QUỐC KHÁNH ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 1967

Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam (1967-1975) là chính thể dân sự của Việt Nam Cộng hòa thành lập trên cơ sở của bản Hiến pháp tháng 4 năm 1967 và cuộc bầu cử tháng 9 năm 1967. Ngày 1 tháng 11 năm 1967 được xem là ngày chính thức thành lập nền Đệ Nhị Cộng hòa.

 Đệ Nhị Cộng Hòa 1-11-1964

.
.
Biên dịch: Tuong Vu

Sau nền Đệ Nhất Cộng Hòa ,bốn năm tiếp theo (1963-67) là giai đoạn giao thời. Trong thời kỳ này, chính quyền miền Nam do các sĩ quan quân đội lãnh đạo với sự cộng tác của viên chức dân sự. Lúc này ngọn lửa chiến tranh đã lan rộng với lực lượng quân đội của Mỹ và miền Bắc đổ vào miền Nam ngày càng nhiều. Cho đến năm 1966, chính trị trong nước rơi vào tình trạng bất ổn và chính quyền thay đổi liên tục. Sự hỗn loạn này là do quan hệ thay đổi giữa các sĩ quan quân đội, do các hoạt động chính trị của nhóm tu sĩ Phật giáo đã gây ra sự sụp đổ của nền Đệ nhất cộng hòa, và do cố gắng của các tổ chức tôn giáo hay chính trị khác thúc đẩy hay chống lại thay đổi.

Vào năm 1967, một bản Hiến pháp mới được thông qua và thi hành, dẫn đến sự ra đời của nền Đệ nhị cộng hòa (1967-75). Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chế độ miền Nam đạt được sự ổn định chính trị và ngày càng đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong cuộc chiến khi quân đội Mỹ rút lui dần dần và hoàn toàn vào năm 1973. Trong những năm này, thường dân, nhà giáo, nhà báo, chính khách, thương nhân, viên chức, luật sư, thẩm phán, tướng lãnh quân đội, và nhà ngoại giao, đều có đóng góp vào việc xây dựng một chính phủ hiến định dựa trên chế độ bầu cử tương đối cởi mở với các cơ quan hành pháp, lập pháp, và tư pháp riêng biệt. Trong một đất nước vừa được độc lập không lâu, trải qua một quá trình giải thực khó khăn, không có truyền thống dân chủ hay lập hiến, lại bị một nước lân cận quyết tâm phá hoại, và với một đồng minh đang tìm cách rút lui, thử nghiệm dân chủ dưới nền Đệ nhị cộng hòa vẫn diễn ra và đạt được nhiều thành công.

Hầu như tất cả các tác giả viết về những năm cuối của cuộc chiến đều lờ đi thành tích đạt được của nền Đệ nhị cộng hòa. Những thành tích đó làm cho người Mỹ xấu hổ vì một trong những lập luận chính của những người có lập trường chống chiến tranh Việt Nam là chính phủ Sài gòn là một chế độ độc tài không thể thay đổi được, không xứng đáng nhận sự giúp đỡ của Mỹ, và dù thế nào chăng nữa cũng phải thất bại. Lập trường phản chiến này đã giành được địa vị độc tôn trong giới học giả và phân tích chính trị ở Mỹ. Lập luận nêu trên giúp cho người Mỹ bớt dằn vặt về đạo đức vì nước Mỹ đã bỏ rơi một đồng minh trong cơn hoạn nạn. Nhưng thực ra lập luận đó phản ánh nỗi thất vọng của người Mỹ nhiều hơn là thực tế những gì đang xảy ra do người Việt cảm nhận. Những hồi ức trong tập sách này phản ánh những ước vọng và nỗ lực của những người quan tâm nhiệt thành đến tương lai của nền Đệ nhị cộng hòa.

Nền Đệ nhị cộng hòa đạt được ít nhất bốn thành tựu chínhThứ nhất, về mặt quân sự, Quân lực VNCH nhận trách nhiệm chiến đấu từ người Mỹ. Mặc dù biến cố Tết Mậu thân năm 1968 làm cho dư luận Mỹ chuyển sang phản đối chiến tranh Việt Nam, dư luận ở miền Nam Việt Nam thay đổi theo chiều ngược lại. Tổn thất của phe Cộng sản giúp chính phủ giành lại quyền kiểm soát phần lớn vùng thôn quê và thực thi những chính sách hợp lòng dân quê. Thêm nữa, việc người Cộng sản đem cuộc chiến vào giữa các đô thị gây căm phẫn cho dân cư thành thị. Rất nhiều người giờ đây hiểu rằng họ có một thứ cần phải chiến đấu để gìn giữ: đó chính là nền Đệ nhị cộng hòa. Với sự rút lui của quân đội Mỹ sau Tết Mậu thân, người Việt ngày càng nhận thêm trách nhiệm bảo vệ đất nước họ.

Trong hai năm 1970 và 1971, Quân lực VNCH tham chiến với quân đội Mỹ hay với sự trợ giúp hỏa lực của Mỹ đã tiến hành những chiến dịch lớn ở Lào và Cam Bốt với mục đích làm giảm bớt khả năng của quân đội Bắc Việt dùng lãnh thổ của hai nước láng giềng tấn công vào miền Nam Việt Nam. Những chiến dịch này gây nhiều tổn thất và tranh cãi, nhưng cũng giúp cho Quân lực VNCH thêm khả năng và kinh nghiệm, và phần nào đặt quân đội Bắc Việt vào thế bị động. Trong cuộc tổng tấn công trên ba mặt trận vào mùa xuân 1972 của Cộng sản, khi hầu như tất cả quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, Quân lực VNCH đã đẩy lùi Cộng quân với sự trợ giúp của không quân Mỹ. Tuy nhiên ba năm sau đó, thiếu sự ủng hộ vật chất và tinh thần của đồng minh, nền Đệ nhị cộng hòa đã bị đánh bại.

Thành tựu thứ hai của nền Đệ nhị cộng hòa là ở lĩnh vực phát triển nông thôn. Sau Tết Mậu thân, tình hình an ninh ở thôn quê được đảm bảo cho việc thực thi một chương trình cải cách ruộng đất làm thay đổi nền kinh tế, xã hội, và chính trị ở phần lớn khu vực nông thôn. Mặc dù không được phần lớn giới quan sát ngoại quốc quan tâm, chính sách này tạo ra một mối quan hệ bình đẳng hơn giữa thành thị và thôn quê cũng như bồi đắp tiềm lực của khu vực nông thôn để làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế trong tương lai. Chương trình cải cách ruộng đất được thực thi một cách hòa bình và được sự ủng hộ của dân chúng, hoàn toàn khác với các cuộc cải cách ruộng đất tàn bạo ở Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Đây là một lý do nữa mà người miền Nam phải chiến đấu chống lại miền Bắc.

Thứ ba, những thành tựu quan trọng về sản xuất và phân phối lúa gạo, về quản lý thị trường, về tìm kiếm dầu hỏa, và về chính sách tài chính đưa miền Nam Việt Nam gần hơn với mục tiêu độc lập kinh tế khi viện trợ Mỹ chấm dứt. Một thế hệ lãnh đạo mới đã hình thành, trong đó nhiều người có tinh thần dân tộc cao và tốt nghiệp từ các trường đại học của Mỹ. Những người này đem chí hướng cải cách cũng như thái độ tích cực và thực tế vào một nền hành chánh vốn chịu nhiều ảnh hưởng của quá khứ thực dân quan liêu. Trong hoàn cảnh phải đối đầu với những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí đến mức tuyệt vọng, trong hoàn cảnh nguồn lực suy yếu vì đồng minh Mỹ cắt giảm viện trợ, chính phủ Đệ nhị cộng hòa cho thấy có khả năng đưa ra những quyết định táo bạo.

Thứ tư, nhiều tiến bộ phải được ghi nhận về việc xây dựng một chính phủ hợp hiến gồm có lưỡng viện Quốc Hội, thể chế bầu cử đa đảng, và một hệ thống tư pháp độc lập giúp củng cố quy trình pháp luật để bảo vệ tự do cá nhân và những nguyên tắc chính trị dân chủ. Nhiều người Mỹ chê bai những tiến bộ trong lãnh vực này của chính phủ Đệ nhị cộng hòa bằng cách so sánh chúng với những thể chế ở Mỹ đã có hơn 200 năm phát triển. Nhưng nếu so sánh với những gì Việt Nam trải qua dưới thời thực dân và trong chiến tranh, chúng ta sẽ nhận thấy rất nhiều tiến bộ trong thời kỳ Đệ nhị cộng hòa.

Những thành tựu trên không có nghĩa là Đệ nhị cộng hòa không có khuyết điểm gì. Nhiều quốc gia hậu thuộc địa, kể cả hai nhà nước ở hai miền của Việt Nam, đều phải lệ thuộc rất lớn vào ngoại viện. Ngược lại với Bắc Việt, khuyết điểm lớn nhất của Đệ nhị cộng hòa là việc nó lệ thuộc vào một đồng minh không “chung thủy” [nguyên văn: “unreliable”]. Các chính khách của miền Nam có xu hướng coi quan hệ đồng minh với Mỹ là mặc nhiên và không tìm cách để bảo vệ mối quan hệ hay thay thế nó khi nó không còn nữa.

Đệ nhị cộng hòa thất bại trên mặt trận tuyên truyền ở Mỹ vì người ta gán cho nó những khuyết điểm của nền Đệ nhất cộng hòa và của giai đoạn giao thời. Dĩ nhiên những cặp mắt phê phán luôn có thể tìm thấy khuyết điểm ở bất cứ quốc gia nào, đặc biệt trong trường hợp một quốc gia trẻ đang cố gắng để tồn tại dù phải đương đầu với một kẻ thù ghê gớm. Nhưng những người Mỹ phê phán Đệ nhị cộng hòa lại có thái độ kẻ cả của một nước lớn. Họ đi xa đến mức chối bỏ tính chính danh của chế độ Đệ nhị cộng hòa như một nhà nước có chủ quyền. Chính phủ Mỹ cũng phạm sai lầm tương tự. Hiệp định Paris do Washington ký kết với Hà Nội đã vi phạm hiến pháp và chủ quyền của Đệ nhị cộng hòa.

Năm 1954, Pháp thay mặt cho những người Việt quốc gia đàm phán ở Geneva nhưng thực ra là làm hại họ. Chính phủ Mỹ cũng làm thế đối với Hiệp định Paris năm 1973. Ngô Đình Diệm coi Hiệp định Geneva là hành động của Pháp qua mặt chính phủ của ông ta để đàm phán với kẻ thù. Nguyễn Văn Thiệu cũng có suy nghĩ tương tự với Hiệp định Paris giữa Mỹ và Bắc Việt. Cả hai thỏa ước chứa đựng những điều khoản có thể hay thực tế đã gây khó khăn cho những người Việt quốc gia.

Một lý do gây tranh cãi về Hiệp định Geneva là việc người Pháp thừa nhận Cộng sản Việt Nam là đại diện cho một nhà nước có chủ quyền, trong khi đó họ lại không phê chuẩn một thỏa ước trao trả độc lập cho chính quyền của phe quốc gia Việt Nam do Bảo Đại lãnh đạo. Mưu đồ của người Pháp muốn giữ lại chủ quyền ở miền Nam là để nắm quyền xử lý tình hình ở Sài gòn cho đến khi “bầu cử” thống nhất được tổ chức hai năm sau theo Hiệp định.

Nhưng Ngô Đình Diệm không cho phép người Pháp tiếp tục khuynh đảo tương lai của Việt Nam. Ông ta tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm 1955 để truất phế Bảo Đại và tạo điều kiện cho nền Đệ nhất cộng hòa ra đời. Biến cố này có thể được xem là bản tuyên ngôn độc lập của người Việt quốc gia. Họ làm được việc này nhờ tìm được người Mỹ làm đồng minh. Tuy nhiên, khi người Mỹ thỏa thuận với Cộng sản để rút lui khỏi Việt Nam năm 1973, người Việt quốc gia không còn chỗ dựa nào khác.

Có lẽ chẳng có cách nào để VNCH khắc phục được khuyết điểm căn bản là thiếu một đồng minh đáng tin cậy trong khi đồng minh của Bắc Việt không bỏ cuộc cho đến phút cuối. Có lẽ chẳng có cách nào giúp chế độ Đệ nhị cộng hòa khắc phục được việc bị dư luận Mỹ đánh đồng với những thất bại của Đệ nhất cộng hòa và giai đoạn giao thời. Nhưng cũng có thể lập luận như một vài tác giả trong tập sách này rằng Đệ nhị cộng hòa lẽ ra nên tích cực chủ động hơn trong việc tác động đến dư luận Mỹ để chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam lâu hơn và nhiều hơn—dù rằng việc này rất khó trong điều kiện dân chúng Mỹ phải bận tâm đến những rối loạn chính trị xã hội ở nước họ.

Không thể phủ nhận rằng Đệ nhị cộng hòa phải đương đầu với những thách đố nghiêm trọng. Phần lớn nếu không phải tất cả những thách đố đó đều có liên quan đến việc giảm dần tiến tới mất hẳn nguồn ngoại viện nhưng vẫn phải mạnh lên để kháng cự quân đội miền Bắc vẫn tiếp tục được đồng minh của họ trợ giúp. Bài viết của Trần Quang Minh và Nguyễn Đức Cườngtrong tập sách này mô tả những cố gắng tái cấu trúc kinh tế và kế hoạch tự lực cánh sinh. Hồ Văn Kỳ-Thoại kể lại trận đánh giữa VNCH và Trung Cộng ở Hoàng Sa năm 1974. Khi đó, tàu của Hải quân Mỹ quan sát từ xa nhưng không can thiệp và thậm chí không cứu vớt những người lính thủy Việt Nam bị chìm tàu trong cuộc hỗn chiến. Qua cử chỉ này của quân đội Mỹ, chính phủ Sài gòn đáng lẽ phải biết rằng không thể tiếp tục trông vào sự giúp đỡ của Mỹ khi cần thiết nữa. Việc Sài gòn vẫn tiếp tục mong được Mỹ giúp đỡ có lẽ là thất bại lớn nhất của Đệ nhị cộng hòa—tuy nhiên cũng phải nói là khó tìm được một đồng minh khác có thể thay thế Hoa Kỳ.

Không khó để chỉ trích những quyết định chiến thuật và chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu trong mùa xuân 1975, nhưng không phải dễ để chỉ ra một lối thoát. Từ khi quân đội Mỹ triệt thoái năm 1973, viện trợ Mỹ cho Đệ nhị cộng hòa giảm bớt rất nhanh. Trong khi đó, địch quân được Hiệp định Paris cho phép ở lại miền Nam và tiếp tục được củng cố, huấn luyện và tái trang bị cho các chiến dịch kế tiếp.

Ai đó có thể lập luận rằng cam kết thực thi một nền dân chủ hợp hiến của Đệ nhị cộng hòa là một nhược điểm so với chế độ Cộng sản độc tài toàn trị ở miền Bắc. Chế độ này huy động tất cả dân chúng vào cuộc chiến và không cho phép ai có ý kiến khác. Đúng là việc động viên toàn bộ dân chúng kiểu miền Bắc khó có thể thực hiện được trong chế độ đa nguyên chính trị của Đệ nhị cộng hòa với một nền báo chí và cơ chế bầu cử tương đối tự do cho phép có dân biểu đối lập trong Quốc Hội, cộng thêm một nền tư pháp tương đối độc lập. Nhưng đây lại chính là ý nghĩa của cuộc chiến tranh, là lý do người miền Nam phải chiến đấu để gìn giữ. Nếu Đệ nhị cộng hòa cũng bắt chước chế độ toàn trị ở miền Bắc thì không còn lý do nào để chiến tranh tiếp diễn.

Những bài viết trong tập sách này đầu tiên được trình bày tại một hội thảo ở Đại học Cornell vào tháng 6 năm 2012. Các tác giả đại diện cho nhiều quan điểm và có những kinh nghiệm khác nhau dưới thời Đệ nhị cộng hòa, nhưng đều có ước vọng và công sức đóng góp vào xây dựng nền dân chủ hợp hiến trong thời chiến. Công cuộc xây dựng một nền dân chủ vững mạnh và thực thi những cải cách để đạt được mục đích đó đã nhận được nỗ lực và niềm tin của nhiều người Việt, dù phải tiến hành trong điều kiện chiến tranh khắc nghiệt và chịu dư luận búa rìu của một đồng minh lúc đầu thì dẫm đạp lên quyền lợi quốc gia của Việt Nam nhưng sau đó lại bỏ rơi nó. Tôi biết ơn lòng can đảm của những tác giả. Sau nhiều thập kỷ Đệ nhị cộng hòa bị người Mỹ coi thường, họ vẫn giữ được tiếng nói, và giờ đây viết lại kinh nghiệm của họ với sự trung thực.

.

Nguồn: K. W. Taylor, “Introduction: Voices from the South”, in K. W. Taylor (ed), Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975) (Ithaca: Cornell Southeast Asia Program Publications, 2014), pp. 1-8.

…………………………………………………………………………………………………….

KỶ NIỆM QUỐC KHÁNH 26 THÁNG 10 NĂM 1956