Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: 1968-1975 (RVNAF, 1968-1975)

Báo Người Việt online – September 26, 2017

(Bài của nhà nghiên cứu về Việt Nam, Bill Laurie)/Nguyễn Tiến Việt dịch)

Lời người dịch: Bill Laurie là sử gia Hoa Kỳ, một trong những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và nhân chứng được mời trình bày quan điểm trong cuộc hội thảo mang tên “Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa: Suy ngẫm và tái thẩm định sau 30 năm” (ARVN: Reflections and reassessments after 30 years) do Trung Tâm Việt Nam thuộc Ðại Học Texas Tech tổ chức tại Lubbock trong hai ngày 17 và 18 Tháng Ba năm 2006.

Trong số nhiều diễn giả Việt Mỹ, ông Laurie là người nêu ra quan điểm trung thực và thẳng thắn nhất của riêng ông về một quân đội mà ông từng sát cánh với cương vị một chuyên viên tình báo cao cấp trong nhiều năm, song song với những ý kiến không quanh co che đậy về giới truyền thông và chính trị Hoa Kỳ trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Bài này dịch thuật nguyên văn bài viết của Bill Laurie, mà ông dùng để trình bày lại, vắn tắt hơn, trong buổi hội thảo. Bill Laurie gửi tặng bài viết cho dịch giả, cho phép được dịch và phổ biến trong giới truyền thông Việt ngữ.

Trong bản dịch dưới đây, những chữ in nghiêng trong ngoặc đơn là chú thích thêm của người dịch để làm rõ nghĩa câu văn Mỹ của tác giả, những chữ in đậm là nguyên văn tiếng Việt mà tác giả viết trong tài liệu. Hình ảnh lấy từ website của Trung Tâm Việt Nam, Lubbock, Texas.

QLVNCH thay đổi một cách đáng kể cả về số lượng lẫn phẩm chất trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1975. Sự thay đổi không hề được giới truyền thông tin tức (Hoa Kỳ) lưu ý, và nhìn chung thì đến nay vẫn không được công chúng Mỹ biết đến, vẫn không được nhận chân và mô tả đầy đủ trong nhiều cuốn sách tự coi là “sách sử.” Một phần nguyên nhân của sự kiện này là do bản chất và tầm mức của sự thay đổi không dễ được tiên đoán hay tiên kiến, dựa trên hiệu quả hoạt động và khả năng của QLVNCH trước năm 1968.

Bài này không hề muốn chối bỏ những vấn đề nghiêm trọng đã hiện hữu, hay chối bỏ rằng vấn đề tham nhũng, lãnh đạo kém cỏi không tiếp tục gây họa cho khả năng của QLVNCH bảo vệ đất nước họ. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó những vấn đề này có được giải quyết, và những khía cạnh tích cực của QLVNCH không thể bị xóa khỏi trang lịch sử vinh quang.

Tôi đã tự chứng nghiệm điều này, khi đến Việt Nam cuối năm 1971, phục vụ 1 năm tại MACV, rồi sau đó trở lại thêm hai năm, từ 1973-1975, làm việc ở phòng Tùy Viên Quân Sự.

Khởi thủy, được huấn luyện và dự trù phục vụ như một cố vấn, tôi tham dự khóa huấn luyện căn bản sĩ quan lục quân tại Fort Benning, Georgia, tình báo chiến thuật và chuyên biệt về Ðông Nam Á ở Ft. Holabird, Maryland, và học trường Việt ngữ tại Ft. Bliss, Texas. Tới Việt Nam thì được biết những nhiệm vụ cố vấn đang được giảm dần để đi đến chỗ bỏ hẳn; nên thay vào đó tôi được chỉ định vào MACV J-2 với cương vị một chuyên viên phân tích tình báo, trước hết phụ trách Cambodia, rồi tập trung vào Quân Khu IV, bao quát toàn vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong. Công việc này mở rộng một cách không chính thức để bao gồm công tác liên lạc giữa Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, các toán cố vấn Mỹ, các chính quyền tỉnh của Việt Nam, và cả các đơn vị QLVNCH ở vùng IV.

Trong 3 năm đó, tôi có mặt lúc chỗ này, lúc chỗ khác, trên khắp 18 trong số 44 tỉnh của VNCH, liên lạc không những với các đơn vị Mỹ và VNCH mà cả với người Úc, cơ quan viện trợ Mỹ USAID, và CIA. Khi thì đứng vào vị trí rất cao cấp trong những buổi thuyết trình ở tổng hành dinh của MACV cũng như ở Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, tuần lễ sau đó tôi có thể đã lội trên những ruộng lúa tỉnh Kiến Phong cùng với các binh sĩ Ðịa Phương Quân, hay bay ngang tỉnh Ðịnh Tường trên một chiếc trực thăng Huey của QLVNCH, hoặc là nằm trong căn cứ Biệt Ðộng Quân Trà Cú bên sông Vàm Cỏ Ðông.

Nói tiếng Việt là điều vô cùng quan trọng, và trong vòng một tháng sau khi tới Việt Nam, thật rõ ràng hiển nhiên là những điều tôi từng nghe ở Mỹ, dù là tin tức báo chí hay là những cuộc thảo luận ngốc nghếch trong các trường đại học, mà có thể diễn tả được những gì tôi đang trải qua và gặp phải. Nói vắn tắt, tôi tự hỏi: “Nếu tất cả những người ở Mỹ quả là đang nói về Việt Nam, thì mình đang ở nơi nào đây?”

Những thời khắc ngoài giờ làm việc của tôi được dàn trải trọn vẹn trong một kích thước thực tế hoàn toàn Việt Nam. Dù là ở Sài Gòn, Cao Lãnh, hay Rạch Giá, tôi cũng lui tới những cái quán nhỏ, với những bàn cà-phê, mì, cháo… háo hức lắng nghe người dân người lính Việt Nam nói chuyện, tôi hỏi han, và học được thật nhiều, nhiều hơn những gì tôi từng học ở Hoa Kỳ.

***

Sự học tập của tôi không dừng lại ở năm 1975. Từ đó đến nay tôi đã đọc hằng feet khối những tài liệu giải mật và hằng trăm cuốn sách, kể cả những tác phẩm tiếng Việt, phỏng vấn đến mức từ kỷ lục này qua kỷ lục nọ những người cựu chiến binh gốc Ðông Nam Á và gốc Hoa Kỳ, săn tìm trong hằng trăm trang web Việt Nam và Ðông Nam Á trên Internet. Vẫn còn rất nhiều điều về Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan hơn là những gì công chúng Hoa Kỳ tưởng, và những kết luận do những người ở những xứ ấy tự trình bày lên thì lại không phù hợp với những gì mà hầu hết mọi con người (ở Mỹ) tưởng là họ biết.

Quả là có những vấn đề nghiêm trọng về tham nhũng. Ðúng là có những tấm gương về lãnh đạo bất xứng. Tuy nhiên, chẳng phải ai nói hay gợi ý gì với tôi, mà chính là ngay lần đầu tiên đến vói Sư Ðoàn 9 Bộ Binh VNCH, tôi đã phát giác khả năng dày dạn và đầy chuyên nghiệp trong những hoạt động mà tôi chứng kiến ở một trung tâm hỏa lực cấp sư đoàn. Cũng chẳng ai nói với tôi là Sư Ðoàn 7 Bộ Binh VNCH, cái đơn vị mãi bị kết tội vì khả năng chiến đấu kém cỏi ở Ấp Bắc nhiều năm trước, đã biến thái thành một đơn vị có hiệu năng chiến đấu cao dưới tài lãnh đạo chỉ huy của Tướng Nguyễn Khoa Nam, một con người thanh liêm không một tì vết, song song với tài năng về chiến thuật, mà đến nay vẫn không hề được công chúng Hoa Kỳ biết tới, tuy đã được người Việt Nam tôn sùng đúng mức.

Cũng không hề có ai ngụ ý hay nói với tôi rằng có thể là lực lượng Ðịa Phương Quân tỉnh Hậu Nghĩa, là những dân quân của tỉnh, đã làm mất mặt chẳng những một mà tới ba trung đoàn chính quy của quân đội miền Bắc trong chiến dịch tấn công năm 1972 của Hà Nội. Họ đã nhai nát và nhổ phun ra nguyên cả lực lượng tấn kích của đối phương, một lực lượng có thể đã làm đổi chiều lịch sử vào thời kỳ đó. Ðịa Phương Quân không được Pháo Binh và Không Quân sẵn sàng yểm trợ như lực lượng chính quy VNCH, trong đó kể cả Nhảy Dù, Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến. Quân địa phương chỉ dựa vào kỹ thuật chiến đấu căn bản bộ binh. Nếu quân Bắc Việt đánh thủng được chiến tuyến này thì họ đã lập tức trực tiếp đe dọa Sài Gòn, chỉ cách đó 25 dặm, buộc Sư Ðoàn 21 Bộ Binh VNCH phải rút khỏi quốc lộ 13, từ đó để cho lực lượng Bắc Việt hướng thẳng vào An Lộc. Và như Tiến Sĩ James H. Willbanks viết trong tác phẩm xuất sắc của ông (về trận An Lộc), Sư Ðoàn 21 tuy không thành công trong việc phá vòng vây An Lộc nhưng cũng đã buộc Bắc Việt phải đưa một sư đoàn đổi hướng khỏi chiến trường An Lộc, nếu không, nơi này có thể đã sụp đổ với những hậu quả khốc liệt.

Nói vắn tắt, QLVNCH, một cách toàn diện, đã có khả năng cao hơn nhiều so với những gì tôi biết trước khi tôi qua Việt Nam, và càng cao hơn nhiều so với những gì được chuyển tới cho người dân Mỹ.

Ngày trước… và ngày nay cũng vậy.

***

Trở lại thời kỳ đang thảo luận trong bản thuyết trình này, ai cũng biết QLVNCH vướng mắc nhiều vấn đề trầm trọng. Ðiều này là hiển nhiên. Nếu không như vậy thì đã chẳng cần phải yêu cầu những đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Thái Lan và New Zealand tới đó.

Tuy nhiên, còn có những chỉ dấu cho thấy lực lượng VNCH khi được trang bị đúng mức và chỉ huy tốt đẹp thì sẽ có khả năng tới đâu. Năm 1966, một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân VNCH đã gây thiệt hại nặng và đã “giúp” giảm quân số chỉ còn 1 phần 10 cho một trung đoàn Bắc Việt đông gấp ba lần họ ở Thạch Trụ. Tiểu đoàn này được Tổng Thống Johnson tặng thưởng “Huy chương của tổng thống Hoa Kỳ.” Ðại Úy Bobby Jackson, cố vấn tiểu đoàn này, đã mô tả người đối tác của ông, Ðại Úy Nguyễn Văn Chinh (hay Chính?), như là con người tuyệt nhiên không hề sợ hãi. Tiểu Ðoàn 2 TQLC, mang huy hiệu Trâu Ðiên, đã từng bắt nạt nhiều đơn vị Cộng Sản miền Nam và chính quy Bắc Việt, chứng tỏ sự xứng hợp của huy hiệu “Trâu Ðiên” (càng có ý nghĩa đối với những ai đã từng gặp phải một con trâu đang nổi giận và bị nó ăn hiếp!) Công trạng của họ không hề được tường trình trong giới truyền thông tin tức của Hoa Kỳ, và về sau cũng bị bỏ quên trong cái gọi là “lịch sử”…

Năm 1968, trong bối cảnh cuộc Tổng Công Kích 68 thất bại của Hà Nội, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ thấy rõ là kế hoạch Việt Nam hóa phải được tăng tiến, nhưng nhiều người (Mỹ) lại lầm tưởng đó là ranh giới giữa hai thời kỳ: thời kỳ QLVNCH không chiến đấu, và bây giờ là lúc họ bắt đầu chiến đấu. Thái độ này đã bỏ quên dữ kiện là mức tử vong vì chiến sự hằng tháng của QLVNCH đã vượt xa mức tổn thất trong toàn cuộc chiến của tất cả các lực lượng đồng minh cộng lại.

Rốt cuộc thì QLVNCH cũng được cung cấp vũ khí tối tân, thay thế những trang bị thời thế chiến thứ hai mà hầu hết quân lực này phải sử dụng (khoảng đầu năm 1968 chỉ có 5% quân đội VNCH được trang bị súng M16), nhìn chung thì thua kém vũ khí của Việt Cộng và bộ đội Bắc Việt. Ðồng thời, quân số cũng tăng tiến, theo như bảng dưới đây trình bày: (bảng ghi những con số gia tăng quân số của các lực lượng chính quy và Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, từ năm 1968 đến năm 1972, cho thấy quân số tổng cộng tăng 28%, từ 820 ngàn lên 1 triệu 48 ngàn quân. Trong đó, Không Quân gia tăng quân số tới 163%, Hải Quân tăng 110%, Lục Quân tăng gần 8% quân số).

Trong bảng này, nhóm từ Anh ngữ ARVN, tức the Army of Republic of Vietnam, có nghĩa là Lục Quân Việt Nam, chỉ bao gồm 38% QLVNCH (tác giả không đồng ý dùng nhóm chữ ARVN để chỉ QLVNCH, và ông dùng nhóm chữ RVNAF, Republic of Vietnam’s Armed Forces). Ngoài ra còn những thành phần khác, gồm Cảnh Sát Dã Chiến, Nhân Dân Tự Vệ, và các Toán Xây Dựng Nông Thôn. Lực lượng Xây Dựng Nông Thôn không được coi là lực lượng chiến đấu, còn lực lượng Nhân Dân Tự Vệ thường bị chế diễu nhưng (những lực lượng này) cũng là chướng ngại cho quân Việt Cộng và quân đội Bắc Việt (North Vietnam’s Army trong nguyên bản). Có lần một toán Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn đã đẩy lui cả một tiểu đoàn Việt Cộng ở tỉnh Vĩnh Long. Các toán viên biết gọi pháo binh của tỉnh yểm trợ. Chuyện này cũng không được biết đến để ghi nhận vào tài liệu.

Thành phần của lực lượng Nhân Dân Tự Vệ thì quá trẻ, hay quá già, hay vì thương tật nên không gia nhập quân đội chính quy, chỉ phục vụ như lực lượng phòng vệ làng ấp chống lại những toán thu thuế, tuyển mộ, hay tuyên truyền của Cộng Sản địa phương. Nhưng Nhân Dân Tự Vệ cũng là một yếu tố mà Cộng Sản địa phương phải đối phó sau năm 1968. Trước đó không có lực lượng này, Việt Cộng ở địa phương tự do đi vào ấp xã lúc ban đêm. Nhiều lúc Nhân Dân Tự Vệ không có hiệu quả, nhiều khi họ bị tuyên truyền để đi theo Việt Cộng, nhưng có nhiều lúc khác lại có những báo cáo như sau: (trích từ các sách vở của các tác giả người Mỹ).

“Hai Việt Cộng đang bắt cóc một Nhân Dân Tự Vệ thì một Nhân Dân Tự Vệ khác xuất hiện, bắn chết hai Việt Cộng này bằng súng M.1 (không ghi rõ garant hay carbine), tịch thu được một súng AK47 và một súng lục 9 ly.”

Và “cả hai ấp Prey Vang và Tahou đêm nay bị bắn súng nhỏ và B-40. Nhân Dân Tự Vệ địa phương đẩy lui hai toán trinh sát nhẹ.”

Còn nữa: “Một Nhân Dân Tự Vệ 18 tuổi đã là người bắn cháy chiếc xe tăng đầu tiên trong rất nhiều xe tăng T 54 của Bắc Việt bị tiêu hủy tại An Lộc trong cuộc bao vây năm 1972.”

Hà Nội không mấy hài lòng về lực lượng này, theo như tài liệu sau đây:

“Chúng (QLVNCH) tăng cường các lực lượng bù nhìn, củng cố chính quyền bù nhìn và thiết lập mạng lưới tiền đồn cùng các tổ chức Nhân Dân Tự Vệ bù nhìn ở nhiều làng xã. Chúng cung cấp thêm trang bị kỹ thuật và tính lưu động cho lực lượng bù nhìn, thiết lập những tuyến phòng vệ, và dựng ra cả một hệ thống phòng thủ và đàn áp mới ở những khu vực đông dân cư. Kết quả là chúng đã gây nhiều khó khăn và tổn thất cho lực lượng bạn (Việt Cộng).”

Sự kiện này không thể xảy ra trước năm 1968, khi lực lượng Nhân Dân Tự Vệ được thành lập và trang bị bằng những vũ khí thời thế chiến thứ hai do các lực lượng QLVNCH chuyển giao lại.

Tương tự như vậy, lực lượng Nghĩa Quân, Ðịa Phương Quân với sự trợ giúp của các toán cố vấn Mỹ lưu động, được tuyển mộ thêm từ năm 1968 và trang bị vũ khí tốt hơn, khởi sự tiến bộ, như Cố Vấn David Donovan thuộc một toán lưu động chứng kiến trong một trận tấn công bộ binh năm 1970:

“Chúng tôi vừa vượt khỏi khu mìn bẫy chính thì bị hỏa lực từ một rặng cây trước mặt bắn tới. Nước văng tung tóe xung quanh, đạn bay véo véo trên đầu, trong tiếng súng nhỏ nổ giòn. Binh sĩ bây giờ phản ứng tốt lắm, không giống như trước kia cứ mỗi khi bị bắn là họ gần như tê liệt. Trung Sĩ Abney chỉ huy cánh đuôi của đội hình hàng dọc, bung qua bên phải, sử dụng như thành phần điều động tấn kích, trong khi chúng tôi ở phía trước phản ứng lại hỏa lực địch. Khi toán của Abney tới được chỗ địa thế có che chở thì họ dừng lại và bắt đầu tác xạ. Dưới hỏa lực bắn che đó chúng tôi tràn tới một vị trí khác. Hai thành phần chúng tôi yểm trợ nhau như vậy và tiến được tới hàng cây, sẵn sàng xung phong. Ba người trong toán của tôi bị trúng đạn, không biết nặng nhẹ ra sao nhưng mọi người đều xông tới. Chúng tôi đã hành động khá hay.”

Kinh nghiệm của Donovan không phải là độc nhất. Cố vấn John Cook nhắc lại niềm lạc quan của ông vào năm 1970:

“Chúng tôi (tức Cook và sĩ quan đối tác phía Việt Nam) đang rất lên tinh thần, cảm thấy như mình là ‘kim cương bất hoại.’ Tinh thần chiến đấu và hăng hái chủ động tấn công trong quận hết sức cao, khiến chúng tôi truy kích quân địch một cách gần như khinh suất, liều lĩnh.”

Những thành tích như vậy không phải mọi nơi đều có. Có những đơn vị không đáp ứng được trong thời kỳ thay đổi và vẫn bị lãnh đạo chỉ huy kém cỏi, chẳng thực hiện một cuộc hành quân lục soát với chiến thuật chủ động tấn công nào. Có khi cố vấn Hoa Kỳ suýt bị giết hay bị dọa giết bởi những sĩ quan địa phương của Việt Nam mà họ không hòa thuận được. Nhiều cố vấn Mỹ khác không gặp cảnh ngộ khó chịu đó, nhưng cũng chẳng có ấn tượng tốt nào về hoạt động của những đơn vị mà họ cố vấn. Dù sao thì những chuyện tích cực và thích thú do cố vấn Mỹ chứng kiến cũng đầy rẫy, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng trong những cuộc thảo luận trên nước Mỹ hay trong ý tưởng của những người Mỹ bình thường, cũng như trong những gì được dạy dỗ tại các trường học Hoa Kỳ.

Sự tiến bộ hay những tấm gương xuất sắc ngay trước mắt không phải chỉ hiển hiện trong những lực lượng lãnh thổ và những Sư Ðoàn Bộ Binh VNCH, (là những đơn vị) thường bị cho là không mấy nổi trội về chiến thuật chủ động tấn công. Cố vấn về kế hoạch bình định của tỉnh Quảng Trị, Richard Stevens, trước đó từng phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Việt Nam, tỏ ra ngạc nhiên trước thành tích của một đơn vị thuộc Sư Ðoàn 1 Bô Binh Việt Nam trong trận tấn công một vị trí phóng hỏa tiễn của quân Bắc Việt:

“Tôi có ấn tượng hoàn toàn tốt, và thực sự là kinh ngạc, về cách thức hành quân và sự táo bạo của họ trong mọi việc… Ðây là cuộc hành quân thứ 13 như vậy do vị Tiểu Ðoàn Trưởng này chỉ huy. Ta đang nói chuyện về những chuyên gia hết sức tinh thục trong những gì họ làm, những người đã từng thực hiện những công tác xởn tóc gáy và vẫn tiếp tục thực hiện… Các cố vấn của trung đoàn này luôn luôn nói với tôi lúc tôi ra đó, rằng: ‘Anh đang làm việc với những người giỏi nhất. Chúng ta không có điều gì để mà có thể nói cho những người này làm. Chúng ta (các cố vấn) chỉ có việc yểm trợ hỏa lực mà thôi. Còn về sự hiểu biết trong hành quân, thì họ là người dạy chúng ta.’ Chúng tôi có các cố vấn người Úc và người Mỹ, họ đều nói y như nhau.” (tác giả trích luận án Master năm 1987 của Howard C.H Feng, Ðại Học Hawaii).

Ở miền Nam, trong lãnh thổ tỉnh Ðịnh Tường thuộc Quân Khu IV, Sư Ðoàn 7 Bộ Binh VNCH cũng thi hành nhiệm vụ không hề có khuyết điểm, theo lời xác nhận của các cố vấn và các phi công Mỹ lái trực thăng chuyển quân cho các binh sĩ Sư Ðoàn 7 trong những trận tấn công. Sư đoàn này từng bị mang tiếng là sư đoàn “lùng và né” (thay vì “lùng và diệt,” search and destroy), có thể vì trận Ấp Bắc hồi 1963, nhưng những ai trực tiếp công tác với họ không thể nói gì hơn là những lời ca tụng, ngưỡng mộ về sự tinh thông chiến thuật và tinh thần hăng hái xông xáo. Một cựu cán binh Bắc Việt xác nhận về sự dũng cảm của Sư Ðoàn 7 Bộ Binh:

“Vùng giải phóng bị thu hẹp… Tôi mất thêm thời gian di chuyển quanh, cố tránh xa các cuộc hành quân của quân đội VNCH.

Ở Bến Tre (tức tỉnh Kiến Hòa), Sư Ðoàn 7 VNCH là lực lượng chính gây nên nhiều khó khăn. Hầu hết Sư Ðoàn được tuyển mộ ở vùng châu thổ sông Cửu Long nên họ biết rành hết cả vùng. Họ thông thuộc vùng này cũng như chúng tôi” (tác giả trích dẫn David Chenoff và Ðoàn Văn Toại, sách Chân Dung Kẻ Ðịch, Random House ở New York xuất bản năm 1986).

Tình hình còn tồi tệ hơn khi các đơn vị quân đội Bắc Việt điền khuyết cho các đơn vị “Việt Cộng,” không hiểu biết chút nào về vùng này và được trang bị kém cho cuộc chiến kiểu các rặng cây ở phía bắc vùng châu thổ. Một tù binh cho biết bị bắt sống không bao lâu sau khi tới, lúc anh ta và những người khác được lệnh phục kích một cuộc hành quân càn quét của Sư Ðoàn 7 vào ngày hôm sau. Bố trí xong trước bình minh, đội quân đáng lẽ phục kích người ta thì lại bị tấn công từ phía sau do thành phần bên sườn của Sư Ðoàn 7, trước khi tới lượt lực lượng chính. (tài liệu trích dẫn).

Kết quả của điều này thêm hiển nhiên trong thời gian giữa 1968 và 1971, thời kỳ mà quân số lực lượng Hoa Kỳ giảm thiểu hơn một nửa, trong khi những cuộc hành quân tấn công của Việt Cộng và quân Bắc Việt lại bị suy giảm rõ rệt: (Bảng thống kê trong bài ở đoạn này cho thấy lực lượng Mỹ ở Việt Nam từ năm 1968 đến 1971 đã giảm 322 ngàn quân, tức 58%, các cuộc tấn công của Việt Cộng và quân Bắc Việt cấp tiểu đoàn trở lên giảm 98%, chỉ còn 2 trận, những cuộc tấn công lẻ tẻ của phía Cộng Sản cũng giảm, kể cả những vụ bắt cóc, khủng bố, trong khi số xã ấp có an ninh tăng 56%, diện tích trồng tỉa lúa tăng 9,8%, thương vong vì chiến tranh của dân và quân phía VNCH giảm 55%, quân số của Việt Cộng, Bắc Việt trên toàn miền Nam giảm 21%).

Tỉ lệ về các cuộc tấn công lớn nhỏ của phía Cộng Sản giảm hơn là tỉ lệ giảm quân số, cho thấy một sự sa sút toàn diện về khả năng quân sự, dưới tỉ lệ dự đoán là 21% quân số sụt giảm. Ðiều này xảy ra trong khi quân số tham chiến của Hoa Kỳ giảm tới 58%. Quân Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng không những chỉ có mặt ít hơn trên toàn lãnh thổ, mà còn kém khả năng tung ra những cuộc hành quân tấn kích.

Nhiều con số thống kê của VNCH không chính xác, nhất là con số xã ấp có an ninh thì lại còn kém xác thực hơn, nhưng biểu đồ khuynh hướng khá rõ ràng, và không có bằng chứng dù về thống kê hay tin đồn vặt, mà nêu ra điều gì khác hơn là sự xuống dốc thẳng đứng trong thời vận của quân Việt Cộng và quân đội Bắc Việt trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1971. Trong khi Việt Cộng, gọi như vậy để phân biệt với quân Bắc Việt, không bị tiêu diệt hoàn toàn, và những ổ kháng cự có ảnh hưởng mạnh do họ kiểm soát vẫn tồn tại ở những tỉnh như Chương Thiện, Ðịnh Tường, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thì Việt Cộng ở địa phương cũng không còn là một lực lượng chiến lược. Nếu không có sự xâm nhập đại quy mô của quân Bắc Việt và sự cung cấp vũ khí hiện đại, thì chiến tranh đã dần dần tự tàn lụi. Những đơn vị và khu vực của Việt Cộng tồn tại được cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào quân đội Bắc Việt để sống còn.

Tác giả “phản chiến” Frances Fitzgerald của cuốn “Lửa Trong Hồ” (thật khôi hài, là cuốn sách bị đả kích bởi cả người chỉ đạo về tư tưởng của Hà Nội, Nguyễn Khắc Viện, lẫn người ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng và Hà Nội, Ngô Vĩnh Long), nhìn nhận rằng khả năng sinh tồn của cả Việt Cộng lẫn QLVNCH hồi năm 1966 là mỗi bên 50%, nhưng đến 1969 thì cơ hội sống còn của Việt Cộng chỉ còn 10%, trong khi tỉ lệ này phía QLVNCH lên hẳn 90%. Nguyễn Văn Thành, sau 23 năm theo Việt Cộng, hồi chánh năm 1970, cho rằng cứu cánh của Mặt Trận Giải Phóng là vô vọng. Ông ta nêu ra những cuộc hành quân gia tăng của QLVNCH, sự phát triển những đơn vị Nghĩa Quân xã quận và các chương trình Nhân Dân Tự Vệ, cùng với kế hoạch cải tổ về ruộng đất của chính phủ VNCH, coi đó là những việc không thể đối phó được nữa. Stanley Karnow khẳng định thẳng thừng trong cuốn sách được đánh giá cao quá đáng của ông, không cần giải thích nguyên do, rằng đến năm 1971, thì “riêng phía Việt Cộng không phải là đối thủ của quân đội chính quyền Sài Gòn.”

Don Colin trải qua nhiều năm ở Việt Nam, được nhiều người biết đến qua lối bày tỏ thô lỗ, phản bác thô bạo và quá đáng, cộng với lối rủa sả om sòm những gì mà ông ta coi là tào lao nhảm nhí. Ông này đã phải chịu đựng những khó khăn trở ngại, những khởi đầu sai lạc cùng những vấn đề tương tự, bị coi như toàn những điềm gở. Nhưng năm 1971 Don Colin cũng thấy những kết quả tích tụ hiển hiện ở vùng châu thổ:

“Ba mươi tháng trước, con số những cấp chỉ huy giỏi ở Quân Khu IV chỉ đếm được trên một bàn tay. Ngay cả tư lệnh Quân Ðoàn, một cấp chỉ huy tốt, trong sạch và tương đối có khả năng, cũng nhút nhát, thiếu óc sáng tạo và không đủ sức kích động thuộc cấp vào những hoạt động xông xáo và tích cực. Cấp tư lệnh sư đoàn thì phần lớn thiếu khả năng, hầu hết các tỉnh trưởng cũng kém cỏi và tham nhũng. Các cấp chỉ huy thuộc quyền của họ thì chẳng những noi gương xấu mà nhiều khi còn phạm khuyết điểm quá hơn cấp trên nữa. Nhưng nay thì chuẩn mực chung về tài năng, sự trong sạch và tận tâm đã tăng lên tới mức mà trước kia tôi cho là không thể tưởng tượng được. Sự thay đổi đặc biệt này khiến tôi thêm lạc quan tin tưởng ở khả năng tối hậu của chính phủ trong việc kiểm soát được Việt Nam và thành lập một chính quyền ổn định.”

***

Rồi tới cuộc tấn công 1972 của Hà Nội, một cuộc tấn công tốc chiến phối hợp phương tiện cơ khí kiểu cổ điển (a classical blitzkrieg), với đặc điểm là những vũ khí hạng nặng và những vũ khí chết người được đưa ra sử dụng như hỏa tiễn tầm nhiệt phòng không SA-7, hỏa tiễn công phá điều khiển bằng dây AT-3, những đoàn chiến xa T-54 được yểm trợ bằng mấy trăm khẩu đội hỏa tiễn 122 ly, đại bác 130 ly, hơn hẳn tất cả mọi thứ từng được Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng pháo binh QLVNCH.

QLVNCH bị đánh tơi bời, có lúc đã gần tới kết cuộc, và sự đổ vỡ hiển hiện rõ ràng. Nhưng cái Quân Lực đang nằm đo ván đã đứng dậy ở tiếng đếm thứ 8, hồi phục sức lực và bẻ gãy cuộc tấn công nặng nề nhất ở Việt Nam, tính tới lúc đó. Không ai khác hơn là học giả hàng đầu của Hoa Kỳ về Việt Nam, Douglas Pike, đã tuyên bố cuộc xâm lược của Hà Nội thất bại là vì “…Nam Việt Nam chiến đấu hơn hẳn quân đội xâm lăng đến từ phương Bắc.”

Nhiều nhà bình luận, kể cả Tướng Ngô Quang Trưởng, nói tới không lực Hoa Kỳ như một yếu tố quyết định, thì đó đúng là yếu tố chính. Nhưng những điều ngụ ý nói là QLVNCH không thể chiến đấu nếu như không có không lực Mỹ, thì đã thiếu sót hai điều căn bản:

– Thứ nhất, quân đội Mỹ cũng chỉ được yểm trợ bằng không lực giống như QLVNCH đã được.

– Thứ hai, là điểm người ta ít nhìn ra: không lực Hoa Kỳ là một yếu tố bổ sung để cân bằng với hai lực lượng vượt trội của Bắc Việt là thiết giáp và, lợi hại hơn cả, là lực lượng pháo binh hơn hẳn, hỏa tiễn 122 ly chính xác và đại pháo 130 ly gây tàn phá quy mô ở tầm tối đa 19 dặm (32 km). Hoa Kỳ không cung cấp cho đồng minh của họ, VNCH, những vũ khí lợi hại ngang bằng, nhất là về pháo binh, như Liên Xô và Trung Cộng cung cấp cho Hà Nội. Hà Nội có hằng trăm hỏa tiễn 122 và đại pháo 130. QLVNCH không đủ đại bác để phản pháo, chỉ có 24 khẩu 175 ly, không chính xác bằng, bắn chậm hơn các loại 122 ly và 130 ly. Cả pháo đài kiên cố cũng không chịu nổi đạn 130 ly khoan hầm, nổ chậm.

 

Các vũ khí phòng không và xe tăng của khối Cộng Sản bị QLVNCH tịch thu.

Tựu trung, trở lại đề tài không lực, thì Không Quân Việt Nam đã thi hành nhiệm vụ một cách đáng kính phục trong các trận chiến năm 1972, nhưng vẫn bị giới bình luận Hoa Kỳ hoàn toàn quên lãng. Một chuyên viên điều không tiền tuyến của Hoa Kỳ tỏ ra ngưỡng mộ một phi công A-37 của Việt Nam mà anh ta cùng thi hành một vụ tấn công không lục vào vị trí quân Bắc Việt:

“Anh ta đâm chúc đầu chiếc máy bay xuống tới tầm vũ khí liên thanh, và quả nhiên tôi thấy nhiều lằn đạn lửa vạch đường sáng bao quanh Pepper dẫn đầu. Tôi la lên báo động, thì đã thấy anh thả bom ở độ cực thấp và ghi một bàn tuyệt hảo trúng ngay bức tường. Trong những lần oanh kích tiếp theo ngay đó, các phi công của Không Quân Việt Nam cũng ghi bàng hoàng hảo mỗi lần đâm xuống, cũng là mỗi lần họ bị đạn phòng không bắn lên xối xả… Hỏa lực từ mặt đất vô cùng mạnh mẽ. Quân Bắc Việt có vẻ như biết rằng đối thủ của họ là người Nam Việt Nam.”

“Tôi tin chắc là hai chiếc A-37 sẽ bị bắn rơi, nhưng cả hai đều xả hết bom đạn của họ trúng đích, không hề hấn gì. Hai phi công Không Quân Việt Nam đã trình diễn một màn tuyệt vời, và tôi ngưỡng phục lòng can đảm của họ trên cả sự thông minh. Trong giây phút đó lòng can đảm ấy đã vượt hẳn sự khôn ngoan trong những tính toán hơn thiệt về sự an toàn của cá nhân họ.”

Ðây không phải là một sự kiện riêng lẻ, theo như một quan sát viên Không Quân của Mỹ chứng thực:

“Không Quân Việt Nam tự chứng tỏ sự trưởng thành trong cuộc tấn kích 1972… Trong trận phòng thủ Kontum, KQVN thật cừ khôi, hết sức tuyệt diệu.”

QLVNCH lãnh cú mạnh nhất của Hà Nội năm 1972, mạnh hơn nhiều so với trận Tết Mậu Thân 1968, về khía cạnh quân số và hỏa lực. Ước lượng có khoảng gần 150 ngàn quân Bắc Việt đã tham chiến trong giai đoạn 1, và thêm 50 ngàn quân khác bổ sung khi trận chiến tiếp diễn. Mặt khác, trong trận Tết ’68 chỉ có 84 ngàn quân Việt Cộng và Bắc Việt tham chiến, với pháo binh và xe tăng rất hạn chế (ngoại trừ ở Quân khu I).

QLVNCH tiếp tục hoạt động tốt đẹp sau khi Hiệp Ðịnh Paris gian lận được ký kết và bị vi phạm lập tức. Cuối Tháng Mười Một năm 1973, một lực lượng đặc nhiệm VNCH đã đánh đuổi Sư Ðoàn 1 Bắc Việt ra khỏi căn cứ Thất Sơn, gây tổn thất nặng tới nỗi Sư Ðoàn 1 này của Bắc Việt phải giải thể, số quân sống sót phải gia nhập các đơn vị khác. Ít tháng sau, Sư Ðoàn 7 VNCH tung ra cuộc hành quân lớn để quét các đơn vị Bắc Việt khỏi mật khu Tri Pháp ở vùng giáp ranh ba tỉnh Ðịnh Tường, Kiến Tường, Kiến Phong, gây tổn thất nặng cho địch. Tri Pháp chưa bao giờ bị xâm phạm trong suốt cuộc chiến tranh, có đặc điểm là những vị trí phòng thủ kiên cố; cuộc thất trận gây hổ thẹn tới mức nhà cầm quyền Cộng Sản cảnh cáo các cấp là phải dấu sự thất bại đừng để bộ đội của họ biết, sợ bộ đội xuống tinh thần.

Các phái đoàn Ba Lan và Hungary trong cái Ủy Ban Liên Hiệp Quân Sự Bốn Bên bất lực, chỉ là gián điệp cho Cộng Sản Hà Nội. Nhưng một trong những báo cáo của họ năm 1973 xác định là không có đơn vị Việt Cộng nào ngang sức với QLVNCH, và cả những đơn vị thiện chiến nhất của Bắc Việt cũng không sánh được với các đơn vị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến của VNCH.

***

Tuy nhiên đến giữa 1974 thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ bắt đầu từ từ “siết cổ” QLVNCH, và đạo quân này chỉ còn nước xuống dốc dần dần từ khi ấy. Ðến 1975 cấp số cung ứng có sẵn (Available Supply Rate- ASR) dành cho đạn đại bác đã giảm nhanh tới mức không thể chấp nhận, như theo bảng dưới đây, cho mỗi khẩu đội bắn trong một ngày:

Năm 1972 Năm 1975 Tỉ lệ giảm
Ðạn 105 ly: 180 viên 10 viên 94%
Ðạn 155 ly: 150 viên 5 viên 97%
Ðạn 175 ly 30 viên 3 viên 90%

Mọi thứ bị cắt đến tận xương, rồi tận tủy. Nhiều binh sĩ bộ binh được cấp số đạn căn bản là 60 viên M16 cho một tuần lễ. Nhiều đơn vị cấm binh sĩ bắn M16 liên thanh, chỉ được bắn phát một. Các đơn vị chạm địch có khi bị giới hạn chỉ còn được bắn yểm trợ hai trái đạn đại bác, ngoại trừ khi bị tràn ngập. Thiếu cơ phận thay thế, xe tăng, tàu giang tuần, máy bay,… nằm ụ chờ rỉ sét (“cho mối mọt ăn”). Tệ hơn nữa, binh sĩ QLVNCH và gia đình họ phải chịu thiếu thốn khi nền kinh tế bị lạm phát 50%, và 25% thất nghiệp. Một bản nghiên cứu của cơ quan DAO thực hiện năm 1974 tiết lộ 82% binh sĩ VNCH không có đủ thực phẩm cho nhu cầu của gia đình. Ðói kém và suy dinh dưỡng làm xuống tinh thần cùng khả năng chiến đấu.

Tình hình những tháng sau đó càng xuống dốc, và người ta đau lòng chứng kiến một cái chết chắc chắn sẽ đến vì hằng ngàn vết thương. Một năm sau, khi chính phủ Việt Nam cuối cùng sụp đổ, và, theo như những sách gọi là sách sử, thì nhiều người Mỹ ngạc nhiên, tự hỏi tại sao mọi thứ có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy. Lẽ ra câu hỏi đáng chú ý hơn phải là tại sao QLVNCH đã có thể chiến đấu dài lâu sau thời gian giữa năm 1974, với sự thiếu thốn về vũ khí, trang bị, đạn dược, nhiên liệu, thuốc men, với những cái bụng lép kẹp, và gia đình cũng đói khát không kém?

Khi bắt đầu sự đổ vỡ tan hoang, và đám đông hỗn độn theo lệnh ông Thiệu rút khỏi vùng cao nguyên, thì khủng hoảng và kinh hoàng xảy đến, phần nào tăng thêm vì những lệnh lạc trái ngược phát xuất từ dinh Tổng Thống. Nhưng trong sự sụp đổ nhục nhã sau cùng, vẫn có không ít những trận “Alamo” nhỏ của những người lính VNCH chiến đấu đến phút cuối. Sư Ðoàn 18 BB đứng vững ở Xuân Lộc là một trận anh hùng ca, nhưng sự có mặt và vai trò của của Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù trong trận này không hề được biết đến. Khi Quân Khu II đổ vỡ và kết cuộc đã gần, Sư Ðoàn 7 VNCH vẫn đánh bại một nỗ lực của quân Bắc Việt muốn cắt quốc lộ 14, con đường quốc lộ duy nhất nối vùng châu thổ Cửu Long với Sài Gòn.

Vào ngày cuối, gọi là “Ngày Quốc Hận” (tác giả viết bằng tiếng Việt), một máy bay AC-119 trang bị liên thanh sáu nòng do các Trung Úy Thanh và Trần Văn Hiền (hay Thành, Hiển?) còn bay quanh Sài Gòn yểm trợ hỏa lực cho những đơn vị VNCH lâm chiến sau cùng. Hết xăng, hết đạn, họ đáp xuống đổ xăng và lấy thêm đạn, sĩ quan hành quân biểu họ không cần cất cánh nữa, tất cả đã mất hết rồi. Nhưng các trung úy Thanh và Hiền vẫn vững chí, nhận nhiên liệu và đạn dược, và được hai chiếc A1H-Skyraider tháp tùng do Thiếu Tá Trương Phụng và Ðại Úy Phúc lái, họ tiếp tục lại một trận chiến tuyệt vọng. Sau cùng chỉ còn Ðại Úy Phúc sống sót, oanh kích đến khi hết đạn. Hai Trung Úy Thanh, Hiền và Thiếu Tá Trương Phùng đều bị SA-7 bắn rơi, tử trận. Họ đã chiến đấu đến mãi tận giây phút cuối cùng!

Một cách tổng quát, cứ bị đói như QLVNCH đã bị thì không một quân đội nào có thể chống lại cuộc tấn công cuồng bạo của quân đội Bắc Việt, với thừa ứ những khẩu pháo, xe tăng, vũ khí, nhiên liệu, xe tải quân, đạn dược, do khối Cộng Sản cung cấp. Trước một đạo quân VNCH bị rút ruột vì cắt viện trợ như vậy, quân đội Bắc Việt đã phải tung ra tất cả những gì họ có. Chừng 400 ngàn quân Cộng Sản, gần 90% là bộ đội miền Bắc, được đưa ra trận để đánh bại QLVNCH. Hà Nội chưa bao giờ từng tung ra một lực lượng khổng lồ và hiện đại như họ đã ném vào trận chiến năm 1975. Hà Nội chưa từng rút ra tất cả các đơn vị từ Lào, Cambodia. Về lượng, quân số 400 ngàn là gần gấp 5 số quân Việt Cộng và Bắc Việt lâm chiến hồi Tết 1968, trong khi về phẩm, còn có hằng trăm đại bác tầm xa, hằng trăm xe tăng, hằng ngàn xe tải, và nguyên một kho vũ khí hiện đại, Ðoàn quân viễn chinh năm 1975 có hơn gấp năm lần khả năng chiến đấu của lực lượng Cộng Sản hồi Tết Mậu thân 1968.

Xem xét sự việc từ một khía cạnh khác, có thể phán đoán mà không sợ sai lầm rằng giả sử quân đội Bắc Việt bị yếu đi vì cắt giảm mức cung ứng như QLVNCH đã gánh chịu, thì họ không bao giờ có thể tung ra một cuộc tổng công kích sau cùng, mà hẳn đã yếu kém hơn thế nhiều. Ưu thế hỏa lực quyết định chiến trường, chẳng phải là điều gì mới lạ trong lịch sử quân sự. Vào lúc cuối, QLVNCH chịu sự tổn thất khoảng 275 ngàn tử trận, không kể con số bị ám sát, trong một quốc gia mà dân số trung bình khoảng 17 triệu. Nước Mỹ với dân số 200 triệu, nếu chịu tổn thất với tỉ lệ tương đương trong cùng khoảng thời gian ấy, con số tử vong sẽ là 3 triệu 200 ngàn, cần dựng thêm 56 bức tường đá đen nữa mới đủ ghi tên tử sĩ. Ðiều này không lọt qua mắt của một số nhà quan sát. Sir Robert Thompson, tuy biết rõ những nhược điểm của QLVNCH, cũng kết luận:

“Quân đội và chính phủ VNCH vượt qua những cuộc khủng hoảng quốc gia và cá nhân mà có thể đã nghiền nát hầu hết mọi người, và mặc dù mức tổn thất có thể gây kinh ngạc và làm sụp đổ Hoa Kỳ, VNCH vẫn duy trì được một triệu quân dưới cờ sau hơn 10 năm chiến tranh. Vương Quốc Anh cũng làm được như thế, theo tỉ lệ tương đương, trong năm 1917, sau ba năm chiến tranh, nhưng không bao giờ làm được nữa. Hoa Kỳ chưa bao giờ làm được điều này.” (được nhấn mạnh và thêm vào)

Ký giả Peter Kann, sáng suốt hơn rất nhiều so vói những đồng nghiệp, cũng nhập cuộc, sau khi Sài Gòn thất thủ:

“Nam Việt Nam quả đã phấn đấu để kháng chiến trong nhiều năm ròng rã, không phải lúc nào cũng được Hoa Kỳ giúp đỡ dồi dào. Ít có quốc gia hay xã hội nào mà tôi cho là có thể chiến đấu được lâu dài đến thế.”

***

Kế hoạch Việt Nam hóa có hiệu quả không? QLVNCH có trưởng thành nên một lực lượng chiến đấu có khả năng?

Có thể biện luận rằng kế hoạch Việt Nam Hóa có hiệu quả, nhưng lại bị moi ruột vì cắt giảm viện trợ chí tử. Năm 1974, có cuộc thăm dò các Tướng lãnh Hoa Kỳ từng phục vụ tại Việt Nam, nhằm tìm hiểu chương trình Việt Nam hóa thành công tới mức nào. Các câu hỏi và trả lời như sau:

1. QLVNCH là lực lượng chiến đấu rất đáng chấp nhận?: 8% đồng ý.

2. QLVNCH xứng đáng và cơ may hơn 50% đứng vững trong tương lai: 57% đồng ý.

3. Có nghi ngờ khả năng QLVNCH có thể đẩy lui một cuộc tấn công mạnh của lực lượng Việt Cộng – Bắc Việt trong tương lai: 25% nghi ngờ.

4. Ý kiến khác và không ý kiến: 10%

Như vậy 65% các tướng lãnh chỉ huy của Hoa Kỳ dành cho QLVNCH tỉ lệ phiếu thuận, tuy nhiên những câu trả lời này có thể đã mang khuynh hướng lệch theo chiều xuống. Không biết bao nhiêu vị Tướng phục vụ trong khoảng 1966-1967, trước khi QLVNCH thực hiện những đổi thay to lớn nhất. Chức vụ mà các sĩ quan này đảm trách là gì, họ làm việc với ai, và họ quen thuộc với Quân đội VNCH ở mức độ nào, sự tăng tiến hiệu năng của lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, vân vân… cũng không được tiết lộ. Câu hỏi cũng không hỏi: “Nếu quân đội Mỹ cũng bị cắt giảm cung ứng như QLVNCH vào năm 1974-1975 thì còn đứng vững được bao lâu?”

Huấn luyện Nhân Dân Tự Vệ.

Ðiều có thể nói chắc chắn, là QLVNCH từ 1968 trở đi đã hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp hơn nhiều so với những gì được biết đến một cách chung chung, rằng các đơn vị QLVNCH đã thi triển tài năng để có thể đứng vững và đánh bại quân xâm lược Bắc Việt trong năm 1972, thường là không cần tới sự yểm trợ hỏa lực ồ ạt của pháo binh và không quân chiến thuật, như trong trường hợp của Nghĩa Quân và Ðịa Phương Quân. Ðiều có thể nói chắc chắn nữa là sự hiểu biết của người Mỹ về việc này thấp kém đến kinh tởm, thấp tít mù xa như vực thẳm không đáy.

Một yếu tố rất quan trọng nữa mà nhiều nhà bình luận bỏ qua và tới nay vẫn không biết gì hơn, là thế hệ các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan QLVNCH trẻ trung hơn, hết lòng hết dạ vì mục tiêu một nước Việt Nam không Cộng Sản. Họ cởi mở, ngay thật, biết lẽ phải, trong sạch, biết nhìn nhận phải trái, ví dụ như họ cho là người Thượng không nên được đối xử thấp kém hơn, rằng tham nhũng cần bị công kích, rằng một quốc gia Việt Nam mới cần được tạo thành, bung ra khỏi mọi xích xiềng quá khứ. Nhiều người trong số này có thể có vị trí tốt để tránh quân dịch hay giữ một chỗ an toàn, không ra trận; nhưng họ không cần cả hai thứ đó, đã có mặt trong hàng ngũ phục vụ tại những vị trí chiến đấu đầy nguy hiểm, với tư cách những người tình nguyện. Thái độ của họ được một sĩ quan trẻ của QLVNCH bày tỏ:

“Những người ở cỡ tuổi tôi vào quân đội vì chúng tôi có một lý tưởng, chúng tôi hiểu được cuộc sống trong một thế giới tự do ra sao, và sống trong thế giới Cộng Sản ra sao. Không phải như người ta nói, rằng những ai vào quân đội thì chỉ vì đến tuổi lính và không có lý tưởng gì riêng cho mình. Nhưng người Mỹ không bao giờ có vẻ hiểu ra điều đó.”

Trần Quốc Bửu là chủ tịch Liên Ðoàn Lao Công Nam Việt Nam, tương đương với AFL-CIO của Hoa Kỳ. Ông có ảnh hưởng và có thể xếp đặt cho con trai ông tìm một chỗ an toàn, an toàn hơn nhiều so với vị trí của anh này là một sĩ quan Bộ Binh VNCH. Trong những tuần lễ sau cuối của VNCH, lúc bị Bắc Việt dập pháo tơi bời, tuyệt vọng trong cảnh thiếu đạn, con ông Bửu viết cho ông một lá thư:

“Ba phải giải thích cho người Mỹ hiểu sự nghiêm trọng của tình hình chúng ta… Họ phải cung cấp viện trợ quân sự và kỹ thuật như họ đã hứa. Con xin ba, ba à, hãy can thiệp với họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị đè bẹp và thất trận. Tụi con không hèn nhát. Tụi con không sợ chết… Trong mọi tình huống, con sẽ giữ vững vị trí và không rút lui.”

Con ông Bửu hy sinh tại chiến trường.

Bác Sĩ Phan Quang Ðán là Quốc Vụ Khanh về định cư và tị nạn, một cựu đối lập với ông Ngô Ðình Diệm, nổi tiếng nhờ trong sạch. Ông có đủ quyền lực và ảnh hưởng để giữ con trai là Phan Quang Tuấn khỏi bị nguy hiểm. Cả hai cha con đều không chọn điều đó, và Tuấn tình nguyện lái A-1E Skyraider, chỉ dùng để yểm trợ chiến thuật gần cho các đơn vị dưới đất. Sau khi tiêu diệt 7 xe tăng quân Bắc Việt tại khu vực ngưng chiến, trong trận tấn công 1972 của Hà Nội, Ðại Úy Tuấn bị hỏa lực phòng không địch bắn rơi, tử trận. Những cá nhân ấy không phải là duy nhất. Người viết bài này hằng ngày gặp những phi công trực thăng võ trang trẻ tuổi, những sĩ quan trẻ trong Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù,… tất cả đều tình nguyện lãnh nhiệm vụ tác chiến nguy hiểm, bị “lưỡng đầu thọ địch,” với hệ tư tưởng về một nước Việt Nam Cộng Sản, và với nạn tham nhũng trở thành thông lệ hằng ngày ở Sài Gòn.

Một trong những tấm gương gây xúc động hơn nữa về lòng tận tụy với chính nghĩa Quốc Gia, là cảnh các sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt chuẩn bị cho trận đánh sau cùng của họ, mà ký giả Pháp Raoul Coutard chứng kiến, vào lúc họ tiến ra để chặn các đơn vị quân đội Bắc Việt đang tiến tới:

“- Anh sắp bị giết đó!

– Vâng. -Một sinh viên sĩ quan trả lời.

– Sao vậy? Ðã kết thúc rồi mà!

– Tại vì chúng tôi không ưa Cộng Sản.

Và, lòng đầy can đảm, những sinh viên trẻ tuổi trong bộ quân phục mới toanh, tuyệt đẹp, giày bóng loáng, tiến ra để chờ chết.”

Trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu, là trường nội trú, trong học trình có dạy quân sự cho các thiếu niên Việt Nam có cha tử trận. Khi đến lúc cuối, những em trai 12-13 tuổi đuổi các em Thiếu Sinh Quân nhỏ hơn về nhà, lập chướng ngại vật bảo vệ trường và đối đầu với các đơn vị quân Bắc Việt:

“Họ tiếp tục chiến đấu sau khi tất cả mọi người khác đã đầu hàng!… Nhiều người trong số họ bị giết. Và khi quân Cộng Sản tiến vào, các Thiếu Sinh Quân đánh trả. Cộng Sản không vào được ngôi trường ngay lúc đó.”

Những con người tương tự (lúc đó) đang gia tăng trong mọi cấp bực của QLVNCH, và nhu cầu cấp bách của tình hình buộc sự thăng thưởng phải dựa trên khả năng, không dựa trên quan hệ chính trị hay quan hệ gia đình.

Giới truyền thông Hoa Kỳ đã thất bại tại Việt Nam, thua bại hoàn toàn và thê thảm hơn nhiều so với các lực lượng quân sự của VNCH, Hoa Kỳ và các đồng minh. Họ thường lên án bằng những lối can thiệp đầy tự phụ và tự mãn. Một cuộc thăm dò 9.604 chương trình truyền hình của NBC, CBS và ABC từ 1963 đến 1977 cho thấy rõ những sự thiếu sót của những cái gọi là bài tường thuật truyền hình. 0,7% chương trình nói về việc huấn luyện QLVNCH. 0.8% về bình định. 2.7% về chính quyền hay Quân Lực VNCH hay Cambodia. Tổng cộng chỉ có 392 chương trình, tức 2.7% toàn bộ các chương trình tin tức truyền hình Mỹ, tường trình về Việt Nam. Không có một lời nào về hơn 200 ngàn hồi chánh viên, không một lời về QLVNCH thiện chiến. Không có gì về những phi công Ong Chúa lừng danh của trực thăng Việt Nam cứu mạng cho những toán Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ chạm địch dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Hầu hết người Mỹ, nếu không phải là tất cả, đều nhớ hình ảnh bi hùng của một người Trung Hoa đứng trước đoàn xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn, nhưng không ai biết Trung Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Huỳnh Văn Lượm đứng trên cầu Ðông Hà chặn đứng đoàn xe tăng Bắc Việt, tác xạ bằng khẩu súng chống tăng LAW của anh:

“Cảnh tượng anh lính TQLC nặng có 95 cân Anh trụ ngay trên đường tiến của 40 xe tăng không có ý nào muốn dừng lại, trên một khía cạnh thì là dại dột một cách khó tin. Trên khía cạnh khác, quan trọng hơn, hình ảnh này mang đầy niềm phấn khích đối với một lực lượng phòng thủ mỏng manh đến thê thảm, và với nhiều người tị nạn, ít ai trong số đó từng chứng kiến một hành động thách đố dũng cảm đến thế… Sự anh dũng lạ thường của người lính Thủy Quân Lục Chiến Nam Việt Nam này đã khiến đợt tấn công bằng xe tăng, tới lúc đó chừng như chắc chắn phải thắng lợi, đã bị mất đà tấn kích.”

Trong một khoảnh khắc mà giới truyền thông mang tật cận thị lên tiếng, thì phóng viên Donald Kirk tuyệt đối không tỏ ra sự quan tâm nào khi đến thăm Sư Ðoàn 7 Bộ Binh VNCH, nơi đã trở nên một đơn vị có hiệu năng cao tuyệt dưới tài lãnh đạo của Tướng Nguyễn Khoa Nam. Quân nhân trong sư đoàn nhận thức rõ giá trị những nông trại của sư đoàn do Tướng Nam thiết lập để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho binh sĩ của Sư Ðoàn 7. Nhưng khi Kirk và các phóng viên khác bị giữ lại ở một điểm chắn đường của quân đội Bắc Việt rồi được thả ra sau đó, thì Kirk lại thất vọng vì anh ta không có cơ hội để nói chuyện với bộ đội Bắc Việt:

“Tôi cứ nghĩ mãi về việc trông họ như vừa bước ra khỏi cuốn phim… Họ có vẻ là những tay chính quy, vậy đó. Tôi chỉ mong sao chúng tôi đã có thể ở lại thêm và nói chuyện với họ lâu hơn.”

Ông Kirk có thể yên tâm rằng quân sĩ Sư Ðoàn 7 đều là “những tay chính quy,” rất đáng để nói chuyện, và học hỏi nơi họ. Anh chàng này, cũng như đông đảo trong giới truyền thông làm tin tức, đã không để ý gì đến việc đó, cho nên không có gì kỳ bí về nguyên nhân vì sao hầu hết những người Mỹ từng phục vụ tại Ðông Nam Á đều nhìn cái giới truyền thông tin tức này với sự khinh miệt gay gắt.

Phải chi giới này chịu khó quan hệ với quân dân Việt Nam mà họ gặp gỡ, như tôi đã làm nhiều lần, thì đám ký giả hẳn đã biết trong mắt những người Việt ấy chủ nghĩa Cộng Sản của Hà Nội là điều đáng khinh bỉ và kinh tởm, như một loại phản bội văn hóa và truyền thống Việt Nam. Không phải những người Việt này chiến đấu và hy sinh để bảo vệ “chế độ tham nhũng của Thiệu,” mà là để gìn giữ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, cho con cái, và cho đất nước của họ. Một Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam diễn giải và lột tả chân xác nhất về điều này, khi anh ta nói với tôi rằng sau khi quân đội VNCH giải quyết xong với quân đội miền Bắc, họ sẽ quay súng lại chống đám tham nhũng ở Sài Gòn. Những sự kiện thảm thiết bi thương sau năm 1975 đã chứng thực tính thuận lý và giá trị của điều quyết tâm ấy.

***

Giới truyền thông giải trí và giới giáo dục ở Hoa Kỳ cũng chẳng khá gì hơn, mà còn mãn nguyện khi lặp lại, nếu không phải là thêm mắm thêm muối vào cái chuyện thần thoại do truyền thông dựng lên. Một cuốn sách sử trung học được sử dụng rộng rãi ở Mỹ có chương sử về Việt Nam không hề nói đến QLVNCH, chỉ viết rằng: “Việt Nam hóa thất bại,” ngoài ra còn gom góp hơn 200 điều khẳng định có thể được chứng minh là sai trái và mang hoàn toàn tính chất dẫn dắt lạc hướng, trong 13 trang bài học. Có nói đến vụ tấn công sang Cambodia, nhưng không nói gì về việc quân VNCH tham dự đông đảo hơn lực lượng Hoa Kỳ, 29 ngàn quân so với 19,300 quân Mỹ tham chiến. Sách cũng không nói lên rằng trước khi chính thức mở chiến dịch, quân đội VNCH đã tấn công trước vào các vị trí phòng thủ của quân đội Bắc Việt ở Cambodia. QLVNCH đã hoàn toàn vô hình, như một đề tài sẽ được trình bày nơi đây (trong cuộc hội thảo).

Phim ảnh và truyền hình lại càng tệ hơn, mặc dù có được một số phim tài liệu lịch sử. Cả cuốn phim “Bat 21,” nhằm miêu tả cuộc tìm cứu Trung Tá Iceal Hambleton năm 1972, không thể hiểu được tại sao đã loại hẳn sự kiện là một chiến sĩ Người Nhái Việt Nam, Nguyễn Văn Kiệt, người cùng thi hành công tác tìm cứu đó với người nhái Hoa Kỳ Tom Norris, được tặng thưởng huy chương US Navy Cross do sự dũng cảm và anh hùng của Kiệt. Làm sao công chúng có thể trông mong được biết bất kỳ điều gì khi mà chế độ “kiểm duyệt” trên thực tế đã bôi xóa tất cả và từng dấu vết của sự hoạt động gương mẫu của QLVNCH?

***

Sau cùng, cần phải nhìn nhận rằng QLVNCH đã bị đè bẹp bởi một gánh nặng trầm kha không thể nào vượt thắng: đó là một đồng minh bất xứng, ngu dốt và gây rối một cách đáng kinh ngạc, dưới hình thức cái chính phủ Hoa Kỳ.

Một hội nghị chuyên đề toàn diện nên được tổ chức về đề tài này, và cần phải có hội nghị đó. Những chiến lược giả hiệu phát xuất từ Washington, về bản chất, phải bị coi là cẩu thả mang tính cách tội ác. Không một hành động nào được tung ra để chặn và giữ đường mòn Hồ Chí Minh. Không có con đường này thì cuộc chiến tranh của Hà Nội đã không thể nào tiến hành được. Không một việc gì được thi hành để giao chiến với chiến tranh thông tin tuyên truyền-phản tuyên truyền dưới hình thức gọi là địch vận, một trong những chiến lược quan trọng của Hà Nội, được thi hành với những sự lừa gạt quỷ quyệt xuất chúng. Không làm một việc gì mãi đến khi cơ quan CORDS được thành lập để ra kế hoạch và phối hợp những hoạt động quân sự và bình định về mặt tình báo. Không làm một việc gì để khai triển một liên minh rộng lớn như một chiến trường chung của người Việt, người Lào, người Cambodia và Thái Lan, chống lại kẻ thù chung. Trong khi Hà Nội đã làm y như vậy: thiết lập một cấu trúc chỉ huy chiến trường Ðông Dương nhằm kết hợp mọi yếu tố vào một chiến lược gắn bó cho toàn khu vực. Lý cớ về lãnh đạo của Hoa Kỳ là mù lòa, lần mò vụng dại như con heo trên tảng băng, như một con cóc vàng, rất giàu có nhưng cũng rất ngu độn.

Những kế hoạch, những đề nghị đi ngược dòng lịch sử khó có thể được chứng minh hoàn toàn chắc chắn, và có thể chiến tranh (Việt Nam đã qua) là một cuộc chiến không thể nào thắng được.

Có thể như vậy. Tuy nhiên những người Mỹ, người Úc đã phục vụ sát cánh những chiến hữu của họ trong QLVNCH, “những chiến hữu, bạn bè, giống như anh em ruột,” (viết tiếng Việt trong nguyên bản) mang trong lòng họ nỗi buồn sâu xa vì đã thua cuộc, hay đã mất biết bao bạn bè tận tụy, mất cả niềm vinh dự lớn lao cho việc đã cố gắng đạt cho kỳ được một thế giới tốt đẹp hơn cho những người dân thường của Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan. Họ không bị thúc đẩy vì những quan niệm tinh vi về địa lý chính trị thế giới, nhưng đúng hơn, là do sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với nhiều người Ðông Nam Á đã biết yêu quý xứ sở, những con người đã “thề bảo vệ giang sơn quê hương.”

Nhiều trang lịch sử còn chưa được lật ra, phản ảnh sự tiếp nối cái khuynh hướng của Hoa Kỳ chỉ toàn nhìn qua con mắt người Mỹ, bị lọc qua định kiến của người Mỹ. Một số sách vở nói đến Việt Nam như một “giai đoạn thử thách đầy khổ đau của Hoa Kỳ,” mà chưa từng một lần hỏi xem người Ðông Nam Á đã trải qua loại thử thách khổ đau nào. Ðầy rẫy những dữ kiện lịch sử quý giá và những nét quan sát sắc sảo nằm trong những cuốn sách được viết do người Việt Nam (và cả người Lào). Thiếu những sách đó, không thể nào có được sự hiểu biết toàn diện.

Những tác phẩm của Lý Tòng Bá, Hà Mai Việt, Phan Nhật Nam, Trần Văn Nhựt, và nhiều người khác, đang kêu gào đòi được dịch thuật, cũng như hằng chục bài phổ biến hằng năm trên sách báo tạp chí quân sự và các ấn bản khác. Nhiều bài trong đó mô tả những trận đánh, những diễn tiến và những nhân cách, không hề được các sử gia Hoa Kỳ biết đến. Không tham khảo những nguồn đó thì chắc chắn là chiến tranh Việt Nam, cũng là chiến tranh Ðông Dương của Hà Nội, sẽ mãi là những bí ẩn không thể giải đoán, và lịch sử chân thực của QLVNCH sẽ mãi bị chôn vùi dưới tầng lớp này qua tầng lớp nọ của những chuyện hoang đường, của sự không thông hiểu, và của sự giả định vô căn cứ.

CON BƯỚM ĐEN

Bút ký của Nguyễn quang Thành

 Nguyên Giáo sư trường Nữ trung học Đà nẵng

Lời người viết:

-Bài viết này là nén nhang thắp lên để tưởng nhớ anh tôi là Nguyễn quang Khóa, nguyên Trung tá phi công phản lực, Trưởng phòng kế hoạch Không đoàn 41 Chiến thuật, xuất thân khóa 61A SVSQKQ đã chết tại trại tù số 3 Kỳ sơn, Tam kỳ, tỉnh Quảng nam.

-Chân thành cảm ơn anh Phan Trừng,và anh Dan Hoài Bửu, nguyên Trung tá phi công phản lực, bạn học cùng khóa của anh tôi, đã giúp tôi hoàn thành bút ký này.

-Quý vị nào là bằng hữu, chiến hữu hoặc cựu tù binh biết về cái chết và mộ phần của anh tôi, xin liên lạc với tôi qua địa chỉ email: nguyenpierre24@yahoo.com.

Xin đa tạ. 

Gia đình tôi ít anh em. Không phải do ba mẹ tôi hiếm muộn mà do thời gian ba tôi ở Pháp khá lâu. Hơn mười năm từ khi mẹ tôi sinh ra anh, hai ông bà mới gặp lại nhau, nên tôi kém anh tôi đúng một con giáp.

Mặc dù khoảng cách tuổi tác sai biệt khá nhiều, nhưng anh em tôi đều có điểm tương đồng là yêu thích toán học và ôm mộng viễn du. Vì thế chúng tôi đều học ban khoa học Toán và tình nguyện gia nhập quân đội sau khi đậu tú tài toàn phần:

 “Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả, trả vay

Chí làm trai, nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

Mùa hè 1960, anh tôi nhập học khóa 61A SVSQKQ. Khoảng tháng sau lại có giấy báo nhập học ban Toán của trường Đại học sư phạm gửi về nhà, ba tôi mở ra, đọc đi đọc lại nhiều lần, mặt đăm chiêu, ra chiều nghĩ ngợi nhiều lắm.

Mười năm sau, tôi cũng vừa thi vào đại học sư phạm, đồng thời làm đơn xin gia nhập trường Võ bị Đà lạt để được sống và học tập trong khung cảnh hào hùng và thơ mộng của vùng đất cao nguyên, mà tôi đã bị quyến rũ trước đây qua bài “Ai Lên Xứ Hoa Đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên và một số hình ảnh của người sinh viên sĩ quan Đà lạt trong đoạn phim giới thiệu về trường Võ bị Quốc gia Đà lạt, đã chiếu tại trường vào dịp cuối năm lớp Đệ nhất ( lớp 12 ) tại trường Quốc học, Huế.

Tôi đã trúng tuyển vào trường đại học sư phạm nhưng không thấy giấy báo nhập học trường Võ bị Quốc gia Đà lạt gửi về nhà. Vì thế, sau này tôi đã trở thành một giáo sư khoa học tại một trường nữ trung học đúng theo ý nguyện của ba mẹ tôi, nhưng tôi không bao giờ quên được hình ảnh hào hùng và lịch lãm của người trai thế hệ mà mình mơ ước.

Sau khi học đại học sư phạm được vài tháng, nhân một buổi ăn tối của gia đình, ba tôi mới ôn tồn cho tôi biết là ông đã nhận được giấy báo của trường Võ bị Quốc Gia Đà lạt gửi về nhà, nhưng ông không cho tôi biết, vì anh tôi đã là pilote de guerre vào sinh ra tử trên bốn vùng chiến thuật (ba tôi có thói quen nói nửa Việt nửa Pháp, như ông thường viết các toa thuốc cho bệnh nhân).

Anh tôi du học tại Hoa kỳ năm 1961. Gia đình tôi đều đặn nhận được thư từ và hình ảnh của anh tôi, chụp tại các trường huấn luyện phi công, luôn luôn kèm bên chiếc phi cơ đã bay, hoặc các hình ảnh chụp tại các tiểu bang đã đi qua nhân dịp cuối tuần hoặc các dịp lễ lạc. Tôi ước mơ một ngày nào đó mình cũng được như vậy.

Ngoài thư từ gửi cho gia đình, anh tôi còn gửi cho chị M.T., sinh viên trường CSYT, con gái của một người bạn của ba tôi, mà ba tôi đã chấm theo tiêu chuẩn “Công-Dung-Ngôn-Hạnh” cho anh tôi, trong lúc hai người chưa một lần gặp gỡ.

Nhiều lần tôi cảm thấy xót xa cho chị, khi chị đưa lá thư anh gửi cho tôi xem với hai câu thơ mở đầu:

“Người ơi, gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không”

Năm 1963 anh về nước. Hai câu thơ trên trích trong tập truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà anh đã lồng vào trong bức thư, gửi cho chị M.T. như một định mệnh đã an bài.

Ba tôi đã phải nói lời xin lỗi với cha mẹ chị, vì việc đi hỏi chị là do ba tôi đơn phương quyết định.

Một lần nữa, ba tôi lại đăm chiêu, suy nghĩ nhiều lắm.

Dĩ nhiên, anh tôi từ đó không về nhà, cứ ở mãi Sài gòn. Lúc đầu, anh ở Liên Phi đoàn 33 Vận tải tại căn cứ Tân sơn nhất, sau đó chuyển qua Phi đoàn 518 Khu trục tại căn cứ Biên hòa.

Thỉnh thoảng anh gửi thư cho ba mẹ tôi nói rằng anh quen một người con gái gốc Bắc, con của một sĩ quan cấp tá, bạn của cậu tôi. Chị là sinh viên trường Đại học Luật khoa Sài gòn và cũng là bạn cùng học tại ĐHLK với anh tôi ( sau khi ở Hoa kỳ về, anh lại ghi danh học ĐHLK).

Chị có tên rất ấn tượng: Phạm Chất L.

Thư từ giữa hai anh chị chất đầy như núi. Một lần vào cư xá thăm anh, tôi tò mò đọc được một lá thư của chị gửi cho anh, với bài thơ mà tôi chỉ nhớ được hai câu:

“Đời phi công có mấy người chung thủy

Mỗi đường bay thay một cánh hoa yêu”

Hay một lá thư khác:

“Oublie, c’est le nom d’une fleur

N’oubliez pas, c’est le vœux  de mon cœur”        

( Xin người giữ lấy hoa quên

Và đừng quên nhé lời nguyền trong tâm )

 

Chị cũng không quên ép vào những trang thư tình màu tím một con bướm đen đậu trên nhánh hoa Forget Me Not. Điều này làm tôi liên tưởng đến sự trùng hợp màu sắc một cách ngẫu nhiên: Bộ áo bay của anh tôi màu đen với khăn quàng cổ màu tím, tôi thường thấy anh tôi mặc trong những phi vụ đặc biệt.

Đời phi công thật hào hùng và bay bướm. Trong tủ sách anh tôi để lại cho tôi học, tôi thích thú khi đọc cuốn Đời phi công của Toàn Phong, Chuyến bay đêm (Vol de nuit), Cõi người ta (Terre des hommes) của nhà văn phi công Saint Exupery. Càng thích thú hơn, khi biết Toàn Phong là bút hiệu của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, tác giả cuốn Hình học Không gian không thua kém gì các cuốn Géométrie dans L’espace của Le Bosse hoặc của Caronner mà anh em tôi xem như là quyển Tự điển Toán Hình học Không gian.

Suy cho cùng, toán học và văn chương tuy thuộc hai phạm trù khác nhau nhưng luôn luôn có sự tương quan logic. Toán học tuy khô khan, nhưng nhà toán học lại là người rất nhạy cảm. Sự nhạy cảm là khởi đầu cho bao đề tài lãng mạn trong văn chương.

Thời gian dần trôi, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, anh tôi được điều động ra căn cứ Đà nẵng. Ác liệt nhất là trận đánh Tết Mậu Thân 1968 và sau đó là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Phi vụ oanh tạc, giải tỏa cố đô Huế dịp Tết Mậu Thân, chiếc Khu trục cơ  Skyraider AD6 do anh  tôi lái bị bắn với chi chít lỗ đạn phòng không của Bắc quân, đặc biệt là bánh đáp bị bắn gãy nhưng anh tôi đã đáp bụng an toàn.

Phi vụ oanh tạc, giải tỏa cổ thành Quảng trị, chiếc phản lực cơ A 37 của anh tôi bị bắn rơi trên bầu trời cổ thành, anh đã nhảy dù thoát hiểm và may mắn được một trực thăng cứu thoát, đưa về căn cứ Đà nẵng an toàn.

Năm đó, tôi đang học năm thứ hai. Vừa ra khỏi giảng đường, một con bướm đen to bằng bàn tay, bay lởn vởn và đậu trên vai tôi vài tích tắc rồi biến mất. Sau đó tôi gặp một viên thiếu úy phi công trực thăng đến trường tìm một người bạn, vô tình kể lại chuyên anh ta vừa cứu thoát một thiếu tá phi công phản lực A 37 bị bắn rơi tại Quảng trị, tôi nghe chuyện và hỏi tên người phi công lâm nạn, thì ra người phi công phản lực đó chính là anh tôi.

Sau này, trong tập san Lý Tưởng của binh chủng Không quân có đăng bài Cánh Thiên Thần Trên Bầu Trời Cổ Thành Quảng Trị của ký giả L.R.viết về anh lúc cánh dù bung ra từ chiếc phản lực cơ lâm nạn trên vùng trời lửa đạn.

Bạn bè cùng khóa 61 A SVSQKQ và các khóa sau đã có nhiều người ra đi không bao giờ trở lại như tráng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch không hẹn ngày về. Chiến tranh đồng nghĩa với mất mát, đau thương, cô đơn và giá lạnh:

 “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi

Chinh phu, tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”

Biến cố khó quên đối với gia đình tôi xảy ra vào ngày 29/3/1975 sau khi tôi nhận bằng tốt nghiệp và sự vụ lệnh bổ nhiệm làm giáo sư tại trường trung học được vài tháng. Đà nẵng đang trong cơn hấp hối. Tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng.

Anh tôi một mình lái xe jeep ra nhà, hối hả chở cha mẹ tôi vào phi trường Đà nẵng, còn tôi không liên lạc được phải chạy một mình ra cảng Tiên sa mong thoát thân bằng đường biển.

Vừa đến cảng thì bị pháo kích dồn dập, tôi chỉ kịp nằm bẹp xuống một mương nước, và chiếc vali trong tay tôi rơi lúc nào cũng không hề hay biết. Một quả đạn pháo kích rơi ngay trước mặt tôi chừng mươi thước, đúng lúc một chiếc xe jeep trờ tới, mọi người trên xe bị hất tung lên và trở thành tro bụi trong phút chốc.

Quá hoảng sợ, tôi chạy lùi theo một số người tìm đường ra biển Sơn trà.

Lúc này có một vài chiếc phi cơ bay vút qua, hướng ra biển Đông. Tôi ngửa mặt lên trời, ước gì ở trên cao có anh tôi thấy để cứu vớt tôi. Thế nhưng, tất cả đều đã bay xa cho đến khi chỉ còn là vài chấm đen trên nền trời ảm đạm.

Lúc này tôi đã ra đến bờ biển Sơn trà, gặp được một chiếc tàu đánh cá đang đậu cách bờ chừng vài trăm thước. Mừng quá, tôi cởi vội quần áo và lao nhanh xuống biển. Lúc tay tôi chạm vào mạn tàu cũng là lúc trên bờ xuất hiện vài người có vũ khí cầm tay, ra hiệu cho tàu vào bờ. Một số người trên tàu vội vã kéo tôi lên đồng thời tàu nổ máy chạy thẳng ra khơi.

Nhóm người võ trang nhắm thẳng vào tàu bắn liên tục nhưng chỉ làm bị thương một người trên tàu, còn lại đều vô sự.

Một tiếng sau, tàu này được tàu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cứu vớt và chuyển lên một chiến hạm của hải quân Hoa kỳ.

Trên boong tàu, tôi đưa mắt nhìn vào phía đất liền. Mịt mù trùng khơi. Biển vây kín biển cả. Tiếng sóng vỗ ào ào. Tàu lắc lư chao đảo. Tôi ngửa mặt lên trời, tự nhủ:  Có phải đây là giờ phút vĩnh biệt của anh em tôi? Đột nhiên bầu trời trở nên u ám, vài hạt mưa đã rơi nhanh xuống sàn tàu.

Sau này, qua một người quen cho biết:  khuya 29/3/1975 anh tôi đã lên và lái một chiếc phản lực cơ A 37 ra phi đạo nhưng không thể cất cánh được vì đã bị hư hại. Vì thế anh tôi đã trở thành tù binh tại trại tù số 3 Kỳ sơn, Tam kỳ, tỉnh Quảng nam.

Hơn một năm sau, trong lúc gia đình đang ăn cơm trưa, bỗng nhiên có một con bướm đen to bằng bàn tay, bay vòng vòng trong phòng và đậu trên vai từng người rồi cuối cùng đậu ngay chính giữa bàn thờ gia đình. Năm phút sau, nhận được tin báo là anh tôi đã chết, nằm trong  một bụi cây bên ngoài trại tù chừng 800 mét. Mọi người đều sửng sốt, bàng hoàng nhưng không dám bật thành tiếng khóc.

Đến khi bình tĩnh lại, nhìn về phía bàn thờ, con bướm đen cũng đã vỗ cánh bay ra khỏi nhà.

Đêm hôm đó, tôi nằm mơ thấy anh tôi mặc bộ áo bay màu đen với khăn quàng cổ màu tím, đang lái chiếc xe jeep về nhà nhưng máu đã đẫm ướt phi bào.

Sáng dậy, nhớ lại giấc mơ đêm qua, tôi cảm thấy một vị đắng, chua cay tràn ngập cổ họng. Tôi nghe như đâu đây phảng phất tiếng hát .của một nữ ca sĩ nỗi tiếng một thời:

 

“Ngày xưa khi anh vừa khóc chào đời

Mẹ yêu noi gương người trước đặt lời

Người phi công giữ khung trời

Vẫn còn mang số phận con người”

Bất giác hai dòng nước mắt tuôn trào lúc nào không hay.

Hai mươi năm sau, một mình tôi trở lại vùng rừng thiêng nước độc, nơi anh tôi đã bị lưu đày, khổ nhục. Trại tù giờ đây chỉ là một vùng lau lách đầy cỏ dại, rất khó xác định.

Nghĩ mình đã vượt núi, băng rừng, lội suối trong mùa nước lũ, chẳng lẽ bó tay trở về.

Trời đã nhá nhem tối, tôi thì thầm khấn nguyện anh tôi. Bỗng từ đâu một con bướm đen to bằng bàn tay bay đến trước mặt tôi, như có ý dẫn đường. Tôi tiếp tục khấn nguyện. Con bướm đen bay vòng vòng, tôi chạy theo và bị té sấp vào một bờ đất.

Sau phút hoảng hốt, tôi lồm cồm bò dậy và nhận ra một số nấm mộ nho nhỏ nằm khuất dưới đám cỏ dại. Tất cả gồm 12 nấm mộ vô chủ. Người dân địa phương cho biết đó là mộ của tù binh tại trại 3 Kỳ sơn. Tôi vội vàng hốt 12 nắm đất bỏ vào 12 bao nilon nhỏ và đánh dấu theo số thứ tự, rồi đến nhà dân xin ngủ tạm qua đêm.

Sáng hôm sau về lại Tam kỳ, tìm đến nhà một thầy ngoại cảm. Thầy cho biết anh tôi nằm ở ngôi mộ số 3.

Tuy nhiên tôi vẫn mong trong tương lai, khi bài viết này của tôi được nhiều người biết đến, tôi có thể có nhiều tin tức hữu ích và cụ thể để xác định chính xác mộ phần của anh tôi.

Nguyễn quang Thành

NGƯỜI CHA H.O. THẦM LẶNG

Năng Khiếu

Bố tôi đến dịch vụ làm hồ sơ xuất cảnh diện HO. Cầm theo những giấy tờ cần thiết như giấy khai sanh, giấy ra trại, tờ hộ khẩu… Chỉ vỏn vẹn có hai Bố con, trước con mắt tò mò của nhiều người. Thế rồi “Cha già con cọc”dắt díu nhau lên máy bay qua Mỹ, năm tôi tròn bảy tuổi.

Đầu mùa thu năm 1993, Bố xin cho tôi vào học lớp hai tại trường Willmore School, ở đường Goldenwest, thành phố Westminster. Mỗi lần họp phụ huynh xong, cô giáo mời cha mẹ học sinh đến viếng lớp học và ký tên, nhưng tôi không có ai đi họp và cũng chẳng có ai ký tên, vì Bố bận đi làm, Mẹ tôi còn ở Việt Nam. Khi cha hoặc mẹ các bạn tôi ký tên gần hết, tôi vẫn đứng tựa cửa lớp, dõi mắt ra cổng đợi Bố đến như lời hẹn. Nhưng chắc Bố đang mắc làm trong hãng nhiều hàng gấp, chờ đợi mỏi mòn chẳng thấy bóng dáng Bố đâu! May sao mẹ của một người bạn ở gần nhà, biết hoàn cảnh cha con đơn chiếc đã đến hỏi thăm, và tôi xin cô giáo để bà ký tên thay cho Bố. Cô nhận lời và nói tôi thông dịch cho bà trước khi ký tên, cô chỉ lên bảng dán những bức hình tôi vẽ trong giấy cứng, cô khen tôi học chăm chỉ và rất giỏi.

Bây giờ chỉ còn bốn tháng nữa là tôi đủ ba mươi hai tuổi. Như vậy là tôi đã sống ở Mỹ một thời gian khá dài. Từ một con bé còm cõi, nay tôi đã có gia đình và là mẹ của hai đứa con, trai ba tuổi và gái mới đầy năm.

Từ khi còn rất nhỏ, nhiều người vẫn hỏi tôi: Tại sao Mẹ còn ở Việt Nam? Sao chỉ có hai Bố con đi Mỹ thôi? Còn nhiều câu hỏi khác, mà hồi nhỏ tôi có hiểu gì đâu mà trả lời, chỉ cười trừ, nhưng bây giờ lớn tới đâu là hiểu tới đó.

*****

Cuối năm 1982. Bố tôi đi tù về, tá túc ở nhà bà nội tôi tại xứ Thánh Mẫu, Huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Bồ về chiều hôm trước, ngay sáng hôm sau, Sáu Sẹo, Công an khu vực đã ghé nhà hỏi thăm sức khỏe, rồi nhắc nhở: “Vì vợ con anh đã đi theo đế quốc Mỹ, mà lại không có hộ khẩu ở đây, anh phải đi kinh tế mới”.

Bao nhiêu năm tù đày, ngày được thả về, Bố tôi thấy bạn bè háo hức, nôn nóng mong xum họp với vợ con, mà thấy tủi thân!

Sau mấy năm tù đầy, người vợ “đầu gối tay ấp” đến thăm Bố lần cuối, yêu cầu bố ký vào tờ giấy ly dị, để bà dẫn hai đứa con trai đi Mỹ, theo diện đoàn tụ ODP, vì cha mẹ bà di tản năm 1975 gửi giấy tờ bảo lãnh về. Nhưng khi làm hồ sơ ra đi, họ đòi phải có giấy ly dị của ông chồng sĩ quan ngụy đang cải tạo mới chịu. Thấy Bố chần chờ, bà nói: “Ông phải nghĩ đến tương lai các con, tôi đưa chúng nó đi để ăn học, chứ ở mãi xứ này mà chết chùm à!” Bố tôi đành ký tên vào tờ giấy ly dị.

Sau khi tới Mỹ, thời gian đầu bà cũng gửi tiền về nhờ người em còn ở Saigon đi thăm nuôi Bố tôi. Nhưng chỉ được vài lần, rồi vì “Người khôn của khó” không ai kiên nhẫn đi thăm nuôi người tù không án. Sau đó Bố mất liên lạc với vợ con luôn. Từ dạo ấy Bố là “con bà Sơ” trong tù, nhưng Trời thương nhờ vóc dáng cao lớn, nên Bố còn cầm cự được giữa sóng gió tù đày…

Bị công an đuổi đi kinh tế mới, bố tôi cũng tìm được đất sống. Đó là khu kinh tế mới Sông Ray, cách Long Khánh khoảng ba mươi cây số. Khu mới khai khẩn, chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà, Bố tôi sang rẻ lại của người quen miếng đất ngay đầu lối, cất lên một căn nhà nhỏ như cái chòi. Nhờ có hai người bạn cùng cảnh ngộ đến phụ giúp, chẳng mấy chốc Bố đã có chỗ che nắng che mưa, lại yên thân không bị công an khu vực dòm ngó! Xung quanh nhà Bố tôi trồng đủ thứ, nào bắp, khoai lang, củ mì, bầu, bí….. là những thứ mau thu hoạch. Đó là “thành tích” sau bảy tám năm Bố tôi học được trong các “trại tù cải tạo”.

Để kiếm thêm thu nhập, Bố tôi cùng vài người bạn rủ nhau đi sâu vào trong rừng gần chân núi, khai hoang thêm mấy mẫu đất nữa, cặm cụi trồng trọt tiếp.

Sống trong vùng kinh tế mới này cũng hơn nửa năm, Bố cứ âm thầm lặng lẽ, cuốc cuốc, xới xới suốt ngày không để ý đến ai. Hoa mầu trồng được thì đã có người đến tận vườn thu mua giá rẻ, nhưng khỏi mất công gánh ra chợ.

Khu xóm kính tế mới nhà này cách nhà kia bằng những hàng rào gỗ lưa thưa, xa xa nhìn không rõ mặt. Một ngày mưa nghỉ làm, khi xế trưa mưa tạnh, bố tôi có dịp sang thăm hàng xóm, một căn nhà tranh vách đất cách một con đường đất đỏ.

Chủ nhà hàng xóm là một thiếu phụ tuổi ngoài ba mươi, tuy sống đời cực nhọc tại vùng kinh tế mới nhưng vẫn còn nét thanh lịch của dân Sài gòn cũ, cho biết ông chồng sĩ quan đã mất sau những năm đi “học tập cải tạo”.

Trên bàn thờ kê giữa nhà, dưới chân cây thánh giá là hình người đàn ông trạc ngoài bốn mươi, nhìn quen quen mà Bố chưa nhớ ra, đến lúc hỏi tên tuổi, thì ra là Tính, Ngô Xuân Tính. Nhìn kỹ khuôn hình thờ, chợt ký ức hiện về, Tính một người bạn hiền lành và tốt bụng, hai người sống cùng đội trong trại tù ở núi rừng Việt Bắc. Đầu năm 1977, bố tôi bị chuyển trại vào một đêm khuya, từ đó hoàn toàn mất liên lạc, nào ngờ…

Bà vợ góa của người bạn tù xấu số cho biết Tính bị bệnh sơ gan ngay trong tù, không thuốc men, bụng chướng to như người đeo ba lô ngược. Thấy đã hết đường sống, trại tù cộng sản thả cho về nhà chờ hết. Mặc dù chị đã đã tận lực cố chạy chữa cho anh, nhưng cũng không chống chỏi được bao lâu.

Sau khi lo ma chay cho chồng, chị bồng con về nhà cha mẹ chồng ở Bảo Toàn nương nhờ. Nhưng cha mẹ già yếu, nhà lại đông con. Nhờ sự giúp đỡ của anh em nhà chồng, chị và ba con có được căn nhà nhỏ ở vùng kinh tế mới này, sống qua ngày. Đứa con trai lớn nhất mười bốn tuổi, đã biết chở than mướn kiếm tiền về cho mẹ đong gạo, mà hôm nay trời mưa chưa thấy về, còn hai đứa con gái một đứa mười hai và một đứa mười tuổi, mặt mũi xanh xao, cũng biết vác cuốc ra rẫy làm cỏ với mẹ.

Nghe chuyện người góa phụ trẻ, nhìn lên bàn thờ, Bố tôi thấy thương người, thương mình. Từ đó thường lui tới giúp đỡ. Thấy nhà cửa dột nát, Bố đưa thằng con lớn vào rừng cắt tranh, dặm lại má nhà. Nhìn đàn con chị đói rách, bữa gạo bữa bo bo, Bố chia lại cho mẹ con chị một nửa khu đất đã khai khẩn được, rồi chỉ cách trồng trọt, chăm bón, và nhặt ống lon buộc quanh rẫy để gây tiếng động, cất lều ở canh thú rừng. Chẳng mấy chốc cuộc sống mẹ con đỡ chật vật, những đứa nhỏ được đi học trở lại.

Sớm hôm lui tới, có nhau khi tối lửa tắt đèn giữa vùng kinh tế mới heo hút, Bố trở thành người đàn ông duy nhất trong nhà bà mẹ góa. Tôi được sanh ra trong hoàn cảnh đó, thành đứa con thứ tư của Má.

Sau thời gian bị đói kém, nhà nước cộng sản mở cửa để cứu nguy chế độ, đời sống dân chúng dần dà dễ thở hơn. Bà nội đã già yếu, nên chạy hộ khẩu cho Bố tôi về thị xã sống với bà, đem theo tôi về lúc vừa thôi nôi. Tôi xa Má từ dạo ấy. Bà nội và Bố tôi lên “rước Má về dinh”, nhưng Má tôi không đi vì còn bổn phận với các anh chị tôi. Thỉnh thoảng Bố đưa tôi lên thăm Má.

Đầu năm 1989, bắt đầu có chương trình HO., đưa các cựu tù nhân chính trị sang Mỹ. Sau nhiều năm bặt tin, bà vợ cũ của Bố mà tôi gọi là Mẹ cả trở về Việt nam thăm Bố tôi, nói có thể bảo lãnh Bố khi đến Mỹ. Bên gia đình nhà nội tôi chia làm hai phe, người thì trách Mẹ cả bạc tình bạc nghĩa. Kẻ thì khuyên bố trở về hàn gắn gia đình, vì còn vướng phép hôn phối.

Bố tôi chần chờ mãi. Đầu năm 1990 người HO đầu tiên đã lên đường, Bố mới bắt đầu đi làm hồ sơ cho Má và các anh chị tôi đi theo. Nhưng “Người dưng khác họ” khác hộ khẩu không được chấp nhận. Bố tôi đã lên tận Bộ Tư Pháp của Cộng Sản Việt Nam khiếu nại, nhưng chỉ một mình Má tôi đi được. Cuối cùng Má quyết định ở lại nuôi đàn con nhỏ, và ký giấy tờ, bằng lòng để Bố tôi được quyền đưa tôi đi theo. Cuộc tình của Bố và Má tôi chia ly từ đây.

Tuy nộp hồ sơ xin xuất cảnh muộn, nhưng nhờ sau này có chương trình ưu tiên cho những tù nhân trên bảy năm, nên hồ sơ Bố tôi được đôn lên đi trước.

Vì không muốn đi theo diện “đầu trọc” để nhà thờ Tin Lành bảo lãnh về tiểu bang lạnh, Bố tôi nhờ Mẹ cả bảo trợ, và đón Bố con tôi từ Phi trường LAX về nhà ở Thành phố Santa Ana.

Những ngày đầu gia đình cũng hạnh phúc, người con trai lớn đang học trường Berkeley ở Bắc Cali fornia cũng về đón Bố. Mẹ cả thì tỏ ra lo lắng cho Bố, nào chở bố đi làm giấy tờ, chở đi thăm bạn bè quen biết, dẫn cả tôi đi shopping mua quần áo mới…

Căn Mobile home của Mẹ cả, có ba phòng rộng rãi. Trước nhà trồng hoa hồng rất đẹp, còn vườn sau có nhiều cây ăn trái, tôi thích nhất là cây ổi đào trái chín vàng thơm phức, cao bằng cây ổi nhà nội bên Việt Nam. Thấy tôi trèo thoăn thoắt như con khỉ để hái trái, Mẹ cả liền la lên vì sợ tôi té rồi mang họa.

Tôi biết thân biết phận không dám nhõng nhẽo Bố như ở Việt Nam. Anh lớn tên là Peter ở chơi với Bố được vài ngày lại đi học tiếp, nhà chỉ còn lại anh Mike đi học về là vào phòng đóng cửa, ít nói chuyện. Mẹ cả và anh Mike, nhìn tôi với ánh mắt không mấy thiện cảm. Tôi có cảm giác mình là cái gai trước mắt họ, nên luôn tìm cách lẩn tránh.

Nhiều lần thu mình trong góc phòng, tôi nghe tiếng Bố và Mẹ Cả cãi nhau nho nhỏ. Rồi một buổi tối định mệnh, tôi đang học bài trong phòng, nghe Mẹ cả lớn tiếng với bố ngoài phòng khách: “Một là ông chọn con bé, hai là ông chọn gia đình này…” Tôi hồi hộp lắng nghe. Tiếng Mẹ cả lại chì chiết, “ông còn giấu tôi gửi thư về cho Mẹ nó. Tôi không chịu được cảnh một chốn đôi quê, ông dứt khoát đi!”

Không bao lâu sau, Bố con tôi khăn gói ra đi bắt đầu lại cuộc đời mới nơi đất khách.

Khu Apartment Bố thuê gần trường tôi học, có hai tầng lầu khoảng hơn mười units, thì chín nhà là Việt Nam, đâu hai ba gia đình người mễ, coi như thiểu số ở xóm này. Ở đây mọi người coi nhau như người nhà, thấy gia đình có hai cha con côi cút tội nghiệp, đến hỏi thăm xem có cần giúp đỡ chi không. Kế bên nhà tôi là một gia đình sống tại đây lâu rồi, có bốn người, một bà ngoại ngót bảy mươi, hai vợ chồng trẻ và một đứa con gái kém tôi một tuổi. Từ đó mỗi lần Bố đi đâu vắng là dắt tôi qua gửi bà ngoại để tôi chơi với cháu bà. Bà ngoại thấy tôi nói tiếng Việt rành rẽ thì thích lắm, hỏi chuyện miết: Nhà có hai Bố con thôi sao? Má mày đâu? Sao ở lại Việt Nam? Bố mày xin được Housing chưa? Chắc mày còn nhỏ có medical, được ăn Welfare. Có xin được Food stamp không? Bà ngoại hỏi dồn dập, tôi nghe không hiểu mấy cái danh từ bằng tiếng Anh lạ hoắc, làm sao mà trả lời, tôi chỉ lắc đầu cười, rồi bà cũng cười. Hai bà cháu cứ vậy, nên bà thương tôi lắm. Ngoài lúc đi học, về đến nhà là tôi chạy qua bắt chước cháu bà gọi ngoại ơi! Ngoại à! Ngon ơ.

*****

Nhân dịp Fathers Day sắp đến con xin phép được thưa với Bố đôi điều.

Kính thưa Bố.

Khi con ngồi viết những dòng chữ này, dư âm của bữa tiệc xum họp quanh Bố tối hôm trước, có sự hiện diện của gia đình anh Peter và anh Mike. Để chúng con nói lên lời cảm tạ và chúc mừng sinh nhật thứ tám mươi của Bố, như còn đọng mãi trong con. Cũng là lúc sức khỏe Bố đã mỏi mòn, đi đứng phải dựa vào chiếc gậy cầm tay. Vì ảnh hưởng lần Bố bị stroke năm trước.

Con chạnh nhớ lại cách đây hơn hai mươi năm, ngày Bố con mình đến phi trường Los Angles, con bị chóng mặt vì say máy bay, nên Bố phải cõng con trên lưng bước xuống cầu thang, để đặt những bước chân đầu tiên nặng nề trên đất Mỹ.

Rồi ở tuổi sắp nghỉ ngơi, nhưng vì con mà Bố phải khổ cực, không một tiếng than van, Bố đã âm thầm, một lặng hai nín cũng vì con. Những tưởng cuộc đời được tạm ổn trên quê hương thứ hai, nhưng kiếp tha hương vẫn còn nhiều gian truân, Bố phải tranh đấu gay go với cuộc sống mới, về tinh thần cũng như thể xác.

Giữa mùa đông rét mướt, Bố phải đi làm ca đêm nên bị ốm, con đã khóc vì thương Bố, nhưng Bố nói không sao đâu con, suốt mấy năm trời tù đày, Bố đã quen với cái lạnh thấu xương nơi núi rừng Yên Bái Bắc Việt. Sau lần bị đau nặng, hãng chuyển qua cho Bố làm ca ban ngày. Mỗi buổi sáng Bố ra khỏi nhà để đi làm, con cũng bắt đầu đi học. Chiều về hai Bố con lủi thủi trong căn nhà chật hẹp trên lầu hai của chung cư, mỗi lần thấy Bố leo cầu thang mệt nhọc, con đã tự nhủ mình phải cố gắng học hành, mai sau lớn lên làm việc thật nhiều để có tiền, sẽ mua một căn nhà khang trang đẹp đẽ, để tuổi già Bố được an nhàn hơn.

Khi con ra trường High School, Bố đã dành dụm mua cho con từ chiếc xe, rồi đóng tiền insurance, để con yên trí bước lên bậc đại học. Bốn năm qua nhanh ở trường Cal State University Fullerton, con đã hoàn tất cử nhân sinh học (Biology major) và chương trình dự bị y dược. Con đã nộp đơn xin vào vài trường Dược Khoa nhưng bị từ chối. Thấy con buồn Bố đã an ủi con. Nghỉ một năm ở nhà ôn bài và đi làm thiện nguyện.

Sau con apply vào trường University of Roseman Pharmacy School in Nevada, và được nhận. Con đã hoàn tất chương trình Pharm D trong vòng ba năm. Sau ba năm vất vả, vừa đi học vừa đi làm kiếm thêm tiền chi tiêu, vừa phải đi thực tập. Con đã chuẩn bị kiến thức đầy đủ để trở thành một Dược Sĩ. Để được nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ của Bố. Khi trở về Cali, con phải thi bằng Dược sĩ của tiểu bang California. Để được việc làm tại đây, và được sống cạnh Bố.

Bố thương yêu!

Con đã lớn lên trong vòng tay của Bố. Bố là chỗ dựa tinh thần vững chãi của con. Bố không để con kém cạnh bạn bè, Bố thương con trong tình thương người cha, trong tình yêu của mẹ. Rồi một ngày con đưa về nhà giới thiệu với Bố ý trung nhân của con, anh là người cùng quê và học hơn con nhiều lớp, nên đã hướng dẫn cho con vào cùng ngành. Và giới thiệu để con có được việc làm tốt hiện nay. Bố vui mừng biết dường nào. Bố đã khen anh hiền lành và chững chạc. Rồi ngày vu quy của con Bố đã chúc cho chúng con thật nhiều hạnh phúc.

Hạnh phúc hơn, khi những đứa cháu kháu khỉnh lần lượt ra đời. Bây giờ Bố con mình đã có một gia đình đông vui. Có tiếng khóc, tiếng cười, tiếng nói líu lo của các cháu nhõng nhẽo ông ngoại. Mai sau các cháu lớn lên được ông ngoại dậy nói, dậy viết tiếng Việt, để chúng con an tâm đi làm. Những tình thương yêu Bố dành cho chúng con cả đời này làm sao quên được. Chúng con cầu xin ơn trên ban cho Bố được khỏe mạnh, sống lâu, để chúng con được phụng dưỡng Bố mãi mãi, bù lại những ngày tháng Bố âm thầm hy sinh cho chúng con.

Tất cả những gì con có được ngày hôm nay, là nhờ Bố không nỡ bỏ con, Bố đã đánh đổi hạnh phúc cuối đời để ở bên con, khuyến khích nâng đỡ để con cố gắng vươn lên, giữa muôn vàn khó khăn của cuộc đời.

“Bố ơi! Bố thương yêu của chúng con! Với chúng con, thì ngày nào cũng là Fathers Day.

Năng Khiếu

CÂU CHUYỆN 2 BÉ GÁI DƯỚI HẦM ĐỒI ĐỒNG LONG AN LỘC (1972)

Sau khi quét sạch Cộng quân khỏi Thành Phố chiếm xong Đồi Đồng Long, Biệt Cách Dù tiếp tục lục soát chung quanh trận địa, và phát hiện một căn hầm ven rừng nằm khuất lấp dưới những tấm ván gỗ và những cỏ cây xác xơ vì bom đạn.

Các Binh sĩ áp sát đến miệng hầm, họ nghe vài ba tiếng động sột soạt nhỏ phát ra từ bên trong. Tất cả các họng súng đen ngòm đều hướng vào miệng hầm chờ đợi, như con hổ rình mồi. Vì tưởng nhầm đây là hầm trú ẩn của Việt Cộng, các
chiến sĩ Biệt Cách Dù hét lên cạnh miệng hầm:

“Chui ra ngay!!. đầu hàng ngay!!, nếu không tôi tung lựu đạn vào, chết cả đám bây giờ…”

Có tiếng la từ xa:

– Khoan, khoan, dừng tay. Coi chừng bắn lầm vào dân!!!
Tiếng nói của Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ thị từ xa vọng lại.

Tất cả khi nghe được lệnh của vị chỉ huy trưởng đều ngừng tay chờ đợi. Trung Tá Huấn bước lại gần miệng hầm và nói to:

“Chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hoà, ai trốn trong hầm thì chui ra mau.”

Câu nói được lập lại lần thứ hai, thì có tiếng khóc thút thít the thé bên trong hầm vọng ra.

– Ra đi, chui ra mau đi, không sao đâu.

Đó là những lời thúc dục của những chiến sĩ Biệt Cách Dù, đang chờ sẵn trên miệng hầm. Tiếng động bên trong rõ dần, những ánh mắt long lanh của những người chiến binh Biệt Cách Dù chùng xuống, khi thấy lần lần xuất hiện hai em bé gái khoảng 8 và 9 tuổi, đang bò lê lết tấm thân tiều tuỵ, áo quần rách nát, thân còn da bọc lấy xương, sau nhiều ngày đói khát, chậm rãi bò ra khỏi hầm.

 

– Trời ơi!!! Ba má các em đâu? Sao lại như thế này? Còn ai trong đó không? Trung Tá Huấn hỏi ?

Hai em bé mặt mũi lem luốc, mắt mờ đẫm lệ, thân mình khô đét, nhìn hai bé chẳng khác gì hai bộ xương biết đi, chỉ biết lắc đầu, chứ không thốt lên được thành lời vì kiệt sức, thật quá đổi thương tâm, đau lòng, không chiến sĩ nào có thể cầm được nước mắt. Sau những câu hỏi dịu dàng đầy tình thương của vị chỉ huy 81 Biệt Cách Dù. Trung Tá Chỉ Huy Trưởng đã mang hai bé về Bộ Chỉ Huy Hành Quân và giao cho Ban Quân Y của Bác Sĩ Nguyễn Thành Châu khám
nghiệm, chữa trị, chăm sóc cho đến khi hai bé tạm bình phục và hai bé đã kể lại mọi sự việc như sau:

Em lớn tên Hà Thị Nở (9 tuổi), em nhỏ tên Hà Thị Loan (8 tuổi), cha là Trung Sĩ Nhất Hà Trung Hiến (Địa Phương Quân Tiểu Khu Bình Long), Khi Việt Cộng tấn công, pháo kích vào An Lộc, mẹ cháu cõng em trai 4 tuổi trên lưng, còn hai tay thì dìu hai đứa con gái chạy loạn dưới làn mưa pháo của quân Cộng Sản Bắc Việt. Chạy từ khu nhà dân, ở chân đồi Đồng Long, giữa đường mẹ cháu bị trúng đạn pháo chết ngay tại chổ, em trai bị thương nặng ở chân, 2 cháu kêu khóc tuyệt vọng bên xác mẹ hồi lâu, phải ngậm ngùi quẹt lau nước mắt, gỡ rời tay em trai vẫn còn quàng ngang qua cổ mẹ, mình mẩy đã đầm đề máu tươi, hai chị em thay phiên nhau cõng em trai mình, từ từ lê lết tìm gặp 1 cái hang, và chui vào đó tránh đạn pháo của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Trong đêm hôm đó Em trai cháu chết, qúa khó khăn để chôn cất, nên chúng cháu để xác Em trai nằm bên cạnh, thân xác của em cháu sau hai ba ngày sình thối, mùi thối xông lên thật là khó ngửi, hai em phải thò đầu ra ngoài miệng hang để thở cầm hơi, chỉ dám ló ra ngoài miệng hang vào lúc ban đêm, Chúng cháu trốn ở đó suốt hơn hai tháng, lúc đầu may nhờ có một số cơm gạo sấy của ai bỏ lại đã ăn dần, về sau ăn sống luôn mấy con gà con lạc mẹ đang trốn
chung trong hầm. Cạn kiệt lương thực, đói qúa ban đêm khi không còn nghe tiếng đạn pháo kích, thì mò ra khỏi hầm để bắt dế nhũi, và tất cả các sinh vật lớn nhỏ như trùng, bồ cào, châu chấu để đỡ bụng qua ngày, còn nước thì phải lần mò ra xa hơn, tìm thấy nơi các hố của bom và pháo, chị em cúi đầu gục xuống để mà húp vài ngụm nước, còn đầy hơi mùi thuốc súng.

May nhờ đến ngày hôm nay được các bác tìm thấy mà cứu sống các cháu.

Trong năm 1973, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã đưa hai Cháu Loan và Nở lên Đài Truyền Hình Sài Gòn, để kể lại bao nổi gian khổ, đói khát hãi hùng, kinh hoàng trong hơn hai tháng ẩn trốn ở An Lộc. Đến năm 1974, hai Cháu đã được một người Mỹ nhận làm con nuôi, và hiện nay đang định cư tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ..

Ôi chiến tranh! Chiến tranh tàn khốc mà người Cộng Sản đã mang đến cho dân tộc Việt Nam như thế đó.

Nguồn: ChinhnghiaVietNamCongHoa

CỦ KHOAI YÊN BÁI.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phùng – Bác Sĩ Phạm Hữu Phước. (Nguyễn Khắp Nơi)

Phước nhìn tôi mỉm cười:

“Mày đói lắm hay sao mà hối vợ mày làm cơm dữ vậy?”

Tôi vừa ra phi trường đón Phước về.

Chúng tôi không gặp nhau đã hơn ba mươi mấy năm. Tôi chỉ nghe nói Phước vượt biên nhiều lần nhưng không thoát, bị giam cầm nhiều năm. Cứ mỗi lần được thả ra, Phước lại tìm đường trốn, đến lần thứ bảy hay thứ tám gì đó, Phước mới sang được Úc, định cư tại đây và được hành nghề bác sĩ trở lại, tại Melbourne .

 

Tôi không tưởng tượng được có ngày nghe lại giọng nói của Phước qua đầu dây điện thoại, hẹn sẽ sang chơi và đến thăm nhà.

Tiếng cuời vẫn vui, tiếng nói vẫn sang sảng, như ngày nào chúng tôi cùng ở chung nhà, học thi để lên lớp cuối năm, đã ba mươi mấy năm trước.

Phước nhấp ngụm nước:

“Trong khi đợi vợ mày làm cơm, để tao kể cho mày nghe chuyện tao ở tù sau ngày Phước Long thất thủ.”

Ừ! Nghe mày kêu đói, tao sẽ tả cho mày biết cái đói thực sự nó ra thế nào . . .”

Phước có tài kể chuyện, tôi nhớ đến những ngày xưa cũ, khi ở chung, Phước thường kể chuyện rất có duyên. Những câu chuyện được xếp đặt thứ tự, mạch lạc đầu đuôi, có mở đầu, dẫn nhập, rồi vào chuyện, chi tiết lớp lang như theo một dàn bài. Tôi nhìn Phước, hít một hơi dài, mắt lim dim như muốn tìm đầy đủ những kỷ niệm, những cảm xúc của năm xưa. Phước như người cẩn thận, ngăn nắp tao từng biết, không muốn mất đi một ký ức nào đã ghim sâu vào tâm khảm, như người hằng ba mươi mấy năm nay đã chờ đợi để ngày hôm nay gặp lại, kể cho tôi nghe những câu chuyện của đời mình đã trải qua.

Phước cất tiếng:

“Mày biết không? Cuộc đời có những ngã rẽ không thể ngờ được. Ai cũng có định mệnh của mình. Không thể nào tránh khỏi được.

Nhiều đêm sau này trong tù tao vẫn nghĩ đến điều đó. Là nếu tao không nhất định giữ đúng ngày phép hạn định của mình, ở lại Sài Gòn, không trở lại Phước Long, tao đâu có bị những hoạn nạn kinh khủng đến như vậy!

Mày còn nhớ hồi ra trường, mày đi Tây Ninh còn tao đi bệnh viện Phước Long. Tao được đi phép một tuần về Sài Gòn trước ngày Việt Cộng đánh Phước Long. Vợ tao khóc quá mức khi thấy tao nhất định giữ đúng ngày phép, ra trình diện lại ở Cục Quân Y. Bố vợ tao cũng ngăn, nói tình hình nguy kịch quá rồi, ở nhà luôn đi, đừng lên Phước Long nữa.”

Phước thở dài:

“Mày biết, tính mình hồi đó còn tuổi trẻ, bồng bột, đâu biết tính toán gì. Tao không thích làm điều gì sai quấy, hạn phép nghỉ chỉ một tuần, hết hạn là mình ra trình diện, không muốn trốn ở lại.

Tao đến Cục Quân Y lúc đó là buổi chiều. Chiếc trực thăng đậu trong bãi đáp đang sửa soạn để cất cánh bay chuyến chót, bổ sung người cho bệnh viện tiểu khu Phước Long. Toán sĩ quan trợ y, Y tá đã ngồi đầy không còn một chỗ trống trên đó. Trung tá Y sĩ Liễn đích thân đưa tao ra và hạ lệnh cho trực thăng khoan cất cánh. Ông chỉ tay vào người sĩ quan trợ y ngồi sát bìa:

“Em đi xuống để chỗ cho bác sĩ Phước lên.”

Người thiếu úy trợ y khuôn mặt trẻ măng chắc mới ra trường vội vàng đi xuống, không dấu được vẻ mừng rỡ.

Tao sửa soạn để trèo lên trực thăng và ánh mắt chúng tao chạm nhau. Tao nhìn được sự sung sướng của người trợ y, như một kẻ sắp bước chân vào địa ngục được trở lại trần thế. Ai cũng biết Phước Long sắp mất trong nay mai mà bị gọi để đi lên Phước Long được coi như lãnh án tử hình. Vận mệnh của chúng tao đã trao đổi cho nhau trong giây phút đó, trong luồng ánh mắt gặp nhau buổi chiều hôm đó!

Tao không hiểu người thiếu úy trợ y được thoát chuyến bay cuối cùng đi lên bệnh viện tiểu khu sau này ra sao? Anh có thoát được những hiểm nghèo khác không trong những ngày sau chót của cuộc chiến? Hay anh đã chết trong một trận đánh nào khác? Hay anh đã bình yên và an lành sống một cuộc đời hiền hòa ở Hoa Kỳ, ở Úc hay một chỗ nào đó trên khắp quả địa cầu? Nhưng tao biết, tao đã lấy chỗ của anh để bước chân vào địa ngục. Vì vận mệnh của tao đã sắp đặt để sự việc xảy ra như thế, để tao phải bị đọa đầy trong mấy năm trời đằng đẵng, dài như cả một đời người!”

Phước ngồi thừ một lúc, không nói gì . . . Một lúc sau Phước bật cười kể tiếp:

“Ừ! Mày biết không? Tao lâu lâu vẫn nghĩ có ngày nào mình đi đâu đó, rồi gặp lại anh chàng trợ y minh đã hoán đổi định mệnh ba mươi mấy năm trước. Mình muốn biết anh chàng sau này ra sao? Cuộc đời hắn thế nào? Cũng hay đấy chứ nhỉ!”

Phước lắc lắc đầu mấy cái, như muốn đánh đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu:

“Để tao kể tiếp cho mày nghe. Mày còn nhớ Trần Kim Phẫn không? Nó ra trường về cùng bệnh viện tiểu khu với tao. Chắc mày không biết điều này vì nó dấu kín với tất cả mọi người. Chỉ tao ở với nó trên Phước Long mới được biết. Mày không thể ngờ được là nhà nó nghèo đến thế nào. Ba nó đạp xích lô nuôi nó ăn học. Phẫn vào được trường y khoa, nó học rất giỏi vì chỉ ở trong nhà thương không bao giờ về nhà. Lý do là nhà nó kinh khủng quá, ở trong nhà thương ăn ở đầy đủ, lại có cơ hội thực hành nhiều, nên nó không về nhà nữa. Tao đã nghĩ chỉ mình mới gặp nhiều hoạn nạn, nhưng Phẫn, định mệnh của nó còn thê thảm hơn nhiều. Mày còn nhớ tuy nó là người bạn tốt, nhưng lại có biệt danh kỳ quái là Phano vì lúc nào cũng dễ phẫn nộ. Nhưng trong sự giận dữ của Phẫn tao thấy một niềm đau đớn nào đó. Có lẽ Phẫn đã linh cảm được cái chết sắp đến của mình.

Chiều hôm đó, chiếc trực thăng vừa đáp xuống bệnh viện tiểu khu, tao đã thấy Phẫn vội chạy ra. Thấy tao bước xuống, Phẫn nhào lại nắm lấy vai tao lắc mạnh:

“Trời ơi! Mày sao ngu quá vậy Phước! Tao đã mừng tưởng mày được đi phép là thoát rồi. Sao không ở lại luôn lên làm gì?”

Phẫn la hét chửi tao, cơn tức giận không dấu được như bừng bừng bốc lửa. Phẫn đánh mạnh vào tay tao làm tao đau điếng. Phẫn như người cuồng điên, sự phẫn nộ tràn ra ào ạt. Nhưng trong ánh mắt giận dữ của Phẫn, tao thấy được những lo âu, sợ hãi . . . Những xúc cảm mãnh liệt của Phẫn không dấu được sự kinh hoàng của người biết trước được định mệnh của mình, nhưng hầu như còn được chút an ủi là người bạn thân đồng khóa đã may mắn được về phép trước khi Việt Cộng tấn công Phước Long, tưởng là thoát khỏi hiểm nghèo, nay thấy tao đột nhiên xuất hiện trên chuyến trực thăng chót đưa người lên bệnh viện tiểu khu, đưa đầu vào chỗ chết, bảo sao Phẫn không nổi điên lên được!”

Phước không nói nữa. Một lúc sau, Phước nghẹn ngào, nói ngắn gọn:

“Đêm đó, Việt Cộng tấn công, Phẫn chết ngay trong đợt pháo kích đầu tiên!”

Phước nhìn tôi, lắc đầu:

“Tao định kể cho mày câu chuyện về đói cơ mà! Vợ mày chắc làm cơm sắp xong. Những chuyện khác trong trận đánh Phước Long, tao sẽ lần lượt kể sau cho mày nghe, nhưng trong đêm Phẫn chết đó, tao cũng bị thương nặng ở đùi và trở thành tù binh, cùng với bao nhiêu người lính khác bị Việt Cộng bắt sau trận đánh.

Chúng tao bị giam, bị bỏ đói, tao không biết bao nhiêu ngày nữa. Vết thương đùi của tao làm độc, tao không còn hơi sức, nằm một chỗ, nhức nhối đau đớn đến cùng cực. Đàn ruồi bay vo ve theo tao hàng mấy ngày rồi vì mùi thịt thối xông lên nồng nặc. Những người tù binh khác đều dạt ra xa vì không muốn phải ngửi mùi kinh khủng này. Chính tao lúc nào cũng buồn nôn muốn ói vì cái mùi ghê tởm ngày đêm bao phủ lấy mình. Tao không đi được, phải dùng hai cùi chỏ để lết. Nhưng sau cùng lết cũng không được vì mấy ngày không ăn đã kiệt lực không còn hơi sức. Tao chỉ còn cách nằm yên, nhắm mắt lại, cố gắng để quên cái đau và cơn đói đang hành hạ.

Bỗng dưng một mùi thơm lạ lùng thoảng vào mũi tao. Chừng như mùi hôi thối từ vết thương đùi cũng không đánh át được mùi thơm này. Tao mở mắt ra và thấy một anh lính địa phương quân tù binh đang được người mẹ cho ăn cháo. Bà mẹ nấu ít cháo đem đến cho con ăn. Tao không hiểu sao bà được Việt Cộng cho phép vào và đến thăm đứa con. Nhưng tao không muốn tìm hiểu gì thêm. Vì cơn đói như được mùi cháo thơm làm bùng dậy mạnh mẽ. Cái đói cồn cào, thôi thúc, còn hơn cả cơn đau vết thương đang hành hạ. Tao không thể nhịn được và như trong cơn mơ, tao thấy tao lết lại dần chỗ có mùi thơm kỳ diệu kia. Mắt tao không thể rời ra khỏi tô cháo anh lính đang đưa vào miệng húp.

Cơn đói càng lúc càng tăng lên làm tao run bần bật. Mắt tao hoa lên, mồ hôi ra ướt đẫm trán nhưng tao cố gắng để chặn mình không mở miệng ra xin ăn cháo. Cả đời tao chưa bao giờ bị đói. Và tao chưa hề một lần mở miệng xin xỏ ai, dù là bất cứ điều gì. Tao nghĩ đến bố mẹ tao, đến tổ tiên dòng họ, ngay thẳng chân chính, không hề quỵ luỵ ai, lúc nào cũng giữ lưng cho thẳng, có bao giờ mở miệng van xin dù có chết đi chăng nữa. Và tao đang nằm đây, mắt không chớp nhìn vào tô cháo, đánh nhau với chính mình, cố gắng bậm môi đến gần bật máu để không mở miệng xin ăn cháo.

Nhưng cái đói không để yên, sự hành hạ đã quá mức, tao không thể chịu nổi nữa. Tao nghe tiếng mình nói, thều thào:

“Cho… xin… chút… cháo!”

Anh lính Địa phương quân tù binh không quay đầu lại, tiếp tục húp cháo, nhưng bà mẹ quay sang tao, giọng thật hung dữ:

“Cháo này tao cho con tao ăn còn hổng đủ, dư đâu cho mày!”

Bà bĩu môi, hất tay như muốn xua tao đi chỗ khác.

Tao thấy quay cuồng, cơn đói, cơn đau vết thương và nỗi nhục nhã uất ức như cùng nhau hợp vào, ùa đến như làn sóng thần phủ chụp. Nước mắt tao chảy ra dàn dụa.

Anh lính lúc đó mới quay đầu lại, chừng như bất nhẫn, nhìn bà mẹ một hồi rồi ngập ngừng đưa tao tô cháo đang húp dở.

Tao giơ tay cầm tô cháo. Mùi thơm ùa vào mũi và như một phản xạ không kiềm chế được, tao há miệng cho dòng cháo chảy vào.

Nhưng nước mắt tao càng lúc càng chảy ra nhiều hơn.

Cái đau tinh thần đã thay thế cho tất cả những nỗi đau thân thể và cơn đói hành hạ.

Tao thấy tao: Một Bác sĩ vừa ra trường, cả đời chỉ lo học hành, đi tìm cái hay, cái đẹp của cuộc đời, muốn giúp người, cứu người . . . Và chỉ trong mấy tháng vừa qua sau khi ra trường làm việc tại Bệnh viện Tiểu khu này, tao đã cứu được nhiều thương bệnh binh và cũng được nhiều người kính phục. Tại sao tao lại ở đây, khổ sở, đau đớn, điên cuồng vì đói để bị sỉ nhục, khinh khi chỉ vì cái đói kinh khủng đã làm tao phải mở miệng để xin ăn cháo!

Dòng cháo thơm tho, nuôi sống, đã vào miệng rồi nhưng cơn nghẹn ngào và nước mắt tuôn rơi làm tao không thể nuốt nổi.

Cổ họng tao như thắt lại và dù cơn đói thôi thúc, tao nhả ra và trao lại tô cháo cho anh lính.

Tao cố gắng dùng tàn hơi để bắt mình lết dần sang một chỗ khác, để không thấy, không nghe tiếng húp cháo nữa, dù mùi cháo thơm tiếp tục bay đến hành hạ như không bao giờ ngơi nghỉ.”

* * *

Phước nhìn tôi, hỏi, nhưng cặp mắt mơ màng như vẫn còn đang sống trong kỷ niệm của ba mươi mấy năm về trước:

“Mày nghe đã sợ cái đói thực sự như thế nào chưa?

Nhưng khoan! Trước khi vào ăn cơm, để tao kể nốt cho mày nghe câu chuyện đói khác. Chuyện này có hậu hơn. Tao biết mày thích chuyện gì cũng phải có hậu mà phải không?

Tao sẽ kể thêm những chuyện trong trại tù binh ở miền Nam cho mày nghe sau, để tao nhảy sang chỗ tao bị chuyển ra Bắc, bị đưa ra trại Yên Bái tuốt miền Bắc, cùng với những Sĩ quan khác.

Đoàn xe của chúng tao chạy suốt quãng đưòng dài, dân chúng miền Bắc như được lệnh, thấy mặt chúng tao là sỉ vả, nguyền rủa. Tao có nhiều chuyện lắm cho cuộc hành trình này, tao sẽ lần lượt kể cho mày nghe sau. Nhưng để tao kể chuyện này khi gần đến Yên Bái.

Lúc đó trời đã về chiều, đoàn xe dừng lại. Những tên bộ đội đi xuống kiếm chỗ đi tiểu hay ăn uống. Chỗ này đã gần đến Yên Bái và đã có ít căn nhà thưa thớt của dân dọc hai bên đường. Một người đàn bà dáng đã già tiến lại hỏi mấy tên bộ đội về đoàn xe. Được nghe giải thích đây là những tù binh từ miền Nam bị bắt đưa ra trại giam Yên Bái, bà ta tiến lại chỗ chúng tao. Bà hoa chân múa tay bắt đầu chửi:

“Tiên sư bố chúng mày! Cho chúng mày chết hết đi! Đáng đời chúng mày!”

Bà càng chửi càng hăng hơn. Bộ đội thích thú cười. Chúng tản mát ra kiếm chỗ để lấy đồ ngồi ăn và uống nước.

Một lúc không thấy tên bộ đội nào lảng vảng gần đó nữa, bà cụ già tiến lại gần hơn chiếc xe tao đang nằm trên cáng, mặt bà dịu lại, vẻ dữ tợn biến đâu mất, trên khuôn mặt nhăn nheo, sạm nắng và cặp mắt trũng sâu, chỉ còn lòng trắc ẩn.

Bà lại gần tao, nhìn vào vết thương đùi không lành đã mấy tháng nay, lúc nào cũng đầy mủ và bắt đầu có dòi. Bà nói nho nhỏ:

“Tội nghiệp con! Làm sao để ra nông nỗi này. Chúng nó khốn nạn quá!”

Rồi bà rút trong ngực áo ra một củ khoai, dúi vào tay tao:

“Con ăn đi cho đỡ đói!”

Bà vừa nói vừa láo liên nhìn về phía bọn bộ đội. Thấy một tên đi xăm xăm lại, bà quay người đi ngay.

Tao ngẩn người nhìn theo bà lão. Dù đang đói lả, cơn đói như cào xé lấy ruột gan, tao cũng không thể ăn ngay được.

Cho đến khi bóng bà lão khuất sau hàng dậu thưa của căn nhà bên đường và tên bộ đội trở lại chỗ ngồi cũ, tao mới ngoạm vào củ khoai còn nóng.

Miếng khoai ngọt ngào trôi vào trong cổ họng, thơm ngon và ấm áp.

Nuớc mắt tao ứa ra, nhớ lại bát cháo ngày nào ở Phước Long. Miếng cháo cũng thơm ngọt, nhưng dù có sắp chết tao không thể nào nuốt trôi.

Còn miếng khoai này, đầy ắp tình người, đã nuôi sống tao buổi chiều hôm đó, cũng như giúp tao trải qua những đọa đày cùng cực của ba năm giam cầm ở trại giam Yên Bái.

Mày thấy không? Trong chốn địa ngục của trần gian đó, chỉ còn hy vọng là điều ngăn cách giữa cái sống và cái chết, giữa lương tri và ác độc, giữa chịu đựng và buông xuôi. Và tình người của bà lão Yên Bái đã giúp cho tao còn chút hy vọng, khi đã tuyệt vọng khôn cùng, khi chỉ còn muốn nhắm mắt để vĩnh viễn ra đi.

Củ khoai của bà đã nuôi sống tao đến tận bây giờ đó mày ạ.

Và đừng có bao giờ, đừng có ai nói chuyện hòa hợp hòa giải với tao nha!

Bác sĩ Nguyễn Đình Phùng – Bác Sĩ Phạm Hữu Phước.

MỘT QUÂN ĐỘI BỊ LÃNG QUÊN – VIETNAM’S FORGOTTEN ARMY (Andrew Wiest)

Một Quân đội bị Lãng quên: Anh hùng và Bội phản trong QLVNCH (Andrew Wiest)

Trước hết xin cho phép tôi được tri ân hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại đã mời tham dự biến cố tuyệt vời này, và chúng tôi cũng muốn đặc biệt cám ơn ông Lê Tinh Thông vì ông đã bỏ nhiều công sức thực hiện cuộc hội thảo.

Tôi xin được tự giới thiệu là Andrew Wiest, dạy môn “Lịch sử Chiến tranh Việt Nam” tại Đại học Southern Mississipi. Tôi chào đời năm 1960, là vào thời điểm cuối của thế hệ “nhi đồng hậu Thế chiến II” tại Hoa Kỳ. Do đó, tôi còn quá trẻ để phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng cuộc chiến ấy vẫn hiện diện quanh tuổi trưởng thành của tôi, nhất là trên các đài truyền hình. Tôi rất muốn học hỏi về cuộc chiến ấy, nhưng các trường từ trung học đến đại học không có nơi nào dạy môn đó cả.

Lịch sử và nhân dân Hoa Kỳ hình như đều muốn quên lãng trận chiến và những người chiến đấu trong chiến tranh đó.

Sau đấy, tôi học môn lịch sử quân sự trong đại học, và chuyên ngành về Thế chiến I. Nhưng tôi cũng kín đáo tự học hỏi về cuộc chiến của thế hệ chúng tôi: Chiến tranh Việt Nam. Để hiểu thấu đáo bí mật này, năm 1997, tôi tình nguyện giảng dạy một lớp về Chiến tranh Việt Nam. Như có thói quen trong các lớp mình dạy, tôi mời một số cựu chiến binh trong trận chiến đến diễn thuyết cho sinh viên. Những câu chuyện họ kể khiến cho tôi xúc động sâu xa. Tôi học được thêm về trận chiến Việt Nam, nhưng vẫn thấy thiếu sót cái gì đó, cho nên vào năm 2000, tôi đem một số cựu chiến binh và sinh viên sang tận Việt Nam để học về cuộc chiến ở ngay tại hiện trường.

Tuy nhiên, trong chuyến du hành đó, một việc rất bất ngờ đã xảy ra.

Tại Huế, tôi gặp ông Phạm Văn Đính, cựu sĩ quan của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, một người đã từng oanh liệt chiến đấu trong nhiều năm, để rồi năm 1972 phải đầu hàng cùng cả đơn vị bị vây hãm trong trận Tấn công mùa Phục sinh “Easter Offensive” [ta gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa]. Và bản thân ông thì chạy qua bên địch.

Khi trở về Hoa Kỳ, tôi gặp ông Trần Ngọc Huế, cũng là cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà và chiến hữu của ông Đính. Tuy nhiên, thay vì đầu hàng, ông Huế lại cùng đơn vị chiến đấu đến cùng khi bị địch quân vây hãm trong chiến dịch Lam Sơn 719 tại Lào năm 1971. Ông Huế bị giam 13 năm trong trại tù cộng sản, thêm sáu năm quản thúc tại gia trước khi được đi qua Mỹ.

Với tôi, việc hai người là bạn thâm giao từng chiến đấu bên nhau, lại có hai kết cục quá khác biệt, là một bí mật nữa cần được giải đáp. Tôi sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc chiến tranh của người Hoa Kỳ, nào ngờ lại tìm thấy một cuộc chiến của người Việt Nam.

Sau đó, tôi bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu tất cả những gì tôi thấy về miền Nam Việt Nam và trận chiến của họ, nhưng phải chấp nhận một sự thật phũ phàng là mình gần như không tìm thấy gì nhiều về những điều muốn biết. Vai trò của Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến hầu như là một sự vô hình với Tây Phương. Và tôi ý thức được là tôi đã có một dịp may lớn. Lấy cuộc đời của hai ông Đính và Huế làm tâm điểm, tôi quyết định sẽ làm những gì có thể làm được hầu điều chỉnh quan điểm lịch sử sai lầm và thảo lại lịch sử của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Sau sáu năm nghiên cứu và biên soạn của tôi, nhà “New York University” cho xuất bản cuốn “Một Quân đội bị Lãng quên: Anh hùng và Bội phản trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa”, với nội dung trình bày lại phần lớn của cuộc chiến có kết hợp quan điểm của Quân lực Cộng Hòa.

Tôi thường được hỏi, nhất là từ các sinh viên khi họ chuẩn bị đề thi cuối năm, rằng ta có thể thắng trong cuộc chiến Việt Nam không. Và câu trả lời của tôi – xin đừng cho sinh viên của tôi biết! – là một lời khẳng định: chắc chắn!

Thật ra, điều tôi muốn nói là các đơn vị Hoa Kỳ sẽ không thắng được dù nếu cố gắng thêm để đạt được vài thành tích lớn lao. Vì trận chiến Việt Nam không để Hoa Kỳ chiến thắng mà là để miền Nam chiến thắng. Rốt cuộc thì chỉ có Quân lực Việt Nam Cộng Hoà mới có khả năng chuyển biến thắng lợi chiến thuật ngoài trận địa thành một thắng lợi chiến lược lâu dài.

Với lối suy nghĩ đó, tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta hiểu được miền Nam và bản chất của sự liên minh với Hoa Kỳ, thì mình mới hiểu thấu đáo về chiến tranh Việt Nam. Thay vì bị phủ nhận, miền Nam và quân đội của họ phải là trọng tâm của cuộc chiến. Đã đến lúc trả lại sự công bình cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Quan điểm của quảng đại quần chúng và của nhiều tài liệu lịch sử Tây phương về Quân lực Việt Nam Cộng Hoà mà tôi tìm thấy đều đơn giản và sai sót trầm trọng. Nhiều chứng liệu lịch sử hoàn toàn gạt bỏ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, trong khi một số khác sơ sài đề cập đến Quân lực này thì lại kết án họ là không hiệu quả và tất yếu thất bại dưới tay quân đội cộng sản. Chỉ cần một cái nhìn bao quát, nơi đâu ta cũng thấy công chúng và các chứng liệu lịch sử có ảnh hưởng đều đánh giá miền Nam là suy nhược trầm trọng.

Miền Nam Việt Nam đã gặp chiến tranh suốt thời kỳ ngắn ngủi, từ 1954 đến 1975 – họ không hề có một ngày an bình. Trong cuộc chiến, miền Nam mất hơn 200 ngàn chiến binh, chưa kể chán vạn tổn thất dân sự. Chiến tranh dai dẳng khốc liệt, còn khó khăn hơn mọi hoàn cảnh mà quân đội Hoa Kỳ đã phải đối phó. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, hơn một triệu rưởi người dân miền Nam đã rời bỏ quốc gia thân yêu của họ, và hàng trăm ngàn người bị giam trong các trại tập trung ở miền Bắc. Những chứng cớ không thể chối bỏ này cho ta thấy rằng thay vì hiển nhiên thất bại, miền Nam đã chiến đấu dai dẳng và quyết liệt cho quyền tự do của họ.

Nếu miền Nam đã chiến đấu anh dũng thì vì sao họ không thắng?

Với sự yểm trợ của người khổng lồ Hoa Kỳ, tại sao miền Nam không gieo cho hậu duệ của dân miền Bắc nỗi trăn trở là “vì sao miền Bắc lại thất trận”? Nếu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà không có nhược điểm sinh tử và nếu họ có một chút hy vọng kiểm soát trọn quốc gia, thì câu hỏi chúng ta đặt ra lại càng gây khó chịu!

Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có thể chỉ là một lý cớ đã bị viện dẫn quá lâu nhằm giải thích sự thất bại của Hoa Kỳ. Và đã đến lúc ta phải xét lại trọn vẹn hơn vai trò của Hoa Kỳ trong sự thất bại của một quốc gia thật ra có hy vọng sống còn.

Các nguyên nhân thất bại của liên minh Mỹ-Việt thật rất phức tạp, quá phức tạp để ta có thể đào sâu trong khuôn khổ của buổi hội thảo. Vả lại, chủ đề nghiên cứu ban đầu của tôi chỉ nhắm vào hai sĩ quan trung cấp trong Quân lực Cộng Hoà và chú trọng vào tình hình chiến sự tại Quân Đoàn I.

Vì vậy, cuốn sách của tôi, hay buổi nói chuyện hôm nay, không có tham vọng trình bày trọn vẹn lịch sử phức tạp của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng cả quyển sách lẫn bài thuyết trình hôm nay có thể nêu ra vài kết luận khái quát về khả năng và lịch sử của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, cũng như gợi ý thảo luận về ưu khuyết điểm của sự vận hành và thất bại của liên minh Mỹ-Việt.

Dù có thể là quá khái quát, tôi cần nêu lên hai điểm khởi đầu.

Trước nhất – dù đã chiến đấu trong nhiều năm rồi, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà là một vận dụng bất toàn khi mối quan tâm của Hoa Kỳ vào trận chiến Việt Nam bắt đầu gia tăng vào đầu thập niên 1960. Trong khi quân nhân miền Nam đã chiến đấu can trường thì đa số lãnh đạo cao cấp nhất của Quân lực Cộng Hoà đều bị chính trị hóa và bị phân hóa. Cuộc tranh giành quyền lực nội bộ phương hại nặng nề cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà – đặc biệt là sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ – nên cần được thay đổi từ căn bản.

Thứ hai – dù đầy thiện chí, những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm gây dựng quân đội cho miền Nam cho thấy những hiểu biết phiến diện của họ về thực trạng Việt Nam. Sau chiến tranh Cao Ly, Hoa Kỳ cố lập ra một lực lượng quân sự tại miền Nam với bản chất quá Tây Phương. Thay vì thi hành trong khuôn khổ văn hóa Việt Nam, mà lại lãng quên nhiều triển vọng của hình thái chiến tranh chống nổi dậy, người Mỹ góp phần gây dựng Quân lực Cộng Hoà quanh các đơn vị Bộ binh Mỹ, vốn lệ thuộc vào nguồn tiếp vận dồi dào, vào hỏa lực và kỹ thuật, để đoạt thắng lợi chiến thuật.

Khi xây dựng Quân lực Cộng Hòa như một sức mạnh quy ước, người Mỹ hầu như coi thường khía cạnh phiến loạn của cuộc chiến ở miền Nam, khiến Quân lực Việt Nam Cộng Hoà không sẵn sàng đối phó với cuộc chiến. Chính sách Hoa Kỳ cũng sai lầm khi xây dựng một Quân lực Cộng Hòa dù hữu hiệu cũng quá tốn kém – một quân đội thuộc loại hạng nhất thế giới mà kinh tế miền Nam không thể cáng đáng nổi.

Việc Hoa Kỳ trực tiếp nhập cuộc năm 1965 chỉ làm tình thế thêm rối ren.

Đáng lẽ gửi quân đội đến phối hợp với Quân lực miền Nam tại chiến trường này, Hoa Kỳ lại đưa quân vào giành chiến thắng thay cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Đáng lý là cùng làm việc trong một tập thể để tạo dựng một quân đội và một miền Nam có khả năng vượt qua chiến tranh, quân lực Mỹ lại đẩy Quân lực Việt Nam Cộng Hoà qua bên lề để một mình giành lấy chiến thắng. Quyết định ấy đã gạt Quân lực Cộng Hoà và lãnh đạo quân sự của họ ra ngoài biên, đâm ra trì hoãn và cản trở những cải cách cần thiết.

Chính sách này còn khiến cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà càng tùy thuộc vào Hoa Kỳ về cố vấn, tiếp vận và hỏa lực.

Như ta sẽ thấy, các đơn vị Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng bên các đơn vị đồng minh, và gặt hái nhiều chiến thắng vẻ vang, mà thường bị lãng quên trong lịch sử chung của trận chiến. Tuy nhiên, cho đến năm 1968 chính sách Hoa Kỳ có góp phần tạo ra một Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, dù hữu hiệu về chiến thuật, chỉ được thiết trí để tác chiến bên quân lực Mỹ, thay vì là một quân đội có thể tự tồn tại. Chỉ sau vụ tấn công 1968, khi Hoa Kỳ muốn rút khỏi chiến tranh hơn là bảo đảm sự sống còn của Quân lực miền Nam, họ mới giúp đào tạo một Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có khả năng tự lực tự cường sau khi quân Mỹ triệt thoái. Nhưng việc đó quá trễ, và quá ít.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh và sau đó là Tư lệnh Quân Đoàn I của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đã tóm lược sự tình như sau: “Gia nhập cuộc chiến với tinh thần và tác phong của một đội cứu hỏa, người Mỹ hăng hái xông vào cứu vãn ngôi nhà Việt Nam khỏi bị thiêu hủy, nhưng không hề quan tâm đến nạn nhân. Cho tới khi ý thức được rằng cả nạn nhân cũng phải được huấn luyện thành người cứu hỏa để cứu lấy ngôi nhà của họ thì Hoa Kỳ mới bắt đếu lưu tâm đến họ. Một khoảng thời gian quí báu đã bị lãng phí. Đến khi các nạn nhân được cấp cứu đã có thể đứng dậy tiến lên vài bước, thì đội cứu hỏa được gọi về trạm của họ”.

Trong khung cảnh đó, khi tìm hiểu kỹ về trường hợp của các ông Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế, tôi có cơ hội nghiên cứu sâu rộng hơn vai trò tác chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

Đa số sử gia Tây phương về chiến tranh Việt Nam đều điểm lại các bài ký sự chiến trường nổi tiếng, từ trận đánh tại thung lũng Ia Drang năm 1965 đến trận đánh trên đồi Hamburger Hill năm 1969. Các bài tường thuật này thường là xúc động và vinh danh chiến binh Mỹ. Tuy nhiên chúng lại thiếu một yếu tố quan trọng. Trong các trận đó, hầu như Quân lực Cộng Hoà đều bị đồng loạt bỏ quên.

Thực tế thì người chiến binh Cộng Hòa đã hiện diện trên các chiến trường đó. Họ đã từng tác chiến trước khi lính Mỹ tới, rồi họ chiến đấu bên quân lực Mỹ trong hầu hết các trận lớn của cuộc chiến. Để hiểu được tường tận những thịnh suy của cả cuộc chiến, chúng ta phải đưa Quân lực Việt Nam Cộng Hoà vào khối sử liệu về trận chiến.

Trong buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi chỉ đề cập đến hai trận đánh quan trọng nhất trong cuộc nghiên cứu của tôi để chứng minh là hiển nhiên phải kể đến vai trò của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa một cách đầy đủ hơn trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Cứ chọn bất cứ quyển sách nào về cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 là quý vị cũng có thể thấy rất nhiều tin tức hay dữ kiện về các trận đánh tại thành phố Huế. Trong tất cả các quyển sách đó, tác giả đều ngợi ca Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ là đơn vị đã trước hết bảo vệ rồi gan dạ vãn hồi an ninh chung quanh công sự của bộ Tư lệnh MACV của Mỹ. Và đơn vị đã tái chiếm Huế bằng cách đánh đuổi địch từ nhà này xuyên qua nhà khác cũng là Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Họ không ngớt lời xưng tụng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nhưng hoàn toàn bỏ quên sự tham chiến của các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà.

Các quân nhân Thủy quân Lục chiến Mỹ đã giao tranh rất anh dũng, và đã giải phóng một phần lớn phía Nam sông Hương, và chứng minh được danh tiếng như những đơn vị tinh nhuệ nhất thế giới. Trong trận Tết Mậu Thân oanh liệt đó, Thủy quân Lục chiến Mỹ có 147 chiến binh hy sinh (theo số liệu của ông Keith William Nolan trong cuốn “Battle of Hue – Tet 1968” xuất bản năm 1996, trang 185).

Nhưng cũng trong trận Mậu Thân đó, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà lại ít đươc đề cập đến, dầu họ đã đánh đuổi địch tại nhiều địa điểm nhất, đặc biệt là trong Thành Nội. Thành tích của các đơn vị Việt Nam, với hỏa lực và vũ khí yếu kém hơn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, được minh chứng với Đại đội Hắc Báo của Trần Ngọc Huế và Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 3 của Phạm Văn Đính. Họ chiến thắng các lực lượng Bắc Việt và Cộng sản miền Nam trong một trận chiến dài và gian khổ mà không có sự yểm trợ hỏa lực trực tiếp của các lực lượng đại pháo cơ hữu.

Sau khi chiến trận kết thúc, phía Việt Nam Cộng Hòa có 357 quân nhân tử trận, và giết được 2.642 bộ đội Bắc Việt và cộng sản miền Nam. Không ai có thể nghi ngờ được việc quân nhân Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ chiến đấu cách anh dũng và gian khổ tại Huế. Tuy nhiên, người ta quan niệm rằng trận chiến đó là của người Hoa Kỳ, với sự trợ lực nhỏ của quân lực miền Nam. Đấy là một quan niệm hết sức sai lầm.

Trận đánh giải phóng thành phố Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một cách chính xác và trả cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà những thành quả và danh dự mà họ đã tạo được trong một chiến thắng có thể nói là hào hùng và anh dũng nhất.

Một trận đánh cũng nổi tiếng nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ và trong phim ảnh, là trận chiến tại đồi Hamburger vào năm 1969.

Trong các sách vở hiện có, các tác giả đều mô tả một trận đánh bi thảm và anh dũng của các đơn vị Hoa Kỳ thuộc Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 187 Nhảy Dù, nhằm tái chiếm ngọn đồi đã bị các quân nhân Bắc Việt cuồng tín chiếm giữ suốt mười ngày. Khi gần thoái chí thì các quân nhân Mỹ lại tìm ra phương cách chiến thắng quân địch, và chiếm được vị trí oai hùng trong quân sử Hoa Kỳ từ cuộc chiến Việt Nam.

Tuy nhiên, sự thực lại khác hẳn.

Chính Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 3 của Sư đoàn I Bộ binh Việt Nam – dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Đính – đã tiến chiếm đỉnh đồi trước. Để rồi được điều động đi nơi khác mà “nhường” chiến thắng lại cho lực lượng Hoa Kỳ.

Chỉ với hai thí dụ cụ thể đó để làm điểm tựa, chúng ta có thể thấy được rằng muốn hiểu biết rõ ràng và thâm sâu về chiến tranh Việt Nam, ta phải kể đến sự tham gia của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà vào lịch sử của chiến tranh Việt Nam.

Sau Tết Mậu Thân, vai trò của Quân lực này trong trận chiến đã thay đổi một cách rõ rệt. Đa số người lính Cộng Hoà nghĩ là họ đã thắng trận chiến chống quân cộng sản tại miền Nam từ năm 1969. Đa số các vùng nông thôn đều bình yên, và địch thủ đang lẩn trốn. Về phần hai ông Đính và Huế, họ nghĩ rằng bước tiến sắp tới sẽ là tiến qua Lào hoặc tấn công ra Bắc Việt để đánh vào gốc. Cũng như các chiến hữu trong Quân lực, họ rất ngạc nhiên vì đáng lẽ tiếp tục tiến mạnh thì người Mỹ lại bắt đầu rút lui: một hành động làm thay đổi toàn diện cục diện của chiến tranh Việt Nam.

Đa số các sử gia người Mỹ về chiến tranh Việt Nam không mấy để ý đến trận chiến sau năm 1970, vì cho rằng thảm kịch của Hoa Kỳ sắp sửa hạ màn. Nhưng, thảm kịch của quốc gia Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Những trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến chưa khai diễn, những trận chiến ít được truyền thông và báo chí Tây Phương theo dõi – mà lại là những trận then chốt để hiểu được vì sao chiến tranh Việt Nam lại kết thúc như vậy.

Vì không còn nhiều thời gian duyệt xét lại từng trận đánh lớn, tôi sẽ nhắc đến hai trận đánh nổi bật nhất trong công việc nghiên cứu của riêng tôi: trận Lam Sơn 719 vào đất Lào và trận tổng tấn công mùa Phục Sinh, gọi là Eastern Offensive vào năm 1972 [mà người Việt gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa).

Trong trận đánh sang Lào năm 1971, lần đầu tiên Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tung các đại đơn vị vào đất địch mà không có cố vấn Hoa Kỳ. Trong trận chiến, quân đội Việt Nam đã tỏ ra rất hùng mạnh. Trước một địch thủ đông hơn, với khí giới tối tân hơn do khối cộng sản cung cấp, các quân nhân miền Nam đã kiên trì chiến đấu, được thể hiện qua kinh nghiệm của Trần Ngọc Huế. Ông Huế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, thuộc Trung đoàn 2 của Quân đoàn I Bộ binh, đã cùng đơn vị của ông phải giải vây sau sáu lần bị địch bao vây, trước khi Huế bị trọng thương. Chỉ có 26 người còn sống sót trở lại Việt Nam, trong khi Huế bị bắt làm tù binh và bị giam 13 năm trong các trại tù cộng sản tại miền Bắc.

Kinh nghiệm của chiến dịch Lam Sơn 719 cũng cho thấy là quân lực Việt Nam chưa sẵn sàng để sống còn một mình. Họ có vấn đề lãnh đạo ở cấp cao nhất. Và vẫn phải tùy thuộc vào hỏa lực yểm trợ của Hoa Kỳ, là những khó khăn có thể giải quyết được trong tương lai. Thay vì bổ khuyết và sửa chữa các khó khăn này, Hoa Kỳ lại càng rút quân nhanh chóng hơn.

Vào mùa Phục Sinh năm 1972, quân đội Bắc Việt tung toàn lực vào Nam với hy vọng mau chóng kết thúc trận chiến. Mặc dù bị thiệt hại nhiều lúc đầu, quân lực Việt Nam đã chống trả mãnh liệt tại các chiến trường Quảng Trị, Kontum và An Lộc – những trận chiến gần như không được biết tại Hoa Kỳ. Không có bất cứ trợ giúp nào của binh lính Mỹ tại trận địa, chỉ có các cố vấn Mỹ và hỏa lực Hoa Kỳ, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã dứt khoát đánh bại địch quân trên ngần ấy mặt trận.

Với quân cộng sản miền Nam bị triệt hạ, hai chiến dịch Lam Sơn 719 và tái chiếm cổ thành Quảng Trị chứng minh cho thế giới thấy Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, với sự cố vấn và yểm trợ của Hoa Kỳ, vẫn có thể đương đầu với quân Bắc Việt.

Trên một số phương diện, hệ thống kết hợp này đã thành công. Quân lực Việt Nam từng được đào tạo để chiến đấu bên lực lượng Bộ binh Hoa Kỳ. Bây giờ, việc hợp tác giữa nhân lực Việt Nam và hỏa lực Mỹ đã chứng tỏ sự công hiệu, nhất là trong trận tấn công mùa Phục Sinh. Nhưng người Mỹ đã quá mỏi mệt với “trận chiến của họ”, nên nhanh chóng rút cả cố vấn lẫn sự yểm trợ hỏa lực ra khỏi chiến tranh. Cuối cùng, họ cắt giảm luôn viện trợ tài chánh cho Việt Nam.

Hoa Kỳ đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức giúp cho việc đào tạo một Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có thể chiến đấu trong một liên minh bên cạnh quân lực Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ giữ vai chính. Quân lực Cộng Hoà chiến đấu rất giỏi trong cái thế phân công ấy, và thắng bao nhiêu trận mà hoàn toàn bị Tây Phương phủ nhận. Vào giai đoạn cuối của trận chiến, liên minh ấy đã vất vả tiến gần chiến thắng thực sự. Nhưng chẳng may, người đồng minh chỉ đạo lại bỏ cuộc, để quân lực Việt Nam trong một hoàn cảnh mà họ không hề được huấn luyện để đảm nhiệm – là đơn phương chiến đấu. Với thời gian, họ sẽ thích ứng để đảm đương vai trò mới đó. Nhưng việc Hoa Kỳ rút hết viện trợ quân sự và tài chánh lại không cho Quân lực miền Nam khoảng thời gian thích ứng này.

Hoa Kỳ tháo chạy quá nhanh, để Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có thể tồn tại một mình.

Để hiểu biết tường tận trận chiến Việt Nam, chúng ta phải nói đến Quân lực Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến. Một điều mà tôi hy vọng rằng quyển sách của tôi có thể làm là chứng minh Quân lực miền Nam đã chiến đấu cam go và bền bỉ cho nền độc lập của Việt Nam Cộng Hòa. Quân lực Việt Nam có thể thắng trận chiến, và xứng đáng được hưởng một số phận khác.

Tôi muốn kết thúc phần phát biểu của tôi bằng cách cám ơn một lần nữa tất cả quý vị đã cho tôi cơ hội nói chuyện hôm nay, bằng cách chào kính các cựu quân nhân trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Quý vị là bậc anh hùng, và tôi vinh dự được là kẻ tường thuật.

…………………………………………………………

“VIETNAM’S FORGOTTEN ARMY” By Andrew Wiest
Release Date: 12/1/2007

Vietnams Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN chronicles the lives of Pham Van Dinh and Tran Ngoc Hue, two of the brightest young stars in the Army of the Republic of Vietnam (ARVN). Both men fought with valor in a war that seemed to have no end, exemplifying ARVN bravery and determination that is largely forgotten or ignored in the West. However, while Hue fought until he was captured by the North Vietnamese Army and then endured thirteen years of captivity, Dinh surrendered and defected to the enemy, for whom he served as a teacher in the reeducation of his former ARVN comrades.

An understanding of how two lives that were so similar diverged so dramatically provides a lens through which to understand the ARVN and South Vietnams complex relationship with Americas government and military. The lives of Dinh and Hue reflect the ARVNs battlefield successes, from the recapture of the Citadel in Hue City in the Tet Offensive of 1968, to Dinhs unheralded role in the seizure of Hamburger Hill a year later. However, their careers expose an ARVN that was over-politicized, tactically flawed, and dependent on American logistical and firepower support. Marginalized within an American war, ARVN faced a grim fate as U.S. forces began to exit the conflict. As the structure of the ARVN/U.S. alliance unraveled, Dinh and Hue were left alone to make the most difficult decisions of their lives.

Andrew Wiest weaves historical analysis with a compelling narrative, culled from extensive interviews with Dinh, Hue, and other key figures. Once both military superstars, Dinh is viewed by a traitor by many within the South Vietnamese community, while Hue, an expatriate living in northern Virginia, is seen as a hero who never let go of his ideals. Their experiences and legacies mirror that of the ARVNs rise and fall as well as the tragic history of South Vietnam.

About the Author:

Andrew Wiest is Professor of History and Co-Director of the Center for the Study of War and Society at the University of Southern Mississippi. He is co-editor of War in the Age of Technology: Myriad Faces of Modern Armed Combat (NYU Press, 2001) and author or co-author of numerous books, including Rolling Thunder in a Gentle Land: The Vietnam War Revisited, Atlas of World War II, and The Vietnam War, 1959 – 1975. He lives in Hattiesburg, MS.

  • “Exceptional, both in content and readability. Vietnam’s Forgotten Army addresses one of the lacunas in the historiography of the war — the story of the South Vietnamese soldier, a story that more often than not is totally ignored or only given the briefest of consideration. The author’s vivid description of combat and its toll put a human face on what for many historians is merely a clinical discussion of unit moves, victories and defeats.” (James H. Willbanks, Director, Department of Military History, U.S. Army Command and General Staff College)
  • “Vietnam’s Forgotten Army offers a compelling account of two heroic ARVN officers who, in the final years of the war, choose diametrically opposed courses of action. One surrenders, and enjoys a relatively easy subsequent life, but is plagued by guilt. His comrade-in-arms remains true to the Republic, suffers many years of separation, imprisonment and deprivation, but ultimately finds fulfillment. In the process of telling this remarkable story, Wiest offers a better understanding of the trials and travails of those who served in the Armed Forces of the Republic of Vietnam.” (James R. Reckner, Director, The Vietnam Center, Texas Tech University).

T T NGÔ ĐÌNH DIỆM (Youtube)

T T NGÔ ĐÌNH DIỆM Phần 1 (Cuốn DVD đầu tiên về TT Ngô Đình Diệm )

DVD đầu tiên về cựu tổng thống Ngô Đình Diệm Phần 2

Kẻ nào đã hạ sát 2 anh em TT Ngô Đình Diệm ? Phần 1

Kẻ nào đã sát hại anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm? Phần 2

Tổng Thống Ngô Đình Diệm ” Lời Trăn Trối Cuối Cùng “

Phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành, bạn thân của TT. Ngô Đình Diệm