Tạp ghi: “Khoảnh khắc của người lính biển”

Tân khóa sinh SVSQ/HQ/K.21 đi bờ khi còn tạm trú trại Bạch Đằng II cuối năm 1969. (Ảnh của Lê Xuân Chiến)

Rời giảng đường đại học, bước chân vào lính, tôi tình nguyện vào quân chủng Hải quân, gia nhập vào đại gia đình của những chàng trai yêu sông, thích biển…
Tháng 9 năm 1969, tôi vào Khóa 21 SQHQ. Được thụ huấn quân sự và chuyên nghiệp tại các quân trường như Quang Trung (căn bản quân sự), Thủ Đức (Tác chiến bộ binh), Hải quân Nha Trang (Hải nghiệp) và Cam Ranh (Thuyền trưởng hải đội duyên phòng). Thế là con nòng nọc hai chữ CB bám trên cập cầu vai của tôi đứt đuôi để trở thành quan hai tàu thủy. Rồi từ đó cứ theo con tàu lớn nhỏ đêm ngày lênh đênh trên biển cho đến khi chiến hạm mang tên Trường Sa do tôi chỉ huy vào những ngày cuối tháng Tư Đen biến mất vào đêm 29 tháng 4 năm 1975. Tính ra thời gian làm lính của tôi chỉ tròn 6 năm một tháng. So ra thời gian đi lính ít hơn thời gian tôi đi tù cộng sản. Thật là khoảnh khắc ngắn ngũi của một người lính biển!

.
Thời gian làm lính của tôi qúa ngắn ngũi phải không các bạn? Khi mà màu áo xanh và cập cầu vai còn nhẹ trơn, chưa đủ bạc màu gió biển và vẫn còn nhát sợ khi lái con tàu một mình đối diện với những cơn cuồng nộ của biển mà chung quanh không có một chiến hạm hay chiến đĩnh bạn nào. Ngày này qua tháng nọ trên chiến đĩnh tôi quen dần với sóng gió biển khơi không như lần đầu tiên tôi bị say sóng rã nát người, tưởng như muốn chết đi khi cùng những người bạn cùng khóa mới ra trường qúa giang chiếc hạm LST của Đại Hàn từ Saigon đi An Thới (Phú Quốc) để tân đáo Vùng 4 Duyên Hải (V4ZH). Suốt cuộc hải hành trên chiến hạm LST tôi nằm lăn ra trên boong tàu, ói hết mật vàng đến mật xanh và không còn biết mình là ai và đang ở đâu?

.
Biển! Không biết có sức mạnh nào mạnh hơn sóng biển nhỉ? Bất cứ loại tàu bè lớn cỡ nào cũng sẽ trở nên nhỏ bé và yếu đuối trước những cơn thịnh nộ của đại dương. Ngày đầu đi biển mấy ai mà chẳng say sóng? Có lẽ phải có thời gian làm quen hay trở thành “người tình” của biển hoặc vì trách nhiệm đối với con tàu làm cho người lính thủy quên đi sóng gió.

.
Tuy đời lính của tôi ngắn ngũi như thế. Nhưng thời gian đó thật có gía trị cho cả một đời người. Đồng thời nó còn cho tôi cái vinh hạnh được dâng một phần tuổi trẻ phục vụ cho Tổ quốc và niềm tự hào của người lính thủy.
Thật vậy, đời lính đã dạy cho tôi biết bao nhiêu điều trong cuộc sống, nó mang đến cho tôi thật nhiều bạn bè đồng đội thân thương, nó cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên, nó đưa tôi đi đến nhiều vùng đất lạ của đầm lầy, con sông, cửa biển, hải đảo và tận đến những vùng biển xa xôi lạ lẫm của quê hương nước Việt mà tôi chưa bao giờ có một lần đi đến nếu không nhờ cái khoảnh khắc làm lính thủy đó.

.
Dù là đời lính thủy chỉ trong khoảnh khắc, nhưng tôi rất trân trọng và cám ơn cái khoảnh khắc đó. Ngoài những gì đời lính đã cho và dạy, nó còn cho tôi cái vốn liếng đi biển. Cái vốn liếng ấy có được bởi sự tiếp nối nhau qua từng đơn vị, từng loại chiến hạm, chiến đĩnh như những mắt xích của định mệnh. Nó chính là cứu cánh đã biến đổi đời sống của tôi sau khi ra tù cộng sản. Cái vốn liếng ấy đủ giúp tôi thoát khỏi ‘thiên đường cộng sản’ bằng cuộc vượt biển thành công.

.
Tôi cũng rất tự hào với bộ quân phục hải quân. Ngày nay thỉnh thoảng tôi trân trọng mang ra mặc trong những ngày lễ hội lớn. Mặc lại bộ quân phục ngày xưa, tôi không hề thấy mặc cảm của người thua trận. Màu áo của mộng hải hồ! Tôi vẫn yêu thích mặc lấy nó vì tôi đã khôn lớn từ màu áo ấy. Nó đã cho tôi đủ thứ trong qúa khứ kể cả biết thế nào là bạo lực và xảo quyệt của người cộng sản. Chính nó đã biến đổi và mang đến cho tôi mọi sự tốt đẹp, hạnh phúc của ngày hôm nay. Mục đích cuối cùng của cuộc sống là sự thành đạt của con cái mà chúng có được như hôm nay phải chăng cũng từ bộ quân phục đó. Xin cho tôi trân trọng nói một lời cảm tạ quân chủng mẹ.

.
Nhưng cái khoảnh khắc đó cũng đã đưa tôi vào nhà tù của phe thắng cuộc. Sau 30/4/75, tôi cũng như hàng trăm ngàn người lính VNCH trở thành những người tù của lũ cộng nô. Những người lính chúng tôi chấp nhận số phận của người thua cuộc nhưng không khuất phục kẻ thù. Kẻ thắng cuộc càng hành hạ chúng tôi thì càng làm tăng thêm lòng căm thù giặc Cộng trong lòng mỗi chúng tôi. Những tên cai tù từ vệ binh cho đến cán bộ trại giam là những tên cán ngố ngu xuẩn, thất học và tàn ác. Bài học đầu tiên trong trại tù là bài “Lao động là vinh quang. Lao động làm biến dạng con người….” được tên chánh trị viên giảng bài như con vẹt nhưng chúng quên nhìn lại hình dạng của chúng không khác gì loài khỉ Trường Sơn so với người miền Nam văn minh và nhân bản.

.
Gọi chúng là bên “thắng cuộc” hay kẻ “thắng cuộc” hình như là không đúng vì chúng chỉ là một băng đảng ăn cướp đang có cơ hội tung hoành trên quê hương. Chúng như loại vi trùng nguy hiểm phá hoại, đục khóet thân thể của mẹ Việt Nam. Người lính VNCH ngày nay đang sống lại trong lòng dân tộc.
Bên cạnh Người lính VNCH kiên gan và bất khuất trong các trại tù cũng có những thằng tù bội phản đồng đội, làm tay sai cho kẻ thù. Tù nhân chúng tôi gọi chúng là an-ten (antenna). Thường bọn an-ten này được trại tù sử dụng công khai với danh xưng “trực tự viên”. Bọn trật tự viên này có nhiệm vụ rình rập, thu thập tin tức người tù để báo cáo lên ban chỉ huy trại. Thậm chí chúng có quyền đánh đập tù nhân. Tại trại giam Z30A (chợ Ông Đồn-Long Khánh) vào cuối năm 1982, tôi từng bị hai thằng trực tự viên có tên là Muôn và Lành lôi tôi về phòng riêng thay phiên đánh đá hội đồng trước khi chúng giải tôi lên bộ chỉ huy trại chỉ vì quà cáp không biếu chúng khi tôi được người nhà thăm nuôi. Vành cạnh sắt bén của chiến nhẫn đeo tay của tên Muôn còn để lại mí mắt phải của tôi một vết sẹo dài cho đến ngày nay.

.
Hồi tưởng lại sau 7 năm tù cộng sản, trở về gia đình với sức khoẻ tồi tệ bên trong cái thân thể gầy gò khô héo, tôi đã nhận một chuyến vượt biên với gần cả trăm thuyền nhân. Chiếc ghe vượt biên khởi hành từ vườn hoa Lạc Hồng, Mỹ Tho và ba lần chiếc ghe bé nhỏ thoát khỏi sự đuổi bắt của tàu tuần Việt Cộng trong sông và ngoài cửa biển Bình Đại. Chiếc ghe chưa ra xa khỏi bờ biển, sóng biển tuy không lớn lắm nhưng đã làm cho tất cả thuyền nhân nằm lăn ra như chết. Còn lại một mình tôi ôm tay lái ghe vượt chặng đường hải hành hai ngày ba đêm không một phút nghĩ ngơi, chợp mắt cho đến khi được chiếc tàu dầu của Hoa Kỳ vớt gần Indonesia. Phải chăng vì trách nhiệm với gần một trăm sinh mạng, trong đó có cả vợ và hai con nhỏ đã làm cho tôi có sức chịu đựng kỳ diệu đó?

.
Ở lại Việt Nam sau 30/4/1975 tôi đi tù gần 8 năm; qua nhiều trại tù khổ sai của Việt Cộng. Ra tù, tôi bôn ba trong giới vượt biên cho đến khi tôi gặp được HQ Thiếu tá Nguyễn Duy Khanh (K.12/NT) giới thiệu đến một tổ chức vượt biên. Chuyến ra đi thành công. Tôi quen biết anh Khanh ngay những ngày đầu khi còn là khóa sinh tạm trú tại trại Bạch Đằng II, lúc anh là tuỳ viên của Tư Lịnh HQ Trần Văn Chơn qua sự giới thiệu của ca sĩ Huyền Châu trong Ban Việt Nhi của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức và anh từng là Chỉ huy phó Hải Đội 5 Duyên Phòng. Anh đưa tôi xuống làm thuyền trưởng PCF -HQ.3909.
Anh Khanh là một đàn anh hải quân đáng kính. Ông và tôi gắn bó trong suốt thời gian quân ngũ, cũng như sau này khi cả hai ra tù cho đến khi cùng có mặt trên đất Mỹ. Gia đình chúng tôi xem ông là một ân nhân…

 NỖI BUỒN HAI CHỮ “TRƯỜNG SA”

Rời đại học Khoa Học Saigon, tôi gia nhập vào khóa 21 sĩ quan hải quân giữa tháng 9 năm 1969. Đầu đời thủy thủ là thời gian chúng tôi tạm trú tại Bạch Đằng II. Nơi đó đầy ấp kỷ niệm khó quên của những chàng trai trẻ xếp bút nghiêng theo tiếng gọi của Đại dương. Ngày đó chúng tôi, những tân khóa sinh trong bộ quân phục kaki vàng mới toanh (vài tuần sau đổi sang màu xanh tím), ca vang bài hát “Hải quân Hành khúc” mới của Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí (thay thế bài ca Chiến sĩ Hải quân của Văn Cao) và tập tành làm lính với những bước đi cơ bản thao diễn còn chưa quen. Tại đây, bài học đầu tiên làm lính là thi hành “quân lệnh” theo hệ thống tự chỉ huy.

.
Đơn vị đầu tiên của tôi ở tận hải đảo xa xôi có tên gọi là Hòn Khoai hay hải đảo Giáng Tiên (Duyên đoàn 41 Poulo Obi), ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ, gió biển bốn bề…Nhà thơ Giang Hữu Tuyên, người bạn cùng khóa đã có hai câu thơ bất hủ khi Tuyên cùng với tôi thuyên chuyển về ZĐ41 Poulo Obi thuộc Vùng 4 Duyên Hải vào cuối năm 1970:

“Obi gió lạnh không tình sưởi,
Rượu uống mềm môi vẫn thấy thèm”.

Rời Obi tôi được biệt phái vài tháng cho Tác Chiến Điện Tử của Hoa Kỳ có căn cứ đồn trú trong hậu cứ Duyên đoàn 44 Hà Tiên (Trưởng toán HQ Xung kích), công tác thám sát hệ thống sensors vùng biên giới Việt- Miên (Kinh Vĩnh Tế). Sau đó tiếp tục thuyên chuyển đến các đơn vị Duyên đoàn 42 (An Thới-Phú Quốc), Hải đội Duyên phòng (HĐZP) của Vùng 4 và 5 Duyên Hải. Cuối năm 1974, tôi bàn giao PCF- HQ 3909 đang tuần tiểu vùng biển Hòn Tre-Rạch Gía cho một sĩ quan thuyền trưởng khác để thuyên chuyển về BTL Hạm đội, tân đáo Tuần duyên hạm HQ-611 có tên Trường Sa.

.
Vận nước đến thời đen tối. Tôi thuyên chuyển về HQ-611 Trường Sa vào lúc miền Nam đang dần dần co cụm lại trước sự tấn công xâm lược của quân cộng sản Bắc Việt: Miền Nam mất dần từ Vùng I đến mất Vùng II…Phi trường Tân Sơn Nhất bị dội bom, Saigon giới nghiêm, Bộ Tư lịnh Hải quân Saigon từ cấm trại 100% đến báo động đỏ. Cho đến một ngày….

,
BTL Hạm đội chỉ định tôi thay thế hạm trưởng vắng mặt để chỉ huy Tuần duyên hạm HQ-611. Bấy giờ chiến hạm chúng tôi túc trực tại cầu A trước cổng BTL/HQ. Chiến hạm đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc di tản như nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm và danh sách thân nhân của thủy thủ đoàn được phép theo chiến hạm “Di tản ra Côn Sơn tránh Saigon bị pháo kích” (Mật lệnh của Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư lịnh Hạm Đội).
Sáng sớm ngày 8/4/1975 phi cơ F5-E do giặc lái Nguyễn Thành Trung (tên thật Đinh Khắc Chung) dội bom Dinh Độc Lập. Thượng sĩ TP Nguyễn Văn Chánh, quản nội trưởng của HQ-611 và tôi đang đứng uống cà phê sáng tại ban công bên hữu hạm của đài chỉ huy. Bỗng chúng tôi thấy chiếc phi cơ F5-E chúi xuống dội bom hướng Dinh Độc Lập rồi nó bay vút lên cao để lại cột khói đen từ phía dưới bốc lên cao. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra thì chiếc F5-E lại chúi xuống dội bom lần thứ hai, nó lại bay lên cao và đột nhiên nó hạ xuống thật thấp và lao thẳng về hướng HQ-611.
Trong chớp mắt chiếc F5 bay đến HQ.611. Tiếng gào thét của động cơ phản lực F5-E bay ngang qua đài chỉ huy HQ.611 làm rung rinh cần antenna và hai lổ tai của tôi như bị nổ tung, ù điếc. Tôi bàng hoàng, chưa kịp có phản ứng thì chiếc F5-E biến mất về hướng Thủ Thiêm trong chớp mắt. Tôi hốt hoảng ra lệnh nhiệm sở tác chiến đúng ngay lúc tiếng còi inh ỏi hỗn loạn báo động của Biệt khu Thủ đô và BTL/HQ . Sau khi F5-E bắn phá kho xăng Nhà Bè, nó bay lên thật cao hướng đông Bắc, các chiến hạm trên sông Saigon đồng loạt tác xạ đuổi theo phi cơ địch. Thân tàu HQ.611 cứ rung chuyển từng hồi do những trái đạn bofore 40 ly của ổ súng sân trước mũi bắn đi…cho đến khi BTL/HQ ra lệnh ngưng bắn. Biến cố xảy ra trong vài phút. Chiếc phi cơ dội bơm là loại phản lực F5-E của Không quân VNCH; lúc ấy tôi cứ tưởng là “đảo chánh” khi HQ Trung tá Phan Ngọc Xuân (Khóa 10/NT), Chỉ huy trưởng Tổng hành dinh của BTL/HQ ra khỏi cổng BTL dùng két-pi ra dấu cho tôi lên máy truyền tin: “Nam, ngưng bắn đi. Mày muốn đi tù hả”…

.

Chuyến công tác cuối cùng của HQ-611 vận chuyển một lô hàng từ Saigon ra Vũng Tàu chuyển cho Cơ xưởng hạm HQ.802 Vĩnh Long đang bỏ neo ngoài khơi. Ngoài xa có nhiều chiến hạm lớn nhỏ khác. Trưa hôm đó biển động mạnh, HQ-611 ngã nghiêng như trứng vịt, không thể nào cập vào HQ-802. Cho nên HQ.802 phải dùng cần cẩu bốc hàng. Sau đó HQ-611 quay về Saigon. Trên đường trở về bến chúng tôi thấy những chiếc tàu hàng khổng lồ trước kia chúng thường bỏ neo giữa dòng sông Saigon; trên những chiếc tàu hàng đang đi ngược chiều với HQ-611 ra biển có hàng ngàn người chen chúc từ mũi đến sau lái. Người dân trên những chiếc tàu hàng vẫy tay, vẫy nón chào “từ biệt” chúng tôi.

.
Vào một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi trên đài chỉ huy HQ-611 đang nằm tại Cầu A nhìn phía trước thấy chiếc sà lan gần bến đò Thủ Thiêm đang cố gắng tháo dây tách bến với hàng trăm người chen lấn trên sàn tàu. Từ trong bờ có rất đông người đang bơi ra sà lan, họ cố bám vào các trái độn, vào thành sà lan, trèo lên. Trên công viên, nhiều người đàn bà đang bán hàng rong, vội vã quăng gánh, bỏ thúng, hớt hãi chạy về hướng sà lan…Lâu lắm chiếc sà lan mới tháo được dây tách bến với dòng người còn đang cố sức bám víu thành tàu. Chiếc sà lan ì ạch ra được giữa dòng sông bỏ lại nhiều người đang cố bơi theo, bỏ lại những tiếng kêu la, hò hét cầu cứu muốn ra đi…Một thảm cảnh của tháng Tư Đen! Sau bảy năm tù cộng sản và tròn một năm sống dưới chế độ, tôi hiểu ra lúc ấy những ngày cuối tháng Tư tại sao người Saigon hốt hoảng, tháo chạy, bỏ nước ra đi như hình ảnh chiếc sà lan được kể ở trên; thì ra họ sợ Việt Cộng tiến vào Saigon. Họ sợ và không muốn sống chung với Cộng sản.

.
Chiều tối 26/4/1975 tôi tham dự buổi bàn giao Tư lịnh Hạm Đội giữa HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn và tân Tư lịnh Hạm đội HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê trên lầu hai của BTL/HQ. Buổi bàn giao diễn ra thật buồn bả trong tiếng kèn của nghi thức. Các hạm trưởng tham dự buổi lễ bàn giao với nét mặt đầy lo lắng trước lời chia tay của Đại tá Sơn thật cảm động và khó hiểu: “Những gì tôi làm sau này các anh em sẽ rõ!”…

.
Ngày 29/04/1975 quang cảnh của Saigon bổng nhốn nháo căng thẳng hẳn lên sau buổi chiều tối hôm qua Việt Cộng cướp 5 chiếc phi cơ A-37 do giặc lái VC Nguyễn Thành Trung hướng dẫn phi đội (Quyết Thắng) từ Phan Rang bay vào Saigon dội bom đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất, lửa khói bốc cháy đỏ rực một góc trời làm Saigon rung chuyển.
Buổi trưa 29/04/75 bầu trời ảm đạm, không chút nắng. Trên không, trực thăng vẫn liên tục bay về hướng Đông ra biển. Nhiều trực thăng có đàn bà, trẻ con chen chúc sau lưng những người lính ngồi thòng chân ra hai bên hông cửa. Nhiều trực thăng hạ thấp xuống bến tàu, cánh quạt trực thăng xoay bốc cát bụi mù mịt và sau đó không tìm được nơi đáp phải bay lên cao và bay đi. Ngoài đường đông đảo dòng người và xe cộ đủ loại hối hả chạy về hướng bến tàu. Công trường Mê Linh đông nghẹt người và xe…
Buổi chiều 29/4 trên bầu trời tiếng trực thăng vẫn còn tiếp nối bay ngang. Thỉnh thoảng có những tràn súng M16 nổ ở hướng nhà hàng Mỹ Cảnh càng làm cho Saigon nhốn nháo, rối loạn lên trong cơn mưa chiều lác đác rơi bốc mùi hơi đất. Trên đài chỉ huy chúng tôi nghe qua tần số truyền tin tiếng ồn ào, hối hả của những lời yêu cầu hạm trưởng dời tàu…Giặc về! Saigon đang chạy loạn…

.
Trở lại BTL/HQ Saigon, từ sáng sớm 29/04/1975 cổng Công trường Mê Linh và Cường Để, hai lối đi vào BTL/HQ đã đóng kín bằng những vòng kẽm gai, có quân cảnh hải quân bồng súng đứng gác (Nội bất xuất ngoại bất nhập). Sau khi nhận lệnh chiều tối di tản từ BTL/HQ tôi trở về tàu thì gặp HQ Trung úy Võ Trường Xuân, người bạn cùng khóa (cựu thuyền trưởng PCF HQ.3909) tại hạm kiều, từ Hải vận hạm LSM HQ-402 Lam Giang sang HQ-611 gặp tôi. Chúng tôi lập kế hoạch đưa thủy thủ đoàn HQ-402 sang HQ-611 cùng di tản vì HQ-402 bất khiển dụng. Trung úy Xuân là sĩ quan trực HQ-402 hôm đó. Hải quân cấm trại 100%, cho nên vào lúc 5 giờ chiều tôi phải ký hai sự vụ lệnh, một cho tôi và một cho Hạ sĩ CK Tô Nhật Hà để ra cổng Công trường Mê Linh. Trước khi rời tàu tôi không quên lấy khẩu colt 45 còn mới dắt vào bên hông phòng khi gặp bất trắc trên đường đi (Sau này tôi bất chấp lệnh giao nộp vũ khí của Việt Cộng và giữ nó tận đến khi vượt biên sau này mang theo). Rời tàu, tôi nhờ Hạ sĩ Hà lái xe đưa tôi về nhà tận Gia định để đưa gia đình xuống tàu…Tuy nhiên kế hoạch di tản của HQ-402 và HQ-611 không thành vì tôi gặp trở ngại trong gia đình khi đứa con gái đang bệnh nặng và người thân kẻ muốn đi, người không muốn nên tôi không kịp quay về tàu để có mặt tại điểm hẹn với Trung úy Xuân.

.
Qua bài viết “Đêm giang hành lịch sử” của Người Thủy thủ già tức niên trưởng Trần Hương (Khóa 9/NT), tôi được biết 7 giờ 30 tối ngày 29/04/1975 HQ Trung tá Trần Hương hộ tống Đô Đốc Tư Lịnh Hải quân Chung Tấn Cang, gia đình và đoàn tùy tùng xuống HQ-611 tại cầu A trước cổng BTL/HQ để ra biển. Nhưng không may HQ-611 không có hạm trưởng vì tôi không có mặt dưới tàu, nên ĐĐ Tư lịnh và đoàn tùy tùng chuyển sang chiếc tuần duyên hạm khác mang số hiệu HQ-601 Tiên Mới của Hạm trưởng Trần Minh Chánh (con trai trưởng của Cố Đô Đốc TL Trần Văn Chơn, cũng là SQHQĐB, anh K.1 và tôi K.2). Hạm trưởng Trần Minh Chánh đưa ĐĐ Tư Lịnh Cang và nhiều sĩ quan cao cấp của hải quân lên HQ-3 ngoài khơi Vũng Tàu. Sau đó HQ-601 quay trở về Saigon. Theo một bài viết trên website tài liệu hải quân của niên trưởng Trần Đỗ Cẩm (Khóa 11/NT) PGM HQ-601 được mệnh danh là “SOÁI HẠM NHỎ NHẤT” trong đêm Hải quân VNCH di tản.

.
HQ-601 rời cầu A không bao lâu thì có nhiều quân nhân của các quân binh chủng khác tràn xuống HQ-611 tại cầu A. Họ có súng và đã dùng vũ lực cưỡng ép HQ-611 rời bến. Trên đường ra Vũng Tàu, HQ-611 bị vô nước và chìm. Đó là lời kể lại của anh em thủy thủ đoàn HQ-611 khi họ tập hợp tại nhà tôi vào sáng sớm 30/04/1975 để báo tin. Vào 10 giờ 30 sáng 30/04/1975 TT. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Chúng tôi tuyệt vọng, nghẹn ngào và uất hận. Nhìn anh em thủy thủ HQ-611 rời nhà tôi trong dáng thiểu não buồu hiu, mệt mỏi, áo quần ướt nhem xốc xếch, có anh mất cả giày vớ đi chân không sau một đêm vật lộn với con tàu vô nước đã làm cho lòng tôi quặn đau như cắt.

.
Sáng 30/4/1975, BTL/HQ vắng tanh, từ cổng BTL/HQ qua đến bên kia đường sách báo, áo quần, đồ đạt, xe cộ vứt ngổn ngang như đống rác khổng lồ. Tôi đứng tần ngần tại Cầu A, nơi hạm kiều của HQ.611 hôm qua với nổi buồn của người lính thủy mất tàu, mất đồng đội và mất tất cả.

.
Tôi còn đang đứng tần ngần trên bến tàu vắng tanh; bỗng có tiếng gọi tên tôi từ một PGM đang chầm chậm cập Cầu A. Tôi bắt dây cho chiến hạm. HQ.Trung úy Trần Văn Báu (K.7/OCS), người bạn cùng Khóa 21, cùng đại đội lúc ở Quang Trung (ĐĐ.18C) và cũng cùng thời là cựu thuyền trưởng của Hải đội 5 Duyên phòng, từ đài chỉ huy Báu chạy xuống sân sau chiến hạm hỏi lớn bằng giọng Bắc kỳ quen thuộc thuở nào:
– Ê! Nam, mày đi không? Lên đi với tao.
Tôi trèo lên chiến hạm gặp Báu để giải bày lý do không thể đi với Báu vì không nỡ để lại vợ và hai con nhỏ. Giã từ Báu, tôi trèo xuống và tháo dây cho chiếc hạm của Báu tách bến. Chiến hạm lặng lẽ ra giữa dòng sông và dần dần đi xa. Lá Quốc kỳ VNCH sau lái tàu thỉnh thoảng rung nhẹ như nghẹn ngào giã biệt Saigon thân yêu. Đó là chiếc hạm cuối cùng tôi còn thấy vào sáng 30/04/75 do trung úy Báu chỉ huy ra đi.

.
Thế là hết! Mộng hải hồ tan tành. Đời binh nghiệp của tôi bỗng chốc biến mất cùng với chiến hạm mang tên Trường Sa (Hồi ký “Số phận của Tuần duyên hạm HQ-611 Trường Sa trong đêm di tản” của cùng người viết).
Cứ mỗi năm vào tháng Tư Đen là mỗi lần chiến hạm HQ.611 theo hồi ức kéo về là mỗi lần tôi nghĩ đến số phận anh em thủy thủ đoàn của HQ-611; họ phải sống ra sao dưới chế độ bạo tàn Việt Cộng?

.
Trường Sa! Hai chữ Trường Sa tên của Tuần duyên hạm HQ-611 còn mãi vấn vương ray rứt. Nhớ chiến hạm và thương lắm anh em thủy thủ đoàn, những người lính thủy trung kiên với quân chủng và thượng tôn kỷ luật đến tận giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

.
Phạm Quốc Nam
www.hqvnch.com

Các cựu Thuyền trưởng Hải Đội Duyên Phòng