Đường Pasteur – Nhớ người không quen

PHẠM CÔNG LUẬN

Đối với tôi, đường Pasteur là con đường rất đẹp, với lề đường rộng và cây xanh chen lẫn các ngôi biệt thự xây từ thời thuộc địa vẫn còn tồn tại. Đây là con đường sang trọng và tao nhã, với cây cao bóng cả thả nắng vàng xuống mặt đường mỗi ngày.

Thật khó hình dung con đường này, vốn lộ giới chỉ khoảng 20 – 25m, thời Pháp thuộc thực chất là hai con đường chạy dọc hai bên một con rạch nước chảy, có lẽ đổ ra rạch Nhiêu Lộc, đều mang số 24. Năm 1865, khi người Pháp đã ổn định chế độ thuộc địa, họ đặt tên đường bên trái là Olivier còn đường bên phải là Pellerin. Sau con rạch được lấp đi và hai đường nhập làm một, thành đường Pellerin.

Năm 1955, chính quyền TT Ngô Đình Diệm đổi thành đường Pasteur. Tháng 8.1975, đường đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai nhưng cho đến năm 1991, lấy lại tên Pasteur. Đường chạy từ đường Võ Văn Kiệt cho đến Trần Quốc Toản khoảng 2,5 cây số.

Có lẽ sự kiện đầu tiên mang tầm vóc lớn nhất mà cư dân dọc hai bên đường chứng kiến là sự kiện nhà yêu nước Phan Châu Trinh mất năm 1926. Linh cữu của cụ được quàn trên con đường này, nhà Bá Huê Lầu của ông Huỳnh Đình Điển ở số 54. Tang lễ được thân hào nhân sĩ Sài Gòn tổ chức cử hành như nghi thức quốc tang. Từ tờ mờ sáng, người người từ khắp thành phố và vùng phụ cận đổ về đường Pellerin để đưa tang.

Đám tang đi theo lộ trình từ nhà 54 qua đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn), đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng) rồi đi thẳng xuống Phú Nhuận đến nghĩa trang Gò Công tương tế ở Tân Sơn Nhứt. Đó là một sự kiện chấn động vì lễ tang của cụ lớn chưa từng có ở Sài Gòn, với hơn 6 vạn người tham dự đưa linh cữu đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Sự kiện lớn đó khuấy động không khí yên tĩnh của con đường toàn biệt thự kín cổng cao tường này. Dù vậy, đoạn đường Pellerin phía trung tâm Sài Gòn thuộc quận 1, mé Hàm Nghi vẫn sôi động hơn do hoạt động buôn bán so với hai bên dãy phố từ ngã tư giáp đường Lê Duẩn ngày nay đi xuống phía đường Trần Quốc Toản với đa số biệt thự.

Người đi xe đạp trên đường Pellerin khoảng 1950. Trong hình là chỗ gãy góc của đường Pasteur, đó chính là ngã tư Pasteur – Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Ảnh: TL

Một nhà sưu tầm dĩa nhạc cho biết thời thập niên 1920 – 1930, trên đường này có đại lý hiệu dĩa Béka là hãng Société indochinoise d’ Importation ở số 40-44 rue Pellerin, vừa bán máy vừa bán dĩa mà anh thỉnh thoảng thấy in trên bao bì dĩa hát xưa. Anh kể khi tò mò lục báo Phụ Nữ Tân Văn xuất bản thời đó tìm tung tích hãng dĩa mới biết ngay góc Pasteur và Hàm Nghi bây giờ từng có dinh lãnh sự Trung Hoa mới được dời về năm 1936, là sự kiện long trọng đối với người Hoa ngụ cư nên họ kéo nhau đi xem chật đường. Sau này, đây là tòa đại sứ Đài Loan cũ trước khi dời về đường Hai Bà Trưng trước năm 1975. 

Báo chí xưa thuật lại: đầu hè năm 1937, ngã tư Pellerin và Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) có một vụ đụng xe đáng nhớ. Buổi chiều, một chiếc xe tracteur kéo theo chiếc rờ mọt trên đường này chạy xuống đến ngã tư nói trên thình lình thấy một chiếc xe đạp ba bánh của chú Lý Yên chở vài chục tĩn nước mắm từ chợ Bến Thành định đưa lên Phú Nhuận bán.

Anh tài xế xe tracteur thấy chiếc xe đạp đó liền bẻ tay lái qua bên phải để tránh nên chạy lủi xuống mé sông. Thình lình, có một chiếc xe mui kiếng của bà Phạm Thị Vân ở dưới đường Pellerin chạy lên bị chiếc tracteur đụng ngay phía hông trái rất mạnh. Anh lái xe mui kiếng thấy xe mình bị đụng liền lấy tay lái qua phải, ủi chiếc xe nước mắm lật ngang, bao nhiêu nước mắm bể hết ráo.

Cuối cùng, chiếc tracteur vẹo bánh trước, chiếc xe mui kiếng bị móp hông trái và xe đạp ba bánh hư nát. Nước mắm bốc mùi khiến dân khu phố chung quanh bị ám ảnh đâu cũng có mùi nước mắm mất mấy ngày. 

Trang báo quảng cáo một nhà buôn trên đường Pasteur. Ảnh: T

Lúc đó, nhà số 2-4 là Ngân hàng Indochine. Số 25 là quán cà phê kiêm nhà hàng Yeng Yeng, hiện nay là một cơ sở của Saigon Tourist. Số 93 Pasteur là dưỡng đường của bác sĩ Trần Văn Đỗ, được quảng cáo có nhiều phòng rộng rãi để nuôi bệnh và sản phụ; có cả nhà mổ và sinh khó, có cả rọi kiếng (X quang), chụp hình phổi tim bao tử, trị bệnh bằng tia cực tím.

Bên kia đường, số nhà 80, thời gian sau xuất hiện thêm một ông “y khoa học sĩ bào chế” tên Nguyễn Văn Cung gần Chợ Cũ chuyên trị bệnh hậu như nhức mỏi, phong thấp, bại xụi, tê thấp, lao phổi, máu huyết, tê bại, phong đơn, phong tình… Số nhà 162 trước đây là nhà Đốc phủ Hải, hiện nay là một tòa nhà lớn cho thuê làm văn phòng.

Trước năm 1975, khi tôi còn nhỏ đã có nhiều dịp đi ngang con đường xinh đẹp này, nhưng kỷ niệm lại không vui vì phải đi chích thuốc ngừa phong đòn gánh (bây giờ gọi là bệnh uốn ván) ở Viện Pasteur cuối đường. Lúc đó, nhớ mang máng chỗ phở Hòa bây giờ chỉ là xe phở bán trên lề đường mà tôi được ăn sau khi chích ngừa.

Gần đó là nhà may Thiết Lập rất nổi tiếng ở Sài thành thường quảng cáo trên báo, mà nhà tôi thường có tờ tuần báo Thẩm Mỹ Tân Tiến để chị tôi đọc mục dạy cắt may của bà Nguyễn Thị Bắc, chủ nhân. Thời đó, áo dài kiểu tay raglan đang thịnh hành. Nhìn vào tiệm may thấy thợ ngồi đông đúc, nghe nói tới 50 thợ may. Báo chí đăng trung bình mỗi ngày tiệm giao khoảng 100 áo dài cho khách, các ngày gần lễ Giáng sinh hay Tết còn nhiều hơn. 

Tiệm may Thiết Lập. Ảnh: TL

Trên con đường này, lưu dấu một hình ảnh mà những người lớp tuổi bảy mươi sống ở Sài Gòn trước năm 1975 trở lên còn nhớ. Trong cuốn Hồi ký của Nguyên Sa, ông kể một kỷ niệm về thời còn làm báo ở Sài Gòn, thỉnh thoảng ông đi chơi cùng nhà văn Mai Thảo trên chiếc xe Fiat hiệu Austin, lòng vòng các đại lộ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… Mai Thảo lái xe đến một căn nhà gần bờ sông Sài Gòn, cả hai ngồi trong phòng khách nhà một thiếu nữ mắt rất đen và to mà Mai Thảo quen biết. Cô  ta đến sau bức bình phong, thay bộ đồ để đi chơi cùng hai ông. Phía sau bức bình phong chỉ ló ra đầu và hai chân, cô ta nhìn Nguyên Sa cười có vẻ e thẹn. Sau đó, cả ba lên xe đi chơi tối, có khi đi chơi ở nhà hàng – vũ trường Arc en Ciel.

Lần cuối cùng Nguyên Sa gặp cô gái ấy là trên đường Pasteur. Ông kể khi đang yên vị trên xe thì “Mai Thảo dừng xe có phần gấp gáp, không có nét bay bướm nào. Anh đang phóng nhanh bỗng thắng két, tấp xe vào lề, đậu xe bên phía tay mặt đường Pasteur. Mai Thảo ra khỏi xe không một lời giải thích”. Cả hai xuống xe, băng qua con lộ xe chạy một chiều vun vút.

Nguyên Sa thấy: “Mai Thảo dừng lại trước một người hành khất, một người phụ nữ, móc trong túi ra một nắm giấy bạc, anh chuyển nắm giấy bạc sang tay kia, tìm kiếm thêm. Tôi không nhận ra người hành khất là ai, chỉ thấy mặt loang lổ những vết cháy nổi lên những mảng thịt nửa đỏ nửa tím sậm dị dạng. Hai mắt vết cháy càng rõ, lòng trắng và lòng đen bị hủy hoại lổn nhổn. Bạn tôi bỏ nắm tiền vào chậu bằng nhôm, những tờ giấy chạm vào tay người đàn bà hành khất. Dường như nàng biết ngay người cho tiền là ai, ai có thể cho nàng nhiều tờ giấy bạc như thế. Nàng ngẩng mặt lên gọi “anh”. Mai Thảo vỗ nhẹ vào bàn tay nàng có tiếng nói bằng xúc giác, không có âm thanh nào được cất lên”. 

Khi trở lại xe, Nguyên Sa nói ngay tên nàng. Mai Thảo gật đầu. Cẩm Nhung, tên người phụ nữ thay áo sau tấm bình phong mỗi lần hai ông đến đưa nàng đi làm, đi ăn hay ra hóng mát. Cô bị tạt axít trong một trận đòn ghen mà báo chí đưa rất nhiều. Nguyên Sa nhìn bạn ngậm ngùi: “Cẩm Nhung!” và Mai Thảo nhìn về phía trước, như nói một mình “Nhung đấy!”.

Con đường không quá dài, nhưng mỗi đoạn đường mang đến một cảm giác khác. Nhớ hồi nhỏ, ra Lê Lợi mua sách cùng với anh thì thế nào cũng phải ghé góc Lê Lợi – Pasteur ăn gỏi khô bò và uống nước mía. Xuôi xuống, qua công viên trước dinh Độc Lập thì biệt thự và cây xanh nối tiếp, đến gần cuối đường, đi qua viện Pasteur ngay góc Trần Quốc Toản có một bô rác nhỏ làm xấu con đường xinh đẹp này. Rồi lớn lên, đi làm. Thỉnh thoảng tôi ngồi uống cà phê trên vỉa hè gần cổng trường Đại học Kiến trúc ở số 196 Pasteur.

Ở đó, tôi nghe một đàn anh hành nghề kiến trúc sư tốt nghiệp từ trước năm 1975 kể câu chuyện khó tin trong trường. Anh kể trường này có nhiều… ma mà sinh viên ở lại trường làm bài khuya thường “thấy”. Ma là phụ nữ ngồi ru con ở đầu tường gần khu nhà vệ sinh. Ma cụt giò chiếm phòng chấm bài. Cuối họa thất 1 có cô nữ sinh mặc áo dài trắng ôm cặp ngồi trên bàn vẽ đung đưa chân, khu khác còn chàng thanh niên thường thơ thẩn.

Bài viết đăng trên một diễn đàn cựu sinh viên kiến trúc kể rằng hồi lính Nhật chiếm Sài Gòn trước năm 1945 có đóng trụ sở ở đây, phía dãy nhà văn phòng và họa thất là khu chuồng ngựa, gần đó là phòng giam người. Người dân gần đó chứng kiến lính phát xít Nhật giết nhiều người ở đây nên có oan hồn uổng tử đi lởn vởn. 

Điều đáng tiếc nuối nhất với tôi là vườn hoa Vạn Xuân đối diện Đại học Kiến trúc phía bên trái ngay góc ngã tư Pasteur – Trần Quý Cáp mà những năm 1980 tôi còn thấy. Trước năm 1975, đối diện vườn hoa này ngoài Đại học Kiến trúc còn có trường tiểu học Trần Quý Cáp, phòng đọc sách thiếu niên Trung tâm Sài Gòn. Vạn Xuân là vườn hoa nhỏ, một trong hai vườn hoa đẹp ở Sài Gòn cùng vườn hoa Chi Lăng. Vườn có cây cối xanh tươi, phía xa có ngôi nhà kiểu thuộc địa sơn vôi màu vàng, được dân quanh đó gọi là Nhà đèn, cảnh trông như một vườn hoa ở nước Pháp trong tranh vẽ.

Trước năm 1975, đây là nơi nam sinh các trường  Lasan Taberd, Võ Trường Toản hay nữ sinh Marie Curie, Gia Long, Trưng Vương thích đến dạo chơi, có nhiều kỷ niệm thuở học trò. Từ thập niên 1980, vườn hoa này nhập vào khuôn viên nhà thi đấu thể thao Phan Đình Phùng nên bị xóa sổ. 

Vườn hoa Vạn Xuân nay không còn. Ảnh: TL

Tôi vẫn đi con đường này hằng ngày, thỉnh thoảng nhìn vào trụ sở Hội Mỹ thuật thành phố, ở ngôi nhà 218A. Ở đó, bỗng nhớ những dòng chữ của họa sĩ Hà Cẩm Tâm, học trường Mỹ thuật Gia Định ra, vẽ đẹp và viết nhiều bài rất hay trên trang Gió O. Tháng 4.1997, về thăm nhà sau 20 năm ở xứ người, ông sẵn dịp làm một cuộc triển lãm cá nhân tại Hội Mỹ thuật thành phố. Cuộc triển lãm kéo dài trong mươi ngày đầu tháng 6.1997 với 45 bức tranh sơn dầu vẽ tại Sài Gòn trong một tháng.

Trong bài Tưởng mất mà còn, ông nhắc đến nhà văn Dương Trữ La là bạn thân thiết: “Dương Trữ La ở phòng tranh chơi với tôi suốt buổi chiều. Ra ngồi uống cà phê vỉa hè đường Pasteur, tôi ngước mắt nhìn hai hàng cây trẻ thơ hai bên đường năm nào mà hôm nay đã thành những cổ thụ già như trong Ai xuôi vạn lý của Lê Thương. Chẳng nói nhiều với nhau, thỉnh thoảng chỉ nhắc lại kỷ niệm, bạn bè kẻ còn người mất, người chết kiểu này, kẻ sống kiểu kia, người ở lại, kẻ ra đi mịt mờ sương khói. Trong tâm thức, cả hai đều chung một con đường tuần cảm, một chấn động đầy vơi, một nỗi bàng hoàng, một niềm chua xót…”. Vài câu lay động lòng kẻ hậu sinh, tuy chưa bao giờ hân hạnh gặp và nay ông cũng đã mất. 

Kỷ niệm vụn về con đường nhắc lại mà thấy hơn 60 năm vèo qua quá nhanh trên thành phố này. 

Phạm Công Luận

Cô Gái Đi Tìm Hạnh Phúc

Tác giả: Amanda Chong Wei Zhen
Dịch giả: Trang Anh

Vài dòng về tác giả: AMANDA CHONG WEI – ZHEN 15 tuổi. Cô bé người Singapore của Trường nữ sinh Raffles – đã nổi lên thành một hiện tượng trong làng văn chương của đảo quốc này. Cô vừa đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi viết truyện ngắn (bằng tiếng Anh) của Khối cộng đồng Anh sau khi vượt qua hơn 5.300 truyện ngắn dự thi từ 52 quốc gia trong khối. Truyện ngắn Cô gái đi tìm hạnh phúc nói về sự mâu thuẫn thế hệ và mâu thuẫn giá trị trong một đất nước Singapore đang chuyển đổi nhanh chóng thành một quốc gia phát triển. Xin được nhắc lại, tác giả truyện ngắn này chỉ mới… 15 tuổi

* * *

Bà cụ ngồi ở băng sau chiếc xe mui trần đang băng băng trên xa lộ, ghì chặt bịch nilông trên áo như sợ một cơn gió đến cuỗm mất. Bà không quen với tốc độ cao như thế. Cánh tay run run siết lại chiếc dây an toàn, song bà vẫn lưu ý không để các ngón tay sần sùi chạm vào chiếc ghế da bóng lưỡng. Con gái bà đã dặn bà đừng làm bẩn ghế: “Má à, trên nền màu trắng dấu tay coi lộ liễu lắm đó”. Con gái của bà, Bee Choo, vừa lái xe vừa tuôn vào chiếc điện thoại di động màu bạc mảnh mai những từ ngữ to tát mà một bà cụ già giỏi lắm cũng chỉ hiểu được lờ mờ: “tài chính”, “thanh toán”, “tài sản”, “đầu tư”. Giọng nói của cô đanh, trầm và nghe là lạ. Bee Choo của bà ăn nói cứ như các cô gái nước ngoài trên truyền hình. Nó nói bằng giọng Mỹ cơ đấy. Bà cụ tặc lưỡi, vẻ phật ý. “Tôi dứt khoát không lấy. Bán quách nó đi!” – con gái bà giận dữ thốt lên, chân nhấn ga tăng tốc. Những móng tay cắt tỉa hoàn hảo bồn chồn bấu chặt vào tay lái. “Không giao dịch gì hết!” – cô quát lên, tắt máy di động rồi giận dữ quẳng nó ra băng sau. Chiếc điện thoại đập trúng trán bà cụ rồi trượt xuống vạt áo. Bà cụ lặng lẽ nhặt lên, chìa trả cho con gái. – Con xin lỗi má – cô ta nói, bỏ hẳn giọng Mỹ, chuyển sang giọng Quan Thoại – con có một khách hàng lớn ở Mỹ. Có nhiều chuyện lộn xộn lắm. Bà cụ gật đầu vẻ am hiểu. Con gái bà làm ăn lớn và rất quan trọng. Bee Choo nhìn mẹ qua kính chiếu hậu, tự hỏi không biết bà cụ đang nghĩ gì. Bộ mặt nhăn nheo của mẹ cô luôn mang cái vẻ khó hiểu nào đó.
Chuông điện thoại lại reo. Một âm thanh nhân tạo vui nhộn kiểu kỹ thuật số làm vỡ tan sự im lặng nặng trĩu. – Beatrice hả! Đúng rồi, Elaine đây. Elaine. Bà cụ nhăn mặt. Mình đặt tên nó là Elaine hồi nào đâu? Bà sực nhớ con gái bà có nói rằng một cái tên Anh là rất quan trọng cho việc “hòa mạng”, tên Trung Quốc người ta hay quên lắm. – Ồ, trưa nay tui gặp bồ không được đâu. Tui phải đưa bà cốt đi chùa làm mấy cái thủ tục lễ bái lẩm cẩm của bả. Bà cốt. Bà cụ hiểu rõ lắm chứ, ấy là nói về bà. Con gái bà cứ tưởng rằng bà không nói ra thì có nghĩa là bà không hiểu gì. – Ừ, biết rồi! Đệm xe tui sẽ lấm đầy tàn nhang chứ gì? Bà cụ dán mắt vào cặp môi cô con gái, tay bà bấu lấy bịch nilông đầy vẻ phòng thủ. Chiếc xe êm ả rẽ vào sân chùa. Trông nó có phần lòe loẹt bên sắc thái nhợt nhạt của nóc chùa cổ kính. Bà cụ bước ra khỏi băng sau, thả những bước không vội vã về phía chính điện. Con gái bà cũng bước ra khỏi xe trong bộ y phục doanh nhân và giày cao gót. Cô rảo bước theo mẹ, vừa quệt lại son môi. – Má, con đợi bên ngoài nhe. Con phải gọi điện thoại, có chuyện quan trọng lắm – cô nói, chẳng buồn che giấu sự ghê tởm mùi khói nhang. Bà cụ rón rén bước vào chùa, châm nén nhang. Bà cung kính quì xuống, lẩm nhẩm những lời cầu nguyện hằng ngày mà giờ đây bà đã thuộc làu làu. – Tạ ơn Trời Phật phù hộ độ trì cho con gái con mấy năm qua. Con cầu xin gì nó cũng đều được toại nguyện. Trẻ như nó mà đã có đủ mọi thứ trên đời. – Nó có một căn nhà lớn với cả bể bơi, còn có cả người giúp việc nữa vì nó hay vụng về lắm, chẳng khâu vá, cơm nước gì được cả. Chuyện tình duyên của nó cũng sáng sủa nữa. Nó đang yêu một ang moh (phương ngữ, chỉ người Kavkaz) giàu có và đẹp trai lắm. – Công ty của nó nay là công ty tài chính hàng đầu. Ngay đến đám đàn ông cũng phải tuân lệnh nó. Nó đang sống một cuộc đời hoàn hảo. Trời Phật đã ban cho nó mọi thứ, chỉ thiếu có mỗi hạnh phúc mà thôi. – Con cầu xin Trời Phật tha thứ cho nó dù nó có hơi mất gốc do mải mê chạy theo công danh. – Điều Người trông thấy không đúng chút nào đâu. Nó rất có hiếu với con. Nó cho con một căn phòng trong ngôi nhà lớn của nó. Nó cũng chu cấp đầy đủ cho con. Nó hơi hỗn với con là vì con làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của nó. Phụ nữ trẻ không muốn bị mẹ già quấy rầy. Đó là do lỗi của con mà ra.
Bà cụ cầu nguyện thành khẩn đến mức nước mắt bà ứa ra. Cuối cùng, bà cúi đầu lạy rồi cắm nén nhang cháy phân nửa vào chiếc lư chứa đầy tàn. Bà cúi lạy thêm một lần nữa.
Bà cụ đã cầu nguyện cho con gái suốt 32 năm nay rồi. Khi bụng bà tròn lẳn như trái dưa, bà đã đến chùa cầu xin một đứa con trai. Rồi khi ngày sinh đến, đứa bé trượt ra khỏi bụng của bà. Nó khóc ré lên trông thật đáng yêu với những bắp chân bù bụ, đôi má hồng hào, nhưng… đó là một bé gái, không lầm lẫn vào đâu được nữa rồi. Chồng bà véo bà, đấm bà vì bà đã sinh ra một đứa bé vô dụng, không thể làm việc cũng như bảo tồn dòng họ. Thế rồi người phụ nữ vẫn cứ trở lại chùa cùng với bé gái mới sinh bọc trong chiếc xà rông đeo trước ngực. Bà cầu nguyện cho con gái bà lớn lên sẽ có đủ mọi thứ mà nó muốn. Chồng bà đã bỏ bà và bà cầu nguyện cho con bà về sau sẽ chẳng bao giờ phải lệ thuộc vào đàn ông. Mỗi ngày bà cầu nguyện cho con bà trở thành một phụ nữ tuyệt vời, một phụ nữ mà chính bà không bao giờ vươn tới được do quá nhu mì và ít học. Một phụ nữ nengkan, tức có khả năng làm tất cả những thứ gì mình dự định. Một phụ nữ áp đặt sự ngưỡng mộ vào tận trái tim của mỗi người đàn ông. Khi con bé mở miệng nói, trân châu sẽ tuôn ra theo, và đàn ông sẽ phải lắng nghe nó. Nó sẽ không giống như mình, bà cụ vừa cầu nguyện vừa đắm đuối ngắm cô con gái đang ngày một lớn lên và tách xa khỏi bà, thường nói bằng một thứ ngôn ngữ mà bà khó khăn lắm mới hiểu nổi. Bà ngắm nghía con gái của bà chuyển từ một bé gái ngoan ngoãn thành một cô gái công khai thách thức bà, gọi bà là laotu (cổ hủ). Nó muốn mẹ nó phải “hiện đại”, một từ quá mới không có trong tiếng Hoa. Giờ thì con gái bà đã trở nên quá thông minh đối với bà và bà cụ tự hỏi cớ sao bà lại cầu xin như thế. Trời Phật đã luôn dễ dãi trước những lời cầu xin dai dẳng của bà nhưng của cải và công danh chảy vào như nước đã chôn đi cả cội nguồn của cô gái, và giờ đây cô đang đứng đó không khuôn mặt, không bản sắc, chỉ còn dính vào mảnh đất của tổ tiên bằng một sợi chỉ mong manh. Con gái bà đã quên mất các giá trị của người mẹ. Những điều nó muốn thật quá sức phù du… Những ước muốn của phụ nữ hiện đại. Quyền lực, của cải, các cửa hàng thời trang cao cấp… Thế mà con gái bà vẫn chưa thể tìm thấy được hạnh phúc thực thụ. Bà cụ biết rằng không cần có nhiều thứ như thế người ta vẫn tìm được hạnh phúc. Khi con gái bà từ giã cõi đời, tất cả những thứ mà nó có sẽ chẳng còn là gì nữa. Người ta sẽ nhìn lại những thành tích của nó và nói rằng nó là một phụ nữ tầm cỡ nhưng rồi nó sẽ bị quên lãng khi cơn gió đầu tiên lùa qua… giống như tro tàn còn lại của những chiếc xe mui trần và biệt thự bằng hàng mã.
Bà cụ mong sao nó sẽ quay đầu lại. Bà mong sao có thể xóa đi tất cả những hoài vọng lớn lao của mình và những lời cầu nguyện dành cho nó. Giờ đây bà chỉ còn mỗi một ước nguyện: làm sao cho con gái bà được hạnh phúc. Bà nhìn ra cổng chùa. Bà thấy con gái bà đang nói chuyện điện thoại, chân mày nó nhíu lại vì giận dữ và lo lắng. Trên đỉnh cao cũng chẳng phải tốt lành gì, bà cụ thầm nghĩ. Từ trên đỉnh thì chỉ có một con đường để đi: đi xuống. Bà cụ tỉ mẩn tháo bịch nilông rồi đổ ra trước bệ thờ một bịch bee hoon (mì bột gạo). Con gái bà thường chế nhạo bà chuyện cúng bái các vị Phật bằng sứ. Sao bà có thể khấn vái thành khẩn như thế và chờ đợi những mảnh sứ ấy bay đến giúp đỡ? Nhưng bản thân con gái của bà cũng có những vị thần của nó: những thần tượng của giàu sang, thành đạt và quyền lực mà nó lệ thuộc và thờ cúng mỗi ngày trong cuộc đời. Mỗi ngày là một sự truy tìm các thần tượng, và những thần tượng mà nó tôn thờ lại chẳng là gì cả so với vĩnh hằng. Tất cả những thứ mà con gái bà mong ước sẽ dần dần hút lấy sự sống bên trong nó, bỏ lại cho bà một chiếc vỏ sò vô hồn và rỗng tuếch trước bệ thờ. Bà cụ lặng ngắm những que nhang. Hơi nóng bốc lên những xà cột ọp ẹp có nguy cơ sụp đổ bất cứ giây phút nào. Phụ nữ hiện đại ngày nay, bà cụ thở dài nhẫn nhục khi cúi lạy lần cuối cùng về hướng đông để kết thúc buổi cầu nguyện. Phụ nữ hiện đại ngày nay muốn quá nhiều thứ đến mức đánh mất cả linh hồn rồi lại tự hỏi tại sao mình không tìm được nó. Que nhang của bà tan ra thành lớp tro xám mịn. Bà gặp lại con gái ở ngoài cổng chùa. Vẻ bồn chồn, thất vọng vẫn nguyên vẹn trên khuôn mặt nó. Một biểu lộ rỗng tuếch, cứ như nó đang đào xới mảnh đất của những thèm muốn để tìm kiếm hạt mầm của hạnh phúc. Hai mẹ con lẳng lặng leo lên chiếc xe mui trần, rồi cô gái đưa xe ra xa lộ, lần này không phóng nhanh như lúc đến. – Má à, – Bee Choo mở lời – con không biết nói sao với má đây. Mark và con đã bàn chuyện này rồi, tụi con định bán nhà lớn. Thị trường nhà đất đang có ăn thành thử tụi con muốn kiếm người bán nhà, cỡ 7 triệu (đôla Singapore – ND) là được. Tụi con định kiếm một căn hộ khang trang nào đó. Có một căn ở phố Orchard hạp ý con lắm. Khi nào về đó, tụi con sẽ cho con bé làm nghỉ việc để có chỗ rộng rãi hơn… Bà cụ gật gù vẻ am hiểu. Bee Choo khó nhọc nuốt nước miếng.

  • Tụi con sẽ mướn người tới dọn dẹp và ăn uống ở ngoài, thế là ổn. Nhưng con bé làm nghỉ rồi thì không có ai chăm sóc má. Má ở nhà một mình chắc là buồn dữ lắm. Với lại căn hộ cũng chật chội nữa. – Tụi con suy nghĩ chuyện này lâu lắm rồi. Tụi con nghĩ tốt nhất là má đến sống ở chỗ mới. Có một căn nhà gần Hougang, một căn nhà của Giáo hội Công giáo. Nhà này tốt lắm, má à. -Bà cụ không hề ngước mặt. – Con đã đến đó rồi. Bà quản lý nói bả sẵn sàng nhận má. Nhà này vừa đẹp vừa có vườn tược, lại có cả đống người già để làm bạn với má! Con đâu có nhiều thời gian để gần gũi má, ở đó thế nào má cũng vui hơn. “Ở đó má vui hơn thật mà,” cô gái lặp lại như để khẳng định với chính mình. Lần này bà cụ không còn bịch nilông đựng thực phẩm nào để mà ghì chặt trên áo nữa rồi. Bà bặm môi siết lại dây an toàn, cứ như nó bảo vệ được bà trước cô con gái đang muốn tống khứ bà đi.
    Bà ngồi ngập vào trong chiếc ghế da, mặc cho đôi vai thõng xuống và các ngón tay in dấu trên lớp bọc ghế trắng muốt. – Má? – con gái bà cất tiếng gọi, tìm kiếm bà qua chiếc kính chiếu hậu – Má ổn không vậy má? Điều gì phải đến đã đến. – Ổn mà – bà cụ nói chắc nịch, giọng bà lớn hơn bà dự định – nếu điều đó làm con hạnh phúc – bà hạ giọng nói thêm. – Việc này là cho má cơ mà, má! Ở đó má sẽ hạnh phúc hơn. Mai má đến đó nhé! Con đã biểu con bé làm gói ghém đồ đạc cho má rồi – Elaine phấn khởi nói, chưa gì mà đầu óc đã hướng đến một đề mục mới trong lịch trình của cô. – Con biết mọi chuyện sẽ ổn thôi mà. Elaine toét miệng cười, cô cảm giác như vừa được giải thoát. Có thể việc tống khứ bà mẹ sẽ giúp cô hạnh phúc hơn. Cô đã từng nghĩ đến điều đó. Hình như bà cụ là chướng ngại duy nhất trên con đường truy tìm hạnh phúc của cô. Giờ thì cô thấy sung sướng lắm. Cô đã có mọi thứ mà bất kỳ người phụ nữ hiện đại nào cũng thèm muốn: tiền tài, địa vị, công danh, tình yêu, quyền lực… và bây giờ là tự do, không có bà mẹ và không có những lề thói cổ hủ khiến cô bị luôn khó chịu. Phải, cô đã tự do! Chiếc điện thoại reo lên, khẩn trương. Cô nhấc nó lên và đọc mẩu tin nhắn. “Thị trường chứng khoán tăng 10%!”. Tuyệt! Với cô, rõ ràng là mọi việc đang bắt đầu đi lên… Và trong khi cô tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời qua ánh sáng chiếc màn ảnh điện thoại, bà cụ ngồi ở băng sau đã trở nên vô hình, và cô đã không thể trông thấy những giọt nước mắt của bà.

NỢ MỘT ĐỀU KHÔNG NÓI

Quan Dương

 

Hình phía trên là cỗng quân trường Đồng Đế Nha Trang. Hình phía dưới chụp ngày 07/07/70 là ngày mãn khoá 6/69 của chúng tôi. Đội hình các tân sĩ quan sau khi được gắn lon chuẩn uý đang chuẫn bị đi diễn hành cuối khoá trước khi từ giã quân trường để ra mặt trận.

Quân trường Đồng Đế là nơi huấn luyện cấp hạ sĩ quan cho Quân lực VNCH. Bắt đầu 1968 sau vụ tổng tấn công tết Mậu Thân của việt cộng mà phía Hà Nội đứng phía sau, chính phủ nước Việt Nam Cộng Hoà phía nam đã ra lệnh tổng động viên. Vì thế trường được khuếch trương để đảm nhiệm thêm đào tạo sĩ quan trừ bị cho quân lực.
Quí bạn có để ý phía sau cỗng quân trường in đậm trên bầu trời là dãy núi với hình dạng của một người con gái nằm xoã tóc. Đó là núi Cô Tiên mà vào những đêm trăng nằm ứng chiến ở vũ đình trường hình người thiếu nữ hiện rõ trên vòm trời đã tạo cho trong tôi có nhiều cảm xúc vô cùng khó tả . Dưới chân dãy núi có một ngọn thấp hơn tên Hòn Khô. Trên đỉnh núi này có một bức tượng nghe nói được một khoá sinh hạ sĩ quan nguyên là một điêu khắc gia thực hiện vào những năm có khoá hạ sĩ quan đầu tiên của quân trường Đồng Đế. Bức tượng được dùng xi măng đúc với hình dáng của một người lính đứng trong tư thế thao diễn nghĩ cùng khẩu garand M1 sơn màu trắng. Bức tượng cao 25 mét nên bất cứ ai ngồi trên xe đò từ Ninh Hòa vô Nha Trang trên quốc lộ 1 khi xổ hết dốc đèo Rù Rì từ ngoài đường đều có thể nhìn thấy. Sau khi có bức tượng đó thì xuất hiện hai câu thơ “ Anh đứng ngàn năm thao diễn nghĩ . Em nằm xoã tóc đợi chờ ai “ truyền khẩu cho mãi đến bây giờ
Tôi theo học khoá 6/69 SQTB Nguyễn Viết Thanh nên tôi không biết những khoá trước tôi hay sau tôi trong ngày làm lễ gắn alpha thế nào. Chứ riêng khoá tôi thì tất cả khoá sinh dự bị sĩ quan đều thức dậy từ tờ mờ sáng để thực hiện một cuộc hành quân có tên gọi là “chinh phục hòn Khô“ . Nghĩa là chúng tôi với ba lô súng đạn đầy đủ bắt đầu dưới chân núi và đi dọc theo sườn đồi quanh co suốt một ngày ròng rã với mục tiêu cuối cùng là bức tượng người lính đứng thao diễn nghĩ. Chúng tôi phải thực hiện thủ tục sờ tay vào chân tượng như để nhận sự uỷ thác và ký gửi hứa hoàn thành tiếp đoạn đường chiến binh sẽ phải đi. Sau đó thì súng cầm tay hô to xung phong rồi chạy thẳng từ trên đỉnh xuống để làm lễ gắn alpha. Với chiếc ba lô nặng ít nhất 20 ký trên lưng sau một ngày lội rừng mồ hôi đã đổ ra không biết bao nhiêu lít mà kể, chúng tôi đứa nào đứa nấy đều muốn hộc xì dầu. Lễ gắn alpha luôn tổ chức vào ban đêm dưới ánh đuốc. Sau khi được gắn alpha chúng tôi mới được trở thành sinh viên sĩ quan, chứ trước đó thì tên gọi của chúng tôi là khoá sinh dự bị sĩ quan. Ngày đầu tiên trở thành sinh viên sĩ quan chúng tôi có 8 giờ phép ra phố ngoài áo quần ủi hồ thẳng thóm giày bóng lưỡng có thể nhe thấy răng còn phải kèm theo những điều luật cấm như sau:
– nếu đi xe đò hoặc xe lam đều phải ngồi trước với tài xế chứ không được ngồi sau. Nếu đón chiếc xe nào mà đã có người dành hai chỗ đó rồi thì ráng đợi chiếc sau.
– Nếu có vô rạp xem phim thì mua vé hạng nhất tệ lắm là hạng nhì nếu không đủ tiền thì khỏi xem.
– Khi bước vô quán ăn hay quán cà phê phải chào tay bảng hiệu của quán. Và khi ngồi trong quán thì phải chọn ghế hướng mặt nhìn ra đường (tôi nhớ lần bước vô quán pate chaud sữa đậu nành ở góc đường Độc Lập – Công Quán Nha Trang tôi đưa tay chào bảng hiệu bị mấy cô áo trắng bụm miệng cười chọc quê, kể từ đó tôi sợ luôn con gái Nha Trang)
– Nếu đi chung với phái nữ thì đi bên cạnh không được nắm tay và ngực phải ưỡn thẳng phía trước không được ngó láo liên (sau này tôi có quen một cô và áp dụng luật này kết quả cô bạn đó gài số de vì chê cù lần)
Năm 70 tôi ra trường được thuyên chuyển về Darlac. Khỏi phải nói, ai cũng biết đó là vùng cao nguyên với núi và rừng. Tôi sống trong rừng nhiều hơn sống dưới đồng bằng nên tha hồ mà lội. Lội rừng suốt năm suốt tháng như vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ Hòn Khô ở Đồng Đế với dãy núi cô gái nằm xoã tóc và người lính ngàn năm thao diễn nghĩ. Chiến tranh ở ngay trước mặt, tôi không được phép thao diễn nghĩ nên vẫn còn hoài thắc mắc không biết cô gái đợi chờ ai với tháng năm dài phơi sương cùng tuế nguyệt. Chắc chắn là không phải đợi chờ tôi bởi vì theo dòng lịch sử đẩy tôi đi về phía trước thì hình bóng cô gái xoã tóc ấy khuất nẽo lại phía sau. Tôi loay hoay bì bõm giữa hai dòng đẩy sém chết mấy lần. Tôi chưa được chết cho nên không có kinh nghiệm nói về điều đó, nhưng tôi đã từng được sống và trên thế gian này nếu sống chỉ là một sinh hoạt theo nhu cầu ngày hai buổi và cứ thế tiếp diễn đến ngày nằm xuống gọi là chết thì sống và chết có gì khác nhau ? Vì thế cái chết chưa chắc hẳn đã là điều phải sợ. Riêng tôi giả dụ như nếu trong tâm lý có sự hiện diện của trạng thái sợ chết chẳng qua tôi còn thèm sống để nuôi một hy vọng nhỏ nhoi đó là đất nước tôi sẽ được chuyển mình.
Cuối cùng từ một người lính tôi trở thành một người tù, tôi không còn bì bõm bơi trên dòng chinh chiến nữa mà bơi qua biển Thái Bình Dương trở thành người biệt xứ. Giờ đây sau những giây phút an bình hạnh phúc hay những lúc gian nan khốn nhục hình ảnh người lính đứng trên đỉnh Hòn Khô ở Đồng Đế Nha Trang vẫn lừng lững xuất hiện trong giấc mơ, bắt nhịp từ bờ dĩ vãng bước qua bến tương lai. Tôi vẫn phải tiếp tục bước đi cho dù đi cà nhắc.
Ngày xưa thuở còn đi học thầy dạy té từ chổ nào thì đứng dậy từ chổ đó, nhưng giờ đây từ nơi tôi đứng dậy hành trang đầy nặng trĩu hình bóng của quê nhà. Tôi còn đang mệt mỏi khom mình thì một cái vèo như chớp mắt, người lính năm nào nay đã là một lão già đang chờ Nam Tào điểm danh đến lượt mình.
Từ khi đặt tay chạm vào chân bức tượng người lính trên đỉnh Hòn Khô nhận lời uỷ thác của tổ quốc giao cho mà không chu toàn nhiệm vụ. Xem như tôi vẫn còn mắc nợ tổ quốc tôi một điều chưa nói.
Núi kết núi dáng em nằm xõa tóc
Đợi chờ ai mà năm tháng mõi mòn
Thành phố biển cùng em trong tiềm thức
Ta nhớ mình còn có một Nha Trang
Nha Trang với cánh chim trời bay lạc
Vào hồn ta hót tiếng hót nhẹ nhàng
Chia tóc em thành hai bờ trái đất
Nửa ở bên này nửa ở cố hương
Nửa ở bên này dòng sông em chảy
Len êm đềm qua ngõ ngách đời ta
Có chuỗi nắng ai xâu từ ký ức
Đeo nụ hôn lên gò má trắng ngà
Có giọt biển xưa chạy vòng khoé mắt
Như bóng hoàng hôn quanh quẩn nỗi sầu
Từ New Orleans ngồi nhớ về cổ tháp
Nối nụ buồn vào mắc xích hư vô
Chiều xa xứ vàng hồn ai vật vã
Rót thời gian xuống dòng nước xanh trong
Con đường cũ hỏi khi nào trở lại
Để bao giờ biển mặn được vầng trăng
Mơ một giấc mơ về một thành phố
Cổng nhà ta xưa dĩ vãng chứa đầy
Có tiếng guốc em đi từ một buổi
Cùng lời thề ước nguyện ở đâu đây
Cuộc sống vốn có nhiều điều khác biệt
Cuộc đời ta và em chẳng giống nhau
Ta có một tuổi thơ đầy khánh kiệt
Tuổi thơ em dòng sữa ngọt ca dao
Ta trải qua thời chiến tranh gian khổ
Thành trái cây lột vỏ vứt ngoài đường
Em là giọt sương bón ta nhú rễ
Nứt xuân thì trên cuối biển đầu non
Rừng hành quân xưa mùa này sim nở
Nghe bên tai tiếng bìm bịp kêu chiều
Nỗi thấm đó giải thích sao em hiểu
Dĩ vãng của ta buồn như tương lai
Mưa xuống núi trôi Nha Trang ra biển
Xưa bày em môn đánh lưới ái tình
Tay lớ ngớ bủa ra ngoài vô vọng
Mõi mắt trông vời đã mấy mươi năm
Ta mắc nợ em một điều không nói
Lịch sử đi qua phá sản ngôn từ
Đêm chắc lưỡi tiếng thạch sùng quá khứ
Nếu có luân hồi xin hẹn kiếp sau
.
Quan Dương

Chỉ Còn Là Kỷ Niệm

Để tưởng nhớ hai em – Nguyễn Phiêu Linh, Hồ Quang Trung – và kính tặng tất cả
Cựu SVSQ/TB/TĐ khóa 6/68 và khóa 4/68

Dù ngày xưa bạn cùng lớp đã “xầm xì” rằng “hắn” hoạt động cho Việt Cộng, tôi cũng không tin; vì – với trí óc non nớt của một nữ sinh trung học cùng với bản tính ngay thẳng, lương thiện – tôi nghĩ, nếu “hắn” thích Việt Cộng thì “hắn” ở lại ngoài Bắc chứ “hắn” theo gia đình di cư vào Nam để làm gì!

Mấy mươi năm sau tôi mới biết, sau khi đỗ Tú Tài II, “hắn” được sang Pháp du học và hiện nay “hắn” đang giữ một chức vụ quan trọng trong guồng máy đầy ác tính của Cộng Sản Việt-Nam.

Nhìn hình của “hắn” và đọc bảng tin báo trong nước viết về “hắn”, tôi ngồi bất động. Những thành tích nội tuyến và phản chiến của “hắn”, ngày xưa,  và bằng cấp của “hắn”, hiện tại, không hiểu có chinh phục được ai hay không; nhưng đối với riêng tôi, tôi hoàn toàn không muốn bị nhận là người bạn xưa của “hắn” dưới mái trường Võ Tánh.

Đối với tôi, từ ngày mới lớn cho đến bây giờ, khi nghĩ về nam giới, hình ảnh tôi ngưỡng phục nhất là chàng trai trong quân phục; và hình ảnh tôi yêu thích nhất là chàng trai với cây đàn.

Nhìn hình của “hắn” một lúc, tự dưng nước mắt của tôi nhạt nhòa mà tôi không hiểu nguyên nhân. Một lúc sau, qua màn nước mắt, tôi không thấy hình của “hắn” nữa nhưng tôi lại tưởng như tôi thấy được những người bạn ngày xưa cùng học trường Võ Tánh như: Đặng Hữu Thân, “dân B1”; Ngô Đắc Phú, Lưu Khương Đức “dân B4”; Võ Ấm, “dân B3”;  Nguyễn Đình Tân,  “dân B2” v. v… Trong những hình ảnh vừa hào hùng, vừa thân thương vừa bi thảm của những thanh niên miền Nam đã gục ngã trong cuộc chiến do Cộng Sản Việt-Nam chủ xướng, tôi nhận ra Chú của các con tôi: Thiếu Úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung, xuất thân khóa 4/68 sĩ quan trừ bị Thủ-Đức.

Trung cao dong dõng, đẹp trai, tính tình hiền hòa, nhã nhặn và có ngón đàn Tây Ban Cầm rất nhuyễn. Khi nào về phép Trung cũng ghé thăm tôi. Thỉnh thoảng Trung ôm Guitar, “từng tưng” vài đoản khúc bán cổ điển cho tôi nghe. Đôi khi nghe Trung đàn những bản tôi thích, tôi cũng “la là la” và gật gù theo tiếng đàn. Tình khúc Trung thích nhất là Mấy Dậm Sơn Khê của Nguyễn Văn Đông. Tôi thường “ngân nga” theo và tôi đổi chủ từ cũng như túc từ để thích hợp cho tình cảnh giữa chị em tôi: “Em đến thăm, áo em mùi thuốc súng ngoài mưa khuya lê thê … Em đến đây rồi em như bóng mây…Em hỡi em, đường xa vui đấu tranh, giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” Vừa “nghêu ngao” hát vừa nhìn bộ quân phục hoa rừng của Trung tự dưng tôi cảm thấy nao nao trong lòng một niềm ray rức!

Trước khi trở lại đơn vị, Trung cũng thường ghé nhà từ giã tôi. Không thể giấu sự lo âu khi Trung bảo đơn vị của Trung sẽ được điều động về Bình-Long, An-Lộc, tôi khuyên: “Chú cẩn thận”. Trung cười: “Em không can chi mô. Chị đừng có lo.” Nhìn dáng Trung xa dần, tôi chợt liên tưởng đến em tôi: Thiếu úy Pháo Binh Nguyễn Phiêu Linh, xuất thân khóa 6/68 Trường Bộ Binh Thủ-Đức, đang biệt phái cho mặt trận Đức-Lập. Tôi âm thầm cầu nguyện cho Trung và Linh.

Một sáng mùa Hạ năm 1972, chiếc Jeep dừng ngay trước nhà tôi rồi một quân nhân Biệt Động Quân đẩy cổng, bước vào, gõ cửa.

Tôi hơi mất bình tĩnh. Bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân bước vào. Tôi nhìn quân nhân này, run giọng: “Thiếu úy Trung… làm sao rồi, anh?” Quân nhân này vẫn trầm tĩnh: “Thưa bà, thiếu úy Trung bị thương, đã được trực thăng đưa về bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.” Tôi bớt xúc động ngay: “Dạ, cảm ơn anh. Tình trạng của chú Trung như thế nào ạ?” Anh đáp rất thật: “Tôi không rõ lắm; vì tôi không có mặt khi đơn vị của thiếu úy Trung đụng trận và tôi cũng chưa đến bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.” Không kịp từ giã người đưa tin, tôi cảm ơn anh một lần nữa rồi vội lách người qua cửa để chạy vào báo tin cho Mạ (Mẹ) và Hà – vợ của Trung.

Mạ ngồi sững như pho tượng trong khi Hà khóc nức nở khiến hai đứa con của Trung cũng òa lên khóc. Vừa dỗ dành con Hà vừa khóc vừa lấy vài thứ cần dùng cho vào xách. Mạ ngạc nhiên: “Sửa soạn đi mô rứa?” Hà khóc lớn hơn: “Con đi thăm chồng con”. Mạ ngăn lại: “Biết cái chi mà đòi đi. Để nhờ chị Hai hắn ra coi tình trạng hắn ra răng rồi tính.” Quay sang tôi, Mạ bảo: “Chao ôi! Thiệt là khổ! Anh Minh của hắn không có ở nhà, chừ con coi giúp Mạ được chi thì con giúp, nghe. Con quen ai bên Biệt Động Quân thì con xin cho hắn về hậu cứ chứ hắn bị thương mà hắn trở ra mặt trận Mạ sợ quá, con ơi!”

Tại bệnh viện dã chiến, thấy mặt và tay chân của Trung vẫn nguyên vẹn, tôi thầm mừng. Tôi dặn Trung: “Chú chịu khó chờ. Mai tôi sẽ đưa các cháu đi Bến-Lức thăm anh Minh. Tôi sẽ hỏi anh Minh xem anh Minh quen ai bên Biệt Động Quân…” Tôi chưa dứt câu, Trung đã nhìn tôi, nghiêm nét mặt: “Chị đưa các cháu đi thăm anh Hai thì chị đưa; còn anh Hai quen ai bên Biệt Động Quân để làm chi, chị Hai?” Lần đầu tiên từ ngày làm vợ của Minh tôi mới nghe Trung nói chuyện với tôi một cách cứng rắn và nghiêm nghị như vậy. Tôi không thể nói dối: “Ý Mạ muốn xin cho chú về hậu cứ.” Trung nhìn thẳng tôi: “Chị Hai! Em tình nguyện về Biệt Động Quân không phải với mục đích để làm việc tại văn phòng. Em có trách nhiệm, em có bổn phận, em có đơn vị của em.” Tôi lúng túng: “Chú giận tôi, phải không? Tôi xin lỗi.” Nét mặt của Trung dịu lại: “Đời mô em dám giận chị. Em chỉ hơi bực mình vì em đã không muốn cho Mạ, Hà và chị biết tin em bị thương; rứa mà đứa mô thày lay…” May quá, vì lúc sáng vội vàng, tôi không để ý tên người lính Biệt Động Quân đưa tin cho nên tôi không cảm thấy bị khó chịu vì không nói ra sự thật. Trung nhìn đồng hồ tay, tiếp: “Chiều rồi, chị nên đi về kẻo mấy cháu trông.”

Hôm sau, sau khi đưa các con đến Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức, tôi mới được sĩ quan trực cho biết Minh đi hành quân, chiều mới về. Như thường lệ, mỗi khi đến với đơn vị Hải-Quân, tôi thích thay y phục dân sự bằng quân phục thủy thủ. Vừa mang đôi ba-ta xong, tôi nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa, tôi thấy chú tài xế của Minh. Chú ấy nói: “Cô cho em đưa mấy đứa nhỏ ra bãi đáp trực thăng đón Chỉ Huy Trưởng, nha, cô.” Tôi chưa biết đáp như thế nào thì nghe tiếng bốn đứa con của tôi – ngồi sẵn trên xe Jeep – reo lên: “Măng! Măng! Cho tụi con đi đón Ba, nhen, măng.” Tôi chỉ biết cười, vẫy tay rồi đóng cửa lại.

Chỉ một chốc sau, tôi nghe tiếng xe thắng “két” rồi cửa phòng mở toanh và con gái lớn của tôi hớt hãi chạy vào: “Măng! Măng! Trực thăng… rớt rồi!” Tôi hoảng hốt chạy vội ra cửa thì thấy chú tài xế đang ôm ba đứa con của tôi như thể trấn an. Và, tôi thấy, từ khắp mọi nẽo đường của Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức mọi người chạy ùa về hướng cầu tàu. Tôi chạy theo dòng người, bỏ mặc các con tôi.

Tiếng xe hồng thập tự từ ngoài cổng gác vọng vào. Mọi người rẻ sang hai bên, nhường lối. Xe cứu thương từ từ “de” lui về hướng bờ sông. Một chiếc ghe câu cặp bến. Vì đứng xa, tôi không thể thấy được những người trong lòng ghe. Mỗi khi chiếc băng-ca khiêng một người – không phải là Minh – đi ngang, tôi cảm thấy như tôi sắp quỵ xuống; vì tôi ngại Minh đã chết hoặc mất tích trong dòng sông sâu. Trong khi tôi tưởng như sự chịu đựng trong tôi đã cạn kiệt thì bỗng dưng, từ bờ sông, một anh thủy thủ vừa vội vàng chạy về phía tôi vừa reo lên: “Cô ơi, cô! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi!” Vài người quay nhìn tôi rồi dạt ra hai bên, tránh lối cho tôi. Tôi bước ra vừa khi chiếc băng-ca có Minh nằm bên trong được khiêng về hướng chiếc xe cứu thương. Tôi chạy theo, thấy máu nhuộm ướt mặt Minh. Khi xe cứu thương rồ máy, tôi tự động leo vào. Nhìn lui, tôi thấy chú tài xế của Minh chở các con tôi chạy theo.

Trên chuyến trực thăng tải thương từ bệnh viện Long An về bệnh viện Cộng Hòa, tôi tự hỏi không hiểu trái tim của Mạ còn đủ chỗ để chấp nhận thêm tin Minh bị thương hay không!

Sau khi y tá đưa Minh vào phòng Điện Tuyến, tôi thấy một bác sĩ đi về phía tôi. Tôi vui khi nhận ra đó là bác sĩ Vĩnh. Sau vài câu thăm hỏi về gia đình, Vĩnh hỏi tôi nguyên do nào Minh bị thương nặng như vậy. Tôi thầm ngạc nhiên vì Vĩnh tỏ ra bặc thiệp và nói nhiều hơn xưa. Tôi bảo Minh bị rớt trực thăng. Vĩnh tròn mắt: “Hải-Quân mà lại bị rớt trực thăng?” Tôi cười như mếu: “Dạ, anh ấy đi thanh tra những điểm đỗ quân.” Vĩnh lại hỏi: “Minh làm gì mà đi thanh tra?” Tôi đáp: “Dạ, anh ấy là chỉ huy trưởng Liên Đoàn I Ngăn Chận kiêm chỉ huy trưởng một đơn vị Đặc Nhiệm của Lực Lượng Tuần Thám.” Vĩnh cười tinh nghịch: “Bỏ đàn bỏ hát để nghiên cứu về Hải-Quân hay sao mà biết nhiều quá vậy?” Tôi cười gượng, chưa kịp đáp thì thấy chú tài xế của Minh vừa đưa các con của tôi từ Bến Lức về tới. Tôi cáo từ Vĩnh để ra xe với các con tôi.

Tôi nhờ chú tài đưa các con tôi về nhà, nhờ bà giúp việc lo cho các cháu. Trước khi xe nổ máy, tôi chợt nhớ, vội dặn chú tài đừng cho Mạ biết tin Minh bị thương, ngại Mạ lo. Xoay sang các con, tôi cũng dặn như vậy. Các cháu ngạc nhiên: “Măng biểu tụi con không được nói láo mà!” Hơi lúng túng một lúc tôi mới tìm ra giải pháp: “Thôi, được rồi. Mấy con không được vô nhà bà Nội. Khi nào bà Nội hoặc các cô chú hoặc thiếm Trung ghé nhà mình thì mấy con phải chạy ngay lên lầu, không được gặp bà Nội, thiếm Trung hoặc các cô chú. Chịu chưa?” Nét mặt của các con tôi tiu nghỉu, buồn xo.

Suốt thời gian dài thăm nuôi Minh, tôi vẫn chưa cho Minh biết tin Trung bị thương. Và tôi cũng không có thời gian để ra Vũng-Tàu thăm Trung.

Một hôm, đang sửa soạn các thứ cần dùng để đem lên bệnh viện Cộng Hòa cho Minh, tôi thấy Trung bước vào nhà. Tôi ngạc nhiên. Trung bảo bác sĩ cho Trung xuất viện và Trung từ chối mấy ngày phép dưỡng thương; vì đơn vị của Trung bị “tụi hắn quần thảo liên miên!” Nhận ra nét ái ngại của tôi, Trung – trong quân phục Biệt Động Quân, giày trận, mũ nâu – đứng thẳng, cụp hai chân trong thế nghiêm rồi ưỡng ngực, bảo: “Em ‘ngon lành’ như ri mà chị lo cái chi?” Tôi cười rồi cho Trung biết Minh bị thương. Trung ngồi lặng yên, nhíu mày suy nghĩ rất lâu rồi bảo: “Chị Hai! Em chỉ đủ thì giờ ghé thăm Mạ, thăm chị và vợ con em rồi em phải trở ra đơn vị ngay. Em không thể ghé thăm anh Hai.” Nói xong Trung vội vàng từ giã tôi.

Tiễn Trung ra cổng, nhìn chiếc mũ nâu của Trung chập chờn, khi ẩn khi hiện trong dòng người, tôi cảm nhận được niềm hãnh diện hòa lẫn với nỗi lo âu trong lòng tôi!

Niềm lo âu trong tôi về sự trở lại chiến trường Bình-Long của Trung cũng không khác mấy so với sự ái ngại của tôi khi biết Minh – sau khi xuất viện và nghỉ bảy ngày phép dưỡng thương – được lệnh phục vụ trên Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải, HQ 2, để thực tập làm Hạm Trưởng; vì tôi hiểu Minh chịu sóng không được!

Trong thời gian âu lo cho Trung và Minh, tôi quên bẳng Nguyễn Phiêu Linh. Như để nhắc nhở sự vô tình của tôi, một nhân viên truyền tin từ Bộ Tư Lệnh Hải-Quân đến nhà, đưa tin: “Thưa bà! Ông Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng Ty Nội An thị xã Cam-Ranh, nhờ Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Cam-Ranh chuyển tin đến bà là thiếu úy Nguyễn Phiêu Linh đã mất tích ở mặt trận Đức-Lập!” Tôi há hóc mồm, nhìn sững người đưa tin, không thốt được một lời!

Sau một thoáng khủng hoảng tinh thần, tôi quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tác. Tôi cứ thành tâm cầu nguyện Phật Bà mỗi ngày, mỗi đêm. Như một sự linh nghiệm từ Phật Bà, khoảng một tuần sau, tôi nhận được điện tín của Ba tôi: “Linh bị Việt Cộng bắt. Linh đã vượt thoát về trình diện đơn vị.” Tôi lại quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật, âm thầm tạ ơn Phật Bà.

Thời gian này – mùa Hè năm 1972 – Vùng I, Vùng II và Vùng III Chiến Thuật chìm ngập trong khói lửa, vì những trận tấn công quy mô và ác liệt của Việt Cộng. Chỉ có Vùng IV tương đối bình yên.

Theo dõi tin tức qua báo chí, radio và TV, tôi rất lo âu cho Trung và Linh. Vì đơn vị của Linh thuộc Vùng III chiến thuật; đơn vị của Trung lại gần vị trí của Tướng Tử Thủ Lê Văn Hưng. Theo dõi tin tức, biết Bình Long – An Lộc mỗi ngày phải “nhận” không biết bao nhiêu ngàn quả đại pháo của Việt Cộng, tôi xốn xang và âu lo cho người em chồng mà tôi thương như em ruột của tôi!

Rồi một sáng sớm, chiếc Jeep dừng trước nhà, một quân nhân mặc quân phục Biệt Động Quân bước vào. Như linh cảm được điều gì đó, tôi run quá, đứng xa xa để bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân nhìn tôi: “Thưa, bà có phải là bà Minh không ạ?” Nhìn nét mặt nghiêm và đôi mắt của anh Biệt Động Quân như ẩn chứa điều gì rất khó tả, tôi cảm biết rằng tôi không thể đứng vững được cho nên tôi dựa vào tường, vừa bước dần về ghế xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân vừa gật đầu. Như nhận biết sự xúc động tột cùng của tôi, anh Biệt Động Quân đến bên tôi: “Bà bình tĩnh. Bà ngồi vào xa-lông đi”. Vừa ngồi vào xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân, môi tôi run và trệ xuống như sắp khóc, tôi hỏi từng tiếng: “Thiếu úy Trung tử trận rồi, phải không?” Anh Biệt Động Quân đứng im, cúi mặt…

Tiếng xe Jeep rồ máy khiến tôi choàng tĩnh. Tôi hiểu rằng tôi phải bình tĩnh, phải dồn tối đa nghị lực để giúp Mạ và Hà vượt qua cơn đau này! Tôi biết, nếu, ngay giờ phút này, tôi vào cho Mạ và Hà hay tin Trung tử trận thì không thể nào tôi đủ sáng suốt để làm bất cứ điều gì cho Trung khi quang tài của Trung được đưa về! Tôi quyết định sẽ tin cho Mạ và Hà biết sau khi tôi lo xong vài việc quan trọng cho Trung.

Tôi sang Bộ Tư Lệnh Hải-Quân, nhờ trung tâm Truyền Tin thông báo cho HQ 2: “Em ruột của Hải-Quân trung tá Hồ Quang Minh là thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung đã tử trận tại Bình-Long”. Sau đó tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm xin nghi thức tụng niệm và nơi quàng quang tài của Trung. Và tôi ghé nhà người anh của Cố thiếu úy Võ Ấm. Anh này là chánh văn phòng của một nhân vật đầy uy quyền. Tôi nhờ anh xin cho Trung một phần mộ trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Trên những đoạn đường lo việc hậu sự cho Trung, trong tâm tôi đã sắp sẵn một bài viết về Trung.

Nếu trên đời, trong địa hạc văn chương, có điều gì tôi hối tiếc nhất, thì đó là bài tôi viết cho Hồ Quang Trung, đăng trên báo Tia Sáng, mà nay tôi chỉ nhớ được câu cuối cùng: “Từ nay, chị sẽ tìm hình bóng em qua nhân dáng oai hùng của Người Lính Mũ Nâu!”…

… Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng buồn thảm, chợt điện thoại reng, đưa tôi trở về hiện tại. Tôi “Allo”. Từ đầu giây bên kia, giọng nam, nói tiếng Anh:

– Chúc mừng ngày của Mẹ.

Tôi cũng đáp bằng tiếng Anh

– Cảm ơn. Xin lỗi, ai đây?

– Tôi là người bị bà dọa gọi cảnh sát bắt đây.

Tôi giật mình, nhớ lại cách nay vài hôm, trong buổi chiều đi bộ tập thể dục, điện thoại cầm tay của tôi reng hoài mà khi mở ra, “allo”, thì không ai trả lời. Nghĩ rằng có người phá cho nên tôi bực mình, nói tiếng Anh: “Làm ơn đừng gọi số này nữa. Nếu gọi một lần nữa, tôi sẽ lấy số điện thoại của bạn rồi tôi sẽ thưa cảnh sát.” Tôi đáp:

-Vâng, tôi có nói như vậy; vì tôi không biết ông là ai mà cứ gọi phá tôi nhiều lần.

Đầu giây bên kia phát âm tiếng Việt:

-Tại điện thoại của tôi bị trục trặc chứ ai phá …bà làm chi.

Tiếng “bà” và giọng Huế khiến tôi nhận ra đây là Toàn, tác giả nhiều tác phẩm tình cảm xã hội và nhiều thước phim chiến trường. Toàn cũng là bạn thân của Minh từ xưa. Ngày xưa Toàn dạy tại trường Cường Để, sang Mỹ Toàn học lại và tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa. Tôi cười:

-Dạ thưa Thầy.

-Sao? Thằng bạn già của tôi sao rồi?

– Dạ, ổng dạo này sướng lắm Thầy ơi! Người ta “sáng vác ô đi, tối vác về”; còn ổng thì sáng xách xe đi, tối xách xe về.

– Còn bà, đang làm gì đó?

– Dạ, em đang đọc tin tức về Việt-Nam.

– Bà có gì lạ không?

– Dạ, em sắp đi Cali. Còn Thầy đang ở đâu?

– Tôi đang ở D.C. thăm con và lo vài chuyện, 3 tuần nữa mới về Cali. Bà đi Cali. có việc gì?

– Dạ, em tham dự Hội Ngộ của khóa 6/68 sĩ quan Thủ-Đức.

– Bà có liên hệ gì với Trường Bộ-Binh Thủ-Đức?

– Dạ, Nguyễn Phiêu Linh, em của em, bị động viên vào khóa 6/68. Thầy nhớ Linh không, thưa Thầy?

– Nhớ chứ sao không. Cái thằng ốm ốm, “ông Già bà Già” bắt nó theo canh chừng bà hoài đó chứ gì.

– Dạ. Linh không còn nữa!

– Biết rồi. Chừng nào bà đi? Cho biết ngày, tôi sẽ bay về Cali. đón bà.

– Dạ, cảm ơn Thầy nhưng gia đình khóa 6/68 lo cho em rồi.

Toàn nghiêm giọng:

– Ngày xưa bà theo Hải-Quân, bà … bỏ tôi. Bây giờ bà theo Bộ-Binh, bà bỏ tôi!

– Chết! Chết! Thầy ơi! Em đâu có là gì của Thầy mà Thầy bảo em bỏ Thầy?

– Giận quá! Tức quá thì nói rứa đó! Tội nghiệp cho Cô Lượng của tôi! Cô cứ bảo “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho”. Chao ôi! Cô nuôi cách chi mà sẩy mất tiêu!

Tôi tìm cách chuyển đề tài:

– Thôi, Thầy ơi! Đừng trách em nữa. Thầy đàn và hát cho em nghe đi, Thầy.

– Yêu cầu tôi đàn hát thì tôi đàn hát cho mà nghe; hứa là không báo cảnh sát bắt tôi, nghe chưa?

Tôi cười. Tiếng Piano tạo nên dòng Tango rộn ràng, vui tươi. Tôi nhận ra Toàn đang đàn Tiếng Đàn Tôi của Phạm Duy. Dạo hết phân đoạn đầu, Toàn bắt vào: “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt…Vì cuộc tình đã chết một đêm nao…Mênh mông lả lơi, lạnh lùng em đã rời tôi…Khoan, khoan hò ơi! Lệ sầu rụng xuống đàn tôi!” Không hiểu Toàn vô tình hay cố ý khi hát bài này, nhưng lời ca làm tôi cảm thấy buồn buồn.

Toàn chuyển qua một tình khúc êm dịu: “Memories, pressed between the pages of my mind. Memories, sweetened thru the ages just like wine…”(1)

Theo dòng nhạc và tiếng hát ngọt ngào của Toàn, hình ảnh của Linh chờn vờn trong tầm mắt tôi. Tôi nhớ những buổi sáng mờ sương, Linh và tôi đi bộ từ đường Phan Đình Phùng băng qua vườn rau cải để đến trường Domain de Marie, trên đường Hai Bà Trưng, Dalat. Tôi không quên được những “trận đụng độ” giữa các hội tuyển nổi tiếng, Ba tôi thường cho tôi và Linh đi theo, vào sân vận động xem đá banh, để thấy Ba tôi phỏng vấn các cầu thủ danh tiếng – nhất là thủ môn Rạng – để viết tường thuật cho báo Đuốc Thiêng. Nhờ vậy, tôi biết chút ít về nghệ thuật và quy luật đá banh. Cũng nhờ vậy, vào những dịp đội banh trường Võ Tánh đấu với đội banh trường khác, tôi thấy Linh có những cú “sút” rất “thần kỳ”, chàng giữ “gôn” đỡ không nỗi! Một “vai trò” mà Linh rất ghét, là – theo “lệnh” của Ba Má tôi – Linh phải giả vờ đi ra đi vô phòng khách thường xuyên mỗi khi có chàng nào đến nhà thăm tôi để “nghe ngóng” xem chàng nào có lời lẽ hoặc thái độ không đứng đắng đối với tôi thì mách cho Ba Má tôi. Có lẽ Linh ít hợp với Toàn; vì lúc Toàn quen với tôi tại nhà thầy Lượng thì tôi chỉ mới học đệ Lục hoặc đệ Ngũ và Linh học sau tôi cho nên biết Toàn là giáo sư, Linh ngại. Linh gọi Toàn bằng Thầy; tôi cũng gọi Toàn bằng Thầy. Dạo đó, vì tôi còn là trẻ con cho nên Cô của Toàn, vợ thầy Lượng dạy Pháp văn và cũng là Mẹ của bạn tôi, cứ đùa: “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho.” Linh và Minh rất hợp vì cả hai đều thích đá banh và đều có cú “sút” “ngàn cân”. Linh nói với Ba Má tôi nhận xét của Linh về sinh viên quân y Vĩnh: “Khi nào anh Vĩnh tới, Ba Má khỏi cần bắt con ‘do thám’; vì anh Vĩnh chỉ ngồi nhìn chị Hai rồi cười chứ anh Vĩnh có nói tiếng nào đâu!” Khi thụ huấn tại quân trường Thủ-Đức, Linh và Trung trở thành đôi bạn thân.

Vừa nhớ đến đây, tôi chợt nhận ra Toàn đã hát trở lại phân đoạn đầu. Đến phân đoạn thứ hai, lời ca làm tôi xúc động, bùi ngùi: “…Quiet thought come floating down and settle softly to the ground like golden autumn leaves around my feet. I touched them and they burst apart with sweet memories…” Tiếng hát của Toàn vẫn thiết tha, trầm ấm nhưng suối nguồn thương nhớ Linh và Trung cứ cuồn cuộn dâng cao trong lòng tôi.

Nhìn bầu trời trong xanh của một sáng mùa Hạ, tôi tưởng như tôi thấy lại Linh và Trung – trong quân phục sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ-Đức – vào những cuối tuần xa xưa, khi Linh và Trung từ Quân Trường Thủ-Đức về Saigon thăm tôi. Rồi, từ niềm nhớ thương chất ngất trong hồn, tôi tưởng như tôi không còn nghe tiếng đàn và giọng hát của Toàn nữa nhưng tôi lại nghe được tiếng Guitar của Trung trong ca khúc mà khi xưa Trung rất thích. Khi tiếng Guitar của Trung đến đoạn gần cuối của ca khúc Mấy Dậm Sơn Khê tôi vừa “ngân nga” nho nhỏ: “… Em hỡi em! Đường xa vui đấu tranh giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” vừa cảm nhận hai hàng nước mắt âm ấm đang lăn dài trên khuôn mặt hằn nhiều nếp nhăn của tôi!

Không biết tác giả

Một Thời Vang Bóng! (Đ.Văn)

Van Huynh

Trước năm 1975, phòng trà ca nhạc là một loại hình thức biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, các khán thính giả đến phòng trà để nghe ca sĩ hát, để lắng đọng và cảm nhận những bản nhạc trữ tình êm đềm, dịu nhẹ. Và đây cũng là một trong những nơi chắp cánh cho rất nhiều giọng ca tỏa sáng.

Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh – 3 danh ca Phòng trà иổi tiếng thời bấy giờ

Phòng trà ca nhạc bắt đầu xuất hiện vào giữa thập niên 40 của thế kỷ trước. Phòng trà ca nhạc xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Nội sau khi tân nhạc xuất hiện, do 3 nhạc sĩ tiền bối Nguyễn Văи Diệp, Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước đứng ra tổ chức tại đường Bờ Hồ, Hà Nội vào năm 1946 và lấy tên là Quán Nghệ Sĩ, đây cũng là nơi gặp mặt của nhiều nhạc sĩ khi đó như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh… Ngoài trình diễn các tác phẩm tân nhạc đương thời, phòng trà này còn có các nhạc phẩm cổ điển. Sau sự thành côɴԍ của Quán Nghệ sĩ, một số phòng trà khác hoạt động theo hình thức này lần lượt được mở ra như: “Thăиg Long” ở phố Hàng Bông, “Tuyết Sơn” ở phố Thợ Nhuộm, “Thiên Thai” ở phố Hàng Gai… 

       Cũng cнíɴн từ môi trường đó, lớp ca sĩ đầu tiên đã thành danh, như: Thương Huyền, Mai Khanh, Hoàng Giác, Ái Liên… và thành côɴԍ hơn cả là nữ ca sĩ Kim Tiêu với chất giọng trầm ấm, âm vực rộng đã thật sự đi vào lòng người.

       Sau khi hình thức phòng trà hoạt động ở Hà Nội thì ở Huế cũng bắt đầu xuất hiện một số phòng trà tại đây, mà иổi tiếng nhất thời bấy giờ phải kể đến phòng trà “Tam Tinh” với giọng ca Ngọc Cẩm.

       Sau năm 1954, khi nền tân nhạc ở miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng phát triển rực rỡ, cùng với việc nhiều nhạc sĩ, ca sĩ miền Bắc vào Sài Gòn định cư đã làm đa dạng hơn nền âm nhạc giai đoạn này. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ lệnh cấm khiêu vũ, các vũ trường dần chuyển hướng sang phòng trà ca nhạc đã tạo đà cho văи hóa phòng trà khởi sắc vượt bậc.

       Nhưng phải đến cuối thập niên 50 thì phòng trà mới thực sự bước vào thời kì hoàng kim ở Sài Gòn. Không ít ca sĩ đã từ đó mà toả sáng dựa vào tài năиg của mình. Vào thời bấy giờ, các phương tiện nghe, nhìn còn rất hạn chế. Hơn nữa việc lăиg xê ca sĩ vẫn còn rất xa lạ đối với côɴԍ chúng. Do đó, hầu hết các ca sĩ lúc này tạo được tiếng tăm, chủ yếu dựa vào tài năиg đích thực của mình. Ít người được đào tạo bài bản một cách cнíɴн quy, chỉ có một số ít thông qua các lò đào tạo trong một thời gian ngắn. Vì thế, các ca sĩ иổi lên là nhờ cнíɴн chất giọng thiên phú và mình, và đặc biệt là chẳng ai hát giống ai cả, mỗi người có một giọng hát riêng biệt, tạo điểm nhấn nhá riêng biệt, giúp cho khán thính giả dễ dàng nhận ra giọng của từng ca sĩ.

       Nhắc đến phòng trà ở Sài Gòn trước năm 1975, trước tiên, phải kể đến phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện. Phòng Trà Anh Vũ ra đời vào khoảng cuối năm 1957, lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này sớm được côɴԍ chúng đón nhận và dần yêu thích như nam ca sĩ Duy Khánh, Việt Ấn và các nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu.

Phòng trà Anh Vũ

Cũng tại phòng trà này, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9 đã đệm dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành côɴԍ nhạc phẩm đầu tay Ướt mi của Trịnh Công Sơn. Và nữ ca sĩ Thanh Thuý với chất giọng khàn đục đặc biệt, cùng với một ngoại hình sáng với mái tóc dài gợn sóng và vóc dáng thanh mảnh như một nàng thơ đã nhanh chóng lấy được cảm tình của khán thính giả. Cô nhanh chóng được mọi người mến mộ, trở thành một ca sĩ được săи đón bậc nhất thời bấy giờ.

Ca sĩ Thanh Thuý năm 1961

Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất mà phòng trà Anh Vũ đã để lại trong lòng côɴԍ chúng đó là sự hiện diện hằng đêm của nữ ca sĩ Thái Thanh và ban hợp ca Thăиg Long (cùng với Hoài Trung, Hoài Bắc).Tiếng hát trong vắt, ngọt lịm với những luyến ʟáy như rót mật vào tai khán thính giả của Thái Thanh đã thật sự chinh phục hầu hết trái tim người yêu nhạc. Danh ca Thái Thanh hoàn toàn xứng đáng với cụm từ “tiếng hát vượt thời gian” mà cuộc đời dành tặng cho cô.

Ban Thăng Long: Thái Thanh, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Hoài Trung

Bên cạnh phòng trà Anh Vũ иổi tiếng, vào thời điểm đó còn có phòng trà Hòa Bình, tọa lạc ngay tượng nữ sinh Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành hiện nay cũng được nhiều người biết đến. Người mộ nhạc tìm đến đây để được nghe nữ ca sĩ Bích Chiêu (chị của ca sĩ Tuấn Ngọc) thổi  нồn nhạc jazz vào những ca khúc trữ tình dịu nhẹ, trong đó “Nỗi lòng” của nhạc sĩ Nguyễn Văи Khánh được coi là ca khúc thành côɴԍ nhất mà Bích Chiêu trình bày.

Ca sĩ Bích Chiêu

Ngoài nữ ca sĩ Bích Chiêu, phòng trà Hoà Bình còn có nam ca sĩ Cao Thái, với làn hơi dài đã chinh phục người nghe bằng những bài hát ngoại quốc mà tiêu biểu nhất là bài Mexixo. Một Trúc Mai có chất giọng truyền cảm khó có giọng hát nào sánh được trong những ca khúc mang điệu bolero – rumba.

Ca sĩ Trúc Mai

Và chắc chắn không thể không nhắc đến nữ danh ca Bạch Yến, xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn mô tô bay từ thuở bé nhưng sau một тαι иạи nghề nghiệp mà dẫn đến thương tật, Bạch Yến đã bỏ cái nghề nguy hiểm đó để bước vào con đường ca hát. Khi gia nhập vào phòng trà Hòa Bình, với giọng trầm hiếm có, Bạch Yến đã nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng khi trình bày ca khúc “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văи Thương, giọng ca ấy cho đến bây giờ vẫn còn mãi vương vấn trong tâm  нồn của bao người.

Ca sĩ Bạch Yến

Đến năm 1963, sau khi cнíɴн quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, hoạt động phòng trà ở Sài Gòn càng trở nên sinh động hơn lúc nào hết. Lúc bấy giờ phòng trà đi kèm với vũ trường mọc lên ngày càng nhiều. Chỉ riêng khu vực trung tâm quận 1, đã có đến mấy chục phòng trà. Điển hình như: Maxim, Khánh Ly, Tự Do, Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Orchalet, Rex, Continental, Jomarcel, Thanh Thế, Kim Sơn, Olymya, Văи Cảnh, Tháp Ngà, Rizt, Baccara, Macabane… Khách đến các địa điểm phòng trà – vũ trường này vừa nghe nhạc vừa có thể nhảy đầm. Đây cũng là thời điểm của các giọng ca Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Nhật Trường, Thanh Lan, Caroll Kim, Ngọc Minh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Connie Kim, Cathy Huệ, Julie Quang…lên ngôi.

       Cũng phải nói thêm rằng, thời bấy giờ ca sĩ Sài Gòn có thể được chia làm hai nhómMột nhóm chuyên hát phòng trà – vũ trường như đã đề cập ở trên.Và một nhóm chỉ xuất hiện ở các đại nhạc hội và những chương trình lưu diễn các tỉnh, như: Túy Phượng, Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Hồng Quế…

Van Huynh

KẾT BẠN TRI ÂM

 ( Hai Hùng SG).

Câu chuyện tui kể lại cho các bạn nghe có hơn nửa thế thế kỷ rồi, ngồi hồi tưởng lại tui ngỡ chừng mới đây thôi…

 Dạo ấy trên các mặt báo xuất bản ở Sài gòn, tui không nhớ chính xác vào năm nào đã xuất hiện mục “Kết bạn Tri Âm”, chỉ mới vài số báo thôi mà đã lan tõa ra khắp nơi, mục làm quen với nhau qua những dòng đăng trên báo đã cuốn hút đủ mọi thành phần trong xã hội , nhất là các cô cậu sinh viên học sinh, rồi các anh lính chiến ở khắp mọi miền cũng góp mặt cho mục này thêm phần hấp dẫn.

                     *** 

     Tui có ông anh ruột ổng là anh lớn nhất trong nhà, tuy là anh Hai nhưng anh Thọ tui ổng hiền như cục bột , bù lại ông anh thứ ba tên Phước ổng dữ như chằn, hể mỗi lần tui đi chơi với đám bạn trong xóm, vừa thấy dấp dáng ổng ở đàng xa là tui lật đật lũi vô hẻm liền, vì ổng hay đánh bởi  cái tội tui không  lo học mà ham chơi với chúng bạn.

 Đến tuổi quân dịch hai ông anh tui lần lượt đi vào quân ngũ, anh Thọ thì thụ huấn ở trường Hạ sỹ quan Đồng Đế Nha Trang, còn anh Phước tui thì vô Biệt Động Quân học ở Dục Mỹ.

  Mãn khóa trước khi đáo nhậm đơn vị ở một Sư đoàn Bộ binh, anh Thọ tui được về phép gần chục ngày, vốn còn nhóc tỳ thấy bộ đồ lính của anh tui khoái lắm, một hôm anh ngồi trên bộ “Đi Văng” trước nhà, anh Thọ soạn đồ trong cái ba lô ra, ôi thôi cả đống thơ từ của anh lưu giữ bấy lâu, tui tò mò lấy vài cái cầm lên coi, nào là mấy cô ở Đà Nẵng, Huế, An giang ..V.v… nói chung có khắp miền đất nước.

 Thích quá tui hỏi anh:

 – Sao anh Thọ có bạn nhiều quá vậy, em khoái viết thơ lắm mà ác nỗi em có vài thằng bạn ở gần xịt nên đâu có cần viết thơ từ gì.

 Anh tui nghe vậy bèn nở nụ cười rồi ổng nói :

 -Ừ thì mơi mốt lớn lên ra đời đi làm thì lúc đó thiếu gì bạn bè.

 Nói xong anh soạn và sắp xếp lại các chồng bao thơ theo từng người quen, anh lấy dây thun ràng lại từng bó rồi cất vô hộc tủ.

 Ngày nọ, nhân lúc anh đi ra Sài gòn để thăm một vài người bạn học để trước khi anh lên đường ra đơn vị, vốn tò mò không biết những lá thơ kia họ viết những gì cho anh, tui bèn mở ra xem một vài lá, sau khi xem qua tui thấy đại khái lời thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống trong quân trường, cũng có một số thư thăm hỏi về gia cảnh, lời thơ chân tình vô cùng, đọc đến đâu tui tự tưởng tượng nhân vật trong thơ là các cô nữ sinh hiền hậu vô cùng, trong những người viết thư cho anh tui thích nhất hai lá thư, một là của chị Bùi Thị Diệu ở Đà Nẵng, hai là của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở Tây Lộc Huế, lời thơ của hai chi này khi tui đọc qua tui cứ ngỡ rằng của hai người chị ruột của mình, vì tình cảm các chị dành cho anh Thọ tui rất chân tình và không ít phần lãng mạn… 

  Khi đến tuổi quân dịch tui cũng vào quân ngũ như hai anh, rồi rui cũng bắt chước ông anh hiền như cục bột của tui, tui cũng viết thư làm quen với các cô nàng đăng báo kết bạn tri âm, tháng nào tui cũng nhận vài chục lá thơ, ngoài giờ lo nhiệm vụ lính tráng tui bù đầu cho việc hồi âm thơ từ, ban đầu viết thơ hăng hái lắm, về sau thơ tới liên tu bất tận khiến tui hồi âm không kịp, vậy là không ít cô nàng gài số de hổng thèm chơi với tui nữa, biết lỗi tui cố viết thư thanh minh thanh nga nhưng họ nhất quyết một đi không trở lại..

  Có dạo nọ tui đọc báo thấy cô học trò nhỏ ở “Đốc Binh Vàng” muốn tìm bạn là những anh lính trẻ nơi tiền tuyến (Hình như một địa danh ở An Giang hoặc Trà Vinh gi đó tui cũng chẳng nhớ), tiêu chuẩn cô đưa ra tui thấy chí ít mình cũng đáp ứng yêu cầu chín phần mười do cô nàng đưa ra, tui bèn viết thơ và gửi liền cho cô nọ, chừng nửa tháng sau cô ta hồi âm cho tui, mừng quá tui  mở thơ ra đọc liền, chèn ơi nào phải bức thơ sực nức mùi dầu thơm như tui tưởng tượng, rồi những dòng chữ học trò bằng mực tím dễ thương sẽ hiện ra, các bạn có biết không khi mở thư ra là một bản chép tay khuyên tui chép lại vài chục trang giống như lời sấm truyền của một đạo nào đó ở miền Tây, quê cả cục vì mình bị gạt nên tui bỏ lá thơ kia mà không thèm chép lại rồi gửi tiếp cho người quen, họ còn hù nếu không thực hiện thì ít ngày tui sẽ gặp điều không may đến với mình.

 Hai ông anh tui lần lượt đền nợ nước, một hôm buồn quá tui lục lại chồng thơ của anh Thọ, khi xem qua thơ của chi Diệu và chị Tâm tui cảm động lắm, tui bèn mạo muội viết thư báo tin anh tui đã mẩt, chỉ dự định báo cho các chị hay tin thế thôi, không ngờ các chị hồi âm nhanh chóng, trong thư các chị chia buồn sâu sắc đến gia đình tui, rồi hai chị nhận tui là đứa em kểt nghĩa.

  Đời lính chiến xa nhà, có được món ăn tinh thần của hai bà chị ở hai tỉnh nơi địa đầu giới tuyến, thử hỏi mấy ai không vui. 

 Rồi nước non  đến hồi mạc vận, từng gia đình , từng con người trôi nổi theo vận nước nên tui mất liên lạc với hai bà chị thân yêu từ đó .

 Sau này có dịp ra Đà Nẵng, Huế. Khi đi ngang địa chỉ nhà của các chị tui không có can đãm ghé vào hỏi thăm, nếu vô hỏi thăm thì chưa chắc gì gặp các chị, bởi cuộc chiến biến động khắp nơi dân tình tan tác nên tui đành lướt qua,

 Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, chị Bùi Thị Diệu ơi! nếu như các chị xem được câu chuyện này thì hai chị nhớ rằng thằng em kết nghĩa ngày xưa vẫn đao đáo nhớ về hai chị thân yêu của mình.

                 ***

 Kết bạn tri âm, tìm bạn bốn phương đều có hai mặt tốt và xấu, tui thiểt nghĩ ở đời mình lấy tấm lòng chân thật đối đãi với nhau thì sẽ không bao giờ gặp phải người giả trá lọc lừa phải không các bạn.

 Nhớ về hai bà chị ngày xưa.

   Chiều mưa SG 29.6 2023

LÍNH MÀ CŨNG SỢ MA.

   ( Hai Hùng SG)

Tựa bài này tui biết có nhiều ông đi Lính ngày xưa sẽ cho tui bị khùng, làm lính thì hàng ngày đối diện với nguy hiểm, cái mạng mình khi ra trận thì sống chết hồi nào chẳng hay, súng đạn và đủ thứ “Đồ chơi” khác đầy mình thì sợ ma cái giống gì, ậy vậy mà có những người lính cũng sợ ma như thường…

                 …

    Nhớ hồi tui còn nằm ở Trung đội tác chiến, ban ngày thì ớ ngoài hiên nhà của những người dân trong vùng, có bữa đi lòng vòng trong xóm cà kê dê ngỗng với mấy cô em gái trong xóm, đôi khi được mấy ông Lão trong xóm mời làm lai rai vài xị “Nước mắt quê hương”, mồi nhậu là những con tôm càng xanh, những con cá họ lưới được ở sông Sài Gòn, có khi vài con chuột đồng mập ú na ú nần do ăn lúa của bà con trồng ven sông, bữa nào mệt mỏi không đi la cà thì giăng cái võng nằm ngủ ngoài hàng hiên bên cạnh bóng dừa rợp mát, còn ban đêm thì cảnh nhàn hạ của ban ngày không còn nữa, sau buổi cơm chiều thì mọi người trong Trung đội tui chuẩn bị đi “lót ổ” tại tọa độ. X, Y nào đó do cấp trên chỉ định, có khi nằm sát mí bờ sông, lúc thì nằm trên bờ đê cạnh mấy cây dừa nước với đàn muỗi vo ve suốt đêm bên tai, nhiều lúc còn có những con (Vắc) nó đeo bám vô người hút máu nó no tròn mà mình chẳng hay, đến khi thấy ngứa ngứa đưa tay gãi thì mới lòi ra “ Tên trộm thành Bát đa”. Lại có bữa hên hên thì nằm ven đường làng dưới hiên nhà của dân gần đó.

  Tối nọ như thường lệ, Ông Thượng Sỹ Hà Trung đội phó dẫn tụi tui đi nằm chốt, tưởng phải “Hiến máu” cho đám muỗi ngoài ruộng, ai dè hên ghê , cả Trung đội được nằm chốt ở một nhà máy xay lúa nhỏ ở ấp Bình Trưng, trời vừa sụp tối là tụi tui có mặt nơi đây rồi, anh em dự định trải  tấm “Poncho” nằm ngoài hàng hiên, nhưng đám chó của nhà máy thấy người lạ nên sủa rân trời khiến cho ông chủ nhà máy phải mở cửa rồi ló đầu ra hỏi :

 -Ai vậy, giờ này lọ mọ ngoài đó mần chi, coi chừng chó cắn mang họa ráng chịu nha.

Vì không muốn lộ ra cho ông chủ biết  mình nằm tiền đồn nơi đây, nên cả thảy đều im lặng, bầy chó nghe chủ lên tiếng cả đám chó bèn hùa theo sủa còn dữ dội hơn nữa.

 Thượng Sỹ Hà thấy ngại nên ông lên tiếng.

 -Tụi tui đây bác Ba ơi, xin bác cho anh em nằm đỡ đêm nay nha bác.

 Bác Ba nghe tiếng nói thân quen của Thượng sỹ Hà, bác mở banh cửa ra rồi cầm cây đèn “Măng xông” đem ra sân soi sáng, bác Ba lên tiếng:

 – Ủa chú Hà hả, chèn ơi không chịu kêu tui mở cửa nhà máy vô đó ngủ êm hơn.

 Thượng sỹ Hà vội nói:

 -Dạ tụi cháu không dám làm phiền bác Ba đâu, hơn nữa nhà máy có đồ đạc tùm lum lỡ mất mát gì thì phiền phức lắm , cho tụi cháu nằm ngoài đây là quý lắm rồi.

 Nghe chủ và khách nói chuyện với nhau ra điều thân quen, nên đàn chó  thôi không thèm hầm hừ với đám lính nữa, Bác Ba nói tiếp :

– Ối có mớ lúa trong đó chứ có khỉ khô gì mà mất mát chú ơi, cứ vô nằm tránh sương gió, muỗi mòng nữa.

 Thấy Bác Ba nói chân tình nên Thượng sỹ Hà theo Bác Ba vô nhà máy xay lúa để sắp đặt chỗ nằm cho anh em.

 Ông Hà và năm người nằm ngoài hàng hiên của nhà máy, những anh em còn lại ông Hà cho vô trong nằm ngủ để chiều lòng Bác Ba, tui được vô bên trong nhà máy nên vui lắm vì chí ít ra cũng tránh được sương gió của màn đêm u tịch .

 Tội nghiệp bác Ba, khi mở của cho tụi tui với tá túc, Bác còn pha cho một bình tích nước trà nóng hổi cho anh em, tui tụi cảm ơn bác Ba đã thể hiện tình quân dân cá nước thật nồng ấm.

 Mấy đứa tụi tui  trong nhà máy tản ra tìm chỗ ngủ, tui với thằng Phích giăng cái võng sát bên máy xay lúa , vì nơi đây có những cọc sắt chôn chặt xuống đất rất thuận lợi cho việc giăng võng, một lúc sau khi lên võng nằm tui lim dim rồi chợp mắt ngủ, áng chừng chưa được năm phút, trong không gian tối mịt của nhà máy bổng tui nghe tiếng siết bù lon nghe “Ren rét “, lấy làm lạ đêm hôm khuya khoắt mà ai đâu làm công việc này trong nhà máy, hơn nữa nếu ai làm thì phải thắp đèn chứ  có đâu mà để tăm tối như vậy, liên tưởng đến các chuyện ma mà nghe chúng bạn kể hồi nhỏ khiến tui nổi gai ốc, tui bật dậy lấy tay lay cái võng của thằng Phích, tui nói nhỏ:

– Ê dậy đi mầy, có ai trong nhà máy đó, tao mới nghe tiếng động lạ lắm.

 Phản xạ tự nhiên, thằng Phích quơ cây M16 để sát bên nó rồi kéo cơ bẩm nghe rôm rốp, xỏ  đôi giày vô tui với nó lấy đèn pin rọi một vòng trong nhà máy, tuyệt nhiên không thấy ai ngoài những đứa bạn đang khò khò gần đó, thằng Phích tưởng tui ghẹo nó, nó càu nhàu:

 -Tao Lạy mày Hùng ơi, sắp tới giờ tao gác từ 12 h đến 2 h, mầy không cho tao ngủ sao tao  gác cho được.

Tui bèn thề bán sống bán chết cho nó tin:

 – Tai mà xạo với mầy cho Trời đánh đi.

 Nghe tui thề độc thằng Phích tin ngay, nó vội lục trong ba lô lấy sợi dây chuyền có hình Đức Phật đeo vô cổ cho chắc ăn, tui cũng vậy, tui Mân mê tấm bùa hộ mạng  thầm van vái tai qua nạn khỏi, ma quỷ đừng quấy phá.

 Hai đứa nằm trở lại trên võng chưa được bao lâu thì nghe rõ ràng tiếng dùng cái mỏ  Lết để siết mấy con bù lon trong nhà máy, không nói không rằng hai đứa tốc cái võng quơ vội cây súng rồi ra ngoài hàng hiên ngồi thở dốc, thằng Phích xác nhận :

– Ma thiệt đó mầy ơi! Mới hôm qua tao nghe thím Hai ngoài chỗ mình đóng quân bả nói vùng này thời Tây người chết như rạ nên Ma cỏ dữ lắm, tao cũng không tin đâu, nhưng giờ gặp như vầy không muốn tin cũng không được .

 Tui với thằng Phích có ca gác Liền nhau, gặp cảnh ngộ này nên hai đứa nhất định gác chung nhau bốn tiếng cho chắc ăn.

 Ngồi ở hàng hiên trên chiếc ghế đẩu do bác Ba cho mượn, tui với thằng Phích lăm lăm chĩa mũi súng về phía hàng rào ven đường, chừng mười lăm phút sau , bầu trời vẫn tối đen như mực, thỉnh thoảng có vài  con đom đóm lập loè trong mấy bụi chuối trước sân, tiếng côn trùng kêu rả rích trong đêm nghe buồn não ruột, cộng hưởng với đám côn trùng kia tiếng bầy Ểnh ương cùng hoà vô tạo nên nhiều cũng bậc nghe buồn ảo não, đã vậy thỉnh thoảng bóng “Ma trơi” từ ngoài những đám ruộng loé sáng lên khiến hai đứa tui lạnh cẳng vô cùng, cố trấn tỉnh ngồi gác đề phòng bị tấn công, bông dưng trời đang đứng gió mà mấy tàu lá chuối lay  động, rồi như có ai cầm những nắm cát quăng lên đám lá chuối nghe rào rào, nghĩ mình lại bị ma nhát, tui với thằng Phích cắn răng nít thở rồi gì súng nhắm với đám chuối kia, tui nhủ thầm nếu thấy bóng dáng ai thấp thoáng ở đó tui sẽ nổ nguyên băng đạn rồi tới đâu thì tới, rồi thêm một đợt rãi cát trên lá chuối nghe rào rào như mưa rơi, thật sự hai thằng tui muốn chết đứng trong người, thằng Phích nói nhỏ:

-Tao vô kêu ông Hà dậy để ổng giải quyết vụ này.

Thượng  Sỹ Hà cầm cây M79 với đạn chài đã lên nòng, nghe báo tình hình như vậy, ông phán đoán chắc mấy tay du kích trong ấp hù mình chứ Ma cỏ gì ở đây…

 Trời sáng hẳn, cả Trung đội mò ra bụi chuối lục soát để tìm câu trả lời, cả đám như thám tử “Sơ lốc hôm” quan sát tỉ mĩ vẫn không tìm ra vết tích của những hạt cát do ai đó quăng lên lá chuối đêm qua, lúc này tui nghe ông Hà nói nhỏ :

 – Vậy  đích thực là ma nhát tụi nó rồi , nếu “vi xi” chơi thì sẽ để lại vết tích rồi.

  Nghe ông Hà nói vậy, tui nói cho ông Hà biết luôn:

– Không phải vụ đó không đâu nha Thượng Sỹ, trong nhà máy xay lúa cũng nhóc ma trong đó đó.

 Nghe tui nói, ông Hà làm gương mặt tỉnh bơ sư cụ, coi như chuyện tui mới cho ông biết là chuyện tầm phào khiến tui quê một cục, vậy mà…

  Đêm sau khi đi nằm tiền đồn nơi khác, Thượng Sỹ Hà ghé qua nhà máy xay lúa, ông bày  giấy tiền vàng bạc, bánh kẹo , nhang đèn, ông cúng vái cho người khuất mặt khuất mày nơi đây mong họ đừng theo nhát mấy thằng lính sữa của Trung đội do ông phụ trách nữa, không biết phải có thờ có thiêng, có kiêng có lành hay không mà  lâu lâu khi trở lại nằm chốt nơi này tụi tui không còn bị ám ảnh bởi các hiện tượng trên nữa.

                          …

Đơn vị tui  hoán chuyển với đơn vị khác từ ấp Bình Trưng về ấp Mỹ Thuỷ.

 Đến nơi lạ nước lạ cái tụi tui cũng dè dặt ít khi nào vô nhà dân xin ngủ nhờ, lần nọ điểm phục kích cặp mé lộ sát nhà dân, thay vì trải “Poncho” nằm nơi đó , bổng trời đỗ mưa lớn, cả đám chạy vội vô nhà dân gần đó xin tá túc qua đêm, ông chủ nhà hào phóng dành nguyên căn nhà gỗ phía trên cho tụi tui ở, ông bà già đình lui ra nhà sau ngủ, tui giăng cái võng ngay dưới cây đòn dông giữa nhà, cũng thằng Phích, nó giăng võng kế tui vừa chợp mắt chưa đầy  hai phút, tui bị một người đè lên ngực đau muốn tắt thở, tui vùng vẫy liên tục mà không thế nào hất nỗi người này xuống, tui ú ớ trong miệng kêu cứu với mọi người chung quanh, tuyệt nhiên không ai hay biết, chừng hồi lâu tui cố định thần vùng vẫy thật mạnh và bị té xuống đất, lúc này thì thằng Hạnh nằm gần đó mới hay , nó lồm cồm ngồi dậy khiêng tui lên bộ ván  của ông chủ nhà, thằng Phích cũng bị y chang như tui, hên cái là nó không té , khi tui té là lúc Phích Vùng  vẫy thoát ra được người kia.

 Chủ nhà nghe Lùm xùm bèn chạy lên coi có chuyện gì, khi biết được chuyện trên ông nói :

– Hai chú em mầy bị Mộc đè rồi đó, nằm ngủ phải né cây đòn dông, nếu nằm dưới nó thì sớm muộn gì cũng bị Mộc đè, đó là theo lời ông bà tui kể lại đó.

 Từ đó về sau tui chẳng bao giờ cả gan giăng võng ngủ dưới cây đòn dông lần nào nữa cả.

                        …

  Tui hay trực máy ở Trung tâm Hành quân của đơn vị, thường thì ca trực khuya, đang ngủ mơ màng bị giật giò thức dậy lơ tơ mơ lắm.

 Nơi tui trực cách hầm ban quân y chừng vài chục mét, Đèo phù Cũ dạo ấy đêm xuống màn sương mờ ảo, hôm nó có năm xác của anh em tử sỹ chết trận mà ban quân y đem về, thân xác họ quấn trong cái Poncho từng che mưa cho những buổi quân hành, rồi cũng chiếc Poncho này đưa các anh về nơi miên viễn, thật buồn thật thương thay cho đời lính chiến.

 Hôm ấy do thời tiết không tốt nên các chuyến bay tản thương không đưa các các anh về quân y viện Quy nhơn được, Ban quân y buộc lòng để các  nằm lại tạm trên đỉnh đèo, mỗi thì thể trên một băng ca, các anh trong ban quân y thắp nhang đèn cho họ được ấm áp.

 Khuya đó tui đi trực máy, từ chỗ ngủ tui phải đi ngang ban Quân y rồi mới đến nơi trực, lúc chiều thấy họ nằm đó rồi, trong bụng tui hơi ngán , vì nỗi sợ khi thấy xác người chết làm tui ái ngại với cùng, tui niệm Phật để ngài che chở đừng cho Ma nhát tui, vậy mà từ xa giữa khuya tui thấy vẫn còn một người ngồi kế bên mấy chiếc băng ca kia, ánh đèn cầy leo lét lập loè trong đêm khiến tui nổi da gà, khi đến gần thì tui không còn thấy người ngồi với năm cái xác kia nữa, tui có giò phóng thẳng vô nơi trực, hơi thở dồn dập mặt không còn chút máu vì thấy ma, ông Đại uý Quít sĩ quan trực thấy vậy mới hỏi cớ sự, tui kể ông nghe rành rọt, ông không tin sự việc như vậy, ông kéo tui ra chỗ năm tử sỹ kia, nghe tiếng ồn ào thì Trung sỹ Hồng ban Quân y ra coi có chuyện gì, nghe tui kể lại Trung sỹ Hồng cười lớn rồi nói :

– Nè ma nè .

 Ổng vừa nói vừa lè cái lưỡi ra chọc tức tui, ông Quít hỏi cặn kẻ thì ông Hồng nói:

 – Năm người này có Hạ Sỹ Hải bạn thân của tui, thấy đèn nhanh sắp tàn tui ra đốt cho họ ấm cúng chứ ma nào vô đây.

Đại uý Quít cười và nói với tui:

– Chèn ơi ! Ông là lính rồi mà cũng sợ ma nữa hả.

 Tui cười gượng và tránh đi chỗ khác để hai người nọ không thấy cảnh “Quê một cục” của mình , vì đã dấn thân làm Lính mà cũng sợ ma quả thật thiệt là kỳ.

    Cuối Hạ 2022

ReplyForward

Quay Lại Miền Ký Ức

Tác giả :Hai Hùng Sg

 Trời về chiều mây tím giăng ngang, từng đàn chim nhỏ quay về tổ ấm sau một ngày đi kiếm ăn, hàng cây bên đường đang khoác lên mình những chiếc lá non xanh mơn mởn  trên cành  như để báo  hiệu cho cuộc đời biết rằng mùa Xuân thật sự đang quay về.

                      *

 Ngồi nơi cái bàn được kê ngay ngắn ngoài sân của cái quán cà phê sân vườn, vừa nhấm nháp hương vị cà phê thứ thiệt vừa ngồi ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống,  đang thả hồn và chìm đắm vào ngóc ngách của quá khứ, chợt phía sau tôi có tiếng hỏi:

  – Xin anh cho hỏi thăm đã mấy giờ rồi anh ơi!

  Tôi ngoảnh mặt lại rồi buộc miệng trả lời theo phản ứng tự nhiên.

  – Kém năm là mười bảy giờ rồi em.

  Sau câu trả lời tôi nhìn về phía cô gái vừa lên tiếng hỏi, tôi giật thót mình, vì cô gái này có gương mặt rất quen,tôi giật mình là vì cô nàng giống y hệt một cô gái mà tôi từng gặp nơi đóng quân ngày xưa.

Năm ấy khi những cơn mưa mùa Hạ chấm dứt, tôi phải vào quân ngũ đếm nhịp quân hành như bao chàng trai thời ly loạn, ba tháng quân trường mồ hôi đỗ ngày ra đơn vị cũng là ngày đánh dấu sự chia tay bạn bè đã cùng chia ngọt sẻ bùi trên thao trường, thời gian tuy không dài, nhưng cũng đủ làm nên chất keo sơn khiến chúng tôi gắn bó thương yêu đùm bọc che chở lẫn nhau như anh em một nhà.

Về đơn vị mới chúng tôi như những chú chim non mới ra ràng, tập tành bay nhảy để tồn tại trong môi trường gian lao nguy hiểm.

Chiếc GMC cũ kỹ già nua với màu xanh ô liu đã nhạt nhòa theo năm tháng, mỗi khi lên dốc cầu tiếng máy nó gầm rú và nhả từng đụn khói đen ngòm vào bầu trời xanh thẳm phía trên, nó đưa những chú “Lính sữa” chúng tôi về đơn vị mới, xe chạy từ Gia Định đưa chúng tôi vượt cầu xa lộ Sài gòn,  khi xe leo đến trên đỉnh cầu tôi phóng tầm mắt về phía xa xa, từng vạt dừa nước xanh thẳm mọc ven những con rạch phía bên kia sông Sài gòn, nó giống như những con rắn khổng lồ đang vặn vẹo uốn mình đi tìm mồi, quanh đó những ruộng lúa chín vàng trải dài từ mép xa lộ vô tới phía bờ sông Sài gòn, nó đẹp tựa như tấm thảm khổng lồ được trải xuống để chào đón chúng tôi.

  Xe đỗ dốc chạy một mạch rồi quẹo vào ngã ba Cát Lái, đoạn đường từ đây vào Cát Lái đi qua nhiều địa danh thân thương như ngã ba Giồng ông tố, Bình Trưng. Bưng ông Thoàng, cầu Võ Khế, Ấp Mỹ Thủy, Cát Lái, Thành Tuy Hạ…

Tài xế chiếc GMC này một tay Lính hẳn còn trẻ anh ta chạy thật nhanh, đường liên tỉnh lộ nhỏ xíu xe gắn máy, xe lôi chạy dập dìu mà anh ta tránh né rất điệu nghệ, nhưng đôi lúc cũng cho chúng tôi nhừ người vì những cái ổ gà trên đường, có đứa bị sốc đầu đập vào những thanh chắn ngang trên xe khiến nó buộc miệng rũa anh tài xế:

  – Cha nội này đúng là ngựa con háu đá, chạy chậm chậm thôi mắc gì chạy như ma đuổi vậy.

Một đứa trong đám chúng tôi trả lời thay cho tay tài xế:

  – Chịu khó vịn chắc đi tụi bây, nhiều khi chổ này mất an ninh ảnh sợ bị phục kích hoặc có tay bắn sẻ nào đang canh me đó nên vọt lẹ là đúng sách vở rồi.

  Thằng nọ dường như cơn đau hẳn còn, cho  nên nó đỗ quạu đớp lại đứa kia liền:

  – Sách sách cái khỉ khô họ, ở đây sát nách Sài gòn mà sợ cái quái gì, chạy ẩu thì có.

  Thấy hai đứa vì lý do không đâu cãi nhau mất vui, tôi ra tay can thiệp liền:

  – Hai ông ơi! Mới hôm kia lúc làm lễ mãn khóa hai ông còn bịn rin vậy mà hôm nay cãi nhau rồi, mỗi người nhịn một chút đi, ông bà mình nói:

  – Một câu nhịn chín câu cự, úi da lộn rồi chín câu lành mới phải.

Cũng may sau câu can gián của tôi hai thằng nọ bắt tay làm hòa, chẳng mấy chốc chiếc xe đỗ xịch xuống ngay cầu Mỹ Thủy.

  Đây là chiếc cầu sắt dã chiến do công binh lắp đặt, thành cầu làm bằng những thanh sắt dầy chắc chắn được liên kết lại bằng những thanh chằng chéo bởi các con Bu loong thật to, mặt cầu được lót bằng những thanh gỗ to như các thanh tà vẹt dã chiến của đường ray xe lửa, do gỗ lát trên mặt cầu thưa khiến xe chạy rất dằn sốc mục đích hạn chế tốc độ khi xe  qua cầu cho an toàn, do cầu hẹp chỉ di chuyển được một làn xe nên đơn vị đồn trú bảo vệ cầu phải lập cái “Chuồng cu” phía đầu cầu hướng từ phía Cát Lái và cắt cử người vừa ngồi gác vừa có nhiệm vụ điều khiển cái bảng hiệu dừng xe cho mỗi một chiều lưu thông.

  Chúng tôi trình diện đơn vị một đại đội hành quân, nhiệm vụ chỉ quanh vùng Từ Cát Lái đến ấp Bình Trưng, thỉnh thoảng phải tăng phái hành quân sang vùng Cầu Võ Khế và ấp Long Trường, nhưng nhiệm vụ chánh là bảo vệ cây cầu Mỹ Thủy cho thông suốt vì đây là con đường độc đạo từ cảng Cát Lái ra xa lộ Sài gòn.

  Tôi còn nhớ như in, sáng nọ đang ngồi gác trên cái “Chuồng cu”, thời bấy giờ xe cộ qua cầu cũng thưa thớt, họa hoằn lắm mới có đoàn công voa chở hàng hóa đi ngang thì điều khiển hơi vất vả, nên việc ngồi gác cũng như được ” Xả hơi” bù lại những ngày lội bưng biền hành quân gian khổ, là lính mới ra trường còn bở ngỡ và còn ảnh hưởng hơi hám của học đường nên tôi đem quyển sách ca rô có in hình bông hoa cho từng trang giấy để viết nhật ký để làm thơ khi có dịp về phép thăm nhà khoe với bạn bè em út cho vui nhà vui cửa.

   Một hôm đang ngồi trên cái chuồng cu, thấy xe bên Cát Lái đã ngớt tôi liền xoay cái bảng cho phép xe từ phía xa lộ qua cầu, không ngờ bất chợt một chiếc Jeep lùn có bốn quân nhân Hoa kỳ ngồi trên xe cố tình nhấn ga vượt qua cầu gây nguy hiểm cho chiếc xe lôi đạp đang lên cầu, quá bất ngờ không kịp phản ứng nên tôi quyết định bắn chỉ thiên một phát khiến tài xế chiếc jeep thắng xe thật gấp, tôi nhoài người ra khỏi cái chuồng cu lấy tay chỉ vào cái bảng cấm lưu thông, khi ấy mấy anh Lính Hoa kỳ mới nhận ra lỗi của mình các anh cho xe de sát vào lề nhường cho chiếc xe lôi tiếp tục qua cầu, Khi cầu thông thoáng tôi xoay bảng lại và phất tay ra hiệu cho các anh lính Hoa Kỳ đi tiếp, chiếc xe jeep rú ga chạy nhanh đến chổ vọng gác tôi đang ngồi, tôi vẫy tay chào với thiện ý mong các chàng ta thông cảm sự việc vừa rồi, như hiểu ý các chàng cười rồi bổng dưng tôi thấy anh lính ngồi sau xe quăng một gói gì đó rớt ngay dưới chân tôi, điếng hồn sợ rằng phát súng cảnh cáo của tôi khi nãy đã làm các anh lính để tâm thù ghét nên họ liệng mìn hoặc chất nổ gì đó nhằm cho tôi đi thăm ông bà với cái tội dám giỡn mặt với đồng minh.

 Tôi nhòa người ra khỏi vọng gác và nhanh như sóc tôi lăn vài vòng núp vào mấy hàng bao cát bên dưới, không nghe tiếng nổ mà nghe tiếng cười đùa và tiếng xí xô xí xào gì đó của các anh lính nọ mà tôi chẳng hiểu họ nói cái gì.

  Tiếng xe Jeep chạy xa dần rồi mất hút, lúc này tôi mới hoàn hồn biết mình không bị ám sát như mình nghĩ, tôi lên vọng gác nhìn vào chổ gói đồ khi nãy, nó được bao bọc bởi lớp nylon đen dầy và thu hết can đảm mở ra xem, thật bất ngờ nào là Chocolate, bánh ngọt, sữa tươi, thuốc lá và đồ hộp hiện ra trước mắt tôi, thì ra các anh chàng này chuộc lỗi theo kiểu Mỹ đây, tôi vui mừng thu chiến lợi phẩm từ trên trời rơi xuống và có cảm tình tốt đẹp về cách xin lỗi hào phóng của các anh chàng nọ.

Đến lúc chúng tôi phải di chuyển xuống gần Cát Lái và nhường cây cầu lại cho đơn vị khác, khi ở cầu thì có đồn bót trú mưa nắng đỡ vất vả, bàn giao cho đơn vị bạn xong chúng tôi như những người (Di-gan) lang thang không nơi cố đinh.

Đêm nọ chúng tôi vào đóng quân ngoài hàng ba của các căn nhà, nơi đây vùng thôn quê chuyên trồng những cây ăn trái cao rậm rạp, do sông Sài gòn, có hôm con nước dâng cao khiến nước ngập khắp nơi, di chuyển tới lui phải lội bì bõm trong làn nước mấp mé dưới chân, không khí ẩm thấp khiến chúng tôi rất khó chịu nhưng đã vào lính phải chấp nhận những nhọc nhằn gian lao, đang cột cái võng vào hai cây cột trước nhà dân, bất chợt có tiếng gầm gừ của con chó bên trong nhà, dường như nó phát giác ra chúng tôi vì vậy nó bắt đầu tru lên và sủa vang trời, đám chó của các nhà gần đấy bắt đầu hùa theo sủa nghe đinh tai nhức óc, quá bất ngờ chưa kịp phản ứng thì đèn trong nhà được bật sáng, ông chủ nhà một bác lớn tuổi dáng vạm vỡ cầm cái cây gậy tầm vông mở cửa ra nhìn, thấy đám lính chúng tôi ông đã hiểu vì sao đám chó làm dữ, với giọng thật hiền ông nói:

– Mấy chú làm tui điếng hồn, tui cứ tưởng trộm đạo gì đó ai dè mấy chú, vô nhà vô nhà tui pha trà cho uống, có bộ ván kia và mấy cây cột trong nhà mấy chú giăng võng ngủ tránh sương tránh gió.

  Nói xong ông mau mắn ra phía sau nhà nhóm lửa nấu nước pha trà, vợ chồng bác Hai chủ nhà thật tử tế, không ngại đã cho chúng tôi vào nhà tá túc qua đêm, đã vậy ông còn kêu bà Hai nấu một nồi chè đậu xanh với hột vịt thật to đãi chúng tôi ăn thật ngon, đang húp từng muỗng chè ngon ngọt thì bên ngoài có cô gái tướng cao mặc trên người bộ đồ bà ba thật dễ thương bước vào, cô gái có gương mặt dễ nhìn và thật hiền nhất là đôi mắt thật đẹp khiến mới chạm mắt cô ta lần đầu cũng đủ làm tôi bối rối vô cùng.

Cũng may phước,  khi chúng tôi đóng quân ở nhà bác Hai thì tình hình rất yên tĩnh, cho nên chúng tôi không phải thường xuyên đi hành quân đêm, nhờ vậy tôi mới có dịp mon men làm quen với cô gái đêm nọ, (Thật) là cái tên cúng cơm của em, tôi có cái cảm nhận em sống có tính cách giống y như tên cha mẹ đặt cho mình, hàng ngày em lo công việc đồng áng ruộng vườn, thấy (Thật) dễ gần gũi nên đôi lần lúc rảnh rang tôi cũng theo em ra vườn làm phụ công việc cho vui và cũng là cách cho vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình, trong lúc làm lụng tôi hỏi em:

  – Anh hỏi thiệt (Thật) nghe, em có anh nào trồng cây si chưa vậy?

  Với nụ cười tươi và đôi mắt đẹp mê hồn dường như cũng đang cười, (Thật) nói:

  – Dạ có chứ anh, ở miệt vườn này mười tám hai mươi là lập gia đình rồi, ảnh làm trên Sài gòn, năm nay chắc tụi em làm đám cưới, lúc đó em gửi thiệp mời anh đó nghe.

  Tôi cười và ghẹo em:

  – Tụi anh rày đây mai đó, biểt đâu mà mời, dù sao anh cũng cảm ơn em có lòng với anh.

  (Thật) nói tiếp:

– Anh đi tới đâu tụi em cũng tìm ra hết. Cái đất Gia định này chứ có đâu xa mà tìm không ra.

  Sau cái ngày biết được em là hoa có chủ tự dưng nó làm tôi buồn buồn, thú thật tôi có cảm tình với em từ cái nhìn đầu tiên, lúc này tôi chợt nhớ lại câu thơ của thi sỹ nào đó:

” Cái thuở  ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên “.

  Đơn vị chúng tôi luân phiên thay đổi chổ đóng quân đôi ba lần, lần nọ chúng tôi quay lại nhà vợ chồng bác Hai, khi đoàn quân chúng tôi mới lấp ló ngoài ngõ thì bác Hai chạy ra níu chúng tôi vào nhà với thái độ như đón người thân từ xa trở về, nghĩa cử của bác Hai khiến anh em chúng tôi vô cùng cảm động.

Sáng nọ chúng tôi tham gia hành quân trực thăng vận vô vùng Bưng Ông Thoàng, cô (Thật) biết tin vội gặp tôi rồi nhét vô ba lô tôi hai trái ổi xá lị chín thơm lừng:

  – Hổng có cái gì hết, thôi anh Hùng đem hai trái ổi ăn lấy thảo.

  Thật bất ngờ với món quà nhỏ bé nhưng chứa chan tình cảm, đến giờ thú thật tôi không thể hiểu được tình cảm nàng dành cho tôi là gì,  Tình nhân thì không phải rồi vì em đã có ý trung nhân, còn tôi một người lính quèn không hơn không kém, tôi lờ mờ đóan già đoán non có lẽ tình anh em hay rộng hơn là tình người, tình quân dân cá nước…

Gió xuân man mác thổi về, trên cành cây kẽ lá nhú những chồi xanh, các loài hoa dại cũng mọc ven đường quân hành của chúng tôi, nhìn đôi bướm đang bay là sà trên đầu ngọn cỏ tôi liên tưởng đến ngày hợp cẩn giao bôi của (Thật), nàng sẽ cùng chồng dìu nhau qua bến bờ xa lạ và sẽ mãi mãi bên nhau như đôi bướm xinh kia, mãi mê liên tưởng khiến tôi muốn ghen với cái hạnh phúc của nàng, thì bổng đâu tiếng Trực thăng bốc chúng tôi trở về sau ba ngày hành quân vất vả.

 Về đến đầu ngõ nhà của (Thật), không thấy bác Hai chạy ra đón  mừng hỏi han như mọi khi, không khí hôm ấy thật lạ, tự dưng tôi có linh cảm có chuyện không hay xãy ra.

  Tôi quăng cái ba lô vội xuống đất, với bộ quân phục đẫm ướt mồ hôi, tôi điếng hồn hốt hoảng đến tột độ nhìn cổ quan tài nằm giữa nhà, di ảnh của em tôi đây sao, cứ ngỡ mình đang lạc vào cơn chiêm bao mộng mị, tôi tự véo vào tay mình, cái đau nhói đã nói lên đây là sự thật, tôi đến gần bên bác Hai tự dưng khóe mắt tôi lệ ướt tuôn trào, tôi khẻ hỏi bác Hai nguồn cơn nào khiến em ra đi khi tuổi Xuân đang hồi phơi phới, bác Hai cố nén đau thương bác móc trong túi lá thư gấp nếp trao cho tôi.

Tía má thương mến.

  Con bất hiếu chọn con đường này xin tía má thứ lỗi.

  Vị hôn phu của con không phải là người tốt như gia đình mình tưởng. Anh ta rắp tâm phản bội con từ lâu và chính con đã bắt quả tang.

  Thương tía má con muốn cắn răng bỏ qua để cố hàn gắn vết thương lòng, con đã tha thứ cho anh ta nhưng ngựa quen đường cũ

Những tưởng chúng con sẽ là một đôi không gì ngăn cách được nên con đã trao thân cho anh. Vậy mà…

  Sau khi con ra đi, xin tía má cho con nằm yên dưới rặng Trâm Bầu sau vườn để con còn được gần bên tía má.

Vĩnh biệt.

  Tôi thắp ba nén nhang khấn vái trước di ảnh của,(Thật), mong em quên bao nỗi muộn phiền trong cuộc sống, tình em tôi vẫn mãi ghi tâm.

                   *

  Cô gái thấy tôi nhìn chằm chằm sau khi tôi cho cô biết giờ cô đã hỏi tôi, cô bèn cất tiếng hỏi:

  – Anh gì đó ơi, có việc gì mà anh ngó kỹ  làm em sợ quá.

  Tôi hoàn hồn trả lời cô gái:

– À à anh thấy em rất giống một người anh quen ngày xưa, cô ấy tên là (Thật).

  Đến phiên cô gái ngạc nhiên rồi đáp:

  – Em cũng tên (Thật) nè.

  Mới năm giờ chiều trời hãy còn sáng, mà khi nghe cô gái trả lời khiến tôi rụng rời tay chân và thầm nghĩ:

  ” Chẳng lẽ có tái sanh thật hay sao “

  Qua suy nghĩ này nó khiến tôi nỗi da gà, tôi vội nói cho qua chuyện:

– Ơ không. Xin lỗi em anh nhìn lầm, thôi không có gì anh chào em nha.

  Cô gái nhoẽn miệng cười hệt như nụ cười của (Thật) đã cười với tôi hơn bốn mươi năm qua.

                 *

Tôi quay trở lại vùng đóng quân ngày xưa, giờ cảnh vật đà thay đổi không còn nhận ra đâu là đâu nữa, có chút tuổi rồi tôi muốn mon men tìm lại kỷ niệm ngọt ngào của ngày nào, nhưng than ôi cái thực tại của cao ốc, đường sá mới tinh đã xóa nhòa hết tất cả, tôi đã mất tất cả những hình ảnh thân quen của thuở nào, cái xe Jeep của Lính Hoa kỳ. Nồi chè đậu xanh hột vịt, mất luôn nơi cô (Thật) yên nghỉ nữa, tất cả đã mãi mãi mất hút vì nơi đây đã thay da đỗi thịt tự bao giờ, à cũng may vùng ký ức tôi không bị xóa nhòe nên tôi kể lại câu chuyện này cho các bạn nghe dù đã hơn bốn mươi năm qua.

 Chuyện tái sanh có hay không thì tôi không dám lạm bàn nhưng mỗi lần nhớ đến cô gái nọ mà tôi đã tình cờ gặp ở quán cà phê thì tôi thấy lành lạnh ở sống lưng mình .

      Viết xong đêm      

         19.1.2016

Hồi Ức Thuở Biết Buồn

Hai Hùng Sg

 Tôi vốn mang trong người nhiều tình cảm, thuở còn cắp sách đến trường các bạn tôi đã cho nhận xét như vậy rồi, đôi lúc tôi chưa đồng ý với chúng bạn nhận định về tôi như trên, tôi nghĩ phàm là người chắc ai cũng vậy, những chuyện vui, buồn trong cuộc đời, những ân tình kỷ niệm với nhau thì chắc rằng cho dù ai cũng vậy, sẽ biểu lộ cảm xúc theo hoàn cảnh khi sự việc xảy ra, hoặc bất chợt một lúc nào đó tâm trí bổng dưng chuyên chở ta về vùng kỷ niệm nào đó khiến mình phải bùi ngùi thương nhớ chớ đâu phải riêng tôi.

Tháng ba lại về mang theo cái nắng chói chang, ông mặt trời như muốn thử thách giới hạn sự chịu đựng của con người, từng vạc nắng vàng hoe mang theo hơi nóng hầm hập đã khiến tôi liên tưởng lại những ngày tôi chập chững gia nhập vào “Thiếu Niên Thần Phong” của Phi Trường Biên Hòa thuộc Không Đoàn 23, với cái nắng đỗ lửa của những ngày như thế đó, chúng tôi luyện tập, học hành vui chơi với cái ước vọng sẽ trở lành một người lính không quân hào hoa phong nhã…

                 ***

Anh Ba người quê Long An tính người chân chất thật thà, anh không cao lắm nhưng cũng đủ tiêu chuẩn làm một “Cánh chim bạt gió” trong ngành không quân, tôi có diễm phúc quen với anh là do “Ông Tơ bà Nguyệt” đã se duyên cho anh cùng chị Ba con Ông Bà Tư thợ hồ gần bên nhà tôi, ngày đầu anh về ở rể anh mặc bộ quân phục ủi hồ láng cón, tôi bị mê hoặc bởi những Phù hiệu anh mang trên áo, nhất là cái Phù hiệu con Rồng xanh trên túi áo, nó mang cái biểu tượng đi mây về gió trong bầu trời xanh thẳm bao la, thế là tôi có cái mơ ước ngày nào đó tôi sẽ được mặc bộ quân phục này, lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản nhằm để khoe với các cô bạn học, vì thời bấy giờ các cô nàng thường mơ mộng sánh vai cùng những “Cánh chim” này tung tăng dưới phố ngày cuối tuần, mơ ước là vậy, nhưng thực tế tôi không biết mình có đủ khả năng để nối bước anh Ba hay không, tuy vậy tôi vẫn nung nấu trong đầu khi có điều kiện tôi cũng tham gia cho thỏa lòng ước mơ, đôi lúc hứng chí tôi hát thầm bản nhạc (Một chuyến bay đêm) hát hoài mà không thấy chán, nhất là nghe cô Thanh Thúy hát bản nhạc này trên đài phát thanh Sài gòn thì nó làm tôi phấn chấn vô cùng.

  Rồi thì cơ hội cũng đến, một sáng nọ tôi thấy chiếc xe GMC đậu trước nhà ông bà Tư thợ hồ, anh Ba với hai người lính cùng anh tài xế lần lượt xuống xe, chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì anh Ba đã nói với tôi:

  – Phương nè! Anh chị dọn về Biên Hòa ở, ở đây xa phi trường quá khi có việc gấp chạy cong đuôi mới kịp.

Thoáng một chút buồn, vì hai anh em quen nhau chưa bao lâu nhưng rất tâm đầu ý hợp vậy mà giờ phải xa anh xa thần tượng của mình thử hỏi làm sao không buồn, tôi cố nén lòng và vặn hỏi anh:

  – Sao gấp rút vậy anh Ba, anh còn chưa kể hết những chuyến bay, những lần cấm trại xa nhà, và nhất là mấy cô học sinh tìm cách làm quen nữa, vậy mà anh lại dọn đi rồi.

  Anh Ba cười hiền, vẫn nụ cười cố hữu của anh do chiếc răng khểnh đã góp phần cho nụ cười của anh thêm phần lôi cuốn, anh nói:

  – Biên Hòa cách Sài Gòn có ba mươi cây số thôi, cuối tuần Phương rảnh thì ra ga Gò vấp leo xe lửa lên đó chơi.

  Dứt câu nói anh vào nhà lấy tờ giấy caro anh vẽ sơ đồ đường đến nhà anh, tôi thấy từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đi vòng vèo rồi đi ngang thánh thất Cao Đài, nhà anh  dừng lại cách đó chắc không xa mấy trên thực địa,  theo cách vẽ thì căn nhà của anh nằm sát hàng rào cổng Sau của Phi trường, tôi cầm tờ giấy mà trong lòng dâng lên một nỗi buồn, tôi lại nhớ có bài hát nọ có câu:

” Thôi là hết chia tay từ đây”, bài hát này nói lên chia tay đôi lứa, trong hoàn cảnh này tôi tạm mượn để nói lời chia tay cùng anh, một người anh kết nghĩa thật chân tình của tôi.

  Anh chị Ba dọn đi cả tuần rồi là cả một tuần tôi mang tâm trạng buồn hiu hắt, chị Ba cũng thường cho tôi quà cáp khi chị còn ở đây, trong lòng tôi lúc nào tôi cũng xem chị là người thân ruột thịt của mình, chẳng qua nhà tôi chẳng có cô chị gái nào để tôi vòi vĩnh nên tình cảm tôi dành cho chị thật nhiều, tôi còn nhớ lần nọ trong giờ học cô giáo gọi tôi lên trả bài, nếu hôm ấy ai thấy được gương mặt tôi thì chắc họ cũng phải cười nghiêng ngã, nhằm hôm đó tôi mê chơi chểnh mãng việc học hành nên không thuộc bài, với gương mặt méo xẹo tôi lững thững đi lên bụt giảng rồi đứng chịu trận không thốt được một lời, cô Hương cô giáo kính yêu của tôi đã “Thưởng” vô bàn tọa bốn roi và kèm theo lời mời phụ huynh vô để cô mắng vốn tiếp.

 Đòn roi dù có đau tôi vẫn chịu đựng được, còn việc mời phụ huynh vào mới đúng là phương thuốc “Đặc trị” cho những đứa không thuộc bài như tôi hôm đó, một phần vì sợ cha mẹ bỏ công việc để đi hầu, một phần tôi sợ ba tôi khi nghe tin này ông sẽ sốc và thể nào cũng “Thưởng” thêm cho tôi một mớ “Chả lông gồi” thì nguy, trong lúc đau đầu với suy nghĩ này tự nhiên tôi nãy sinh ra một ý khá táo bạo, đúng như câu người ta thường nói:

“Nhân cùng tất biến”.

  Trưa hôm đó đi học về quăng cái cặp lên bàn, tôi chạy u qua nhà bà Tư, ngó quanh không thấy chị Ba ở đâu, chỉ có bà Tư đang ngồi dọn dẹp gánh xôi do bà đi bán mới về, bà vừa xếp đống tiền lẻ bà vừa hỏi tôi:

  – Bây đi đâu vậy, bà Tư còn hai gói xôi đậu đen nè, đem về bển ăn đi, qua đây có gì không con.

  Nhận hai gói xôi trên tay bà Tư trao cho, tôi trả lời:

  – Con tìm chị Ba có chút việc, bà Tư biết chị ba ở đâu không?

  – Nó đang cho Vịt, cho Heo ăn phía sau vườn kia chứ đâu, mà có chuyện gì cứ nói, nếu được bà giúp cho cần chi đến con Ba.

  Sợ bể chuyện không hay ho gì của mình, tôi vội vàng nói trớ đi:

  -Con tìm chị ba để nghe chỉ kể chuyện đời xưa cho con nghe, chỉ kể hay lắm nghe bà Tư.

  Bà buông tay khỏi và để nắm tiền vô cái rổ và nói:

  – Cha hôm nay ngộ nha bây, trưa trờ trưa trật không lo ngủ nghê, giờ này ai ở không mà kể chuyện ông con ơi, mà bà thấy cái mặt bây hôm nay nó gian gian sao đó, hi hi hi.

  Điếng hồn cứ sợ bà Tư biết tẩy, tôi lật đật cáo lui sau khi “Thanh minh thanh nga” vài lời để đánh tan cái nghi ngờ của bà, số là tôi muốn nhờ chị Ba đóng thế vai má tôi để đi gặp cô Hương, vậy mà không biết chị có đồng ý hay không. Về nhà tôi mượn cớ để đi gặp cho bằng được chị Ba để giải quyết cho xong cái lo lắng của mình, nghĩ là làm liền, tôi xách con dao phay ra sàn nước sau hè, đến gần đám chuối hột tôi lựa một cây nhỏ vừa sức để vác, tôi đốn liền cây chuối chặt bỏ phần ngọn tôi vác phần thân qua nhà bà Tư, tôi đi thẳng một lèo ra đàng sau may phước bà Tư bận bịu gì trong buồng nên không thấy tôi, gặp chị Ba tôi mừng hết lớn, trao cây chuối cho chị để dành băm cho heo ăn rồi tôi nói thiệt đầu đuôi câu chuyện trong lớp và ý định nhờ chị cứu cho mình tai qua nạn khỏi một chuyến.

 Chị Ba cầm cây chuối chị nói:

  – Cha mới bây lớn mà biết lo lót rồi hén, thôi được để chị Ba giúp cho, bác Năm biết được ổng cạo đầu khô hai chị em mình luôn đó, lần này thôi nghe anh hai, học hành có nhiêu đó hà, học dở mai mốt sao thành phi công được.

  Nghe chị Ba lên lớp tôi có hơi buồn và hơi bị quê, tôi tự hứa với lòng nếu qua truông lần này nhất định tôi sẽ:

  “Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân”.

  Cũng may cô Hương không phát giác ra “bà má trẻ” của tôi do chị Ba đóng thế vai thật đạt, mà cái đạt nhất là khi nghe cô Hương mắng vốn tôi xong, chị Ba xoay người sang tôi chị nói:

  – Phương nè, má nói con hoài, ráng học hành đừng để cô thầy buồn sao con không nghe, cho chừa nè.

  Sau câu nói này chị Ba xáng cho tôi hai cái bạt tai vào má đau điếng, bất chợt bị đánh đau, tự nhiên theo phản xạ tôi định cự nự chị Ba sao chị nặng tay với mình, may phước tôi chực nhớ hoàn cảnh hiện tại nên tôi “Thắng” cái miệng mình lại trước khi ” Bể mánh”.

  Đến tuần thứ hai phần thì nhớ anh chị Ba thật nhiều, tôi rủ thằng Cảnh cháu cậu Tư tắc xi ở chung xóm cùng đáp xe lửa đi Biên Hòa, trước để thăm anh chị Ba cho biết nhà biết cửa, sau nữa dạo một vòng Biên Hòa xem cuộc sống bà con ra sao.

   Sau hai giờ loay hoay chúng tôi cũng đến đúng cái nhà mà anh Ba đã vẽ sơ đồ cho tôi, gặp tôi và thằng Cảnh anh chị mừng và hỏi thăm rối rít như những người thân ở xa mới về, không gian thoáng mát của căn nhà lá lợp tole thiếc bên trên, chung quanh nhà ruộng lúa mọc xanh rì, khung cảnh lạ lẫm nhưng đẹp như bức tranh đã làm tôi và thằng cảnh chìm đắm vào giấc mơ đang sống trong xứ sở thần tiên nào đó, chừng khi nghe tiếng hát của cô ca sỹ Mai Mệ Huyền cất tiếng hát bản nhạc ” Túp liều lý tưởng” trong chiếc Radio của nhà ai đang mở vọng đến, lúc ấy chúng tôi mới qyay về thực tại, tôi hỏi anh Ba:

  – Một mái nhà tranh hai quả tim vàng là nhất rồi há anh Ba, ở những nơi như thế này giống”Từ Thức lên tiên” tụi em thích lắm.

  Chiều đến anh chị đãi chúng tôi bữa cơm chiều thuộc về hàng “Quốc yến”, ăn uống xong anh Ba mới cho tôi hay một tin mừng mà suốt đêm ấy tôi cứ trằn trọc mãi vì quá vui, vui đến bất ngờ và xem như món quà tinh thần vô giá anh đã mang đến cho tôi thời bấy giờ:

  – Phương nè, đây là cái đơn xin gia nhập Thiếu niên thần Phong, em đem về cho chú thím Năm điền đơn và ký vô, khi nào xong giao lại cho anh, anh chỉ có quyền đưa một người vô thôi, em ưu tiên lắm nghe vì cháu anh Ba cả đống mà có đứa nào được như em đâu.

  Cầm lá đơn tôi rối rít cảm ơn anh Ba vì anh thật sự dành cho tôi cái đặc ân này mà đám con cháu anh nằm mơ cũng chẳng bao giờ có được.

  Đêm về ngoài trời tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái đang hòa tấu khúc nhạc đồng quê nghe buồn đến não nuột, chuẩn bị đi ngủ tôi thấy anh Ba thay bộ quần áo kaki cũ phèn dính vàng cả hai cái ống quần, thấy lạ tôi hỏi liền:

  – Ủa giờ này anh còn đi đâu, mà bộ đồ này cũ sì vậy anh Ba.

  – Có hai đứa ở Sài gòn lên chơi anh kiếm mớ cá để mai mấy anh em mình lai rai.

  Nói xong anh nhớm người đưa tay quơ mấy chục cái cần câu cắm để trên cái kệ tre gần đó, anh móc mồi nhanh chóng và hỏi:

  – Sao hai đứa có muốn theo anh tham gia “Một chuyến câu đêm” không? Thú vị lắm đó, đi một lần cho biết không dễ gì có lần thứ hai đâu.

Nghe anh quảng cáo hấp dẫn quá khiến tôi và thằng Cảnh hưởng ứng tức thì.

Theo chân anh Ba chúng tôi đi dọc những bờ ruộng phủ đầy cỏ và thấm ướt sương đêm, do không quen địa hình và ánh đèn pin của anh Ba không đủ sáng khiến chúng tôi phải lần mò trong đêm, tôi với thằng Cảnh bị “Chụp ếch” lia lịa, có lúc té xuống ruông ướt như chuột lột, càng về khuya trời càng lạnh nhưng chúng tôi thích thú với chuyến câu đêm nên thời tiết có thế nào cũng chẳng làm chúng tôi nao lòng, anh Ba giao mỗi đứa vài chục cần câu, chia nhau đi cắm dài dài trong mấy thửa ruộng, không quen với sình lầy chúng tôi cứ bì bõm như trâu đang cày ở ruộng sâu, câu đêm thật cực thân nhưng rất vui.

  Ngồi túm tụm lại trên một bờ đê lớn, anh Ba móc gói thuốc Ruby ra đốt một điếu, ánh lửa của điếu thuốc lập lòe trong đêm khiến tôi liên tưởng như ánh ma trơi mà tôi thường nghe kể trong các câu chuyện về khuya, lấy cái bi đông rượu nếp than và bịch khô mực nướng anh mời chúng tôi thưởng thức để chờ đến giờ đi thăm câu. Hơi ấm của rượu, mùi thơm khô mực và vị ngọt của nó khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng trong đêm khuya.

  Chừng một tiếng sau kể từ khi cắm các cần câu xuống ruộng lúa, chúng tôi tỏa ra để thăm câu, hấp dẫn của câu đêm đã bắt đầu, nào là cá Rô, cá lóc, cá  trê vàng dính câu thấy mê, nhưng có một thứ dân nhậu mê hơn khi nó dính câu đó là rắn nước các loại vì nó làm mồi nhậu thì không chê vào đâu, tôi lần mò đến đám câu của mình đã cắm, dưới ánh sáng lờ mờ của của con Trăng hạ tuần, tôi thấy một cần câu cong vút với sợi dây nhợ thật căng, lấy cành cây khô tôi khiều sợi dây nhợ rồi nắm nó kéo lên, cố mãi mà không lôi được con mồi ra khỏi mặt nước, một chút sợ sệt tôi kêu anh Ba đang ở gần:

  – Anh Ba lại xem con gì nó kéo dây cước căng lắm, em kéo hoài mà không lên, lại phụ em với.

  Bằng cặp mắt nhà nghề anh Ba nói:

– Thôi rồi nó đó, Phương để anh trị nó cho, rắn đó Phương ơi.

Nghe xong câu nói của anh Ba tôi lật đật quăng hết mọi thứ có trên tay và co giò phóng thẳng lên bờ, anh Ba và thằng Cảnh cười nắc nẻ, thằng Cảnh còn lợi dụng cơ hội nó phang theo tôi một câu:

  -Cái thằng quỷ Phương này nó nhát khích hà anh Ba, để đó cho em.

Chừng không yên tâm, anh Ba hỏi thằng Cảnh:

  – Liệu được Không Cảnh, còn không để đó cho anh.

Không chờ anh Ba nhúng tay vào, thằng Cảnh nó nhào tới sợi dây câu chẳng biết bằng cách nào nó lôi con rắn nước thật to lên khỏi mặt nước.

  Anh ba mừng quá, vì thấy con mồi to anh vỗ vai thằng Cảnh và nói:

– Giỏi lắm nghe Cảnh, thôi gom đồ mình  về.

Xa xa phía hướng bắc phi trường đột nhiên có những đóm hỏa châu từ mặt đất phóng lên soi sáng cho đêm trường để chúng tôi khỏi lạc bước khi quay về.

Buổi sáng cuối tuần đầu tiên tôi khoác bộ đồng phục “Thiếu niên Thần Phong”, bộ đồ đen thật gọn ghẽ, phù hiệu đầy đủ y như chú lính không quân thứ thiệt, cái nón kết đen trên đầu có phù hiệu tròn hình con rồng há to miệng phía bên dưới có hai chữ Thần phong rất đẹp,  vừa đến bến xe Lô Sài Gòn Biên Hòa tôi gặp hai người cũng mặc bộ quần áo y như tôi đang chờ xe để đi Biên Hòa, khi đến gần tôi chợt nhận ra thằng Trọng và thằng Hạnh, mừng rỡ vô cùng vì có bạn đường vừa có đồng đội thì còn gì bằng, khi hỏi ra thì tôi được biết anh em thằng Trọng vô Thần Phong là do anh Hai nó là sỹ quan của Phi trường này đưa vô.

  Chúng tôi được huấn luyện đủ thư trên đời, từ văn hóa đến đồng đội, kỹ thuật hướng đạo, mưu sinh thoát hiểm v.v…

  Vậy là ước mơ vỗ cánh chim bằng trên các vùng trời quê hương của tôi đã một phần thành sự thật, nhưng cuộc đời không phải là mơ, không phải hoa hồng lúc nào cũng rãi đầy như tấm thảm nâng gót phiêu bồng cho ta đi suốt đoạn đời.

  Từ lúc khoát bộ đồng phục này, đám bạn học của tôi biết được đứa nào cũng trầm trồ khen ngợi có thằng nói:

  – Ông Phương nè, công nhận ông chơi bộ đồ này oai phong lẫm liệt lắm nhe, nếu có hoa mai nở trên ve áo nữa là hết phản luôn. Mấy con bé bên trường Chân Phước Liêm nhìn lén ông hoài đó nghe.

( vụ này có hôm cao hứng tôi mặc vô trường sau giờ tan trường để khoe ấy mà).

  Nghe đám bạn bình phẩm tôi cảm thấy vui mừng, giờ nhìn lại thấy lúc ấy sao mình làm hơi lố.

  Thời gian trôi qua, tôi đi Thiếu niên Thần Phong được chừng hai măm, gia đình gặp nhiều chuyện không may, không còn khả năng và thời gian tham gia với anh em thằng Hạnh thằng Trọng nữa, tôi đành giã từ đồng đội trong tiếc nuối, tội nhất là anh Ba khi nghe tôi không tham gia nữa anh dậm cẳng kêu trời, đương nhiên anh sẽ bị cấp trên quở trách việc tôi vắng mặt, nhưng anh kêu trời vì anh muốn tôi được chắp cánh bay cao thoát khỏi cảnh tăm tối của cuộc đời trong xóm nghèo thân thương mà không được

Anh Ba ơi, vật đỗi sao vời nên em không thể theo con đường anh chọn cho em, xin nợ anh một món nợ ân tình, ngàn lần xin lỗi anh, giờ này anh ở đâu, một vùng quê nào đó ở Long An hay vùng trời xa tít nào đó, em cũng mong anh chị được an lành, riêng em kỷ niệm của cái thuở biết buồn ngày xưa lúc nào cũng có hình ảnh anh chị ngự trị trong đó.

Viết xong 17.3.2016 Tại cà Phê Phố Q1 SG