đồng là Sĩ quan Hải pháo của Tuần dương hạm HQ 5)và nhiều huynh đệ HQ khác đã từng vui buồn với nhau trong cuộc sống hải hồ. Tất cả đã hy sinh thật anh dũng, trong trận hải chiến Hoàng Sa chống lại Hải Quân Trung cộng ngày 19 tháng 1 năm 1974 , dầu chúng ta đành phải để mất Hoàng Sa !
 
Sự thắng bại của biết bao chiến trận là chuyện thường tình, cũng đã từng xảy ra thường xuyên trong hải sử thế giới, nhưng quyết định của Đồng minh đứng ngoài trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974 để Hoàng Sa mất vào tay Trung Cộng là một sai lầm lớn trong chính sách về biển Đông, đưa đến sự lấn áp của Trung cộng đối với các nước nhỏ quanh vùng, dẫn đến những căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại biển Đông ngày nay. Đây là một bài học chính trị đầy cay đắng nhưng vô cùng quý giá cho những nhà lãnh đạo nhân danh bảo vệ tự do, cho những nhà hải sử để viết lên những trang sử cho thế giới thấy kế hoạch bành trướng biển Đông của Trung Cộng là hiện thực, cho các bình luận gia khuynh tả hiểu rõ sự thật của trận hải chiến này, sự can trường của các chiến sĩ Hải Quân VNCH và sự hy sinh tuyệt đối của 74 huynh đệ Hải Quân đã nằm xuống trong lòng đại dương của Mẹ Việt Nam.
 
Dù đã trên 50 năm bị quân Trung cộng cưỡng chiếm, Hoàng Sa vẫn là hải đảo của ta, quần đảo Hoàng Sa vẫn là biển của ta. Nhất định chúng ta phải nhớ như vậy.

Nguyễn Đức Thu K16 
(Hoa Thịnh Đốn, 2024-tháng Giêng buồn)
               — 
*** Nguyễn Đức Thu nguyên thủy là SVSQ/khóa 16 Võ bị Đà Lạt, sau đó 
được đặc biệt chuyển sang Hải Quân tiếp tục học và tốt nghiệp khóa 12 SQHQ/NT

Cô Gái Đi Tìm Hạnh Phúc

.

Tác giả: Amanda Chong Wei Zhen
Dịch giả: Trang Anh
Vài dòng về tác giả: AMANDA CHONG WEI – ZHEN 15 tuổi. Cô bé người Singapore của Trường nữ sinh Raffles – đã nổi lên thành một hiện tượng trong làng văn chương của đảo quốc này. Cô vừa đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi viết truyện ngắn (bằng tiếng Anh) của Khối cộng đồng Anh sau khi vượt qua hơn 5.300 truyện ngắn dự thi từ 52 quốc gia trong khối. Truyện ngắn Cô gái đi tìm hạnh phúc nói về sự mâu thuẫn thế hệ và mâu thuẫn giá trị trong một đất nước Singapore đang chuyển đổi nhanh chóng thành một quốc gia phát triển. Xin được nhắc lại, tác giả truyện ngắn này chỉ mới… 15 tuổi)
Bà cụ ngồi ở băng sau chiếc xe mui trần đang băng băng trên xa lộ, ghì chặt bịch nilông trên áo như sợ một cơn gió đến cuỗm mất. Bà không quen với tốc độ cao như thế. Cánh tay run run siết lại chiếc dây an toàn, song bà vẫn lưu ý không để các ngón tay sần sùi chạm vào chiếc ghế da bóng lưỡng. Con gái bà đã dặn bà đừng làm bẩn ghế: “Má à, trên nền màu trắng dấu tay coi lộ liễu lắm đó”. Con gái của bà, Bee Choo, vừa lái xe vừa tuôn vào chiếc điện thoại di động màu bạc mảnh mai những từ ngữ to tát mà một bà cụ già giỏi lắm cũng chỉ hiểu được lờ mờ: “tài chính”, “thanh toán”, “tài sản”, “đầu tư”. Giọng nói của cô đanh, trầm và nghe là lạ. Bee Choo của bà ăn nói cứ như các cô gái nước ngoài trên truyền hình. Nó nói bằng giọng Mỹ cơ đấy. Bà cụ tặc lưỡi, vẻ phật ý. “Tôi dứt khoát không lấy. Bán quách nó đi!” – con gái bà giận dữ thốt lên, chân nhấn ga tăng tốc. Những móng tay cắt tỉa hoàn hảo bồn chồn bấu chặt vào tay lái. “Không giao dịch gì hết!” – cô quát lên, tắt máy di động rồi giận dữ quẳng nó ra băng sau. Chiếc điện thoại đập trúng trán bà cụ rồi trượt xuống vạt áo. Bà cụ lặng lẽ nhặt lên, chìa trả cho con gái. – Con xin lỗi má – cô ta nói, bỏ hẳn giọng Mỹ, chuyển sang giọng Quan Thoại – con có một khách hàng lớn ở Mỹ. Có nhiều chuyện lộn xộn lắm. Bà cụ gật đầu vẻ am hiểu. Con gái bà làm ăn lớn và rất quan trọng. Bee Choo nhìn mẹ qua kính chiếu hậu, tự hỏi không biết bà cụ đang nghĩ gì. Bộ mặt nhăn nheo của mẹ cô luôn mang cái vẻ khó hiểu nào đó.
Chuông điện thoại lại reo. Một âm thanh nhân tạo vui nhộn kiểu kỹ thuật số làm vỡ tan sự im lặng nặng trĩu. – Beatrice hả! Đúng rồi, Elaine đây. Elaine. Bà cụ nhăn mặt. Mình đặt tên nó là Elaine hồi nào đâu? Bà sực nhớ con gái bà có nói rằng một cái tên Anh là rất quan trọng cho việc “hòa mạng”, tên Trung Quốc người ta hay quên lắm. – Ồ, trưa nay tui gặp bồ không được đâu. Tui phải đưa bà cốt đi chùa làm mấy cái thủ tục lễ bái lẩm cẩm của bả. Bà cốt. Bà cụ hiểu rõ lắm chứ, ấy là nói về bà. Con gái bà cứ tưởng rằng bà không nói ra thì có nghĩa là bà không hiểu gì. – Ừ, biết rồi! Đệm xe tui sẽ lấm đầy tàn nhang chứ gì? Bà cụ dán mắt vào cặp môi cô con gái, tay bà bấu lấy bịch nilông đầy vẻ phòng thủ. Chiếc xe êm ả rẽ vào sân chùa. Trông nó có phần lòe loẹt bên sắc thái nhợt nhạt của nóc chùa cổ kính. Bà cụ bước ra khỏi băng sau, thả những bước không vội vã về phía chính điện. Con gái bà cũng bước ra khỏi xe trong bộ y phục doanh nhân và giày cao gót. Cô rảo bước theo mẹ, vừa quệt lại son môi. – Má, con đợi bên ngoài nhe. Con phải gọi điện thoại, có chuyện quan trọng lắm – cô nói, chẳng buồn che giấu sự ghê tởm mùi khói nhang. Bà cụ rón rén bước vào chùa, châm nén nhang. Bà cung kính quì xuống, lẩm nhẩm những lời cầu nguyện hằng ngày mà giờ đây bà đã thuộc làu làu. – Tạ ơn Trời Phật phù hộ độ trì cho con gái con mấy năm qua. Con cầu xin gì nó cũng đều được toại nguyện. Trẻ như nó mà đã có đủ mọi thứ trên đời. – Nó có một căn nhà lớn với cả bể bơi, còn có cả người giúp việc nữa vì nó hay vụng về lắm, chẳng khâu vá, cơm nước gì được cả. Chuyện tình duyên của nó cũng sáng sủa nữa. Nó đang yêu một ang moh (phương ngữ, chỉ người Kavkaz) giàu có và đẹp trai lắm. – Công ty của nó nay là công ty tài chính hàng đầu. Ngay đến đám đàn ông cũng phải tuân lệnh nó. Nó đang sống một cuộc đời hoàn hảo. Trời Phật đã ban cho nó mọi thứ, chỉ thiếu có mỗi hạnh phúc mà thôi. – Con cầu xin Trời Phật tha thứ cho nó dù nó có hơi mất gốc do mải mê chạy theo công danh. – Điều Người trông thấy không đúng chút nào đâu. Nó rất có hiếu với con. Nó cho con một căn phòng trong ngôi nhà lớn của nó. Nó cũng chu cấp đầy đủ cho con. Nó hơi hỗn với con là vì con làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của nó. Phụ nữ trẻ không muốn bị mẹ già quấy rầy. Đó là do lỗi của con mà ra.
Bà cụ cầu nguyện thành khẩn đến mức nước mắt bà ứa ra. Cuối cùng, bà cúi đầu lạy rồi cắm nén nhang cháy phân nửa vào chiếc lư chứa đầy tàn. Bà cúi lạy thêm một lần nữa.
Bà cụ đã cầu nguyện cho con gái suốt 32 năm nay rồi. Khi bụng bà tròn lẳn như trái dưa, bà đã đến chùa cầu xin một đứa con trai. Rồi khi ngày sinh đến, đứa bé trượt ra khỏi bụng của bà. Nó khóc ré lên trông thật đáng yêu với những bắp chân bù bụ, đôi má hồng hào, nhưng… đó là một bé gái, không lầm lẫn vào đâu được nữa rồi. Chồng bà véo bà, đấm bà vì bà đã sinh ra một đứa bé vô dụng, không thể làm việc cũng như bảo tồn dòng họ. Thế rồi người phụ nữ vẫn cứ trở lại chùa cùng với bé gái mới sinh bọc trong chiếc xà rông đeo trước ngực. Bà cầu nguyện cho con gái bà lớn lên sẽ có đủ mọi thứ mà nó muốn. Chồng bà đã bỏ bà và bà cầu nguyện cho con bà về sau sẽ chẳng bao giờ phải lệ thuộc vào đàn ông. Mỗi ngày bà cầu nguyện cho con bà trở thành một phụ nữ tuyệt vời, một phụ nữ mà chính bà không bao giờ vươn tới được do quá nhu mì và ít học. Một phụ nữ nengkan, tức có khả năng làm tất cả những thứ gì mình dự định. Một phụ nữ áp đặt sự ngưỡng mộ vào tận trái tim của mỗi người đàn ông. Khi con bé mở miệng nói, trân châu sẽ tuôn ra theo, và đàn ông sẽ phải lắng nghe nó. Nó sẽ không giống như mình, bà cụ vừa cầu nguyện vừa đắm đuối ngắm cô con gái đang ngày một lớn lên và tách xa khỏi bà, thường nói bằng một thứ ngôn ngữ mà bà khó khăn lắm mới hiểu nổi. Bà ngắm nghía con gái của bà chuyển từ một bé gái ngoan ngoãn thành một cô gái công khai thách thức bà, gọi bà là laotu (cổ hủ). Nó muốn mẹ nó phải “hiện đại”, một từ quá mới không có trong tiếng Hoa. Giờ thì con gái bà đã trở nên quá thông minh đối với bà và bà cụ tự hỏi cớ sao bà lại cầu xin như thế. Trời Phật đã luôn dễ dãi trước những lời cầu xin dai dẳng của bà nhưng của cải và công danh chảy vào như nước đã chôn đi cả cội nguồn của cô gái, và giờ đây cô đang đứng đó không khuôn mặt, không bản sắc, chỉ còn dính vào mảnh đất của tổ tiên bằng một sợi chỉ mong manh. Con gái bà đã quên mất các giá trị của người mẹ. Những điều nó muốn thật quá sức phù du… Những ước muốn của phụ nữ hiện đại. Quyền lực, của cải, các cửa hàng thời trang cao cấp… Thế mà con gái bà vẫn chưa thể tìm thấy được hạnh phúc thực thụ. Bà cụ biết rằng không cần có nhiều thứ như thế người ta vẫn tìm được hạnh phúc. Khi con gái bà từ giã cõi đời, tất cả những thứ mà nó có sẽ chẳng còn là gì nữa. Người ta sẽ nhìn lại những thành tích của nó và nói rằng nó là một phụ nữ tầm cỡ nhưng rồi nó sẽ bị quên lãng khi cơn gió đầu tiên lùa qua… giống như tro tàn còn lại của những chiếc xe mui trần và biệt thự bằng hàng mã.
Bà cụ mong sao nó sẽ quay đầu lại. Bà mong sao có thể xóa đi tất cả những hoài vọng lớn lao của mình và những lời cầu nguyện dành cho nó. Giờ đây bà chỉ còn mỗi một ước nguyện: làm sao cho con gái bà được hạnh phúc. Bà nhìn ra cổng chùa. Bà thấy con gái bà đang nói chuyện điện thoại, chân mày nó nhíu lại vì giận dữ và lo lắng. Trên đỉnh cao cũng chẳng phải tốt lành gì, bà cụ thầm nghĩ. Từ trên đỉnh thì chỉ có một con đường để đi: đi xuống. Bà cụ tỉ mẩn tháo bịch nilông rồi đổ ra trước bệ thờ một bịch bee hoon (mì bột gạo). Con gái bà thường chế nhạo bà chuyện cúng bái các vị Phật bằng sứ. Sao bà có thể khấn vái thành khẩn như thế và chờ đợi những mảnh sứ ấy bay đến giúp đỡ? Nhưng bản thân con gái của bà cũng có những vị thần của nó: những thần tượng của giàu sang, thành đạt và quyền lực mà nó lệ thuộc và thờ cúng mỗi ngày trong cuộc đời. Mỗi ngày là một sự truy tìm các thần tượng, và những thần tượng mà nó tôn thờ lại chẳng là gì cả so với vĩnh hằng. Tất cả những thứ mà con gái bà mong ước sẽ dần dần hút lấy sự sống bên trong nó, bỏ lại cho bà một chiếc vỏ sò vô hồn và rỗng tuếch trước bệ thờ. Bà cụ lặng ngắm những que nhang. Hơi nóng bốc lên những xà cột ọp ẹp có nguy cơ sụp đổ bất cứ giây phút nào. Phụ nữ hiện đại ngày nay, bà cụ thở dài nhẫn nhục khi cúi lạy lần cuối cùng về hướng đông để kết thúc buổi cầu nguyện. Phụ nữ hiện đại ngày nay muốn quá nhiều thứ đến mức đánh mất cả linh hồn rồi lại tự hỏi tại sao mình không tìm được nó. Que nhang của bà tan ra thành lớp tro xám mịn. Bà gặp lại con gái ở ngoài cổng chùa. Vẻ bồn chồn, thất vọng vẫn nguyên vẹn trên khuôn mặt nó. Một biểu lộ rỗng tuếch, cứ như nó đang đào xới mảnh đất của những thèm muốn để tìm kiếm hạt mầm của hạnh phúc. Hai mẹ con lẳng lặng leo lên chiếc xe mui trần, rồi cô gái đưa xe ra xa lộ, lần này không phóng nhanh như lúc đến. – Má à, – Bee Choo mở lời – con không biết nói sao với má đây. Mark và con đã bàn chuyện này rồi, tụi con định bán nhà lớn. Thị trường nhà đất đang có ăn thành thử tụi con muốn kiếm người bán nhà, cỡ 7 triệu (đôla Singapore – ND) là được. Tụi con định kiếm một căn hộ khang trang nào đó. Có một căn ở phố Orchard hạp ý con lắm. Khi nào về đó, tụi con sẽ cho con bé làm nghỉ việc để có chỗ rộng rãi hơn… Bà cụ gật gù vẻ am hiểu. Bee Choo khó nhọc nuốt nước miếng.

  • Tụi con sẽ mướn người tới dọn dẹp và ăn uống ở ngoài, thế là ổn. Nhưng con bé làm nghỉ rồi thì không có ai chăm sóc má. Má ở nhà một mình chắc là buồn dữ lắm. Với lại căn hộ cũng chật chội nữa. – Tụi con suy nghĩ chuyện này lâu lắm rồi. Tụi con nghĩ tốt nhất là má đến sống ở chỗ mới. Có một căn nhà gần Hougang, một căn nhà của Giáo hội Công giáo. Nhà này tốt lắm, má à. -Bà cụ không hề ngước mặt. – Con đã đến đó rồi. Bà quản lý nói bả sẵn sàng nhận má. Nhà này vừa đẹp vừa có vườn tược, lại có cả đống người già để làm bạn với má! Con đâu có nhiều thời gian để gần gũi má, ở đó thế nào má cũng vui hơn. “Ở đó má vui hơn thật mà,” cô gái lặp lại như để khẳng định với chính mình. Lần này bà cụ không còn bịch nilông đựng thực phẩm nào để mà ghì chặt trên áo nữa rồi. Bà bặm môi siết lại dây an toàn, cứ như nó bảo vệ được bà trước cô con gái đang muốn tống khứ bà đi.
    Bà ngồi ngập vào trong chiếc ghế da, mặc cho đôi vai thõng xuống và các ngón tay in dấu trên lớp bọc ghế trắng muốt. – Má? – con gái bà cất tiếng gọi, tìm kiếm bà qua chiếc kính chiếu hậu – Má ổn không vậy má? Điều gì phải đến đã đến. – Ổn mà – bà cụ nói chắc nịch, giọng bà lớn hơn bà dự định – nếu điều đó làm con hạnh phúc – bà hạ giọng nói thêm. – Việc này là cho má cơ mà, má! Ở đó má sẽ hạnh phúc hơn. Mai má đến đó nhé! Con đã biểu con bé làm gói ghém đồ đạc cho má rồi – Elaine phấn khởi nói, chưa gì mà đầu óc đã hướng đến một đề mục mới trong lịch trình của cô. – Con biết mọi chuyện sẽ ổn thôi mà. Elaine toét miệng cười, cô cảm giác như vừa được giải thoát. Có thể việc tống khứ bà mẹ sẽ giúp cô hạnh phúc hơn. Cô đã từng nghĩ đến điều đó. Hình như bà cụ là chướng ngại duy nhất trên con đường truy tìm hạnh phúc của cô. Giờ thì cô thấy sung sướng lắm. Cô đã có mọi thứ mà bất kỳ người phụ nữ hiện đại nào cũng thèm muốn: tiền tài, địa vị, công danh, tình yêu, quyền lực… và bây giờ là tự do, không có bà mẹ và không có những lề thói cổ hủ khiến cô bị luôn khó chịu. Phải, cô đã tự do! Chiếc điện thoại reo lên, khẩn trương. Cô nhấc nó lên và đọc mẩu tin nhắn. “Thị trường chứng khoán tăng 10%!”. Tuyệt! Với cô, rõ ràng là mọi việc đang bắt đầu đi lên… Và trong khi cô tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời qua ánh sáng chiếc màn ảnh điện thoại, bà cụ ngồi ở băng sau đã trở nên vô hình, và cô đã không thể trông thấy những giọt nước mắt của bà.

Phim ‘VIETNAM! VIETNAM!

Đây là bộ phim tài liệu rất có giá trị về sự thật của chiến tranh VN, với cái nhìn công bằng và khách quan của người Mỹ.

Phim VietNam! VietNam! này gồm 8 tập của Đạo Diễn John Ford (1894 -1973). “Phim bắt đầu quay vài tháng sau cuộc tổng công kích Mậu Thân (1968) và cho đến khi cuộn phim được hoàn tất vào cuối năm 1971.” Vì một lý do thầm kín nào đó mà phim này nay mới được xem trên mạng internet youtube.

  • Phim đang phổ biến trên mạng Internet tên “Vietnam! Vietnam” được cho là cuốn phim cuối cùng của nhà đạo diễn gạo cội hàng đầu của Hoa Kỳ John Ford (1894-1973).
  • Ông đoạt tất cả 4 giải Oscars vào năm 1973, ông nhận giải AFI Life Achievement Award cùng năm. Ford was awarded the Presidential Medal of Freedom by President Richard Nixon.
  • Phim bắt đầu quay vài tháng sau cuộc tổng công kích Mậu Thân (1968) và cho đến khi cuộn phim được hoàn tất vào cuối năm 1971.
  • Vào lúc đó luật pháp liên bang của Hoa Kỳ ngăn cấm chuyện trình chiếu bất cứ một phim ảnh nào do Cơ quan Truyền Thông Hoa Kỳ (United States Information Agency), trong đó có phim “Việt Nam! Việt Nam!” Cho nên phim tài liệu cuối cùng của ông John Ford đã được khóa kín trong két sắt 37 năm trời cho đến khi luật pháp được thay đổi cho phép phim được chiếu cho công chúng xem.
  • Phim cho thấy lý do mà Hoa Kỳ đổ quân vào VN vì thấy rõ ý đồ của Hà Nội là muốn xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực với sự giúp đỡ của Trung cộng.
  • Cho thấy hình ảnh gian ác của cộng sản VN bằng lời kể của viên phi công Mỹ ở buổi họp báo khi được trả tự do là ông bị đánh đập và tra tấn khi bị bắt và bị buộc phải nói láo là được Hà nội đối xử tử tế.
  • Cho thấy hình ảnh nhân đạo của người lính Việt nam Cộng Hòa khi chăm sóc vết thương của các tù binh Việt cộng, mà nói xin lỗi, mặt mày coi rất hung ác và ngu dốt, không có vẻ gì là người có văn hóa hết so với hình ảnh của người lính miền Nam.
  • Cho thấy cả một làng bị Việt cộng tàn sát, xác đàn bà trẻ con nằm ngổn ngang.
  • Trong cảnh đám biểu tình chống chiến tranh ở Sài gòn do bọn phản chiến Mỹ và Việt cộng nằm vùng tổ chức, thì có một người Hung Ga Ry nhào lại đám phóng viên truyền hình chưởi vào mặt bọn phản chiến như sau: ”Tụi bây là đồ ngu dốt mới làm chuyện này, bởi vì tụi bây không biết gì về Cộng sản hết. Mọi người dân miền Nam VN đáng được hưởng một huy chương vì đang đấu tranh chống bọn Cộng sản, và cả mọi ngừơi Mỹ đang chiến đấu nữa”. Bọn biểu tình đứng chung quanh im ru không dám nói một lời.
  • Phần 2 là nói về sự tranh luận của quốc hội HK và dư luận về có nên tiếp tục viện trợ cho miền Nam VN hay không? Thì có người nói chiến tranh VN là một cuộc chiến tranh không thể thắng được vì Mỹ không hiểu được người VN và nếu có thắng được HN thì liệu TC có để yên?
  • Tôi thích nhất lời nói nhân đạo của TT Regan là ”Liệu chúng ta có thể vẽ một lằn ranh giữa sinh mạng con người? Một sinh mạng là một sinh mạng, không thể nói 1 sinh mạng người Mỹ có thể thay thế 1000 sinh mạng người Việt”, khi ông muốn nói việc Mỹ muốn rút lui để tự quân đội miền Nam chống cộng sản.
  • Phần kết luận là câu hỏi của lương tâm người Mỹ là ”Liệu miền Nam VN có thể chiến đấu để bảo vệ tự do sau khi HK rút quân khi mà những họng súng của CS trong miền Nam không bao giờ ngừng nổ”.
  • Nên nhớ cuốn phim này được thực hiện vào lúc Hoa Kỳ đang rút quân khỏi VN, vì vậy đã bị bộ thông tin của Mỹ cấm chiếu vì không muốn dân Mỹ thấy đây là một cuộc chiến thật sự chống chế độ cộng sản giữa HK và nhân dân miền Nam VN và cộng sản Bắc Việt, vì đã lỡ nói xa lầy rồi… Vì vậy không thể nói đây là phim tuyên truyền láo khoét giống như những phim của các chế độ cs.
  • Đoạn phim này bị cấm vào thời đó vì nó nói lên sự thật phũ phàng dân Mỹ bị một quả lừa của Cộng sản và luận điệu nhút nhát chủ bại của một số chính khách.
  • Trong các lời tuyên bố đó, đáng chú ý nhất là lời của Thượng nghị sĩ Ronald Reagan ” …. Ending a conflict is not so simple, not just calling it off and coming home. Because the price for that kind of peace could be a thousand years of darkness for generation’s Viet Nam borned .”
  • Tạm dịch : “…. Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho loại hòa bình đó là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh tại Viêt Nam về sau.”
  • Lời tiên đoán này, nay đã thành sự thật. !!!

Tập1: Vietnam!Vietnam! part1

Tập 2: Vietnam!Vietnam! part2

Tập 3: Vietnam! Vietnam! Part 3 

Tập 4: Vietnam!Vietnam! part 4

Tập 5:  Vietnam!Vietnam! part5

Tập 6: Vietnam!Vietnam! Part 6

Tập 7: Vietnam!Vietnam! Part 7 

Tập 8: Vietnam!Vietnam! part 8 

Tạp ghi “Cộng Sản Việt Nam “Ngậm Bồ Hòn”

Việt cộng “con”, được thành phần tập kết ra Bắc “cài” lại – hoặc “cấy giống” trong người đàn bà miền Nam – để trở thành bọn khủng bố miền Nam Việt Nam.

ĐIỆP MỸ LINH

Thời gian gần đây, những biến động kinh hoàng, những cuộc thảm sát đầy man rợ và những cái chết tức tưởi xảy ra liên tục trên toàn nước Mỹ khơi dậy trong hồn tôi nỗi hãi hùng do Việt cộng – danh từ người miền Nam dùng để gọi tắt bốn chữ Việt Minh, cộng sản – gây ra tại miền Nam Việt Nam, sau hiệp định chia đôi nước Việt, ngày 20/7/1954!
Thời điểm đất nước chia đôi, tôi còn bé, chưa hiểu biết nhiều, chỉ thích đàn, hát. Mỗi khi bưng nước trà mời các Chú, Bác – bạn của Ba tôi, thường đến nhà bàn chuyện chính trị, thời sự với Ba tôi vào mỗi tối – tôi thường lắng nghe. Ba tôi viết cho báo Đuốc Thiên, Tin Sáng, Tia Sáng và mua báo hằng ngày (gọi là nhật trình); sau khi Ba tôi đọc xong, tôi đọc.
Nhờ thích văn chương, chữ nghĩa, tính tò mò, nghe lén, đọc báo “ké” và cũng nhờ được Ba tôi giải thích cặn kẻ, tôi hiểu rằng: Hậu quả do hành động khủng bố của Việt cộng tại miền Nam Việt Nam tạo nên cũng không khác chi những tan thương, thảm khốc, điêu tàn và đổ nát toàn diện do Việt Minh – tiền thân của csVN – thực hiện mà tôi đã thấy trong thời kỳ Ba tôi theo kháng chiến chống Tây; vì khủng bố là chính sách của csVN!
Nhiều chi tiết trong thời Ba tôi theo kháng chiến chống Tây tôi đã viết rồi; xin miễn lập lại. Tôi chỉ xin trích hai câu hát biểu lộ được tất cả tinh thần, chủ tâm và hành động của Việt Minh trong ca khúc Đường Về Quê, được Phạm Duy sáng tác vào thời Ông theo kháng chống Tây, để độc giả có thể nhận ra thảm trạng của hai chiến dịch “Tiêu thổ kháng chiến” và “Bần cùng hóa nhân dân” do Việt Minh chủ xướng và triệt để thực hành trong “vùng giải phóng” (chữ của Việt Minh) như thế nào:
“… Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa
Người vui đời áo nâu quên hết u sầu!..”
Sau khi nhận ra Việt Minh chỉ là những thành phần dốt nát, rất “say” máu, chỉ cuồng điên tìm công danh bằng bạo lực, Ba tôi từ bỏ kháng chiến, đưa gia đình trốn về Nha Trang.
Sống tại Nha Trang được một thời gian, tôi lại thấy/biết nhiều cuộc khủng bố rùng rợn xảy ra tại Nha Trang và các vùng phụ cận. Ba tôi giải thích chính Việt cộng thực hiện những cuộc khủng bố đó. Báo chí giải thích rằng: Việt cộng là “sản phẩm” của thành phần tập kết ra Bắc “cài” lại. Những người tập kết cũng lưu lại rất nhiều “hạc giống đỏ” trong người của nhiều thiếu nữ và thiếu phụ miền Nam.
Chỉ sau hơn 10 năm, những “hạc giống đỏ” trở thành không biết bao nhiêu “anh hùng nhí”, “anh hùng gái” và Việt cộng “con”, tham gia rất đắc lực vào công cuộc phá hoại miền Nam.
Sự phá hoại thông dụng nhất vào thời đó là: Đắp mô, đặt mìn tại các khúc quanh trên đèo Cả và đèo Rù Rì (phía Bắc Nha Trang) và Suối Dầu, Diên Khánh, Cam Lâm (phía Nam Nha Trang) để xe đò đụng phải, mìn nổ, gây thương vong; thảy lựu đạn vào những chốn đông người như chợ, những nơi trình diễn văn nghệ và những buổi biểu tình tại Ty Thông Tin; thảy lưu đạn vào cửa rạp xi-nê lúc hết phim, mọi người vừa ra khỏi rạp, v.v.
Thời điểm 1954, Mỹ chưa hiện diện tại miền Nam Việt Nam; do đó, mọi di chuyển – cả dân sự lẫn quân sự – đều bằng xe đò hoặc xe lửa. Không biết Việt cộng đã cưỡng bức bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ trên những chuyến xe đò hoặc xe lửa đi theo Việt cộng; nhưng số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trên các chuyến xe lửa, xe đò bị Việt cộng giết thì không ai có thể ghi nhận được!
Sau khi quá nhiều quân nhân mặc quân phục khi di chuyển bằng xe đò, xe lửa bị Việt cộng sát hại, tất cả quân nhân được chỉ thị: Mặc đồ dân sự khi di chuyển, quân phục giấu kỷ trong hành lý.
Thế là Việt cộng dùng chiến thuật tinh vi hơn: Chọn những địa điểm hẻo lánh, chận xe đò, xe lửa lại, bắt đàn ông xuống xe. Trong khi mọi người đều hoang mang, lo sợ, bất ngờ một tiếng hô “nghiêm!” vang lên thật lớn. Phản xạ tự nhiên của quân nhân, ai là lính đều đứng thẳng, cụp hai chân, ưởn ngực, mặt ngẩn cao; thế là Việt cộng nhận ra, “lùa” những người này vào rừng; có khi Việt cộng bắn hoặc dùng mã tấu, chặt đầu những quân nhân mặc đồ dân sự này, ngay tại chỗ!
Trên đây chỉ là những khủng bố Việt cộng thực hiện tại Nha Trang – quê Nội của tôi, nên tôi nhớ rõ – những khủng bố các nơi khác tôi không nhớ được.
Ngay sau khi cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam –30/4/1975 – Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN) bị csVN “đá” khỏi tổ chức “liên minh chính trị” của csVN liền!
Kể từ khi MTDTGPMN không còn nữa, mọi cuộc khủng bố, giết hại dân lành do Việt cộng gây ra trước kia, đều được csVN “trút” hết cho MTDTGPMN bằng những bài tuyên truyền trên radio, báo chí, TV, internet, v.v… Chủ tâm của csVN là muốn thế hệ trẻ Việt Nam nhầm, tưởng rằng MTDTGPMN chính là Việt cộng – chuyên khủng bố, giết hại dân lành – chứ không phải csVN đã thực hiện những hành động tàn ác, hèn hạ đó!
Từ ngày ông Hồ Chí Minh thành lập đảng csVN cho đến nay, không ai có thể ghi nhận được người csVN đã thực hiện bao nhiêu tội ác đối với toàn thể dân tộc Việt Nam; rồi cũng chính người csVN cho thuộc cấp xóa lịch sử để chạy tội đối với Tổ Quốc và các thế hệ trẻ!
Vì lịch sử không còn trung thực, sau này, các thế hệ trẻ Việt Nam sẽ nghĩ rằng người csVN – kẻ từng tịch thu tài sản, ruộng đất của Ông Bà, Cha Mẹ; giết chết hoặc nhốt tù Cha, anh và em trai rồi đuổi Mẹ và chị em gái của chúng ta đi kinh tế mới sống đời du mục – là anh hùng!
Bằng cớ csVN bôi xóa lịch sử là: (1) Tại Việt Nam, csVN cấm đề cập đến danh từ “Việt cộng”. (2) Năm 1968, csVN xâm phạm Hiệp Định ngưng bắn, thảm sát khoảng sáu ngàn người dân ở Huế; thế mà csVN viết trên Wikipidia rằng “toàn dân vùng dậy”!
CsVN cũng xâm phạm Hiệp Định đình chiến năm 1972, đưa đến “hòa đàm Ba-Lê!” và Mỹ rút quân khỏi miền Nam, ngày 27/1/1973; chấm dứt mọi viện trợ, cả khí giới, quân trang, quân dụng cho miền Nam Việt Nam!
Sau hai lần csVN xâm phạm Hiệp Định ngưng chiến, rồi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Quân Lực VNCH còn lại gì để chống trả những cuộc cường tập quy mô của csVN tại biên giới Việt Miên Lào và dọc Duyên Hải?
Chính thời điểm Quân Lực VNCH – trong tình trạng thiếu thốn đạn dược và quân dụng một cách trầm trọng – phải dốc toàn lực để chống trả các cuộc cường tập rất khốc liệt của csVN thì Trung cộng tấn công, chiếm Hoàng Sa – của VNCH!
Dù chiếm được Hoàng Sa, Trung cộng cũng phải trả bằng một giá rất đắt; vì sự phản công dũng mãnh của Hải Quân VNCH trong trận hải chiến ngày 19/01/1974, mà lực lượng hai bên rất chênh lệch!
Từ khi chiếm được Hoàng Sa cho đến nay, 2022, Trung cộng xây đảo nhân tạo và phi trường tại Hoàng Sa để mở rộng bờ cõi; csVN vẫn im lặng!
Ngược lại, ngày 09/6/2022, lúc 6:37am, trên The New York Times, tác giả Austin Ramsy viết: “Chinese Pilots Sent a Message. American Allies Said They Went Too Far.”
Úc Đại Lợi và Canada đã lên tiếng về hành động khiêu khích của phi công Trung cộng đối với phi công Canada và phi công Úc Đại Lợi, như sau: “… Australian and Canadian officials said the Chinese pilots actions last month went well beyond the norm.”
“The Australian military said one of its P-8 aircraft was carrying out routine maritime surveillance in the South China Sea when a Chinese J-16 fighter intercepted it and carried out a ‘maneuver which posed a safety threat.’”
“Richard Marles, Australia’s defense minister, told reporters that the Chinese plane fired flares, then cut in front of the aircraft. It released chaff, which contains metal used to throw off missiles, some of which was caught in the engine.”
“…Canada said its CP-140 Aurora patrol craft had several troubling encounters with Chinese jets in international airspace while supporting the enforcement of United Nations sanctions imposed on North Korea.” 

Linh: https://www.nytimes.com/2022/06/09/world/asia/china-military-united-states-australia-canada.html

So sánh thái độ của Canada, Úc Đại Lợi và csVN đối với Trung cộng về vấn đề “va chạm” tại Biển Đông, tôi nhận ra rằng csVN rất sợ Trung cộng, không dám tỏ thái độ, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. CsVN âm thầm dâng Hoàng Sa cho Trung cộng như một hình thức trả ơn, đền nghĩa; vì nhờ Trung cộng đã giúp csVN đuổi Mỹ!

Để đuổi được Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, ngoài việc dâng Hoàng Sa cho Trung cộng, csVN còn phải – theo BBC ngày 21/04/2022 cập nhật ngày 28/04/2022 – trả bằng mạng sống của 1.1 triệu bộ đội “ông Hồ”, chưa kể thường dân và “đồng chí nhí”, “đồng chí gái”; Hoa Kỳ mất khoảng gần 60 ngàn quân; VNCH thiệt hại 254.257 quân và không biết bao nhiêu thường dân… thì có đáng hay không, hỡi người csVN?
Link: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61175313
Thế mà csVN lại đổ tội cho VNCH “làm mất?” Hoàng Sa!
20 năm dưới chính thể VNCH, với sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, Trung cộng có dám tiến chiếm đảo nào của VNCH hay không?
Bây giờ – ngày 10/06/2022 – VOA loan tin: “Căn cứ hải quân Ream (của Cao Miên – ghi chú của ĐML) mà quân đội Trung Quốc sẽ được sử dụng một phần, cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chưa đầy 30km”
Hậu quả của việc csVN đuổi Mỹ để “bợ” Trung cộng, đưa Trung cộng sát vào bờ cõi nước Việt Nam – cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chưa đầy 30km – cả thế giới đều biết và thấy!
Thế mà người csVN vẫn liên tục nhục mạ Mỹ là “bọn xâm lược”, “bọn sen đầm quốc tế”; người Lính miền Nam Việt Nam và chúng tôi là lính đánh thuê, là “ngụy”.

Để nhận ra mặt thật của csVN, kính mời độc giả đọc vài đoạn trích dẫn sau đây, trên BBC, cùng bảng tin, cùng ngày và Link đã dẫn bên trên, để biết có bao nhiêu quân Trung cộng tham chiến và ai mới đích thực bắn rơi nhiều phi cơ Hoa Kỳ trong cuộc chiến từ 1954-1975: “Bài báo của China Radio International phỏng vấn ông Dương Cảnh Kho, cán bộ về hưu thuộc lực lượng phòng không Trung quốc và ông Trương Á Quang, cán bộ về hưu của Cục Khai thác Quặng Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.”

“Bài báo mô tả từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 3 năm 1969, tổng cộng có khoảng 150.000 người lính đến từ 63 trung đoàn thuộc 16 sư đoàn của lực lượng phòng không Trung Quốc sang viện trợ Việt Nam chống Mỹ.”

“Trong khoảng thời gian 3 năm 7 tháng, họ đã tác chiến 558 lần, bắn rơi 597 máy bay và bắn trúng 479 máy bay Mỹ…”

“…Trung quốc viện trợ cho Việt Nam khoảng 4,26 tỷ nhân dân tệ…Trung Quốc, từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973, đã điều động hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường sắt, rà phá bom mìn và hậu cần, v.v. Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 3 năm 1969, khoảng 150.000 người lính đến từ 63 trung đoàn thuộc 16 sư đoàn của lực lương phòng không Trung quốc sang giúp Việt Nam chống Mỹ…”

Gần đây nhất, Nga xâm lăng Ukraine, cả thế giới đều hướng về và yểm trợ Ukraine thì thái độ của csVN được Lê Mạnh Hùng ghi nhận một cách tóm lược, BBC loan báo ngày 12/04/22 như thế này:

Lần đầu tiên: lên án cuộc xâm lược, Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Lần thứ hai: yêu cầu bảo vệ dân thường, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng.
Lần thứ ba: ngày 07/04, đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu chống.
Ngay sau đó Nga cũng nói tự bỏ Hội đồng này, coi nó chẳng là cái gì.
Điều đáng chú ý là trong cả ba lần Việt Nam đều biểu quyết giống hệt như Trung Quốc.
Từ những chi tiết và nguồn tin chính xác – đã dẫn chứng trong bài này – ai cũng có thể thấy được lòng trung thành tuyệt đối của người csVN dành choTrung cộng.

Người csVN trung thành với Trung cộng, đó là quyền của người csVN. Nhưng, nếu biết tự trong, người csVN không nên tiếp tục chỉ thị thuộc cấp dùng những danh từ và động từ hạ cấp để thóa mạ VNCH và Hoa Kỳ nữa – dù dưới bất cứ hình thức nào!

Tôi nghĩ sao, viết vậy. Nhưng, tôi chợt nhớ có lần Ba tôi đã dạy tôi: “Cộng sản Việt Nam làm gì có lòng tự trọng mà mong, con!”

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com

NHỮNG BÀI VIẾT MỚI CỦA ĐIỆP MỸ LINH:

Một cuộc phỏng vấn hữu ích.

Tuan Dang

Tôi ủng hộ ứng cử viên hạ viện của liên bang Hùng Cao này không phảivì ông ta có gốc Việt hay đã là một “lính nước” như tôi.Ông ta là người của đảng DC hay CH
hoàn toàn không là yếu tố quan trọng.Video đính kèm đã thuyết phục đượctôi, cho nghe và thấy tận mắt, đây đúng là một dân biểu quốc hội nước Mỹ cần phải có nếu muốn duy trì những tiêu chuẩn căn bản tự do, đạo đức và nhân đạo… Hùng Cao văn võ đầy đủ, từ tinh thần đến hoạt động quá tốt từ đời sống riêng tư đến việc làm ngoài xã hội. Nếu các bác kiên nhẫn theo dõi video này sẽ thấy những gì tôi viết ở trên vẫn là quá ít cho ứng cử viên Hùng Cao này.Tôi nghĩ nếu thượng đế giúp cho ông ta được toại nguyện đồng nghĩa với việc thượng đế muốn cứu giúp chúng sinh. Hy vọng cho cả dân chúng Việt Nam nữa.Tiếc là tôi không thể chạy sang Virginia để bỏ phiếu cho ông ta được… Chỉ muốn xin các bác đang ở Virginia giúp tôi một lần.  
Anh Hung Cao gửi lời cảm ơn đến quý khán thính giả và tâm sự đời binh nghiệp.

Video: CHIẾC ÁO RA TRƯỜNG THƠM THO BÊN CẠNH CHIẾC ÁO TÙ “CẢI TẠO”.

Của PHẠM PHÚ NAM, DÂN SINH MEDIA, VIỆT MUSEUM

Trong Việt Museum ở San Jose, California có trưng bày 2 di vật- một chiếc áo tốt nghiệp ra trường đặt cạnh chiếc áo tù cải tạo. Mỗi năm hàng ngàn các em trung, tiểu học và đại học viếng thăm Việt Museum đều thắc mắc tại sao?……

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=t0OPAV-GpIM

Chuyện Sài Gòn và sách ‘trước Bảy Lăm’

*Nguyễn Vĩnh Nguyên

 Có cuốn mới tinh, có cuốn rách bìa, đa số thì ố vàng và đã nhạt màu mực. Mỗi cuốn sách một số phận, trôi nổi qua biết bao biến cố, bỗng một hôm trở về với người sưu tầm, người đọc như những báu vật của thời gian… Gọi đó là “sách Sài Gòn trước Bảy Lăm.”

   Trên đường sách Sài Gòn giữa Quận Một ngày nay, có mấy kiosk bán sách cũ Sài Gòn xuất bản trước 1975. Ngoài sách, các ấn phẩm của thời kỳ này như báo chí, bản đồ, post-card và tờ nhạc cũng xuất hiện trở lại một cách công khai.

   Quán Sách Mùa Thu là nơi có hàng ngàn đầu sách đầy bất ngờ tụ về từ những thư viện gia đình khóa kín gần nửa thế kỷ. Nếu các ông Duyên Anh, Phạm Công Thiện mà sống lại, dạo bước qua mấy chỗ này hẳn sẽ bất ngờ vì tác phẩm của mình còn được đám hậu duệ sưu tầm đủ. Các sách văn học, triết học, chính trị… đình đám của một thời kỳ xuất bản tự do đã trở lại với độc giả hôm nay, bằng chính nguyên bản như mới, được người bán trau chuốt giữ gìn, đóng bìa, may lại gáy. Màu giấy vàng, lối làm bìa sách thanh nhã của một thời… khoác lên những giá sách quý một màu thời gian sâu thẳm.

    Trong một cuộc triển lãm sách cũ do các bạn sưu tập tổ chức, tôi đã gặp một độc giả năm xưa đứng khóc ròng như trẻ thơ khi cầm trên tay cuốn sách “Quốc Sử” của Lớp Nhất, vì cuốn sách gợi nhớ đến một người bạn chung lớp đã bỏ xác trên biển hồi sau 1975.

    Sách chạm vào ký ức của từng người theo một cách thế riêng, âm thầm. Tôi cũng từng dẫn những bạn bè lớn tuổi đến đây sau nhiều năm xa nước, họ mân mê những bản sách cũ đã trôi dạt qua những biến cố lịch sử như chính cuộc đời họ, mà quên cả thời gian trở về với thực tại.

   Giáo sư thiên văn học Trịnh Xuân Thuận (thứ hai, trái) và sử gia Philippe Papin tìm hiểu về sách xuất bản tại Sài Gòn trước 1975 tại Quán Sách Mùa Thu trên đường sách Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Vĩnh Nguyên)

    Gặp lại sách là gặp lại những người bạn thân thiết đã trải qua biết bao thăng trầm dâu bể. Những cuốn sách cũ khơi gợi lại kỷ niệm và gợi nhắc những ký ức đẹp đẽ hay đau buồn. Những quyển sách cũ lặng lẽ nối chuyện thời cuộc và ký ức cá nhân đã trở nên là một.

    Vào khoảng thời gian sau 1975, nhiều người kể lại rằng, nhiều tủ sách, kho sách Sài Gòn đã bị đẩy ra vỉa hè để đốt. Một kiến trúc sư nói với tôi trong nước mắt rằng, cha anh đã phát điên bởi vì thương sách. Ông ta nhìn cái cảnh những cuốn sách mình nâng niu trân quý trở thành mồi cho ngọn lửa trong suốt vài ngày trời mới hết, và nghĩ mình chỉ còn một con đường hoặc ra đi hoặc tự sát.

    Nhưng ở vào thời kỳ đó, đâu chỉ ba của bạn tôi, nhiều người đã phải lựa chọn. Họ phải chôn xuống đất những gì chế độ mới coi là “tàn dư” để bảo toàn mạng sống và tránh những liên lụy cho người thân. Sau cùng người ta đã chọn những cách thế tồn tại trong một hoàn cảnh đầy ngặt nghèo và khốc liệt. Người nâng niu sách như những hiện thân của giá trị văn hóa, của đời sống thanh tao làm sao không đau đớn phát điên cho được khi phải lựa chọn thiêu sách để tự cứu lấy mình.

    Ấy vậy mà bằng những phương cách nào đó thật lạ lùng, những cuốn sách cũ của một thời đã lách qua những cơn bão lửa của thời cuộc để neo giữ một tinh thần, tái hiện một vàng son. Những pho sách qua thời gian đã làm toát lên một phong vị văn hóa khó lẫn, một sự quyến rũ như người giàu có trải nghiệm đang kể câu chuyện cuộc đời mình, đầy mê hoặc.

   Đã có lúc, đâu chừng mươi mười năm trước, dân sưu tầm những sách “trước Bảy Lăm” còn rón rén rụt rè. Tôi còn nhớ thời đó, một tập thơ của Thanh Tâm Tuyền còn được đem ra đấu giá trong giới chơi sách, trong tình trạng lén lút vì sợ bị an ninh theo dõi tịch thu. Sau đó, một tờ báo đã bị nhắc nhở vì đăng bản tin bán đấu giá sách có nhắc đến tên một nhà thơ Sài Gòn cũ. Nhưng nhu cầu quy hồi những giá trị thuộc về văn hóa một thời đã dẫn dắt thị trường sách cũ theo một chiều hướng lạ lùng. Nó buộc những gọng kìm bấy lâu khóa chặt phải mở ra để văn hóa được liền lạc.

   Về Sài Gòn bây giờ đi tìm sách cũ, sẽ không lạ gì chuyện các nhà sưu tầm, giới chơi sách cho đến buôn bán sách cũ đa phần là trẻ. Nhiều người sinh ra sau 1975, nhưng họ có một thao thức, bằng cách này cách khác, làm cho những di sản của một thời kỳ xuất bản được xuất hiện lại một cách tự nhiên, công khai, không rón rén. Họ nói về lịch sử xuất bản, tiểu sử các tác giả… một cách thông thạo như thể những người đã đắm mình trong sinh khí văn hóa một thời Sài Gòn.

    Cùng với các nhà sách offline, các diễn đàn sách xưa trên mạng cũng nhộn nhịp. Thông tin về từng đầu sách được giới thiệu trở lại một cách chi tiết. Như vậy, những ai chuyên tìm kiếm sách cũ có thể hình dung đến một không gian riêng mà đám an ninh không muốn dây vào cấm đoán nhưng cũng không công khai thừa nhận. Từ nguồn sách này, sẽ phát lộ nhiều chất liệu quý để thấy rõ những giá trị tinh hoa của trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn thời kỳ đã qua. Chúng như những chứng tích này sẽ giúp người đọc hôm nay có một cái nhìn thấu suốt, khách quan về một giai đoạn văn hóa.

    Nhiều cuốn sách cũ đã được giới xuất bản tìm cách tái bản. Trường hợp tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Bà Tùng Long, Du Tử Lê, Võ Phiến, Lê Tất Điều hay Dương Nghiễm Mậu… được giới làm xuất bản sinh sau đẻ muộn tìm kiếm ấn bản gốc từ những kho sách cũ như vậy để nhập liệu, làm văn bản và tìm cách tái bản. Dù việc này cũng chưa thật sự suôn sẻ trong bối cảnh kiểm duyệt xuất bản, nhưng những nỗ lực khai thông các trở lực để đặt một gạch nối hôm nay với hôm qua trong văn hóa Sài Gòn, ở giai đoạn này, đáng được nhìn với ánh mắt hoan hỉ hơn xét nét nghiệt ngã bởi những định kiến.

   Quá khứ không còn biến thành những thêu dệt huyền hoặc, những cuốn sách cũ nói với hôm nay về thực tại của văn hóa hôm qua một cách chi tiết. Cho dù, chúng trở thành những báu vật (và được định giá rất cao so với sách mới xuất bản) nhưng những người cần vẫn không ngại ngần để đón về một di chỉ của ký ức.

    Đi qua thời gian và những thăng trầm, những cuốn sách cũ “Sài Gòn trước Bảy Lăm” đang quay trở lại trong đời sống hôm nay thật lộng lẫy, huy hoàng, điều mà có lẽ nhiều người viết ra chúng, người ấn hành chúng, người bảo vệ chúng trong những kho tàng ẩn mật khó hình dung được.

    Nói mỗi cuốn sách có một số phận, là đúng. Như người Sài Gòn, mỗi người một cách thế phiêu dạt cùng thành phố, cùng thời cuộc. Tiếng nói, ngôn từ của người một thời đã được ghi trên giấy, kinh qua những biến cố, đã không hư nát và chìm vào thăm thẳm thời gian, mà còn vang vọng, bằng cách này, cách khác. Dù trong lặng lẽ, thì vẫn là những chứng tích của một khoảnh khắc bừng sáng trong thời gian.

    💝Đó chẳng phải là điều đáng để vui, dù là vui trong nước mắt?!

LỚP HỌC THẾ GIỚI

– MỸ (USA): là trưởng lớp, giàu nhứt lớp. Nó chính là đứa quyền lực và đặt ra luật chơi cho cả lớp. Tuy thế nó chỉ già nhưng trí óc còn non nớt, đôi khi có những “động thái” ngờ nghệch lắm. Nhưng không ai đoán được là nó ngờ nghệch thiệt hay giả vờ lú lẫn

TRUNG CỘNG: lớp phó tự phong, không ai bầu nhưng nó tự phong là lớp phó. Hầu hết cả lớp ghét nó vì nó có tính tham lam, độc ác và hay bắt nạt những thằng yếu hơn nó. Thằng này có tài copy y chang bài của đứa khác nhanh như chớp. Thằng Sở Lưu Manh này thì khỏi nói, chuyên môn đi dụ cho mấy đứa nghèo trong lớp mượn tiền, khi mắc nợ nhiều quá trả không nổi thì nó xiết nhà, xiết đất. Không nhờ thằng Mỹ ngờ nghệch thì đến giờ nó vẫn còn là thằng khổng lồ với đôi chân bằng đất sét. Mỹ và Âu châu cưng yêu thú vật mà không giỏi chữ Hán nên không hiểu câu “dưỡng hổ di họa” là gì.

DO THÁI (ISRAEL): Thông minh và học giỏi toán nhứt lớp nên giữ chức lớp phó học tập, nhưng hơi có tính keo, không cho ai cóp bài hay mượn tài liệu bao giờ. Thằng này thì thủ đoạn vô lường. Con trai Đức Chúa Trời mà nó còn dám treo lên thập giá luôn, chẳng chút e dè. Dân Ả Rập vừa ghét nhưng lại vừa hãi nó lắm. Nó được võ lâm ban biệt danh là “Nhất Kiếm Trấn… Ả Rập”. Ai mà đụng nó thì nó chơi lại tới bến. Mỗi lần có tên Ả Rập nào chọc nó thì trưởng lớp Mỹ phải can muốn chết vì sợ nó chơi quá tay sẽ đưa đến Thế chiến 3.

PHÁP (FRANCE): Bạn này là dân chơi cầu ba cẳng, nổi tiếng thế giới về mỹ phẩm, rất đỏm dáng, điệu đàng lãng mạn khỏi nói, ra đường là xịt nước hoa nồng nặc. Khi vào lớp, nó thích nhất ai hỏi nó câu: “Paris có gì lạ không em?”
– ANH (ENGLAND): Thằng này học dẫn đầu lớp môn… tiếng Anh (English), nhưng hay hờn dỗi, suốt ngày đòi nghỉ chơi với mấy đứa bạn thân lâu năm. Nhờ học giỏi nên không thèm để mấy thằng ngu hơn lợi dụng. Nó thà làm đệ tử thằng giàu còn hơn làm sư phụ thằng nghèo để khỏi nuôi báo cô.
– BA TƯ (IRAN): Đây là xứ “1001 Đêm” của công chúa Jasmine, Aladdin và cây đèn cầy, ý lộn…, cây đèn thần… Nhưng đó là chuyện xưa. Còn nay, thằng này chỉ lo chăm chú luyện Thẩm Du Đại Pháp, chà chà cây đèn của nó để mong Thần Đèn xuất hiện giúp nó làm giàu uranium nhanh nhanh, bất chấp giáo viên đang dạy cái gì trên bảng.

– NGA (RUSSIA): thằng này lạnh lùng và gấu nhứt lớp. Tánh thằng này thô bạo lắm nên có biệt danh là “LA SÁT”, chuyên đi cưỡng hôn gái đẹp hàng xóm. Nó có tật xấu hay say sưa, hở ra là chuốc rượu vodka bạn bè. Hồi Thế Chiến 2, thằng Đức háo thắng lỡ dại đập nó một lần, sau đó bị nó đập lại phù mỏ, ba má thiếu điều nhận không ra, rồi thừa cơ cưỡng hôn luôn mười mấy người đẹp hàng xóm của nó. Hiện tại không ai dám đập nó kể cả trưởng lớp, chỉ có nó lâu lâu say xỉn đập hàng xóm thôi. Cái thằng [muốn làm] Mỹ con [nhưng] không có “đô-na” này chỉ cậy có mấy thứ võ công tà đạo mà hù thiên hạ. Vì sự hèn nhát của võ lâm Tây Âu và công tử trưởng lớp Mỹ nên cũng là mối đe dọa của giang hồ. 

– UKRAINE: là một nữ sinh hiền lành, xinh đẹp, học giỏi có hạng ở trường. Trước kia nàng bị thằng Nga La Sát cưỡng hôn. Nhân cơ hội thằng khốn nạn đấu nội công với lớp trưởng bị nội thương suýt chết nên nàng và mười mấy người đẹp khác nộp đơn ly dị thành công. Mấy năm trước nàng hay mặc bộ bikini hiệu Crimea & Donetsk – Luhansk tuyệt đẹp khi bơi ở trường. Thằng La Sát chồng cũ ghen quá nên đã đè ra lột bộ bikini chiếm giữ làm của riêng trước sự bất lực hèn hạ của bọn công tử đồng môn.

THÁI LAN (THAILAND): Em này cứ vài ba bữa thì xin nghỉ học để tổ chức thi Hoa Hậu Tiffany. Nhờ sự khôn ngoan nhất mực nên mấy mươi năm giang hồ loạn thế mà nó vẫn giữ được gia trang yên ổn. Nay tự nhiên luyện môn Quỳ Hoa Bảo Điển, cặp kè với thằng phó lớp rồi khoe đã uống thuốc ngừa thai nên chẳng sợ vướng bầu. Giời ạ! Chơi với thằng Sở Lưu Manh thì bầu bì gì. Chỉ e bị giang mai lậu mủ hay nhẹ lắm cũng bị lây ghẻ tầu rồi lở loét mà chết thôi…

– TRIỀU TIÊN (NORTH KOREA): Thằng này bị bệnh tự kỷ nặng, trong lớp không chơi với ai, cộng thêm chứng hoang tưởng, suốt ngày mang hàng nóng rởm ra dọa thằng trưởng lớp để tống tiền. Nó khùng khùng vậy chứ thuộc loại “uy vũ bất năng khuất”, không biết sợ ai hết kể cả trưởng lớp. Vì vậy, cả lớp phải kiêng dè nó. Trong 10 lần nó mang hàng nóng rởm ra dọa thì hết 7 lần trưởng lớp và hàng xóm phải hùn tiền cứu đói nó.
– ĐỨC (GERMANY): Thế kỷ trước nó là học sinh cá biệt, hung hãn nhứt lớp, gây nên Thế Chiến 2, khiến sơ sơ khoảng 70-85 triệu người chết. Sau đó bị trưởng lớp và các đồng minh đập hội đồng một trận nhừ tử. Giờ thì biết khôn nghe lời trưởng lớp rồi.


– VENEZUELA: Con bé này rất khoái thi sắc đẹp, hiện là hoa khôi của lớp. Nó bị thằng “phó lớp tự phong” dụ tiến lên “thiên đường xếp hàng cả ngày” nên nó tặng “quà” lung tung cho bất cứ thằng nào muốn… Giờ thì bệnh Ếch giai đoạn cuối rồi.

.

– Ả RẬP SAUDI (ARAB SAUDI): Có thể là một con bé xinh đẹp, tuy nhiên chưa ai nhìn thấy mặt nó, chỉ nhìn thấy cặp mắt to tròn, đen láy

thôi. Ai nhìn lâu vào cặp mắt ấy bị thôi miên ráng chịu. Có thể trưởng lớp đã bị con bé này thôi miên nên thỉnh thoảng hắn dùng máy bay vận tải loại khủng C-5 Galaxy chở tiền mặt (đô la) qua tặng nàng. 

– TÂN GIA BA (SINGAPORE): Lớp phó lao động, vệ sinh. Thằng này khôn ngoan, giữ vệ sinh rất kỹ, tính khó chịu. Đừng bao giờ nhai chewingum với hút thuốc trước mặt nó, hay vẽ bậy lên tường, coi chừng ăn roi của nó vào đít. Đất nhà của thằng này nhỏ xíu, nhỏ đến độ nếu nó có máy bay chiến đấu, vừa đề máy bay lên là đã ra khỏi không phận quốc gia, nên nó không cần có quân đội mà chả có ma nào dám đụng tới nó, giống như nó có bùa hộ mạng. Thằng này thuộc loại “phú quý bất năng dâm”, từng chỉ mặt thằng Đông Lào rằng “cút cha bản mặt Mã Giám Sinh của mày và dắt theo luôn con ‘Thúi Kiều’ về xứ Lèo cho tao, ngay. A lê hấp!”
THỤY SĨ (SWITZERLAND): Thằng này tính cẩn thận, nghiêm túc, được giao làm thủ quỹ của lớp. Ai mà gởi tiền cho nó giữ thì không sợ mất tiền, chỉ sợ quên mật mã của tài khoản thôi. Nó khôn ngoan lắm, luôn đứng ngoài các cuộc chiến, chỉ mong thân chủ gởi tiền càng nhiều càng tốt và mau sớm bị bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).
– Ý ĐẠI LỢI (ITALY): Thằng này đẹp trai, tính tình phóng khoáng, nhà lại có shop hàng hiệu nên hay được mấy đứa con gái trong lớp bu xung quanh. Nhưng thằng nay có sở thích nuôi móng tay dài để cấu mông mấy con bé trong lớp. Mà bọn gái lại khoái ra mặt mới thật là kỳ cục.
– ÚC ĐẠI LỢI (AUSTRALIA): Cả trường có mình nó cưỡi kangaroo đi học. Chung quanh nhà nó có nhiều rừng, không biết ai (ở không quá) đốt mà cứ bị cháy hoài. Thằng này giàu có nhờ đất đai cụ cố (vồ được của thổ dân Úc) để lại. Cũng thuộc loại công tử dân chơi, dám đòi điều tra thằng phó lớp về việc thả con cúm Tầu ra tàn hại cả lớp.
– BA TÂY (BRAZIL): Thằng này là dân ham chơi hơn ham học, giỏi đá bóng với nhảy nhót nên được bầu làm lớp phó phụ trách văn nghệ thể thao.
– CU BA (CUBA): Nhà thằng này cách nhà trưởng lớp một cái ao làng nhỏ, có thể dùng xuồng thúng bơi qua, con nhà nghèo nhưng được cái liên hoan lớp không bao giờ quên đem mía và xì gà nhà trồng vào chiêu đãi các bạn. Thằng này là bạn nối khố của thằng Đông Lào và nhờ được thằng Đông Lào ngậm kỹ khi ngồi canh giữ hòa bình thế giới nên vẫn còn yên tâm ngủ kỹ để… chống đói. Tuy nghèo nhưng nó không ngu: thằng Đông Lào dụ nó đổi nhà hoài để được ở gần nhà trưởng lớp cho dễ vượt biên mà nó đâu có chịu.
– BƯỚM MÁ (BURMA): Tên cúng cơm trước đây của nó là MIẾN ĐIỆN, cũng thuộc loại quân phiệt. Vừa vào lớp là bị chọc ghẹo, ghép cặp với thằng Cuba nên nổi sùng tuyên bố một câu xanh dờn: “Không có Cu Ba, Cu Má gì hết. Tao thà ở giá chứ nhất định không lấy tên nghèo kiết xác Cu Ba.”
– ĐẠI HÀN (SOUTH KOREA): Nhóm trưởng nhóm nhảy hiện đại của lớp. Nhóm của nó mặt giống nhau y chang (chắc có cùng bác sĩ thẩm mỹ.) Lúc Saigon là Hòn Ngọc Viễn Đông thì mùa đông thằng này còn trùm mền giấu cái lò than be bé trước ngực để sưởi ấm. May nhờ bọn Hàn cộng kiệt quệ sau trận chiến với thằng “đế quốc sen đầm” không còn đòi “phỏng giái” miền Nam nữa nên nó có điều kiện phát triển một mạch. Giờ thì ai nó cũng dám cạnh tranh. 
– NHỰT BẢN (JAPAN): Thằng này cũng con nhà giàu, lái Lexus đi học, nhưng được cái lễ phép, chào bạn mà cũng cúi gập đầu. Trong giới giang hồ thì nó xứng đáng được gọi là đại hiệp Phù Tang. Chẳng phải nhờ tài cứu nhân độ thế gì mà nhờ vào đức tính biết bỏ cái sai theo cái đúng, bỏ tự ái vặt để chớp lấy thời cơ và tự cứu mình. Cái sai lầm lớn nhất của thằng này là lỡ dại dám đánh lén trưởng lớp Mỹ trong trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, Hawaii) hồi Thế Chiến 2. Sau đó bị trưởng lớp đánh lại tả tơi như cái mền rách. Nếu không, giờ này công tử lùn có thể đang ngồi rung đùi cho thằng phó lớp đánh giày bằng lưỡi.
– ĐÔNG LÀO (EAST LAOS): Thằng này nghe tên là biết nhà nó ở đâu, thuộc diện con nhà nghèo ăn xin tứ phương nhưng bị bịnh hoang tưởng hay thần kinh gì đó không biết. Lúc nào cũng nghĩ mình đang ở thiên đường và đặc biệt là không biết nó là ai nên cái mặt cứ vênh vênh lên và hay gây hấn với các bạn trong lớp rồi hỏi: “Mày biết bố mày là ai không?” 
Nghe võ lâm thiên hạ đồn hồi nhỏ nó bị té giếng nên nó khùng nặng, chửi trưởng lớp hằng ngày, nhưng cứ tìm cách cho bà con dòng họ qua nhà trưởng lớp chơi rồi ở lỳ không về. Ngược lại, nó khúm núm theo bợ thằng “phó lớp tự phong” như bợ đờ-ít ông cố nội nó, không bao giờ dám cãi lời, bảo ăn gì thì nó ăn nấy. Bởi vậy bệnh khùng của nó càng ngày càng nặng vì chỉ thích uống thuốc giả của thằng “phó lớp tự phong” đưa cho. Thằng tiểu lưu manh này từ khi bị trúng Thiết Sa Chưởng của đồng chí Bình Lùn thì chứng hung hăng đã giảm đến chín phần. Chỉ còn cái mồm là hay xoen xoét khoe thành tích tưởng tượng. Nó thuộc loại đầu trọc không có tóc, kèm chứng tửng tửng nên liều mạng nhất lớp, hay đem bom vô lớp để cưa rồi lấy thuốc nổ đi đánh cá. Mỗi lần nó cưa bom thì cả lớp mạnh thằng nào thằng nấy vắt giò lên cổ mà chạy,ai cũng sợ nó…”CHỆT” (phát âm theo tiếng “Huệ”).
Dan Cao sưu tầm–